Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 15/07/2013, 15:38 PM

Phật pháp với Thiền tông (Thiền sư Thích Duy Lực giảng)

Chữ Thiền là gì? Theo nghĩa thông thường phàm luyện tập cho tâm trí được thanh tịnh đều gọi là Thiền, nhưng Thiền tông lại khác hẳn với tất cả Thiền khác, duy nhất thực hành theo pháp Thiền trực tiếp do Phật Thích Ca đích thân truyền dạy, chuyên chú trọng thực hành không cần lý luận…

Chữ Phật là tiếng Phạn gọi là Phật Đà dịch nghĩa là Giác Ngộ. Chữ Pháp là bao gồm tất cả hiện tượng vũ trụ, không gian, thời gian và số lượng, từ tất cả những điều con người đã hiểu biết được cho đến tất cả những điều con người chưa thể tìm hiểu được, “hoặc có hoặc không, hoặc chẳng có chẳng không, hoặc cũng có cũng không”, đều gọi là Pháp. Nghĩa là bất cứ sự vật gì do loài người biết được đều bao gồm trong chữ Pháp nên cũng gọi là Pháp Giới

Nói giác ngộ là giác ngộ cái gì ? Là giác ngộ tự tâm của chính mình. Tự Tâm cũng gọi là Tự Tánh cho nên người giác ngộ gọi là KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT cũng gọi là MINH TÂM KIẾN TÁNH.

Vậy Tự Tánh là gì? Bản thể của Tự Tánh cùng khắp không gian, thời gian siêu việt số lượng, chỗ bộ óc suy lường chẳng thể đến, nên dùng văn tự lời nói chẳng thể diễn tả, chỉ có thể tự tu tự chứng, để nó tự hiện ra mà thôi  (Phật Thích Ca có đích thân truyền pháp Thiền trực tiếp, theo đó tu hành sẽ đưa mình đến chỗ minh tâm kiến tánh).

Mặc dù nói bộ óc chẳng thể suy lường, nhưng tập khí lâu đời của con người thì hay dùng bộ óc đi nghiên cứu, tìm hiểu tất cả hiện tượng thế giới và những điều loài người chưa biết được. nếu cứ theo tập khí của con người đi tìm hiểu mãi thì vĩnh viễn không thể giác ngộ Tự Tánh nên Phật Thích Ca phải dùng nhiều phương tiện khéo léo để chấm dứt cái tánh ham tìm hiểu và chấp thật của con người, khai thác một con đường bằng phẳng cho con người tự đi đến kiến tánh.

Con đường bằng phẳng của Phật Thích Ca khai thác ra và quét sạch tất cả tư tưởng chấp thật của loài người, cũng như chấp có là thật có, chấp không là thật không, chấp chơn là thật chơn, chấp giả là thật giả, cho đến chấp chúng sanh là thật có hoặc thật không, chấp Phật là thật có hoặc thật không, đều thuộc về tư tưởng chấp thật cả. Nói tóm lại những kinh đại thừa liễu nghĩa của Phật đều dùng để phá chấp trước của con người để khai thác con đường bằng phẳng mà thôi.

Tôi nói như vậy thì người ta sẽ hỏi :”Nhà khoa học dùng bộ óc để nghiên cứu suy lường và thực nghiệm, phát minh ra đủ thứ máy móc để giúp cho cuộc sống con người được phong phú hơn, cho đến sự tìm hiểu tiến sâu vào thái không, vũ trụ bao la, đều nhờ tư tưởng chấp thật, nên quét sạch tư tưởng chấp thật thì chẳng phải là muốn làm cho đời sống văn minh của loài người lui sụt hay sao?”.

Kỳ thật Phật Thích Ca khai thác con đường bằng phẳng mục đích là muốn đưa con người từ quốc độ tương đối sang quốc độ tuyệt đối. Nếu vào được quốc độ tuyệt đối rồi thì tất cả tư tưởng chấp thật trườc kia cho đến mọi đối tượng trong vũ trụ pháp giới đều tự biến thành tuyệt đối. Lúc ấy cuộc sống của con người chẳng những được phong phú đầy đủ lại còn được chấm dứt tất cả khổ não do sự mâu thuẫn của tương đối sanh khởi.

Ví như phát minh xe hơi để giúp cho sự giao thông được tiện lợi nhưng xe hơi nhiều quá lại làm cho giao thông chướng ngại và tai nạn xe hơi ngày càng gia tăng. Khoa học phát minh nhiều thứ thuốc mới để chữa bệnh được mau lành  nhưng những  bệnh  tật mới, vi trùng mới lại tăng thêm nhanh hơn sự tiến bộ của thuốc men. Tại sao vậy? Vì thức ăn thiên nhiên đã không còn, hàng ngày con người đều ăn những thứ thức ăn có liên hệ với thuốc hóa học, từ rau cải trái cây cho đến gia súc đều dùng thuốc kích thích cho chúng sinh tăng trưởng mau lẹ. Con người ăn những thứ thức ăn đó lại thêm sự tranh dành hưởng thụ vật chất cho cuộc sống làm cho thần kinh quá căng thẳng, cho nên phải sinh ra đủ thứ bệnh tật mới và vi trùng mới.

Máy điện toán thay thế cho bộ óc của người và đủ thứ máy móc để thay thế tay chân của con người, sự làm việc của bộ óc và tay chân sẽ giảm bớt dần dần, con người cho là hạnh phúc, rốt cuộc sẽ đưa con người đến chỗ lười biếng và không biết làm việc gì cả …

Những đều kể trên đều do sự lợi và hại tương đối mà đưa đến kết quả như thế. Nếu con người cứ tiếp tục sống trong quốc độ tương đối mãi thì đến một ngày kia, khoa học sẽ phát minh một vũ khí lợi hại hơn bom nguyên tử gấp muôn triệu lần là cho quả đất huỷ diệt và không còn sinh vật nào tồn tại nữa.

Phật Thích Ca vì đã biết sự khoa học văn minh ngày càng phát triển không đem cho con người được hạnh phúc hơn, trái lại làm cho con người  tăng gia nhiều khổ não chẳng thể tưởng tượng. cũng như con người đua nhau tranh giành sự hưởng  thụ vật chất cho đầy đủ thì ngã chấp phải tăng cường, rồi đi đến giết hại lẫn nhau, từ trong gia đình anh chị em tranh giành với nhau, gia đình này với gia đình kia tranh giành với nhau, đoàn thể này với đoàn thể kia, chủng tộc này với chủng tộc kia, nước này với nước kia, từ chửi mắng đánh lộn đến xung đột đổ máu, cho đến chiến tranh thế giới làm cho con người, không kể ai, sớm muộn gì cũng phải tiếp tục hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp gánh chịu lấy cái vận mạng bi thảm như đã từng gánh chịu trong hai trận thế chiến của thế kỷ này.

Phật Thích Ca có bổn phận giải quyết tất cả đau khổ của chúng sinh, cho mọi người đạt đến tự do tự tại chân thật nên mới có sự thuyết pháp để chuyển hoá tư tưởng của con người và truyền dạy pháp Thiền trực tiếp (hay gọi là Tổ sư thiền). Nếu người nào chịu theo đó tu tập sẽ được tự đưa mình từ quốc độ tương đối đầy khổ não tiến vào quốc độ tuyệt đối để hưởng cuộc sống phong phú đầy đủ và tự do tự tại.

Chữ Thiền là gì? Theo nghĩa thông thường phàm luyện tập cho tâm trí được thanh tịnh đều gọi là Thiền, nhưng Thiền tông lại khác hẳn với tất cả Thiền khác, duy nhất thực hành theo pháp Thiền trực tiếp do Phật Thích Ca đích thân truyền dạy, chuyên chú trọng thực hành không cần lý luận, gọi là giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật. Nói chung chỉ là “từ NGHI đến NGỘ”. Chữ NGHI này Thiền Tông gọi là NGHI TÌNH. Cơ bản thực hành của Thiền Tông có hai yếu tố, một là “tin TỰ TÂM”, hai là phát NGHI TÌNH”.

1. THẾ NÀO LÀ TIN TỰ TÂM?

Phải tin bản thể và tác dụng của tự tâm mình cùng khắp không gian và thời gian, sẵn đủ tất cả năng lực, không thiếu sót một cái gì. Phật vì muốn tăng cường lòng tin tự tâm của mọi người, nên dùng đủ thứ phương tiện khéo léo, lấy sự vật trước mắt để chứng tỏ Thể Dụng của tự tâm con người vốn cùng khắp không gian và thời gian như sau:

Theo trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dùng cách vấn đáp để dẫn chứng cái năng thấy của con người cùng khắp không gian và thời gian. Cái năng thấy ấy gọi là kiến tinh, Phật hỏi A Nan: Ngươi có con mắt mới thấy được ta. Ta có bàn tay mới làm nên nắm tay. Hai việc này có giống nhau chăng?

A Nan đáp : – Giống nhau
Phật nói : – Không giống.
A Nan hỏi : – Tại sao vậy?

Phật nói : – Nếu ta không có bàn tay, thì cái năng làm đã mất nên không thể làm ra nắm tay. Còn người không có con mắt, vẫn còn có cái năng thấy, như ngươi hỏi thử người mù trước mắt có thấy gì chăng, thì người mù sẽ đáp rằng thấy đen tối.

A Nan nói : – Thấy đen tối làm sao được gọi là thấy ?Phật vì muốn chứng tỏ sự thấy đen tối cũng là do cái tánh năng thấy nên ví dụ thêm cho A Nan được rõ.

Phật hỏi : – Như người có con mắt ở trong phòng đen tối cũng thấy trước mắt đen tối so với cái thấy đen tối ấy có khác chăng?

A Nan đáp : – Không có khác.

Phật nói : – Vậy người mù bỗng được sáng mắt liền thấy rõ sắc tướng trước mắt phải  là mắt thấy chăng?

A Nan đáp : – Phải.

Phật nói : – Vậy người có mắt ở trong phòng đen tối bỗng đốt lên cây đèn sáng cũng liền thấy sắc tướng trước mắt phải là cây đèn thấy chăng?

A Nan không thể trả lời.

Phật bảo A Nan : – Cây đèn có tác dụng hiển hiện sắc tướng, sự thấy là kiến tinh, chẳng phải là con mắt. Vậy con mắt với cây đèn tác dụng giống nhau, đều chẳng phải là năng thấy, cho nên người không có mắt vẫn có kiến tinh để thấy đen tối. Sự thấy đen tối chỉ là sự thiếu ánh sáng thôi, cũng như người có mắt mà thiếu ánh sáng cũng phải thấy đen tối vậy.

Phật lại hỏi : – Nay ngươi thấy ta, ta là sở thấy của ngươi, còn cái kiến tinh năng thấy của ngươi ở đâu ? Ngươi hãy dùng ngón tay chỉ ra từ mặt trời, mặt trăng, cho đến núi sông, đất đai, cây cối, nhà cửa cái nào là kiến tinh của ngươi?

A Nan nói : – Từ mặt trời, mặt trăng, cho đến núi sông, đất đai, cây cối, nhà cửa, tất cả đều gọi là vật chẳng phải Kiến Tinh.

Phật nói : – Vậy tất cả vật không thể kiến tinh để cho người chỉ thì người được phát minh tất cả vật đều không có Kiến Tinh phải chăng?

A Nan đáp : – Cũng không phải như vậy. Tại sao ? Nếu nói hư không là Kiến Tinh thì không nên gọi là hư không. Nếu hư không không có Kiến Tinh thì làm sao thấy được hư không. nếu nói cây cối là Kiến Tinh thì không nên gọi là cây cối. Nếu cây cối không có Kiến Tinh thì làm sao thấy được cây cối.

Như thế không có chỗ để chỉ ra Kiến Tinh và tất nhiên không có lúc để chỉ được, thì chứng tỏ Kiến Tinh đã cùng khắp không gian và thời gian, nên không có chỗ nào và không có lúc nào có thể chỉ ra được.

Đoạn này là Phật Thích Ca dùng những sự vật trước mắt để chứng tỏ cái năng thấy của con người vốn cùng khắp không gian và thời gian, nên phải tin chắc rằng bản thể và tác dụng của tự tâm mình vốn là như thế.

Tại sao phải quét sạch tư tưởng chấp thật của bộ óc?

Vì cái biết của bộ óc có giới hạn và không đúng với thực tế, cũng như biết chỗ này không biết chỗ kia, có lúc biết có lúc không biết, còn cái biết của tự tâm (Phật tánh) gọi là Chánh biến tri, bản thể và tác dụng cùng khắp không gian và thời gian không có chỗ nào lúc nào thiếu sót. Vì không gian thời gian mênh mông trống rỗng, cái biết cùng khắp đó rất khó diễn tả cho người lãnh hội được, nay tôi dùng cái biết cùng khắp cơ thể để diễn tả cho người ta dễ hiểu hơn.

Nếu cái biết cùng khắp cơ thể thì không có chỗ búng.

Tại sao? Nếu có chỗ búng thì búng tay tay biết, búng đầu đầu biết, những chỗ không búng thì không biết, vậy làm sao nói cùng khắp cơ thể được?

Ấy là nói về  cùng khắp không gian, còn nếu cùng khắp thời gian thì không có lúc búng. tại sao ? Vì lúc búng mới biết, lúc không búng thì không biết, vậy làm sao nói cùng khắp thời gian được ? Kỳ thật cái thần kinh cảm giác của lớp da cùng khắp cơ thể và luôn luôn như thế, chẳng có chỗ nào lúc nào không có cảm giác, trừ ra kẻ đã chết. Nhưng cái thói quen nhận thức của bộ óc chỉ cho chỗ búng mới biết, chỗ không búng thì không biết, cho nên không tin cái biết của Chánh biến tri vốn tự cùng khắp không gian và thời gian, không có chỗ nào lúc nào có chỗ thiết sót.

Vì cái nhận thức của bộ óc sai lầm như thế nên phải quét sạch để cho cái biết của bản tâm tự hiện ra.

Ví như con người vốn có tướng mạnh, bị mắc bệnh rồi thì mặt mũi hiện ra tướng bệnh. Khi tướng bệnh đã hiện ra thì tướng mạnh phải ẩn trong tướng bệnh, bị tướng bệnh che khuất, nên phải quét sạch tướng bệnh, thì tướng mạnh sẽ tự hiện ra. Nếu dùng tướng bệnh đi tìm tướng mạnh, thì tướng bệnh sẽ kéo dài mãi, vậy tướng mạnh làm sao có thể hiện ra được.

Tướng bệnh là dụ cho cái biết của bộ óc, tướng mạnh là dụ cho cái biết của bản tâm Phật tánh. Cho nên muốn minh tâm kiến tánh phải quét sạch biết bộ óc là lý này vậy.

Có người hỏi: Nếu quét sạch tất cả cái biết của bộ óc thì  chẳng phải muốn làm cho con người thành kẻ khờ ngốc hay sao?

Đúng thế ! khi gần kiến tánh thì giống như kẻ khờ ngốc, nhưng nếu được kiến tánh rồi thì chuyển cái khờ ngốc thành đại trí tuệ, những cái biết của bộ óc liền biến thành cái biết của bản thể Phật tánh gọi là chánh biến tri vậy.

Đoạn trên đây là để tăng cường lòng tin tự tâm.

Dưới đây là cách thực hành tham Tổ sư Thiền.

2. THẾ NÀO LÀ PHÁT NGHI TÌNH?

Nghi tình là không hiểu, không biết, nếu một việc gì đã hiểu biết rồi thì hết Nghi, hết Nghi tức là không có tham thiền. Tham thiền rất chú trọng cái Nghi, Thiền Tông gọi là Nghi Tình. vậy chữ tham tức là Nghi vậy.

Như thế làm sao được phát khởi Nghi Tình ? Muốn khởi Nghi Tình phải nhờ câu thoại đầu. ví như tham câu thoại đầu : “Khi chưa có trời đất, ta là cái gì ?”, hỏi thầm trong bụng cảm thấy không hiểu không biết, gọi là Nghi Tình.

Tại sao gọi là tham thoại đầu? Thoại là một lời nói, khi chưa nổi niệm muốn nói gọi là thoại đầu. Nói thoại đầu tức là khi một niệm chưa sinh khởi, nếu đã nổi niệm muốn nói dù chưa nói ra miệng cũng gọi là thoại vĩ, chẳng phải là thoại đầu. Thoại đầu chính là chỗ vô thỉ vô minh.

Nay người tham thiền phải tham thoại đầu, cũng gọi là khán thoại đầu. Khán tức là nhìn, nhìn ngay chỗ vô thỉ vô minh, vô minh tức là mịch mù đen tối, không biết đó là cái gì. Vừa nhìn vừa hỏi : “Khi chưa có trời đất ta là cái gì ?”, càng hỏi càng cảm thấy không biết, ấy gọi là phát NGHI TÌNH.

Công phu cần phải ngày đêm liên tiếp không giây phút nào gián đoạn, nghi tình mới có thể thành khối. Nghi Tình được thành khối mới có thể đạt đến kiến tánh, cho nên người tham thiền bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, lúc lao động bằng tay chân hay trí óc cho đến ăn cơm, đi đại tiểu tiện, nói chuyện ngủ nghỉ, đều phải luôn luôn có Nghi Tình. Có Nghi Tình mới được gọi là tham thiền.

Nói một cách khác tức là mượn cái không biết của bộ óc để chấm dứt tất cả cái biết của bộ óc. Dù nói chấm dứt, thật ra chẳng cần tác ý để chấm dứt, có Nghi tình thì nó sẽ tự động chấm dứt tất cả biết.

Tại sao muốn chấm dứt cái sở biết của bộ óc ? Bởi vì cái sở biết của bộ óc là tướng bệnh, cũng thuộc về cái biết của người mù. Ví như người mù chẳng thấy mặt trời mà đi hỏi người mắt sáng (người mắt sáng dụ cho người đã ngộ), người mắt sáng nói : “Mặt trời tròn và nóng”, lời của người mắt sáng nói tròn và nóng là đúng, nhưng người mù chấp cái vật thể tròn và nóng là mặt trời thì sai rồi (nghĩa là Phật tánh cần phải tự tánh tự thấy mới được). Tham thiền cần phải giữ gìn Nghi tình. Muốn giữ Nghi tình trước tiên cần phải chấm dứt cái “tìm hiểu biết” và “ghi nhớ biết” rồi chấm dứt luôn cái “tuỳ duyên biết” (chẳng cần tìm hiểu cũng biết gọi là tuỳ duyên biết như ngồi, đi v.v…) nên Thiền sư Lai Quả nói lúc công phu đạt đến thoại đầu thì “Đi chẳng biết đi, ngồi chẳng biết ngồi”, ấy là cái tin tức báo cho mình biết sắp kiến tánh.

Lúc công phu đạt đến thoại đầu thì câu thoại tự mất chỉ còn Nghi Tình, khi ấy cái sở biết của bộ óc sạch hết, ngay khi đó tham thiền mà chẳng biết mình đang tham thiền, đang ăn cơm cũng chẳng biết mình đang ăn cơm, luôn cái chẳng biết này cũng không biết luôn. Công phu đến đây tức là đã tới thoại đầu, gần được kiến tánh.

Người đời thấy thiền giả như ngu như ngóc, kỳ thực sẽ phát đại trí huệ. Cuối cùng Nghi tình bùng vỡ, cái không biết của óc liền tan rã, đến đây cái biết và cái không biết của bộ óc đều sạch, tướng bệnh tiêu diệt rồi tướng mạnh (cái biết của Phật tánh cũng gọi là Chánh biến tri) thình lình hiện ra, gọi là Kiến tánh thành Phật.

Tổ sư nói : “Tri chẳng hai người, Pháp chẳng hai thứ”. Sao nói Tri chẳng hai người ? Bởi vì cái Tri của Phật tánh chỉ có một (1), bản thể nó cùng khắp không gian và thời gian, nếu thêm cái Tri của bộ óc (chẳng thể cùng khắp không gian, thời gian) lại thành hai cái Tri, một cái cùng khắp, một cái không cùng khắp tức là hai người.

Sao nói Pháp chẳng hai thứ ? Bởi vì tất cả pháp do tâm tạo, tâm nếu không tạo thì chẳng có  pháp, cho nên mỗi mỗi pháp đều chẳng có tự thể, chỉ do vọng tâm biến hiện. Cái bản thể của tâm đã cùng khắp không gian và thời gian, nên nói Pháp chẳng hai thứ. Giả sử có một Pháp bị chấp nhận là pháp thật, tức là Pháp có hai thứ (một thật, một chẳng thật). Cho nên nói phàm có hai Pháp tương đối tức là tướmg bệnh, tướng bệnh hiện ra thì tướng mạnh phải ẩn mất.

Cái Nghi của Thiền Tông là CHÁNH NGHI, do Chánh Nghi này làm nhân thì được phát minh cái bản thể của chính tâm mình là quả. Mình biết được chính mình mới có thể làm chủ cho mình, được làm chủ cho mình mới được gọi là tự do tự tại, chấm dứt tất cả khổ, và những cái khổ trước kia không bao giờ trở lại nữa.

Cái Nghi của nhà khoa học gọi là HỒ NGHI, do cái Nghi này nên có thể phát minh những sự vật trên thế giới, và chỉ có cái giá trị của thế gian, vì nó không thể phát hiện cái bản thể của bản tâm mình nên không thể làm chủ cho mình, để đạt đến tự do tự tại được.

Nói Nghi là một, cái dụng lại khác, nhưng muốn phát minh chính mình, hay sự vật thế gian đều phải nhờ chữ Nghi.

Tác dụng của “Nghi” thật vô cùng lớn, cái lãnh vực của nó cùng khắp không gian và thời gian, văn hoá của loài người nếu không có “Nghi” thì không thể tiến bộ, tất cả sự vật của nhà khoa học phát hiện đều phải nhờ “Nghi” cả, cho nên người tham thiền phải tin cái sức mạnh của “Nghi” này, sẽ đưa mình đến quốc độ tuyệt đối hưởng cuộc sống phong phú đầy đủ và vĩnh viễn tự do tự tại. Ngài Thiền sư Lai Quả nói : Vô tham mới là Chân tham. Nói Vô tham chẳng phải là không có tham mà là tự mình đang tham nhưng không biết mình tham cho nên mới gọi là Vô tham là Chân tham.

Trước đời nhà Tống Trung Quốc, chư Tổ sư dùng pháp Thiền trực tiếp của Phật Thích Ca truyền sử dụng thủ thuật đặc biệt khiến hành giả tham thiền khởi lên Nghi tình mãnh liệt mà không biết mình đang tham thiền rồi, tức là ngay bước đầu tiên đã đạt đến cảnh giới Vô tham là Chân tham mà tự mình không biết.

Từ đời nhà Tống, quyển Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ra đời, những thủ thuật của chư Tổ đều ghi hết trong đó, hành giả Tham Thiền xem qua rồi thì dẫu cho thủ thuật của chư Tổ sư cao siêu cách mấy như đánh đập, chửi mắng.. cũng không thể phát khởi Nghi tình. Sau đó chư Tổ sư bất đắc dĩ mới phải dạy Tham Công Án, Thoại Đầu. Như thế người tham thiền muốn đạt đến cảnh giới chân tham là vô tham cần phải qua nhiều năm khổ công tu tập, cho nên người đời sau kiến tánh rất ít là vậy. Ở trong Thiền Tông có một ngàn bảy trăm (1700) công án để tả vế sức mạnh của chữ Nghi. Nay đề ra một công án điển hình như sau:

Ngài Lâm Tế ở trong thiền hội của Ngài Hoàng Bá, trong hội có Thủ Tọa Mục Châu, người đã kiến tánh triệt để, một ngày kia gặp Lâm Tế hỏi:

- Ông ở đây bao lâu?
- Ba năm
- Có hỏi pháp với Hòa Thượng Hoàng Bá chưa?
- Chưa.
- Sao không đi hỏi?
- Vì không biết hỏi cái gì.
- Đi hỏi thử : “Thế nào là đại ý của Phật pháp”?

Lâm Tế đến phòng Hoàng Bá hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp?

Câu hỏi vừa dứt thì bị Hoàng Bá đánh đập đuổi ra. Ngay đó Lâm Tế đã phát Nghi Tình rất mạnh nhưng không biết đó là tham thiền.

Hôm sau Mục Châu hỏi Lâm Tế:

- Có đi hỏi Phật Pháp chưa?
- Có đi rồi. 
- Hỏi như thế nào?
- Câu hỏi tôi vừa dứt thì bị đánh đập đuổi ra. Không biết lỗi ở chỗ nào? (nghi tình)
- Đi hỏi lần nữa thử coi?

Lâm Tế ráng đi hỏi lần nữa vẫn bị đánh đập đuổi ra. Hôm sau Mục Châu gặp hỏi:

- Có đi hỏi lần nữa không?
- Đi hỏi rồi.
- Kỳ này ra sao?
- Cũng bị đánh đập như lần rồi.
- Đi hỏi thêm một lần nửa thử xem.
-Thôi! Thôi! Đã hỏi hai lần bị đánh đập như thế thì còn hỏi chi nữa.
- Theo thường lệ, việc gì cũng phải trải qua ba lần mới đúng. Cứ đi hỏi thêm lần nữa đi.

Lâm Tế vâng lời ráng đi hỏi lần nữa. Kỳ này Hoàng Bá phát giận hơn hai kỳ trước và đánh mạnh hơn làm cho cái Nghi Tình của Lâm Tế mạnh đến mức chịu không nổi liền đến phòng Mục Châu nói:

- Tôi muốn đi nơi khác không muốn ở đây nữa.

- Muốn đi cũng được nhưng phải đến từ giã với Hòa Thượng Hoàng Bá.

Lâm tế đến từ giã ngài Hoàng Bá, Hoàng Bá hỏi:

- Đi đâu?
- Chưa nhất định đi nơi nào.

Hoàng Bá nói:

- Khỏi cần đi chỗ khác. Đi đến chỗ Thiền sư Đại Ngu thì sẽ có giúp ích cho người.

Lâm Tế đi gặp Ngài Đại Ngu, Đại Ngu hỏi:

- Từ đâu đến?
- Từ Hoàng Bá đến.
- Hoàng Bá có dạy bảo gì chăng?
- Ba lần hỏi Phật pháp, ba lần đều bị đánh đập đuổi ra. Không biết lỗi ở chỗ nào?
- Hoàng Bá vì ngươi từ bi như thế, vậy mà còn nói lỗi ở chỗ nào!
Lâm Tế ngay đó hoát nhiên đại ngộ, “Ồ” lên một tiếng rồi buột miệng nói:

- Phật pháp của Hoàng Bá vốn không có nhiều.

Lâm Tế đã khai ngộ rồi liền trở về chỗ Hoàng Bá hỏi:

- Có đi gặp Đại Ngu chưa?
- Có gặp rồi.
- Đại Ngu nói thế nào?

Lâm Tế kể lại lời Đại Ngu xong, Hoàng Bá nói:

- Đại Ngu sao nhiều chuyên quá vậy! Sau này gặp sẽ cho một bạt tay.

Lâm Tế nói:

- Khỏi cần đợi sau này. Cho bạt tay liền ngay bây giờ.

Nói xong liền cho Hoàng Bá một bạt tay.

Hoàng Bá bị Lâm Tế bạt tay lại không nổi giận mà lại cười to lên tỏ vẽ vui mừng. Mừng cái gì ? Mừng vì đã được một pháp tử để nối tiếp Huệ mạng Phật

Thích Vân Phong lược soạn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm