Quốc sư Vạn Hạnh và hướng giáo dục thời hiện đại
Quốc sư Vạn Hạnh là người giữ vai trò chủ chốt trong cuộc kiến tạo vương triều Lý (1009-1225), được ghi nhận trong sử sách dân tộc nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Từ góc độ lịch sử, Quốc sư Vạn Hạnh không chọn con đường lên núi làm một nhà khổ hạnh, mà là con đường hành động, dốc cả tâm can phò trợ những người khoan dung được lòng dân, có hoài bão làm cho quốc thái dân an. Tuy nhiên, Ngài tham chính với tâm thế đứng trong hậu trường tạo ra thời cuộc, dấn thân làm chính trị nhưng lại không trở thành vị quan hưởng bổng lộc trên chính trường. Đại cuộc thành rồi, Ngài vẫn chỉ tấm áo nâu sồng, muối dưa đạm bạc, xây dựng Đạo Pháp, giáo dục thế nhân.
Quốc sư Vạn Hạnh - Người mang ánh sáng tâm linh, dựng kinh đô vững bền
Quốc sư Vạn Hạnh (937-1018), họ Nguyễn, ở làng Dịch Bảng, châu Cổ Pháp, phủ Bắc Giang, nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 21 tuổi, Ngài xuất gia học đạo với Thiền Ông Đạo Giả tại chùa Tiêu Sơn (Lục Tổ) – thế hệ thứ 12 của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi – với nỗ lực tinh cần không mong cầu gì khác ngoài sự tu học về pháp hành, thiền định. Thiền Uyển tập anh chép rằng: “Thuở nhỏ sư đã khác thường, gồm thông ba học, nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh”1. Không bao lâu Ngài đã làu thông Tam vô lậu học, đồng thời, nỗ lực tu tập pháp môn Tổng Trì Tam Ma Địa, có khả năng thông suốt và giữ gìn tất cả pháp, thông hiểu sấm ký, biết trước việc sẽ xảy ra.
Giáo dục Phật giáo cho giới trẻ hiện nay
Là một trong những trí thức Phật giáo làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành (980 – 1005) và đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều Lý, Ngài đã đem hết khả năng và tinh thần “dung hợp Nho-Lão-Phật” để giúp vua trị quốc an dân, giúp dân an cư lạc nghiệp. Tuy vậy, ngày Lý Công Uẩn lên ngôi, Ngài ung dung ngồi ở chùa Lục Tổ, mỉm cười với chính mình. Đấy là cái ung dung thanh thoát của người không hề vướng bận, vì chúng sinh nên phải dấn thân nhưng không vì thế hoen ố tâm linh. Về sau, Ngài được vua Lý Nhân Tông truy tán trong công cuộc dựng vương triều:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chơn phù cổ sấm thi
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.
Nguyễn Lang dịch thơ:
Hành tung thấu triệt ba đời
Ngữ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa
Quê hương Cổ Pháp bây giờ
Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền.
Công lao của Quốc sư Vạn Hạnh đối với dân tộc và đạo pháp: Thấu triệt ba đời, muôn lời sấm xưa
Tầm nhìn thời đại của Quốc sư ảnh hưởng quan trọng đến vận mệnh quốc gia: Trước những biến động thời cuộc, Quốc sư Vạn Hạnh xuất hiện như một vị cứu tinh dân tộc, phục hưng quốc gia. Ngài đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, là linh hồn của cuộc “chuyển giao quyền lực” êm thấm từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý. Cũng chính nhờ sự giáo dục toàn diện của Ngài, Lý Công Uẩn đã huân tập được tinh thần từ bi, trí tuệ trong Phật giáo, đặt sự tồn tại của dân tộc lên trên nhất, xây dựng xã hội nhân bản, hưng thịnh, an lạc và trở thành vị vua anh minh, làm tròn sứ mạng cao cả cho dân tộc.
Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết: “Triều đại nhà Lý là triều đại thuần nhất trong lịch sử nước ta. Đó là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo”2. Có lẽ bởi những ảnh hưởng này, triều Lý không chỉ mở đầu cho thời đại tự chủ – thái bình thịnh trị lâu dài, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển của quốc gia Đại Việt.
Nhờ thấm nhuần Phật học, trông rộng nhìn xa và khắc sâu lời giảng dạy của Quốc sư Vạn Hạnh3, vua thảo chiếu quyết định dời kinh đô Hoa Lư ra Đại La, đổi thành Thăng Long, mở đầu kỷ nguyên mới cho Đại Việt. Bằng những tiên đoán và nhận định siêu việt, Ngài đã ý thức mãnh liệt về sự hưng thịnh lâu bền của dân tộc, dùng ánh sáng tuyệt luân Phật giáo hành hoạt cho tâm thức. Quốc sư Vạn Hạnh đã lĩnh hội tư tưởng Phật giáo và vận dụng vào công cuộc nhập thế, chuyển hóa thực tại, cải tổ con người, tạo dựng một xã hội huy hoàng bằng chính cái tâm từ bi, trí tuệ của Phật giáo.
Sau hơn 1.000 năm, các nhà sử học đã có đủ sử liệu để đánh giá vai trò của triều Lý trong lịch sử dân tộc, đặc biệt nổi bật là quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Quyết định ấy đặt nền tảng cho sự ổn định và phục hưng dân tộc.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Sáu: Cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh hết lòng vì sự nghiệp nhân đạo
Xây dựng nền triết lý tâm linh đặc thù, nêu cao tinh thần nhập thế tùy duyên của Kinh Hoa Nghiêm: Đứng trước vực thẳm của dân tộc đang bị cuốn vào âm mưu đồng hóa, Quốc sư Vạn Hạnh đã ý thức mãnh liệt về dân tộc tính, tạo dựng nên một nền tâm linh đặc thù, mang một đặc thể hoàn toàn dân tộc. Bởi: “Vạn Hạnh thiền sư là người đã dựng nên một nền minh triết Việt đạo độc đáo cho dân Việt, đánh tan đi ảnh hưởng của ngoại lai. Ngài đã thẩm định lại một cách rõ ràng bằng con đường trực giác kiến tính, siêu việt lên trên mọi hiện tượng, thực nghiệm những tương quan bằng con mắt trí tuệ sáng soi, và một tinh thần xây dựng đất nước lâu dài cho muôn thuở, và một ý thức sáng tạo phụng sự cho dân tộc”4. Có thể nói, Ngài đã giáo dục Lý Công Uẩn bằng tinh thần Phật giáo và đem tinh thần ấy hiện thực trong đời sống xã hội. Ngài đã nhập thế gánh vác việc nước một cách tài tình, phù trợ tân quân lên ngôi trong hòa bình, thể hiện uy nghi Đại hùng, Đại bi rõ rệt, song song với Đại lực toát ra bằng cuộc vận động âm ỉ trong lòng dân tộc.
Ngài là hiện thân cho sự nghiệp kỳ vĩ của Phật giáo Việt trong lòng quốc gia Việt, khai sinh ra một xã hội đức trị. Và qua những trang sử, cho thấy đất nước đã sản sinh ra những vị thiền sư hy sinh lợi ích cá nhân, hòa nhập vào lợi ích chung của dân tộc, sẵn sàng xả thân khi đất nước lâm nguy. Khi đại công cáo thành, các ngài thong dong tự tại quay gót trở về với núi rừng sơn thủy, chọn am tranh làm chốn tu hành.
Cuộc đời Ngài cho thấy ý thức về khả năng siêu hoạt của tâm linh trong việc cải biến và dung hòa những nghịch lý tác động nội ngoại cảnh, tạo nên tương quan thiết dụng cho con người. Ngài đã dung hòa những phức tạp xuất hiện trong ý thức để hoán chuyển thành nguồn thực dụng nuôi dưỡng tâm linh siêu thể. Ngài thông suốt tường tận và dung hợp ba luồng tư tưởng Nho – Lão – Phật nhằm quân bình nội tại và tỏa sáng trên hành trình giải phóng tâm linh, mang lại ánh sáng siêu việt cho dân tộc, giải phóng ra khỏi triền phược hệ lụy đang đè nặng trong mỗi người, khai ngộ và đi vào cuộc đời để dựng xây nền thịnh vượng cho quốc gia. Chính tinh thần nhập thế tùy tục, tùy duyên hành đạo của Kinh Hoa Nghiêm đã sản sinh ra những thiền sư luôn luôn hướng về cuộc sống, hoà nhập với cuộc đời.
Quốc sư Vạn Hạnh và tài tiên tri xuất chúng
Từ vai trò tri thức tinh hoa của Quốc sư để nghĩ về hướng giáo dục thời hiện đại
Tầng lớp trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử tồn tại và phát triển của bất kỳ quốc gia nào và ở bất kỳ thời điểm nào. Với trí tuệ, đạo đức và năng lực xuất chúng, họ chính là những người nhận diện, đề xuất phương án xử lý các vấn đề trọng đại, có tính bước ngoặt trong đời sống xãhội. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, do vị trí địa – tự nhiên, nước ta thường xuyên phải đối mặt với những thách thức to lớn, ảnh hưởng đến tồn vong dân tộc. Để vượt qua thách thức và tận dụng thời cơ, vai trò của tầng lớp trí thức luôn được phát huy cao độ, như trường hợp Quốc sư Vạn Hạnh trong buổi đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ.
Theo học giả người Nga G. Pomerants và Aleksandr Solzhenitsyn, phần ưu tú nhất của giới trí thức “là một nhóm nhỏ những con người có khả năng tự phát hiện lại những báu vật, những giá trị của văn hóa nhưng không phải bằng sự uyên bác, bằng chuyên môn khoa học, mà bằng phẩm hạnh, chấp nhận hy sinh hạnh phúc và trong trường hợp cần thiết, chấp nhận hy sinh cả mạng sống”5.
Như vậy, nếu nhà trí thức chỉ giỏi chuyên môn thì không thể xem là trí thức tinh hoa, mà họ phải có trách nhiệm dẫn đạo xã hội, tạo ra những định hướng có tầm để xã hội phát triển đúng hướng. Do đó, trí thức tinh hoa là bộ phận ưu tú trong tầng lớp trí thức, với những phẩm chất xuất chúng về trí tuệ, đạo đức, năng lực thực hành và mức độ hoàn thành trách nhiệm xã hội, có khả năng thúc đẩy xã hội phát triển.
Nghĩ về hướng giáo dục thời hiện đại:
Quốc sư Vạn Hạnh chính là hiện thân tiêu biểu cho trí thức tinh hoa của dân tộc ở buổi đầu kỷ nguyên độc lập. Ngài có những phẩm chất trí tuệ nổi bật, trình độ hiểu biết sâu rộng và những phẩm chất đạo đức cao đẹp, luôn vận dụng trí tuệ đó làm tròn vai trò và vị thế trước thời cuộc dân tộc. Ngài đã đưa ra những tư vấn chính sách mang tính chiến lược, quyết định cho các bậc minh quân; đem trí tuệ khai minh xã hội và dấn thân hành động, thúc đẩy xã hội phát triển thuận theo quy luật, góp phần mở ra vương triều Lý6. Đặc biệt, dù có công lao to lớn với đất nước, nhưng Ngài đã vượt thoát vòng danh lợi, buông bỏ nhẹ nhàng tất cả khi thời khắc đến. Đấy là biểu hiện sinh động nhất cho những phẩm chất ưu việt của nhà trí thức tinh hoa trước thời cuộc.
Cho nên, suy nghĩ về định hướng giáo dục thời đại mới qua cuộc đời Ngài nhằm khẳng định vai trò của tầng lớp trí thức nói chung và bộ phận trí thức tinh hoa nói riêng là trụ cột quốc gia, dân tộc. Đồng thời, ta cũng đúc kết nên một chân lý: Triều đại nào dựa vào tầng lớp trí thức chân chính và xây dựng chính trị trên nền tảng trí tuệ và văn hóa, triều đại đó sẽ vững vàng trước mọi thách thức, lập nên đại nghiệp.
Vai trò của Thiền Sư Vạn Hạnh trong sự nghiệp lập nước và giữ nước
Giáo dục là quá trình góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội. Do đó, giáo dục không chỉ truyền trao kiến thức mà còn chuẩn bị cái toàn thể cho đời sống, phát triển tinh thần, khai mở những giá trị tâm linh.
Vì vậy, giáo dục hiện đại phải mang tính nhân bản dân tộc và khai phóng; lấy con người làm căn bản; tôn trọng giá trị truyền thống dân tộc; mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần hiện đại hóa quốc gia và xã hội. Nêu cao phát triển tinh thần quốc gia và tỏ rõ tinh thần dân chủ, khoa học; nhằm phát triển trí tuệ, hiểu thấu bản chất và hướng đến sự phát triển toàn diện của con người qua các mặt đời sống, đặc biệt là tâm thức nhằm kiến tạo một đời sống trí tuệ và hạnh phúc.
Quốc sư Vạn Hạnh – một nhà giáo dục trọn Đời vẹn Đạo – đã khẳng định vai trò lịch sử trong buổi đầu xây dựng một nhà nước tự chủ, nêu cao tinh thần nhập thế tích cực, kết hợp hài hòa giữa ý thức một công dân hết lòng phụng sự đất nước với tư tưởng tốt đẹp nhất của nhà Phật. Tính độc đáo và sáng tạo của Ngài là luôn chủ động phát huy tinh thần khế lý – khế cơ, dấn thân vào các hoạt động xã hội, tham gia triều chính, hoằng dương Phật pháp, tiếp độ chúng sinh, nhưng cũng nêu cao tinh thần công thành danh thoái, không bị ràng buộc vào thế gian.
Với trí tuệ uyên thâm, sâu sắc, bằng tinh thần từ bi, hỷ xả, Ngài luôn dung hòa các mối quan hệ, đề cao và phát huy tinh thần đoàn kết, coi đó là tiêu chí cho sự phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Và “nếu Niết Bàn là nẻo tận của kẻ đạt đạo, thì Vạn Hạnh quả là người đã xông thẳng vào rừng chông gai của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn chuyển mình tự chủ để tiến vào nẻo ấy vậy”.
Quốc sư Vạn Hạnh – Công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc
Chú thích:
1. Trần Hưng, Vạn Hạnh: Vị thiền sư có ảnh hưởng to lớn đến vận mệnh của Đại Việt, https://trithucvn.org/van-hoa/van- hanh-vi-thien-su-co-anh-huong-to-lon- den-van-menh-cua-dai-viet.html
2. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 45.
3. Theo Nguyễn Lang, “có thể nghĩ rằng thiền sư Vạn Hạnh vừa là người thảo chiếu, vừa là người thiết kế họa đồ cho kinh đô Thăng Long vậy” (VNPGSL, tr.136).
4. Lê Văn Siêu (1957), Văn Học Đời Lý, nhà xuất bản Hướng Dương, tr.32.Nhiều tác giả (Nga): Về trí thức Nga, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2009, tr. 197, 228.
5. Xem thêm Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh; Đào Ngọc Phong, Thiền sư Vạn Hạnh và sứ mệnh lịch sử, https://nghiencuulichsu. com/2017/06/27/thien-su-van-hanh-va- su-menh-lich-su/.
6. Xem thêm Thích Thiện Nhơn, Giáo dục Phật giáo – Sự kế thừa và phát triển, http://www.daophatngaynay.com/vn/ giao-duc/11013-Giao-duc-Phat-giao-Su- ke-thua-va-phat-trien.html.
7. Thích Mãn Giác (1997), Vạn Hạnh, kẻ đi qua cầu lịch sử, Trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản, tr.28.
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Mãn Giác (1997), Vạn Hạnh, Kẻ đi qua cầu lịch sử, Trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản.
2. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn Học Hà Nội.
3. Nhiều tác giả (2009): Về trí thức Nga, Nxb. Tri Thức Hà Nội.
4. Lê Văn Siêu (1957), Văn học đời Lý,Nxb. Hướng Dương.
5. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Thành phố HCM.
6. Thích Thiện Nhơn, Giáo dục Phật giáo– Sự kế thừa và phát triển, http://www. daophatngaynay.com/vn/giao-duc/11013- Giao-duc-Phat-giao-Su-ke-thua-va-phat- trien.html.
7. Trần Hưng, Vạn Hạnh: Vị thiền sư có ảnh hưởng to lớn đến vận mệnh của Đại Việt, https://trithucvn.org/van-hoa/van- hanh-vi-thien-su-co-anh-huong-to-lon- den-van-menh-cua-dai-viet.html.
8. Đào Ngọc Phong, Thiền sư Vạn Hạnh và sứ mệnh lịch sử, https://nghiencuulichsu. com/2017/06/27/thien-su-van-hanh-va- su-menh-lich-su/.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Nhớ về Hòa thượng Thích Minh Châu - Đường Tăng của Việt Nam
Chân dung từ bi 08:05 19/10/2024Những ngày này tôi dành trọn thời gian để đọc lại, tư duy, suy ngẫm, trải nghiệm một số bản Kinh trong Nikaya gồm Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ.
Xem thêm