Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 18/02/2024, 12:00 PM

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Trong quan điểm của các nhà Phật học từ trước đến nay, tư tưởng và triết lý của kinh Pháp hoa có một vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là khi đối diện với những vấn nạn của con người trong thời đại chúng ta. Cội nguồn của những nỗi đau đớn của con người từ đau khổ nội tâm, đói nghèo, bệnh tật cho đến xung đột, chiến tranh, giữa mỗi cá thể, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng-xã hội cho đến quốc gia và đa quốc gia hay toàn cầu... đều được soi sáng một cách trọn vẹn trong tia sáng Phật huệ của kinh Pháp hoa. Kinh không những là lời giải đáp rất bao dung cho các vấn đề phân chia các bộ phái Phật giáo ở những thế kỷ xa xưa, thời điểm kinh Pháp hoa được phổ biến (khoảng thế kỷ thứ nhất Tây lịch), mà ngay cả những vấn nạn xã hội lớn nhất thuộc về thời đại của chúng ta ở thế kỷ này.

Thực tế cho thấy rằng, chiến tranh vẫn còn đó, nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn đó, sự bất bình đẳng về giới tính nam nữ vẫn còn đó, các chủ nghĩa cực đoan vẫn còn đó, và giấc mơ thế giới hòa bình vẫn được cất lên trong lời tha thiết cầu nguyện hàng ngày. 

01

I. Triết lý Nhân bản trong Cành Hoa Sen

Thông điệp đầu tiên trong tựa đề kinh Pháp hoa bao gồm 12 chữ: “Diệu pháp Liên hoa, Giáo Bồ-tát Pháp, Phật sở hộ niệm” (Saddharma puṇḍarīka, bodhisattvāvavādam, sarva-buddha-parigraham).1

Trước hết xin nói về hai chữ Diệu pháp (saddharma). Diệu pháp là Pháp chân thật, là chân lý tối thượng. Pháp chân thật tối thượng đó chính là Tri kiến Phật (tathāgata-jñāna-darśna), bao gồm cả Phật tính hay chân tâm thanh tịnh. Tri kiến Phật là tuệ giác hằng hữu vốn có ở mọi chúng sinh, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hay chủng tộc.

Kinh nhấn mạnh rằng chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên đó là “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến” (samādāpana/samdarśana/pratibodhana/avatārana)2; và rằng “Tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật”. Tuy vậy, mỗi người cưu mang một thân phận khác nhau, sướng khổ khác nhau, giàu nghèo khác nhau; cũng vậy, mỗi đất nước xứ sở cũng có cái duyên nghiệp khác nhau... tất cả đều tùy thuộc vào duyên nghiệp của mình, tùy thuộc vào duyên nghiệp của đất nước và quê hương mình. Và duyên nghiệp trần cấu của chúng sinh được ví như cái đầm lầy, bùn nhơ, nước đục. Nhưng cũng chính trong cái đầm lầy, bùn nhơ nước đục đó mà hoa sen được mọc lên và nở rộ giữa hư không.

Ở đây, bùn, nước, và hoa sen (nở trong hư không) là ảnh dụ cho cuộc hành trình tâm linh của chúng ta. Bùn, nước, và hư không cũng là ba giai đoạn, hay nói khác hơn là ba điều kiện cần thiết cho một hoa sen nở nụ trưng bày. Có thể nói rằng, ngay nơi bốn chữ Diệu pháp Liên hoa, Đức Phật đã cho chúng ta một con đường tâm linh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử tôn giáo nhân loại. Và đấy cũng là một pháp môn tối thắng và được xếp vào hàng Viên giáo.3

Thật vậy, mang thân phận con người, chúng ta không thể khước từ nghiệp lực của mình theo ý muốn nhất thời, muốn hết đau khổ, muốn được an vui. Cũng vậy đối với chiến tranh và hòa bình. Nghiệp lực chỉ có thể chuyển hóa bằng con đường tu tập của chính bản thân thông qua một quá trình thanh lọc tâm thức uế nhiễm, như lọc nước từ bùn. Vì thế Đức Phật dạy rằng, chúng ta không thể chạy trốn khổ đau để tìm hạnh phúc, mà trái lại, chỉ có thể chuyển hóa khổ đau, khơi nguồn hạnh phúc từ sự quán chiếu sâu sắc nguyên nhân đích thực của khổ đau. Nói cách khác, để giấc mơ có thể trở thành hiện thực, giấc mơ hạnh phúc hay giấc mơ hòa bình, tất cả đều phải bắt đầu từ sự quán chiếu thật tướng của cuộc đời. Thật tướng đó được Đức Phật nói đến qua giáo thuyết về mười Như thị,4 đó là nguyên lý vận hành của thế giới duyên khởi bao quát cả vũ trụ nhân sinh, được trực nhận bởi Phật huệ.

Trong kinh Pháp hoa, thí dụ “Cùng tử” (daridra-puruṣasya)5 nêu rõ: Như gã cùng tử, con người dù có bần hàn, lam lũ như thế nào đi nữa vẫn thủ đắc trong tay một gia tài vô giá. Gia tài vô giá đó chính là Phật tính (Buddhatva) vốn có ở mỗi con người. Nhờ có Phật tính, con người có khả năng thành Phật, có khả năng vượt lên trên mọi thứ khổ đau trong ba cõi. Chính vì vậy, nếu không có sự hiện diện thường trú của Diệu pháp trong mỗi con người hay mỗi chúng sinh, thì chúng sinh biết đi về đâu giữa cuộc hành trình miên man vô tận. Nếu cái kết cuộc của hành trình tâm linh của một hành giả tôn giáo chỉ để đạt đến một cõi sung sướng an vui thì quả là hời hợt. Trong kinh Pháp hoa, Đức Phật dạy rõ mục đích của sự tu hành là để thể nhập Tri kiến Phật (tathāgata-jñāna-darśna), để trở thành một vị Phật. Và chỉ có Tri kiến Phật - cõi giác ngộ tối hậu mới thật sự là cứu cánh viên mãn. Từ những lời dạy vàng ngọc này đã mở ra cho tất cả chúng sinh, đặc biệt là đối với con người một con đường mới, con đường giải thoát giác ngộ, tự chủ, năng động, và sáng tạo. Trên con đường này, ai cũng có thể đi được bằng nhiều phương tiện khác nhau qua các pháp môn tu học của Tam thừa (Tri-yāna) - Thanh văn (Srāvaka), Duyên giác (Pratyekabuddha), và Bồ-tát (Bodhisattvā)).

Thế giới con người dù có khác biệt về văn hóa, cách biệt về địa lý, khác nhau về chủng tộc... nhưng dưới ánh sáng của Phật tính đồng nhất, tất cả đều có thể hòa hợp với nhau, vượt qua mọi trạng thái phân cách dị đồng. Rõ ràng, với một triết lý như thế, thì sự khác biệt màu da hay chủng tộc chẳng có ý nghĩa gì trên con đường Phật đạo. Ở đây, ánh sáng Diệu pháp quả thật là chói lọi rạng ngời. Đấy là một loại ánh sáng của triết lý nhân bản, khó có thể tìm thấy ở bất kỳ hệ thống triết học nào, cả xưa và nay.

Câu chuyện Long nữ (con rồng nữ) con của Long vương (sāgara nāgarāja-duhitā) mới tám tuổi đã có thể thành Phật được tường thuật trong kinh Pháp hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa (Devadatta)6 là một điển hình đặc sắc về tiềm năng thành Phật một cách bình đẳng ở mọi chúng sinh, không phân biệt giới tính hay chủng loại. Rồng, dù được hình tượng hóa trong những thần thoại, có phần thiên tính, chúng vẫn được xem là một loài động vật có bốn chân và sinh sống ở dưới đáy đại dương. Tuy vậy, ẩn nghĩa trong thông điệp của câu chuyện này một cách nào đó vẫn gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ rằng, động vật mang nữ tính còn có thể thành Phật, hà huống là người phụ nữ. Một tư tưởng như thế xuất hiện cách đây hơn 2.500 năm giữa một xã hội phân biệt giai cấp của Ấn Độ quả là một giáo thuyết bình đẳng vĩ đại.

Trở lại với bối cảnh của thế giới hiện thực. Vẫn còn đó những cuộc chiến đẫm máu, tang thương được phát khởi từ những bất đồng về niềm tin tôn giáo, từ sự khác biệt về quan điểm cho đến thực hành tôn giáo. Trong bối cảnh như thế, chúng ta có thể nhận ra giá trị cao cả và vĩ đại từ lòng bao dung rộng lớn của Đức Phật với triết lý Diệu pháp Liên hoa. Thật là một nguồn cảm hứng thiêng liêng với thông điệp tâm linh, rằng tất cả chúng sinh đều có hạt giống Phật, và rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Đấy chính là tuệ giác bình đẳng, một loại tuệ giác có khả năng giải phóng con người ra khỏi sự nô lệ cho những niềm tin u huyền. Từ đó mở rộng cuộc sống trong tương giao hòa điệu và vượt qua mọi ngăn cách do tri kiến sai lầm dựng lên.

Vì sao Kinh Pháp Hoa được gọi là 'vua của các kinh'?

3

II. Con đường bảo vệ Hạnh phúc và Hòa bình

Tiếp theo Diệu pháp Liên hoa là bốn chữ Giáo Bồ-tát Pháp (bodhisattvāvavādam), tức là Pháp dạy cho các hàng Bồ-tát. Thông thường khi nghe như vậy, người ta thường nghĩ đây là loại giáo pháp chỉ dành để dạy cho hàng Bồ-tát và họ tự loại mình ra khỏi giáo pháp hoặc cho rằng giáo pháp đó không phù hợp với mình. Sự thật không phải như thế. Vì Đức Phật với tâm từ bi vô lượng nên trong lúc thuyết kinh Pháp hoa, thính chúng của Ngài có tất cả thiên long bát bộ, bao gồm cả trời, rồng, quỷ, thần. Và Ngài cũng nhấn mạnh rằng, bằng nhiều phương tiện khác nhau, Ngài đã thuyết giáo pháp ba thừa để độ cho những thính chúng có trình độ cao thấp khác nhau muốn vào Phật đạo. Tuy vậy, giáo pháp viên mãn rốt ráo chỉ có một Phật thừa (Buddhayāna) mà thôi.7 Và để tiến đến Phật thừa, hàng đệ tử của Ngài phải nỗ lực thực tập Bồ-tát hạnh, tức là dùng hạnh (hành động) để tu thân, làm lợi ích cho tự thân và tha nhân. Bồ-tát là người nỗ lực tu hành bằng cách quan tâm đến những nỗi khổ đau của kẻ khác. Sự nghiệp thực thụ của một vị Bồ-tát luôn gắn liền với hành trình cứu độ và giáo hóa chúng sinh. Đức Phật, trong kinh Pháp hoa, luôn nhấn mạnh đến tinh thần cứu độ và chính Ngài đã thọ ký cho tất cả thính chúng hiện tiền và ngay cả thính chúng vị lai sau Phật diệt độ, những ai dù chỉ khởi một niệm tùy hỷ với kinh Pháp hoa, tức là với tiềm năng thành Phật của chính mình và chúng sinh, cũng đều sẽ thành Phật đạo. Vì vậy, tinh thần Bồ-tát hạnh theo kinh Pháp hoa là không từ bỏ bất kỳ một chúng sinh nào, cho dù họ là kẻ xấu ác. Hình ảnh Bồ-tát Thường Bất Khinh (sadāparibhūta)8 gặp bất cứ ai cũng đảnh lễ ca ngợi tiềm năng thành Phật của họ là một thí dụ sắc bén về hạnh nguyện của một vị Bồ-tát, sẵn sàng hy sinh thân mạng để làm cho hạt giống Phật ở mọi chúng sinh được sinh khởi. Vì lẽ, trao cho người một tia sáng tâm linh-giác ngộ là điều thật sự cần thiết và có giá trị muôn đời; dĩ nhiên điều đó không phải dễ làm. Nhưng đấy chính là hành trình tu tập, dùng hạnh tu thân, tích chứa công đức, lợi lạc chúng sinh.

Hơn thế nữa, Đức Phật dạy rằng, không chỉ có thế giới của con người là thường hằng bất an, mà cả ba cõi (dục giới, sắc giới, và vô sắc giới) đều thường hằng bất an như ngôi nhà lửa đang cháy.9 Vì vậy, vượt ra khỏi ngôi nhà lửa của ba cõi mới là điểm đến đích thực của hàng Phật tử. Cũng từ lời dạy này, rõ ràng, để có cuộc sống hòa bình an lạc thật sự cho chính mình, chúng ta không những quan tâm đến nỗi khổ đau của những người bên cạnh mà còn quan tâm đến ngay cả thế giới bên cạnh. Vì nơi đó cũng có quyến thuộc của mình, quyến thuộc Bồ-đề. Trong cuộc sống thực tế, giả sử được làm người may mắn hạnh phúc nhưng làm sao chúng ta có thể sống yên bình khi bên cạnh mình là cả một thế giới bất an, xung đột, chiến tranh, hận thù? Vì vậy, làm thế nào để giúp cho những kẻ đang đắm chìm trong khổ não, bất an khơi lại nguồn an lạc hướng thiện, nhất là trong nội tâm của họ, là công việc tư duy-giáo hóa của một vị Bồ-tát hay nói khác đi là của người Phật tử, đặc biệt là những người đóng vai trò lãnh đạo của gia đình, cộng đồng, xã hội, hay quốc gia.

Một thiền ngữ rất phổ biến trong Phật giáo nói rằng, “Tâm an thì thế giới an. Tâm bình thì thế giới bình”. Thật vậy, niềm hạnh phúc cá thể của con người có sức tác động rất lớn đối với gia đình và xã hội, nhưng nỗi khổ đau của mỗi cá thể cũng có sức tác động lớn không hơn, không kém. Chính vì vậy, sự an trú trong không tịch, bảo vệ niềm an lạc cho riêng mình, như được ví trong cảnh giới Niết-bàn của hàng Thanh văn, không phải là điểm đến trong chí nguyện của hàng Bồ-tát. Do đó, kinh Pháp hoa luôn đề cao sự nghiệp hóa độ như là con đường xây dựng công đức, hồi hướng cho tất cả chúng sinh cùng đạt đến Vô thượng Bồ-đề (anuttara-samyak-saṁbodhi). Bản thân Đức Thích Ca Như Lai cũng vẫn đang đi trên con đường hóa độ. Phẩm Như Lai thọ lượng, thứ 16 nói rằng, Đức Thích Ca Như Lai, từ quá khứ lâu xa và cho đến bây giờ Ngài vẫn đang tiếp tục con đường hóa độ ở thế giới này cũng như ở những thế giới khác; và rằng Ngài vẫn chưa hề diệt độ. Trên ý nghĩa này, Đức Thích Ca Như Lai đã soi sáng cho chúng ta ý nghĩa đích thực của hòa bình và con đường đích thực, khả dĩ đi đến hòa bình.

Viên ngọc kinh Pháp Hoa

10583863_1515017352045963_4374311743500454258_n (2)

III. Chư Phật luôn hộ niệm

Bốn chữ cuối trong thông điệp 12 chữ “Diệu pháp Liên hoa, Giáo Bồ-tát Pháp, Phật sở hộ niệm” là Phật sở hộ niệm. Phật sở hộ niệm (sarva-buddha-parigraham) có nghĩa là được chư Phật bảo vệ, gìn giữ. Đức Thích Ca Như Lai, trong toàn bộ kinh Pháp hoa, Ngài thường xuyên nhấn mạnh rằng, kinh Pháp hoa là kho tàng bí yếu của chư Phật trong ba đời, quá khứ, hiện tại, và vị lai; và rằng những ai thọ trì đọc tụng giảng nói biên chép kinh Pháp hoa, hoặc chỉ một niệm tùy hỷ với kinh Pháp hoa đều được chư Phật trong ba đời gia trì, hộ niệm. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của triết lý độ sinh của kinh Pháp hoa vốn cưu mang những giá trị nhân bản, bình đẳng, và tiềm năng thành Phật ở mỗi con người, mỗi chúng sinh. Và đây cũng là triết lý căn bản cho việc gìn giữ và bảo vệ nền hòa bình của con người. Vì lẽ, nếu không gặp nhau ở một điểm chung nhất, thì mọi thành phần khác biệt không thể dung hóa với nhau được. Thực tế cho thấy rằng, chúng sinh ở bất kỳ nơi đâu cũng ước mơ được sống hạnh phúc và thể nghiệm được chân lý tối hậu của vũ trụ nhân sinh. Và chân lý đó, ở kinh Pháp hoa, được Đức Phật trình bày cụ thể qua khái niệm Diệu pháp, đồng nghĩa với Nhất thừa Phật đạo (ekayāna/buddhayāna).

Trong khuôn khổ giới hạn của lịch sử, Đức Thích Ca Như Lai từ khi Đản sinh cho đến lúc thị hiện Niết-bàn, Ngài đã luôn tuyên thuyết, khai thị, và minh định triết lý độ sinh này qua nhiều cách khác nhau, khế hợp với căn cơ trình độ của mọi chúng sinh. Không những đối với thế giới con người, mà ngay cả đối với hàng chư thiên ở các cõi trời, dù họ có phước báo hơn cõi người, nhưng Ngài vẫn dạy họ phải nỗ lực tu học và phát tâm hướng đến một cảnh giới hoàn thiện hơn, cao quý hơn, đó là cảnh giới của sự giác ngộ, hay còn gọi là Vô thượng Bồ-đề. Trong cái nhìn của Phật huệ, quả báo sướng hay khổ được tạo tác từ nghiệp (Karma) thiện hay ác. Do đó, ngay cả đời sống sung sướng an vui của hàng thiên chúng ở các cõi trời cũng không thể tồn tại lâu dài; và cũng không có cái gì có thể đảm bảo được rằng đời sống an vui đó sẽ mãi bền vững nếu không được soi sáng và dắt dẫn bởi ánh sáng giác ngộ-vô thượng Bồ-đề. Chính vì thế, trước khi thị hiện Niết-bàn, trong thời thuyết kinh Pháp hoa, Đức Thích Ca Như Lai, một lần nữa nhấn mạnh đến một Pháp mà chư Phật trong ba đời luôn hộ niệm, luôn bảo hộ, gìn giữ. Pháp đó chính là Diệu pháp Liên hoa, hay nói khác đi, là ánh sáng Nhất thừa Phật đạo.

Ở đây, Đức Phật nhấn mạnh rằng tất cả các Đức Phật trong quá khứ, các Đức Phật trong hiện tại, và các Đức Phật trong tương lai đều cùng hộ niệm Diệu pháp này. Điều đó cho thấy rằng, bất kỳ lúc nào và ở đâu, Diệu pháp Liên hoa vẫn là chân lý tối thượng. Nói một cách cụ thể, làm thế nào để thể nhập Tri kiến Phật là pháp tối thượng. Làm cho hạt giống Phật ở mỗi chúng sinh được nảy nở là pháp tối thượng. Khơi dậy tiềm năng thành Phật ở mỗi chúng sinh là pháp tối thượng. Làm cho tất cả chúng sinh phát tâm Bồ-đề là pháp tối thượng. Một hình ảnh sống động mô tả về sự hộ niệm của chư Phật quá khứ đối với Pháp tối thượng này được ghi lại trong phẩm Hiện bảo tháp của kinh Pháp hoa như sau:

Đức Đa Bảo Như Lai (Prabhūtaratna) đã nhập diệt từ vô lượng trăm nghìn vạn ức kiếp, toàn thân Ngài được tôn trí trong tháp Đa Bảo. Khi nghe Đức Thích Ca Như Lai thuyết kinh Pháp hoa ở cõi Ta-bà, bảo tháp của Ngài đã xuất hiện để chứng tín. Vì nhân duyên lâu xa, Đức Đa Bảo Như Lai có lời thệ nguyện rằng: “Nếu Ta thành Phật, thì sau khi diệt độ, bất kỳ cõi nước nào trong mười phương có thuyết kinh Pháp hoa, vì nghe kinh này, tháp của Ta sẽ xuất hiện để chứng minh, khen ngợi.” 10 Với hình ảnh này, dù được cắt nghĩa qua nhiều tầng triết lý uyên thâm, song điểm mấu chốt của nó vẫn tỏa sáng tinh thần hộ niệm của chư Phật đối với những ai khát ngưỡng tiếp nhận giáo lý Nhất thừa Phật đạo của Ngài. Sự hộ niệm của chư Phật trong ba đời cũng chính là cội nguồn của sức mạnh tâm linh Phật giáo, được đánh dấu không phải ở đời này hay đời sau, mà sức gia trì tâm linh đó luôn hiện hữu một cách thường hằng, mọi lúc, mọi nơi. Tương tự như ánh trăng vẫn luôn thường hằng trên trời dù ánh trăng dưới nước có khi ẩn, khi hiện.

Trên bình diện tâm linh, giáo lý Nhất thừa Phật đạo được Đức Thích Ca Như Lai tuyên thuyết trong suốt cuộc đời của Ngài, giáo lý ấy được thuyết giảng một cách bình đẳng với bất kỳ đối tượng nào. Ở đây không hề có sự khác biệt giữa người này hay người kia. Chỉ có phương tiện cơ cảm khác nhau, còn nội dung chỉ là một. Vì Phật chất chỉ có một. Chân lý cũng chỉ có một. Do đó, một hành giả đệ tử của Phật hay một tu sĩ Bà-la-môn, nếu cùng đi trên con đường Nhất thừa Phật đạo thì quả chứng Bồ-đề vẫn giống nhau, không khác. Trong ý nghĩa này, Diệu pháp được xem như một chân lý của tuệ giác bình đẳng. Một nghìn năm trước hay một nghìn năm sau vẫn là như vậy. Vì thế, hàng Phật tử luôn tin tưởng vững chắc rằng, các đấng Như Lai trong ba đời luôn âm thầm hộ trì và gia bị đến những ai mang trái tim khát vọng giác ngộ - Vô thượng Bồ-đề.

Nói tóm lại, dù xa cách Đức Thích Ca Như Lai đã hơn 2.600 năm, nhưng bài pháp trên đỉnh núi Linh Thứu (Gṛdhrakūṭa) năm xưa của Ngài vẫn đang tiếp tục soi sáng cho thời đại của chúng ta. Như mặt trời rực sáng ở phương Đông, sức mạnh tâm linh của bức thông điệp “Diệu pháp Liên hoa, Giáo Bồ-tát Pháp, Phật sở hộ niệm” vẫn tiếp tục cứu độ chúng ta, giúp cho chúng ta vượt qua những chướng ngại của khổ não trầm luân đeo mang trong thân phận nhỏ nhoi của con người. Khái niệm hòa bình sẽ trở thành rỗng toác nếu thiếu vắng chất Phật ở đó. Tôn giáo cũng sẽ suy tàn nếu thiếu vắng ánh sáng giác ngộ. Hạnh phúc sẽ không thể vĩnh cửu nếu vắng mặt trái tim Bồ-đề.

Chú thích: 

1  Kinh Pháp hoa Phạn-Hán-Nhật đối chiếu. Ueki Masatoshi (2015). Iwanami Shoten. Tokyo. (梵漢和対照. 現代語訳法華経. 植木 雅俊 (2015). 岩波書店.東京)

(Xem thêm bản dịch Kinh Pháp hoa của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, phẩm Tựa, thứ I)

2 Kinh Pháp hoa Phạn-Hán-Nhật đối chiếu. Ueki Masatoshi (2015). Iwanami Shoten. Tokyo. (梵漢和対照. 現代語訳法華経. 植木 雅俊 (2015). 岩波書店.東京)

“śāriputra tathāgatasyaika-krtyam eka-karaniyam mahā-krtyam mahā-karaniyam yena krtyena tathagato ‘rhan samyak-sambuddho loka utpadyate/ yad idam tathāgata-jñāna-darśna samādāpana-hetu-nimitam sattvānām tathāgato ‘rhan samyak-sambuddho loka utpadyate/ tathāgata-jñāna-darśna samdarśana-hetu-nimitam sattvānām tathāgato ‘rhan samyak-sambuddho loka utpadyate/ tathāgata-jñāna-darśnavatārana-hetu-nimitam sattvānām tathāgato ‘rhan samyak-sambuddho loka utpadyate/ tathāgata-jñāna-darśna pratibodhana-hetu-nimitam sattvānām tathāgato ‘rhan samyak-sambuddho loka utpadyate/ tathāgata-jñāna-darśna mārgāvatārana-hetu-nimitam sattvānām tathāgato ‘rhan samyak-sambuddho loka utpadyate”pp.95-96

3 Viên giáo là giáo pháp rốt ráo, tối thượng.

4 10 Như thị: Chỉ có chư Phật mới biết được thật tướng các pháp. Các pháp tướng như vậy, tính như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, đầu cuối như vậy. (Bản tiếng Hán: 唯佛與佛乃能究盡諸法實相, 謂諸法如是相, 如是 性, 如是體, 如是力, 如是作, 如是因, 如是緣, 如是果, 如是報, 如是本末究竟等.)

5 The Lotus Sutra. (2012). Senchu Murano dịch. Hayward. CA. NBIC.

Xem thêm bản dịch The Lotus Sutra. (1993). Burton Watson dịch. New York. Colombia University Press.

Xem thêm bản dịch Kinh Pháp hoa của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, phẩm Tín giải, thứ 04.

 6 Kinh Pháp hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa, thứ 12

7 Kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện, thứ 02.

8 Kinh Pháp hoa, phẩm Thường Bất Khinh, thứ 20.

9 Kinh Pháp hoa, phẩm Thí dụ, thứ 03.

10 Kinh Pháp hoa, phẩm Hiện bảo tháp, thứ 11.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo

Nghiên cứu 19:05 21/09/2024

Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.

Xem thêm