Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 29/04/2018, 16:26 PM

Quá trình hình thành Đại Tạng Kinh Hán văn

Kinh Phật đầu tiên được dịch từ Phạn văn sang Hán văn là kinh Tứ Thập Nhị Chương do hai cao tăng Ca-diếp-ma-đằng và Trúc-pháp-lan, người Tây Vực (vùng Trung Á ở phía Tây Trung Hoa) dịch vào năm 76 Tây lịch.

Hay nói cách chính xác hơn là các kinh A-hàm Chánh Hạnh, Ðại thừa Phương đẳng, Yếu Tuệ, An ban Thủ Ý, Thiền Hành Pháp Tưởng v.v... do cao tăng An Thế Cao dịch vào những năm 147 - 167 Tây lịch. Rồi từ đây trở đi, các vị cao tăng ở vùng Tây Vực, Kế Tân (Kashmir Bắc Ấn Ðộ) và Thiên Trúc (Ấn Ðộ) lần lượt đến Trung Hoa và các vị cao tăng Trung Hoa tiếp tục du học Ấn Ðộ mang kinh về nước phiên dịch càng nhiều, làm cho Tam Tạng kinh Hán văn ngày càng phong phú đầy đủ hơn bất cứ Tạng kinh nào được dịch ra văn hệ khác trên thế giới.
 
Các cao tăng đã thực hiện việc phiên dịch này theo hai lối: cá nhân và tập thể, dịch ý và dịch thẳng, dịch thuộc lòng và dịch có nguyên bản trước mặt.

- Cá nhân dịch là do một hai người phiên dịch.

- Tập thể dịch là có tổ chức dịch trường gồm bốn người hoặc bảy người. Trường hợp bốn người thì một người đọc thuộc lòng kinh bổn ra, một người chép lại thành Phạn văn, một người dịch nghĩa từ Phạn văn ra Hán văn, một người chép lại thành Hán văn. Trường hợp bảy người thì một người chủ dịch, tuyên dịch từ kinh bổn, một người bút thọ, lo ghi chép lại, một người độ ngữ so sánh từ ngữ, một người chứng Phạn lo đối chiếu với Phạn văn, một người nhuận Hán văn, một người chứng nghĩa lo kiểm chứng ý nghĩa, và một người tổng khán lo kiểm xét chung lại.

- Dịch ý là dịch lược văn, chỉ cốt lấy ý. Ngài Cưu-ma-la-thập đặc biệt nhất trong lối dịch này.

- Dịch thẳng là dịch sát theo nguyên bản, không thêm không bớt câu nào. Ngài Huyền Trang tiêu biểu cho lối dịch này.

- Dịch thuộc lòng là trường hợp các cao tăng từ Tây Vực hoặc Ấn Ðộ sang Trung Hoa từ  thời kỳ đầu nhằm lúc ở Tây Vực và Ấn Ðộ, những kinh viết thành văn chưa được phổ biến, hoặc vì quan niệm rằng kinh được trực tiếp truyền miệng giữa thầy trò quý hơn kinh được truyền gián tiếp qua văn tự, vì kinh được truyền miệng thì thân thiết chính xác dễ nhớ và dễ hành trì hơn; do đó các người chuyên học thuộc rồi đem đi truyền bá cho nên khi cần dịch, họ không có sẵn nguyên bản trong tay mà chỉ đọc và dịch theo ký ức của mình.

Những kinh dịch lối này không có nguyên bản để có thể đối chiếu kiểm tra lại, nên phần nhiều bị tối nghĩa và dịch không được nhiều. Có bộ dịch được nửa chừng thì ngưng lại, vì người đọc thuộc để dịch qua đời, phải đợi thời gian có người khác thuộc mới đọc và dịch tiếp, như bộ luật Thập Tụng, ngài Phấp-nhã-đa-la khởi đọc thuộc cho ngài La-thập dịch ra Hán văn, được 2/3 thì ngài Phấp-nhã-đa-la qua đời, phải đợi năm sau có ngài Ðàm-ma-lưu-chi từ  Tây Vực qua mới đọc và dịch tiếp trọn bộ.

- Dịch có nguyên bản là có bản nguyên văn trên tay, cứ theo đó dịch ra.

Các kinh được dịch rồi, nhưng không dễ gì trong một thời gian ngắn đã có thể truyền bá đi khắp nơi, một mặt vì kỹ thuật ấn loát thời ấy chưa có, một mặt tình hình đất nước Trung Hoa rất rộng, các tay mưu bá đồ vương tranh giành cát cứ, ngăn trở sự đi lại. Mặt khác, các vị cao tăng đi truyền kinh, họ không xuất phát từ một nơi, một lúc, cùng một tổ chức, nên người này không biết việc người kia, khiến có những kinh cùng một nguyên bản mà có tới năm, bảy người dịch. Ðây là chưa kể trường hợp người này thấy bản dịch của người kia chưa trọn hoặc chưa ổn mà dịch lại. Từ Hậu Hán (58 - 219) đến đời nhà Lương (502 - 556) trong khoảng 500 năm đã dịch được 419 bộ (theo Xuất Tam Tạng Ký của Lương Tăng Hựu). Ðến đời Tống Thái Tổ (917 Tây lịch) mới khởi sự gom tất cả bản kinh đã dịch rải rác đó đây lại khắc in thành Ðại Tạng kinh. Lần khắc kinh này xảy ra ở Thành đô đất Thục (Tứ Xuyên) nên gọi là Thục Bản Ðại Tạng kinh, trải qua 12 năm mới khắc xong, cộng được 5.000 quyển. Ðây là Ðại tạng kinh đầu tiên ở Tàu. Tiếp sau đó có các Ðại tạng kinh được khắc in như Ðông Thiền Tự Bản năm 1080, do trú trì chùa Ðông Thiền khắc in trong 24 năm, được 6.000 quyển, rồi đến Khai Nguyên Tự Bản khắc in năm 1112, Tư Khê Tự Bản (Triết Giang) khắc in năm 1132, Tích Sa Bản (Giang Tô) năm 1231 do Ni sư Hoằng Ðạo khắc in trong vòng 79 năm, Phả Ninh Tự Bản khắc in năm 1269, Hoằng Pháp Tự Bản (Bắc Kinh) khắc in năm 1277. Bản Cao Ly khắc in theo Thuộc Bản năm 1011 - 1047 và thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868 - 1912) tại Nhật có súc loát Ðại Tạng kinh và Tục Tạng kinh gồm 8.534 quyển.

Từ khi khởi sự dịch kinh với cao tăng An Thế Cao những năm 147 Tây lịch đến lúc đạt được một số lượng kinh 8.534 quyển là đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn trong việc lựa chọn từ ngữ, cân nhắc văn cú mới đi đến được sự ổn định. Như cùng một đề kinh mà năm nhà dịch với năm tên khác nhau.

1. Ðạo Hành Bát-nhã kinh - Hậu Hán Chi-lâu-ca-sấm (147 - 167) dịch.

2. Ðại Minh Ðộ Vô Cực kinh - Ngô Chi Khiêm (224 TL) dịch.

3. Ma-ha Bát-nhã Sao Kinh - Phú Tần, Ðàm-ma-tỳ (351 TL) dịch.

4. Tiểu Phẩm Bát-nhã kinh - Dao Tần, Cưu-ma-la-thập (401) dịch.

5. Phần thứ tư trong Ðại Bát-nhã kinh - Ðường Huyền Trang (660) dịch.

Nội dung văn kinh trong năm bản dịch này cũng rất khác như đoạn dưới đây:

Bản 1: "Xá-lợi-phất vị Tu-bồ-đề, vân hà hữu tâm vô tâm. Tu-bồ-đề ngôn: Như thị, diệc bất hữu hữu tâm, diệc bất vô vô tâm" (Xá-lợi-phất gọi Tu-bồ-đề. Thế nào là hữu tâm vô tâm? Tu-bồ-đề đáp: Như vậy cũng chẳng có hữu tâm, cũng chẳng có vô tâm).

Bản 2: "Hiền tử Thu Lộ tử viết: Vân hà hữu thị ý nhi ý phi ý? Thiện nghiệp viết: Vị kỳ vô vi vô tạp niệm giả" (Hiền tử Thu Lộ tử hỏi rằng: Thế nào có ý ấy, mà ý chẳng phải ý? Thiện nghiệp đáp: Nghĩa là cái niệm vô vi vô tạp đó vậy).

Bản 3: "Xá-lợi-phất vị Tu-bồ-đề, vân hà hữu tâm, tâm vô tâm? Tu-bồ-đề ngôn: Tùng đối thức hữu tâm, tâm vô tâm, như thị, diệc bất tri giả diệc vô tạo giả, dĩ thị diệc bất hữu hữu tâm, diệc bất hữu vô tâm". (Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Thế nào là hữu tâm, tâm mà vô tâm? Tu-bồ-đề đáp: Theo chỗ đối với thức mà có tâm, tâm mà không tâm, như vậy tâm cũng chẳng biết, cũng không tạo tác, do đó cũng chẳng có hữu tâm, cũng chẳng có vô tâm).

Bản 4: "Xá-lợi-phất ngôn: Hà pháp vi tâm phi tâm? Tu-bồ-đề ngôn: Bất hoại bất phân biệt" (Xá-lợi-phất hỏi: Pháp gì là tâm chẳng phải tâm? Tu-bồ-đề đáp: Không hoại không phân biệt).

Bản 5: "Xá-lợi-phất vấn Tu-bồ-đề ngôn: Hà đẳng danh vi tâm phi tâm tánh? Thiện Hiện đáp ngôn: Nhược vô biến hoại, diệc vô phân biệt, thị tắc danh vi tâm phi tâm tánh" (Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề rằng: Những gì gọi là tâm tánh, chẳng phải tâm? Thiện Hiện đáp: Nếu không biến hoại cũng không phân biệt, đó gọi là tâm tánh chẳng phải tâm).

Ý của đoạn kinh này, cái tâm thông thường thì có phân biệt nhị biên, có biến hoại, còn tâm Bát-nhã thì không phân biệt nhị biên, không biến hoại, cho nên tuy gọi nó là tâm mà chẳng phải tâm (như tâm thông thường).

Xét đến việc dịch từ ngữ ta cũng thấy sự chọn lựa khó khăn và đã có sự dịch sai khác giữa các nhà dịch cũ và các nhà dịch mới. Các nhà dịch cũ vì hoặc hiểu Phạn văn mà không hiểu Hán văn, hoặc hiểu Hán văn mà không hiểu Phạn văn nên dịch không được chính xác và thường tối nghĩa. Còn các nhà dịch mới vì rành cả Phạn văn và Hán văn nên dịch thường chính xác và rõ nghĩa. Như một số từ ngữ được dẫn đối chiếu dưới đây giữa cũ và mới.

Dịch cũ:                                                                       Dịch mới:
Ngũ chúng                                                                    Ngũ ấm, ngũ uẩn
Hữu lưu vô lưu                                                             Hữu lậu vô lậu
Sắc, thống dương, tư tưởng, sanh tử, thức             Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Tự nhiên                                                                        Tự tánh
Chúng hựu                                                                    Thế Tôn
Vô trước quả, Ứng chơn, Ứng nghi                           A-la-hán
Câu cản đạo                                                                 Tu-đà-hoàn
Nhu thủ                                                                           Văn thù
Trực hành                                                                      Chánh đạo
Vi trì                                                                                Vi tánh
Ma nạp                                                                           Trưởng giả
Trừ Cẩn, Trừ cẩn nữ                                                    Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni
Phân vệ                                                                          Khất tức
Trừ nhập                                                                        Thắng xứ
Tần lai quả                                                                     Tư-đà-hàm
v.v...
  
Bộ Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh.

Nhận thấy các bản Ðại Tạng kinh nêu trên đã không bao gồm đủ các kinh đã được dịch, giải, lại còn bị xiêu lạc, hư hỏng theo thời gian, gây khó khăn cho người có chí muốn nghiên cứu kinh Phật, nên dưới triều Ðại Chánh (1912 - 1926) ở Nhật Bản, hai bác sĩ Nhật là ông Cao Nẫm Thuận Thứ Lang và Ðộ Biên Hải Húc đã phát đại nguyện xuất bản Ðại Tạng kinh bằng cách gom góp, sưu tầm, tra cứu, đối chiếu, tổ chức, có hệ thống tất cả bản kinh đã có được thành một Ðại Tạng kinh hoàn bị gồm 2.920 bộ cộng thành một Ðại Tạng kinh 11.970 quyển, đóng thành 85 tập dày, đặt tên là Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng kinh, ấn bản đầu tiên vào năm 1921 Tây lịch, dưới triều Ðại Chánh Nhật Bản.

Trong số 85 tập này, từ tập 1 đến tập 55 gồm kinh, luật, luận, sớ chú, sử truyện. Từ tập thứ 56 đến 85 gồm Tục Kinh Sớ, Tục Luật Sớ, Tục Luận Sớ...

Lại trong số 2.920 bộ 11.970 quyển này chia làm hai loại: Loại A, là những kinh dịch từ Phạn văn ra. Loại này gồm có 1.692 bộ cho 6.256 quyển mà trong đó đọ 2/3 là các kinh luật chính, còn 1/3 là những kinh có kèm lời chú giải và các sáng tác phẩm của các vị cao tăng Ấn Ðộ.

Và trong số các kinh dịch từ Phạn văn này những bộ kinh lớn đều có bản trùng dịch, nghĩa là cùng một nguyên bản mà có nhiều người dịch thành ra nhiều bản. Ví dụ trọn một bộ kinh Trường A-hàm có 30 kinh trọn 22 quyển, nhưng đã có một người dịch trọn bộ, mà 18 người khác trích dịch từng phần thành ra 18 bộ với số quyển không đồng nhau, khiến cho một bộ Trường A-hàm 22 quyển đã tăng bội thành 19 bộ 80 quyển. Hoặc như một bộ kinh Pháp Hoa 7 quyển, nhưng đã có 4 nhà dịch thành ra 4 bộ với số 25 quyển. Trong Ðại Tạng kinh hiện nay có rất nhiều trường hợp trùng dịch như vậy, nên số bộ và số quyển mới tăng lên tới 1.692 bộ cho 6.255 quyển như đã nêu trên.

Loại B là những bản kinh có kèm chú giải và những sáng tác phẩm của các nhà Phật học Trung Hoa và Nhật Bản. Loại này gồm có 1.228 bộ cho 5.714 quyển. Sở dĩ có tới con số này, vì có trường hợp một bản kinh mà có tới 20 người chú giải trở thành 20 bộ với số quyển tăng lên.

Theo lời hai bác sĩ ghi trong lời tự tựa cuốn Mục Lục Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh của họ thì Bộ Ðại Chánh Tân Tu này có 5 đặc sắc lớn:

1. Nghiêm mật bác thiệp, bởi nó thu góp đầy đủ không những các kinh đã lưu hành từ trước mà luôn cả các bản kinh mới phát quật ở các quốc thổ xưa như Vu Ðiển, Ðôn Hoàng, Qui Tư, Cao Xương v.v... và những văn kinh xưa dưới thời Lục Triều, những thủ bản dưới thời Ðường, Tống tản mát trong các danh lam cổ sát.

2. Chu đáo thanh tân, bởi nó có sự đối chiếu, cân nhắc chia thành bộ loại như A-hàm bộ, Bát-nhã bộ, Pháp Hoa bộ v.v... những kinh nào nghi là ngụy tạo thì in riêng chứ không để xen lộn trong các kinh khác. Nếu trong kinh văn gặp câu hoặc chữ nào thấy có sự sai khác giữa các bản thì đều có bị chú ở dưới mỗi trang rất rõ ràng, tối tân.

3. Phạn Hán đối khán, bởi nó có sự đối chiếu giữa văn kinh chữ Phạn và chữ Hán, từ đó nếu gặp tên kinh, tên xứ, tên người v.v... cần thiết, thì đều có ghi thêm chữ Phạn hoặc Pali ở dưới mỗi trang.

4. Nội dung sách dẫn, bởi nó có bản đối chiếu sách dẫn các tên kinh và các từ ngữ trong các kinh.

5. Tiện lợi. Rất tiện lợi cho việc tra cứu và mang theo. Nó được xem là Ðại Tạng kinh đầy đủ có tổ chức nhất hiện nay, giúp cho các nhà Phật học khắp thế giới bằng vào để nghiên cứu hoặc trích dẫn.

Ảnh hưởng của văn khí đối với nền văn học Trung Hoa.

Theo nhận xét của nhà đại học giả Trung Hoa là ông Lương Khải Siêu đăng trong cuốn Phật Học Nghiên Cứu Thập Bát Thiên của ông xuất bản tháng 4 năm 1930 thì văn kinh dịch từ Phạn ra Hán có một ảnh hường rất lớn đối với nền văn học Trung Hoa:

1. Ảnh hưởng trên từ ngữ: Theo ông Lương Khải Siêu 35.000 từ trong bộ Phật Giáo Ðại Từ Ðiển của người Nhật là 35.000 từ do các vị cao tăng sáng tạo để dịch kinh, nó đã nghiễm nhiên trở thành một bộ phận trong văn học Trung Hoa. Thêm vào 35.000 từ tức là thêm vào 35.000 quan niệm. Trong đó có những từ Trung Hoa nhưng lại được mang vào một ý nghĩa mới, như "Chân như", "Vô minh", "Pháp giới", "Thiền định", "Chúng sanh", "Nhân duyên", "Quả báo" v.v... và những từ đọc theo âm chữ Phạn lâu ngày thành quen như "Niết-bàn", "Bát-nhã", "Du-già", "Sát-na", "Do tuần", "Hằng-hà" v.v... Ðây là những từ theo ngài Huyền Trang nó nằm ở trong năm trường hợp không dịch nghĩa (ngũ chủng bất phiên):

- Vì bí mật như chữ Ðà-la-ni, Ta-bà-ha;

- Vì hàm nhiều nghĩa như chữ Bạt-già-phạm, A-la-hán;

- Vì ở Trung Hoa không có thứ đó như chữ Diêm-phù-đề (cây);

- Vì giữ  theo người dịch xưa như chữ A-nậu-bồ-đề;

- Vì để sanh tâm trọng thị như chữ Bát-nhã v.v...

2. Ảnh hưởng trên ngữ pháp và văn thể: Ðiều rất dễ nhận thấy trong văn kinh Phật giáo không dùng chi, hồ, giả, dã, hỷ, yên, tai, như trong văn chương Trung Hoa; không dùng lối biền ngẫu hoa mỹ; không rập theo cách điệu cổ văn; cú pháp có nhiều đảo trạng; trong một câu hoặc một đoạn có bao hàm lời giải thích; văn ngữ nhiều lặp lại; có khi từ 10 đến 20 chữ làm thành một danh từ bao hàm hình dung cách; tảng văn và thi kệ xen nhau trong một đoạn; thi kệ không có vận. Ðó là một lối cấu tạo hình thức văn học rất mới đối với Trung Hoa, mà khi đọc đến tất cảm thấy một hòa điệu êm đẹp và người có công lớn trong việc này là ngài La-thập và môn đệ của ngài.

3. Ảnh hưởng đến tình hình phát triển văn học:

Việc dịch kinh Phật đã kích thích cuộc cách mạng trong văn học Trung Hoa. Tập thơ dài đầu tiên trong các bài thơ cổ của Trung Hoa, tập "Khổng Tước Ðông Nam Phi" và những áng văn học thuần của Trung Hoa cận đại như tiểu thuyết, ca khúc đều có chịu ảnh hưởng mật thiết từ  lối văn dịch kinh Phật, nhất là từ bộ "Phật Bổn Hạnh Tán" của Bồ-tát Mã Minh. Bộ này là một bản trường ca trên 30.000 tiếng, như là một bộ tiểu thuyết, đã lấy nguyên liệu từ bốn bộ A-hàm. Chính văn kinh Phật đã giúp cho giới văn nghệ Trung Hoa giàu khả năng tưởng tượng, cách tân bút pháp, như loại văn bạch thoại,  các bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, Sưu Thần Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng là những tác phẩm đã chịu ảnh hưởng không ít từ các bộ Ðại Trang Nghiêm kinh luận, kinh Hoa Nghiêm, kinh Ðại bát Niết-bàn, cho đến các bản tập dịch, truyền kỳ, đan từ các trường thiên ca khúc từ đời Tống, Nguyên, Minh về sau, cũng đã gián tiếp chịu ảnh hưởng các bộ Phật Bổn Hạnh Tán v.v... (xem thêm bài "Phật Giáo cống hiến gì cho nước Trung Quốc" trong cuốn "Phật Giáo 
Chính Tín" của Thánh Nghiêm).

Hồ Thích, một học giả lớn hiện đại của Trung Hoa cũng có nhận định tương tự khi ông viết trong Hồ Thích Văn Tồn (và được dẫn bởi sách Phật Giáo Chính Tín của Thánh Nghiêm) như sau: "Trong các kinh do Cưu-ma-la-thập dịch có các bộ kinh Kim Cang, Pháp Hoa và Duy-ma-cật được lưu hành rất rộng rãi và lâu dài, đã có ảnh hưởng không nhỏ trong giới văn học và mỹ thuật của Trung Hoa. Bộ kinh Pháp Hoa tuy không phải là tiểu thuyết, nhưng là cuốn sách có nhiều ý vị văn học, trong đó có một số truyện ngụ ngôn đẹp nhất trong văn học thế giới".

Ảnh hưởng của kinh Phật đến học thuyết đạo Khổng.

Trong cuốn Nhân sanh quan và thơ văn Trung Hoa (Nguyễn Hiến Lê dịch in năm 1970) ông Lâm Ngữ Ðường, một đại văn hào Trung Hoa cận đại viết: "Ảnh hưởng của đạo Phật lớn tới nỗi cãi tạo được học thuyết của đạo Khổng. Từ đời Chu trở đi, các học giả theo Khổng giáo đại để chỉ làm cái việc hiệu đính, chú thích kinh thư của Thánh Hiền. Từ khi đạo Phật du nhập Trung Quốc có lẽ vào thế kỷ thứ nhất, mới phát sinh phong trào nghiên cứu đạo Phật. Phong trào đó tiến đều trong các triều đại Bắc Ngụy và Ðông Tấn. Các học giả theo Khổng giáo chịu ảnh hưởng đó, thay đổi học phong, bớt công việc hiệu đính, chú thích mà nghiên cứu dịch lý.

Ðời Tống do ảnh hưởng của đạo Phật mà Khổng giáo có thêm được mấy học phái mới, gọi là phái Lý học. Những học phái đó vẫn theo truyền thống luận về đạo đức, nhưng những danh từ Tinh, Lý, Mệnh, Tâm, Vật, Tri đã có một giá trị đặc biệt, được đem ra bàn đi bàn lại (địa vị mấy tiếng đó cũng quan trọng như mấy tiếng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thời Khổng Mạnh). Phong trào nghiên cứu kinh Dịch (một bộ bàn về những biến hóa của nhân sự) đột nhiên phát triển mạnh.

Tất cả các nhà Nho đời Tống, nhất là anh em họ Trình (Trình Minh Ðạo, Trình Y Xuyên) đều nghiên cứu kỹ Phật giáo và thêm được nhiều kiến giải mới khi quay trở  về đạo Khổng. Chẳng hạn Lục Cửu Uyên dùng một danh từ của đạo Phật, tiếng "giác", "giác ngộ" để trỏ sự nhận thức được chân lý. Ðạo Phật đã làm thay đổi được tính cách của học thuyết Khổng Mạnh. Ảnh hưởng của nó tới các nhà thơ như Tô Ðông Pha cũng mạnh như vậy. Bọn văn nhân có phản kháng học thuyết của các nhà lý học mà dùng một bút pháp nhẹ nhàng, một tinh thần tài tử, du hý để khen đạo Phật!

Khái quát trên đủ thấy Ðại Tạng kinh Hán văn là một bảo vật vô giá của Phật giáo và chung cho cả nền văn hóa thế giới. Chính từ  Ðại Tạng kinh Hán văn mới có Ðại Tạng kinh Nhật văn, Triều Tiên văn. Văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng khắp vùng Ðông Á và thế giới. Ðại Tạng kinh Hán văn cũng ảnh hưởng khắp vùng Ðông Á và thế giới. Nếu không nhờ các vị cao tăng, cư sĩ phát đại nguyện đại hạnh và chí nguyện truyền bá Chánh pháp, vượt bỏ gian nan, một mình một bóng mòn gót trên bước đường hiểm trở lần tới Trung Hoa kiên trì dịch thuật lâu dài, thì đã không thể có được một kho tàng kinh điển Hán tự đồ sộ như ngày nay cho chúng ta học đạo và nghiên cứu!


QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐẠI TẠNG KINH CHỮ HÁN ĐỊNH HUỆ

Đại Tạng Kinh chữ Hán là một bộ tổng vựng các kinh sách Phật Giáo, nhưng bao gồm rất nhiều lĩnh vực như : triết học, lịch sử, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, lịch toán, y dược, thiên văn... Đây là một kết tinh của văn hóa Trung Quốc và văn hóa nước ngoài có ảnh hưởng sâu xa đối với sự phát triển của văn hóa thế giới. Đại Tạng Kinh là một tư liệu không thể thiếu nếu chúng ta ngày nay muốn nghiên cứu về văn hóa thế giới.

Đại Tạng Kinh chữ Hán, lúc đầu được gọi là "Chúng Kinh", "Nhất Thiết Kinh", về sau được gọi là "Kinh Tạng", "Tạng Kinh" hoặc "Đại Tạng", gọi tắt là "Tạng". Danh từ Đại Tạng Kinh chính thức xuất hiện vào cuối đời Nam Bắc triều hoặc đầu đời Tùy (581). Đại Tạng Kinh chữ Hán gồm 2 bộ phận lớn là Kinh-Luật-Luận Phật Giáo được phiên dịch sang Hán văn và các tác phẩm do người Trung Quốc trứ tác. Nguyên ngữ của phần phiên dịch rất phức tạp, bao gồm các kinh điển phiên dịch từ Phạn văn, Tạng văn, Pali ngữ, các ngữ ngôn cả một dải đất vùng Trung Á. Về nội dung rất phong phú, Đại Tạng Kinh bao quát cả Đại Thừa, Tiểu Thừa và Mật Giáo. Phần soạn thuật đều là các trứ tác Trung Quốc, nội dung rộng rãi gồm các loại chương sớ giải thích Kinh Luật Luận, Sử truyện, các loại luận trứ, địa chí, mục lục... Đây là tư liệu quý giá để nghiên cứu Phật Giáo Trung Quốc cho đến lịch sử, triết học, văn hóa, xã hội Trung Quốc.

Một bộ Đại Tạng Kinh, do ba yếu tố cơ bản cấu thành :

- Tiêu chuẩn chọn lựa, tức là tuyển chọn kinh sách theo tiêu chuẩn nào để đưa vào Tạng.

- Thể hệ kết cấu, tức là dùng hình thức nào để tổ chức một cách hữu cơ các loại kinh sách để chúng trở thành một chỉnh thể.

- Tiêu chuẩn ngoại bộ, tức là chọn dùng phương thức nào để phản ánh được thể hệ kết cấu Đại Tạng Kinh một cách thuận tiện nhất. Nhờ đó, người đọc có thể tra cứu, quản lý dễ dàng bộ Đại Tạng Kinh.

Vận dụng quan điểm kể trên khảo sát Đại Tạng Kinh chữ Hán, có thể phát triển Đại Tạng Kinh chữ Hán trải qua thời gian dài gần một nghìn năm từ đời Lưỡng Hán (65-220) đến cuối đời Đường, Ngũ Đại (895-960) mới dần hình thành và hoàn thiện.

Về hình thức, Đại Tạng Kinh chữ Hán trải qua hai giai đoạn lớn là tả bản (bản chép tay) và khắc bản, mà lịch sử hình thành của Đại Tạng Kinh chữ Hán có liên quan chặt chẽ với giai đoạn tả bản của nó.

Lịch sử hình thành của Đại Tạng Kinh chữ Hán (cũng tức là giai đoạn tả bản của nó) có thể chia ra làm bốn thời kỳ :

1. Thời kỳ phôi thai: Thời kỳ này bắt đầu từ lúc Phật Giáo mới truyền vào Trung Quốc (năm 67) đến đời Đông Tấn, ngài Thích Đạo An (312-385) soạn Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục.

Nhìn từ tổng thể, trong lĩnh vực hình thái ý thức, thời kỳ này Phật Giáo bị xem đồng với phương thuật thần tiên, về sau trở thành một bộ phận phụ thuộc Huyền học, chưa đủ sức để hình thành một giáo thuyết độc lập.

Kinh sách Phật Giáo Hán dịch lúc ấy còn trong thời kỳ hỗn độn. Về số lượng, kinh sách nhà Phật được phiên dịch cũng khá nhiều, nhưng nhìn chung, vẫn còn trong tình trạng gặp kinh nào dịch kinh ấy, gặp bộ đầy đủ thì dịch đầy đủ, thiếu thì dịch thiếu, điều này được thấy trong Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục. Người Trung Quốc đương thời chưa biết hoặc chưa cảm thấy đến tính tất yếu cần phải dùng Đại Thừa, Tiểu Thừa để phân loại kinh Phật. Kinh Phật lưu truyền ở các địa phương thời bấy giờ có tính hạn cuộc trong từng khu vực nhất định, chưa có xuất hiện một bộ Tạng kinh mang tiêu chuẩn mẫu mực cho cả nước. Tình huống này xảy ra cũng do cục diện chính trị 16 nước thời Đông Tấn ở Trung Quốc phân lập nhất trí với trình độ phát triển của Phật Giáo đương thời.

Điều đáng chú ý, tại Trung Quốc, ngài Đạo An là người đầu tiên nêu ra vấn đề "Kinh nghi ngụy", cho thấy rằng ngài đã tiếp xúc được với vấn đề "Tiêu chuẩn chọn lựa", là yếu tố cơ bản thứ nhất của sự hình thành Đại Tạng Kinh.

2. Thời kỳ hình thành: Thời kỳ này bắt đầu từ khi ngài Cưu Ma La Thập (344-413) vào Trung Quốc đến lúc Phí Trường Phòng soạn Lịch Đại Tam Bảo Kỳ (597).

Ngài Cưu Ma La Thập đến Trung Quốc truyền dịch học tiếng Trung Quán của Tổ Long Thọ một cách có hệ thống, mở ra trước mắt các Tăng sĩ Phật Giáo Trung Quốc một thế giới mới, khiến họ hiểu đúng đắn được Phật Giáo Ấn Độ. Phật Giáo Trung Quốc bắt đầu tự ý thức trên bước đường phát tiển độc lập. Từ đó, cũng bắt đầu phát sinh sự cọ xát và xung đột với tư tưởng Nho, Đạo của văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Từ nhận thức sâu sắc đối với Phật Giáo, ngài Huệ Quán (đệ tử ngài La Thập) đề xuất thuyết "Ngũ thời phán giáo" (1). Từ đó về sau, các học thuyết về phán giáo đua nhau nổi dậy, mục đích đều muốn đem tư tưởng của các phái Phật Giáo Ấn Độ truyền nhập vào Trung Quốc chỉnh lý thành một chỉnh thể hữu cơ bao dung lẫn nhau, cốt tiện lợi cho việc truyền bá Phật Giáo tại Trung Quốc. Sự phán giáo có năng lực thúc đẩy sự thâm nhập và phát triển của Phật Giáo Trung Quốc, và sự xuất hiện của các học phái thời Nam Bắc triều (386-581) có quan hệ trọng đại với sự hình thành các tông phái Phật Giáo thời Tùy (681-617), Đường (618-907). Vì thế phán giáo là một sự kiện lớn trên lịch sử Phật Giáo Trung Quốc, đồng thời thuyết phán giáo cũng quan hệ mật thiết đến vấn đề kết cấu thể hệ, yếu tố cơ bản thứ hai của sự hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán.

Tác phẩm đầu tiên sử dụng tư tưởng phán giáo để chỉnh lý kinh Phật là Chúng Kinh Biệt Lục. Sách này hấp thụ tư tưởng "Ngũ thời phán giáo" của Huệ Quán, thiết lập các điều mục phân Tam Thừa Thông Giáo Lục, Tam Thừa Trung Đại Thừa Lục, Tiểu Thừa Kinh Lục, Đại Tiểu Thừa Bất Phán Lục, làm bước đầu hữu ích đối với việc nên dùng loại thể hệ kết cấu nào chỉnh lý Phật điển. Về sau, có nhiều loại kinh lục cùng mang một nhan đề Chúng Kinh Mục Lục của nhiều tác giả khác nhau biên soạn như : Lý Quách (soạn năm 511), Bảo Xướng (soạn năm 18), Pháp Thượng (495-580), Pháp Kinh (đời Tùy 581-617) phản ánh nỗ lực của các vị sư tăng Trung Quốc không ngừng tiến hành chỉnh lý, giám biệt, an bài, tổ chức kết cấu Đại Tạng Kinh từ các phương tiện khác nhau. Từ nỗ lực này, cho thấy trình độ phát triển tổng thể của Phật Giáo Trung Quốc bao quát phán giáo ở bên trong, hình thức tổ chức của Tạng Kinh Phật Ấn Độ cho đến ảnh hưởng của khoa Mục Lục học truyền thống của Trung Quốc. Chính nỗ lực kiên trì từ đời này sang đời khác khiến cho Đại 
Tạng Kinh chữ Hán rốt cuộc được hình thành.

Trong thời kỳ này còn có một nhân tố trọng yếu nữa thúc đẩy quá trình hình thành Đại Tạng Kinh, đó là ảnh hưởng của tư trào "Tam Bảo". Phật Giáo truyền thống cho rằng Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) là nhân tố ắt có và đủ tạo nên Phật Giáo, do đó Tam Bảo trở thành đối tượng sùng bái của tín đồ Phật Giáo. Kinh Phật là thể hiện của Pháp bảo, đương nhiên cũng được sùng bái. Quần chúng tín ngưỡng Phật Giáo lấy việc sám hối, tạo công đức làm chính, sao chép, đọc tụng, cúng dường kinh Phật cũng là nội dung trọng yếu của hoạt động tôn giáo hằng ngày của họ. Trong các kinh điển không ít có nội dung tuyên dương công đức đạt được do sao chép, đọc tụng, cúng dường kinh điển hẳn có tác dụng đối với hoạt động sùng bái kinh Phật mang tính quần chúng này. Ngụy kinh "Cao Vương Quán Thế Âm Kinh", Đôn Hoàng di thư "Đại Phật Danh Kinh" là tư liệu chứng minh hoạt động sùng bái kinh điển. Một tư trào xã hội xuất hiện tất nhiên có ảnh hưởng lớn đến các hiện tượng xã hội, điều đó hầu như là một quy luật. Do đó, tư trào Tam Bảo lưu hành tất nhiên đã thúc đẩy quá trình hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán.

Một nguyên nhân trọng yếu khác đưa tới việc hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán là truyền thống văn hóa Trung Quốc xem trọng cả vô công lẫn văn trị. Từ xưa đến nay đều chú trọng đến sự thừa kế văn hóa và chỉnh lý sách vở của thời trước, mà sự hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán chính là phản ánh ý thức văn hóa dân tộc; đây là điểm trái ngược vớ Phật Giáo Ấn Độ. Dân tộc Ấn tuy có lý tưởng Chuyển Luân Thánh Vương, nhưng đất nước Ấn Độ chưa từng có một lần thống nhất, ý thức tôn giáo của dân tộc Ấn Độ tuy trên ký luận có thuyết Thanh Văn Tạng, Bồ Tát Tạng, nhưng trên thực tế không có xuất hiện một tổng vựng kinh sách mang tính chuẩn mực là Đại Tạng Kinh, mà chỉ là kinh điển của mỗi tông phái tự truyền cho nhau.

Cột mốc kết thúc thời kỳ này là tác phẩm Lịch Đại Tam Bảo Kỷ (Phí Trường Phòng soạn vào đời Tùy). Quan nhan đề của sách này, cho thấy tác phẩm đã chịu ảnh hưởng trực tiếp tư trào "Tam Bảo". Có người phê bình tác phẩm này không hợp với thể lệ kinh lục, thậm chí còn xem xét kỳ đến bối cảnh xã hội lịch sử khi biên soạn tác phẩm này. Đây là tác phẩm đầu tiên khai sáng "nhập tạng lục", vì thế bất luận về mặt thực tế hay lý luận, Đại Tạng Kinh chữ Hán lúc ấy hiển nhiên đã được hình thành, và danh từ Đại Tạng Kinh xuất hiện vào đời Tùy hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu nhiên.

3. Thời kỳ thể hệ kết cấu: Thời kỳ này bắt đầu từ sau Lịch Đại Tam Bảo (597) đến Khai Nguyên Thích Giáo Dục (730) do ngài Trí Thăng soạn.

Thời kỳ này các vị sư tăng nối tiếp nhau biên tập các kinh lục, từ các gốc độ khác nhau, các ngài tìm cách xếp đặt thể hệ kết cấu Đại Tạng Kinh. Nhưng nổi bật nhất là Khai Nguyên Lục, ngài Trí Thăng trên phương diện thể hệ kết cấu nhất của văn hiến Phật Giáo Trung Quốc cổ đại.

Theo sự phát triển không ngừng của Đại Tạng Kinh, do có yêu cầu tập hợp thành pho, nên vấn đề "ngoại bột tiêu chí" được đưa ra bàn bạc. Thời kỳ trước đã xuất hiện phương pháp "Kinh danh tiêu chí", thời kỳ này diễn hoá thành phương pháp "Kinh danh trật liệu". Hai phương pháp này cùng với phương pháp "Định cách trữ tồn" phối hợp với nhau thành ra phương pháp chủ yếu quản lý Đại Tạng Kinh của thời kỳ này.

Thời kỳ này, cao tăng Trung Quốc tiến sâu vào công tác nghiên cứu kinh điển Hán dịch và tư tưởng Phật học, các ngài biên soạn nhiều tác phẩm làm nền tảng cho các tông phái Phật Giáo Trung Quốc ra đời. Ngoài ra, còn xuất hiện một số lớn các tác phẩm như sử truyện, lễ sám, mục lục, âm nghĩa, sao tập và các tác phẩm phản ánh tín ngưỡng Phật Giáo bình dân. Các trứ tác do Trung Quốc biên soạn này, có một số được đưa vào Đại Tạng Kinh, nhưng phần nhiều lại bị các sư tăng biên tập kinh lục Đại Tạng Kinh loại bỏ ra ngoài, mặc cho chúng tự mai một. Thời kỳ này, Đại Tạng Kinh chữ Hán chủ yếu thu nạp các kinh sách phiên dịch. Do đó, nếu nói trong hai giai đoạn trước, trình độ phát triển của Đại Tạng Kinh chữ Hán ngang tâm với trình độ phát triển của Phật Giáo Trung Quốc, thì bắt đầu tư giai đoạn này, Đại Tạng Kinh chữ Hán chính thống (Chính Tạng) có xu hướng xơ cứng, chưa phản ánh thực sự tiến trình phát triển của Phật Giáo Trung Quốc. Để bổ túc cho sự thiếu sót này, thời kỳ này có "Biệt Tạng" chuyên tập hợp các trứ tác Phật Giáo Trung Quốc, như Luật Tông Tự Biên Tập Tỳ Ni Tạng.

4. Thời kỳ toàn quốc thống nhất hoá:

Thời kỳ này bắt đầu từ Khai Nguyên Lục (730) đến đời Ngũ Đại (895-960).

Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc thời kỳ này có một sự kiện trong đại là "Hội Xương phế Phật" (846-847). Lấy "Hội Xương phế Phật" làm bản lề, trước sau có thể chia làm hai giai đoạn. Trước "Hội Xương phế Phật", về cơ bản, Đại Tạng Kinh phát triển trong trạng thái bình ổn, quy mô của Chính Tạng và Biệt Tạng đều không ngừng mở rộng. Nhìn từ tổng thể, hình thái của Đại Tạng Kinh chữ Hán thời kỳ này đã nhân sự bất đồng về địa khu, tự viện, tông phái mà có sự sai khác và không thống nhất. Ngoài ra, cũng do sự phát triển của các tông phái mà có sự sai khác và không thống nhất. Ngoài ra, cũng do sự phát triển của các thư tịch mang tính tông phái như : Tỳ Ni Tạng, Thiền Tạng, Thiên Thai Giáo Điển...

Thời "Hội Xương phế Phật", Phật Giáo bị đã kích nặng nề, kinh sách của hầu hết các địa khu trong toàn quốc đều bị thiêu hủy. Sau cơn sóng dữ "phế Phật" qua đi, Phật Giáo dần dần khôi phục, tự viện mình. Trên mặt khách quan, điều này khiến cho Đại Tạng Kinh ở các nơi trong toàn quốc dần dần có xu hướng thống nhất.

Về phương diện "Ngoại bộ tiêu chí", thời kỳ này tuần tự xuất hiện các loại "Vận văn trật hiệu" lưu truyền ở vùng Đôn Hoàng, và "Thiên tự văn trật hiệu". Do ưu điểm của phương pháp "Thiên tự văn trật hiệu" mà nó được dùng thay thế các phương pháp tiêu chí trước kia là "Kinh Đại Tạng Kinh thống nhất mang tính toàn quốc mà truyền bá rộng rãi. Từ "Khai Bảo Tạng" về sau, các bản Đại Tạng Kinh Trung Quốc khắc bản đều theo phương pháp tiêu chí này.

Từ thời Bắc Thống về sau, các bản khắc Đại Tạng Kinh chữ Hán: Khai Bảo Tạng, Khiết Đan Tạng, Tỳ Lô Tạng, Sùng Ninh Tạng lần lượt ra đời. Ưu thế của Đại Tạng Kinh khắc bản thay thế tả bản và trở thành bản lưu thông chủ yếu. Từ đây, Đại Tạng Kinh chữ Hán cũng tiến vào một giai đoạn lịch sử mới.

Lịch sử hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán là một thành phần trọng yếu kết thành lịch sử Phật Giáo Trung Quốc Hán, Ngụy, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, Tùy, Đường, Ngũ Đại. Mỗi thời kỳ trong quá trình hình thành Đại Tạng Kinh từng giai đoạn phát triển Phật Giáo Trung Quốc. Do đó, muốn tìm hiểu về Phật Giáo Trung Quốc, không thể bỏ qua công tác nghiên cứu lịch sử hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán.

(Soạn dịch từ Phật Giáo Điển Tịch Bách Vấn của Phương Quảng Xương)

HT.Thích Thiện Siêu
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm