Phúc báu là gì và được tạo ra như thế nào?
Phúc báu hay phúc đức là quan niệm đặc thù của người Phương Đông. Quan niệm “phúc báu hay phúc đức” đã trở thành gần như đời sống tâm linh, gắn chặt với lối suy nghĩ và cuộc sống của con người Việt Nam.
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Người Việt Nam ta ai cũng mong cầu phúc đức, lo vun trồng vườn phúc đức và rất sợ vô phúc. Người đời và tục ngữ, ca dao nói: Có đức mặc sức mà ăn; Phúc đức tại mẫu, Phúc như Đông Hải (Phúc nhiều và to lớn như Biển Đông); Phúc bất trùng lai; Người trồng cây cảnh người chơi. Ta trồng cây phúc để đời cháu con…
Khi chúc tụng nhau người ta chúc Phúc, Lộc, Thọ. Có Lộc, có Thọ mà vô Phúc thì cũng bằng không. Làm quan lớn, giàu có, quyền thế nhưng vợ con không có, cô quả cô độc thì cũng là vô phúc. Khi gia đình gặp tai nạn khốn khó hoặc con cái bất hiếu chúng ta nói là “Nhà vô phúc”. Đang giàu có, quyền thế bỗng nhiên bị truy tố ra tòa, kết án có khi tịch thu gia sản, tử hình người, người đời nói “phúc đức hết rồi”. Nhà giàu có sang trọng quyền thế, con gái con trai hư hỏng, phá nát của cải của cha mẹ, gây tiếng xấu cho gia đình …người đời gọi đó là nhà vô phúc. Con cái không đến nỗi nghèo đói, đuổi mẹ già ra ngoài đường sống như một kẻ ăn mày, người đời gọi đó là “bà mẹ bạc phúc bạc phận”.
Vậy phúc đức là gì?
Dường như “phúc đức” là một lực thiêng liêng, vô hình chi phối hạnh phúc, khổ đau của con người. Chính vì thế con người mới cầu xin phúc đức. Thế nhưng suy nghĩ và phân tích tới nơi tới chốn, dù là lực vô hình, ta có thể thấy:
Sống thọ, mạnh khỏe, không chết vì nhiều lý do khác nhau, tử hình. Khi già chết có gia đình con cái quây quần chung quanh gọi là có phúc. Gia đình dù giàu dù nghèo, con cái nên người, có vợ có chồng, nghề nghiệp đàng hoàng, biết hiếu thảo với cha mẹ là nhà có phúc. Gia đình ba đời cháu con đỗ đạt, ra làm quan, tiếng thơm để lại đó gọi là đại phúc. Đang lao vào con đường hư hỏng, được quý nhân hoặc thiện tri thức giác ngộ cho, bỏ con đường xấu trộm cắp, ma túy, lừa đảo, … để trở lại con đường lương thiện là có phúc. Do nghèo khổ mà lao vào đường trộm cắp hoặc tự tử chết, được thiện tri thức hay người tốt chỉ bảo cho rồi lấy lại niềm tin, cố gắng vươn lên rồi có một cuộc sống bình thường, đó là có phúc.
Vợ chồng dù giàu nghèo, sống hòa thuận với nhau là có phúc. Gây gổ, đánh đập, giết hại hoặc ly dị nhau là vô phúc. Anh em hòa thuận, thương yêu, đùm bọc nhau là có phúc. Anh em chia lìa hận thù là vô phúc. Bệnh tưởng chết, gia đình chuẩn bị hậu sự, may đâu gặp được thầy được thuốc, bệnh hết, người đời gọi là “phúc mà qua khỏi”. Một đất nước yên lành, không chiến tranh, không khủng bố, ít thiên tai, dù giàu dù nghèo cũng là “phúc báu”.
Vậy Phúc đức hay phúc báu chính là những điều tốt lành đưa đến cho bản thân hay gia đình mình, xa hơn cho một cộng đồng xã hội, cho một đất nước.
Làm thế nào để tạo phúc đức?
Hầu như trên khắp thế giới này, người ta tìm cách thờ phụng hoặc cầu xin thần linh ban phúc cho mình vì người ta tin rằng thần linh có thể “ban phúc, giáng họa”. Người Việt Nam ta đặc biệt là những người theo Phật giáo, dù thờ trời đất nhưng riêng vấn đề phúc báu lại tự tạo ra chứ không hoàn toàn cầu xin, khấn vái thần linh. Cũng có rất nhiều người chỉ cầu xin van vái thần linh hết chỗ này chỗ kia để xin phúc đức. Nhưng căn bản nhất, người Việt Nam tự “trồng cây phúc” cho chính mình chứ không hoàn toàn ỷ lại.
Tạo phúc đức bằng cách đi lễ chùa
Lễ chùa không có nghĩa là xin chư Phật ban cho phúc đức. Nhưng qua việc đi lễ chùa, tâm địa bình ổn, tâm tính thảo ngay, hạt giống thiện nảy mầm, hung ác giảm bớt, thiện tính tăng thêm, từ đó mà làm những việc tốt lành cho gia đình cho xã hội, người đời biết ơn. Đó là cách trồng phúc và hưởng phúc vô cùng lớn lao. Nếu đi lễ chùa mà không làm lành, lánh dữ thì chẳng có chút phúc đức nào. Nếu tham-sân-si vẫn còn thì họa và vô phúc vẫn tới như thường.
Cúng dường chư Tăng, Ni
Cúng dường để chư Tăng, Ni có phương tiện sinh sống, tu học và hoằng dường Phật pháp. Khi Phật pháp được lan tỏa thì mọi người sẽ sống trong vị tha, đạo đức – tức tạo ra một xã hội, một đất nước an lành mà mình đang sinh sống. Đó là phúc báu và lợi lạc cho đời vô cùng to lớn và hưởng ngay, không phải chờ. Thật vô phúc nếu phải sống trong một xã hội bất an, lừa đảo, trộm cướp, gian trá, hận thù, giết chóc, chiến tranh, khủng bố,...
Xây chùa
Xây chùa là tạo một nơi thờ phượng, nơi mà Phật tử tới nghe pháp, học hỏi, trao đổi, chia sẻ, làm từ thiện, thanh niên thiếu nữ có dịp tiếp xúc trong môi trường đạo hạnh. Đó là nơi tốt lành cho xã hội, mà tốt lành cho xã hội chính là phúc đức. Chùa ngày nay còn là một trung tâm văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên, di tích lịch sử …cháu con tới đây lợi lạc biết là bao nhiêu.
Đúc chuông
Tiếng chuông là nhạc của chùa. Tiếng chuông là tiếng lòng của chùa. Nghe chuông lòng người trùng xuống. “Tiếng chuông huyền diệu tịch trần ai”. Tiếng chuông làm lắng bụi trần. Nghe chuông không thôi cũng xả được bao căng thẳng, lo âu của cuộc sống. An lành, thảnh thơi – dù là đôi chút cũng là hạnh phúc, phúc báu biết bao.
Dựng tượng
Dựng tượng để chiêm bái, để nhìn thấy hạnh huệ của các Ngài. Dựng tượng Quán Thế Âm để thấy không còn lo sợ, để học Hạnh Lắng Nghe. Dựng tượng Phật A Di Đà để sống thanh tịnh. Dựng tượng Phật Thích Ca để chiêm ngưỡng một vĩ nhân của nhân loại, một giáo lý tuyệt vời đưa con người tới thánh thiện mà giáo lý này không bao giờ lạc hậu với thời gian. Được biết, được nghe, được hiểu về những gì tốt lành, thánh thiện cũng là phúc báu.
Tụng kinh, niệm Phật:
Trong gia đình có bàn thờ Phật, mỗi tối ông bà hay cha mẹ ngồi tụng kinh, niệm Phật là gieo duyên lành cho con cháu, là tạo một khung cảnh trang nghiêm cho gia đình.
Làm từ thiện:
Phúc báu lớn nhất là làm từ thiện. Cổ nhân có câu:
“Dù xây chín đợt phù đồ.
Không bằng làm phúc cứu cho một người.”
Làm từ thiện là san sẻ tình thương, là chia sẻ nỗi bất hạnh với người khác. Là gần gũi với tha nhân. Là thấy hạnh phúc mà mình đang có đây thật may mắn. Làm từ thiện là phụ giúp đất nước, xoa dịu phần nào nỗi đau, nỗi bất hạnh của xã hội.
Một đất nước vĩ đại là một đất nước có nhiều người làm từ thiện. Một đất nước sẽ từ từ hủy diệt nếu mọi người sống trong ích kỷ. Nhìn người làm từ thiện ai cũng quý mến. Chẳng ai ghét bỏ người làm từ thiện cả.
Xây trường học, bệnh viện:
Xây trường học, nhất là đại học là tạo phước đức cho cả nước chứ không phải cho cho chính mình. Không một đất nước nào phát triển mà không có nhiều trường đại học. Bỏ tiền ra xây trường học, tăm tiếng để lại muôn đời sau. Còn xây bệnh viện, tặng tiền cho các bệnh viện là cứu giúp cho bao người bệnh tật. Phúc đức không thể nói hết.
Xây nhà trẻ mồ côi:
Ngày nay cuộc sống quá nhiều cám dỗ và hư hỏng. Biết bao nhiêu cô gái như những con thiêu thân lao vào những cuộc vui chơi thác loạn, lỡ dại sinh con vừa xấu hổ, vừa sợ vướng bận nghề nghiệp. Rồi có khi nghèo quá không đủ sức nuôi con cho nên bỏ bé thơ – có khi chưa cắt rốn vào đống rác, vào cửa chùa. Nghe tiếng trẻ khóc oe oe, thân hình bầm tím thương xót vô cùng.
Nhìn con cái mình nệm ấm chăn êm, được nâng niu chiều chuộng, nhìn trẻ mồ côi mà lòng se thắt. Thăm nhà trẻ mồ côi rồi về nhà ăn cơm không thấy ngon. Cho nên giúp đỡ, xây cô nhi viện, nhận nuôi các trẻ mồ côi là giảm bớt nỗi đau của xã hội. Đó là tấm lòng giữa con người và con người, quý giá biết là bao. Đó là hạnh Bồ Tát là Từ Bi, là phúc báu.
Quán cơm tình thương, quán cơm xã hội:
Trong đời này có nhiều kẻ phung phí tiền bạc vào rượu chè, cờ bạc. Dĩ nhiên họ không có tội gì nhưng là những con người sống không xứng đáng và bị người đời khinh rẻ. Những quán cơm tình thương, quán cơm xã hội, quán cơm chay miễn phí là nguồn an ủi rất lớn cho dân nghèo, cho dân lao động và cho cả học sinh… quý giá biết là bao:
Người xưa từng nói:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương.
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Có tiền thì ủng hộ tiền. Không có tiền thì gom góp lương thực thực phẩm mà đem tới cho quán cơm tình thương. Trên đời này có nhiều thứ khổ nhưng điều khổ nhất vẫn là đói hoặc không có ăn. Hãy quán chiếu cuộc đời này bằng “từ bi quán” như Đức Phật đã dạy.
Đừng quán chiếu cuộc đời bằng dục vọng, đua đòi. Dù chúng ta chi ra bao nhiêu tiền vào một bữa ăn cũng không làm giá trị và phẩm hạnh của chúng ta tăng lên mà đó chỉ là dục vọng. Nhưng chỉ cần giúp cho người nghèo, cho quán cơm xã hội một chút tiền nhỏ thôi cũng làm cho chúng ta trở thành con người cao quý. Đó là phúc đức và phẩm hạnh.
Đối xử tử tế với mọi người:
Tại sao đối xử tử tế với mọi người lại là phúc đức? Bởi vì khi tử tế với mọi người thì mọi người kính trọng và biết ơn, tiếng thơm lan rộng. Do tiếng tốt đó, nhiều người dù không quen biết có thể giúp đỡ chúng ta sau này mà chúng ta không ngờ tới. Được người đời giúp đỡ là có phúc.
Sử dụng trí tuệ sáng suốt
Một trong những phúcbáu lớn nhất của con người là trí tuệ. Dù giàu có, địa vị cao, danh vọng… mà đầu óc u trệ, hẹp hòi, thiếu hiểu biết cũng là bất hạnh. Nghèo hay cuộc sống trung lưu bình dị mà trí tuệ sáng suốt, hiểu biết rộng rãi, đóng góp trí kiến thức cho đời thì vẫn được mọi người kính trọng. Trí khôn thì ai cũng có, nhưng muốn tiến tới trí tuệ thì phải qua học hỏi. Đâu phải Đức Phật sinh ra là có mọi loại kiến thức ngay. Ngài cũng phải học hỏi hết bậc thầy này qua bậc thầy khác. Do đó muốn có trí tuệ sáng suốt là phải có giáo dục, phải đọc sách từng ngày không ngưng nghỉ.
Bình an trong tâm tưởng:
Dù chúng ta có tất cả những phúc báu nói ở trên nhưng trong lòng chúng ta muộn phiền, lo âu. Tâm trí chúng ta khắc khoải. Đầu óc chúng ta rối bù. Trong lòng chúng ta bất an. Thần kinh chúng ta bị dồn ép, căng thẳng, áp lực đè nặng lên từng hơi thở…thì dù ngồi trên đống vàng, cũng chẳng khác nào chốn địa ngục. Do đó, bằng mọi giá, chúng ta phải làm sao để được bình an trong tâm tưởng. Sự chứng đắc của chư Phật và chư vị Bồ Tát chính là chỗ “an nhiên tự tại” hay “thân không bệnh tật, tâm không phiền não”.
Phúc đức không do thần linh, trời đất ban cho, mà do ông bà, cha mẹ mình tạo ra trong quá khứ và do chính mình tạo ra trong hiện tại. Không hề có một thứ phúc đức nào từ trên trời rơi xuống. Rất nhiều người ngày nay được xã hội quý trọng là do uy đức, cộng nghiệp của cha mẹ mình năm xưa. Và cũng rất nhiều người phải sống trong bóng tối vì những ác nghiệp mà cha mẹ, ông bà mình tạo ra trước đây. Những sự “chuyển dịch” phúc đức đó còn gọi là nghiệp - nghiệp lành hay nghiệp dữ và nghiệp chuyển từ đời này sang đời khác.
Cho nên chúng ta phải tự tạo phúc báu cho chính chúng ta và qua đó cháu con sẽ được thừa hưởng. Tuy nhiên có phúc đức rồi xin nhớ lấy câu cổ nhân đã dạy:
“Phú quý bất khả hưởng tận
Quyền thế bất khả ỷ tận.”
Phúc đức cũng giống như tiền để ngân hàng. Lấy ra tiêu dùng từ từ, đầu tư để sinh lợi thì ăn mãi không hết, sau để lại cho con cháu. Tiêu dùng phung phí, không lo đầu tư để tạo phúc mới thì có ngày phá sản, cháu con cũng vạ lây.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Các bài Phục nguyện sau khi tụng kinh
Kiến thức 19:30 31/10/2024Dưới đây là mẫu bài phục nguyện cho những người sơ khai, mới tu theo Phật. Còn những vị tu lâu, với đức độ sâu dày, chỉ cần nguyện một câu, cũng hơn ngàn lời của những người thường.
Tứ như ý túc: Bốn pháp đầy đủ như ý
Kiến thức 18:30 31/10/2024Nói như ý là vì khả năng làm chủ, hướng tâm thành tựu các pháp theo ý muốn. Nói là thần vì linh diệu thông suốt không chướng ngại.
Tu hành theo hạnh Dược Sư, chữa lành thân tâm bệnh của chính mình
Kiến thức 13:10 31/10/2024Phật Dược Sư hiểu rõ được những tâm tư nguyện vọng mong muốn của chúng sanh con người, nên phát ra lời nguyện đáp ứng được mọi ước mơ thực tế. Chỉ cần chúng sanh thật tâm tin tưởng biết tu tâm dưỡng tánh nương theo nguyện lực của ngài thì sẽ đạt như ý nguyện.
Yêu thương hơn, hạnh phúc hơn bằng phương pháp “Quán từ bi”
Kiến thức 12:00 31/10/2024Thực hành phép "Quán Từ Bi", một pháp môn rất vi diệu trong Phật Pháp, được Đức Phật hết sức tán thán, ca ngợi về cả công đức thù thắng, lớn lao, cũng như ý nghĩa quan trọng trong việc tu hành viên mãn đức hạnh.
Xem thêm