Quý trọng thời gian, tìm sự thanh thản là hạnh phúc lớn nhất của đời người
Đạo Phật có những câu nói hay về giá trị của thời gian, giá trị sống của một đời người. Nếu đọc và suy ngẫm đạo Phật, sẽ biết quý trọng thời gian, sẽ hiểu sống thanh thản tự tại là hạnh phúc lớn nhất, sẽ giúp tâm thanh tịnh hơn giữa bộn bề lo toan trong cuộc sống.
Lời Phật dạy về cách sử dụng thời gian
Đức Phật dạy chúng ta cần biết quý trọng thời gian: Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm. Mỗi ngày chúng ta cần ý thức được sự sống của mình và đừng lãng phí thời gian tuổi trẻ của mình. Chúng ta cũng không có quá nhiều thời gian để lựa chọn.
Con người trước đây có quan niệm về thời gian rất đơn giản, đầu óc họ cũng chất phác. Nhưng đối với con người hiện đại, lúc nào cũng tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đa dạng như báo chí, Internet, truyền hình... Con người cảm giác môi trường ngày càng nhỏ dần, tầng lớp mà chúng ta được tiếp xúc ngày càng phức tạp, nhưng thời gian thì không bao giờ khống chế được. Vì vậy, trong việc sử dụng thời gian, chúng ta còn phải học nhiều điều.
Đạo Phật khuyên mỗi chúng ta tốt nhất cần phải sống ngay trong giây phút hiện tại. Gấp gáp chính là thời gian hiệu quả nhất, hãy biết hưởng thụ nó, thưởng thức nó, sử dụng nó, đó là điều hợp lý nhất.
Lời Phật dạy về giá trị sống của một đời người
Trong Kinh tạng Nykaya, trăm năm trong cõi người ta tuy có tới ba vạn sáu ngày ngày nhưng thật là ngắn ngủi. Đời người như bóng câu lướt ngoài cửa sổ, càng ngắn ngủi hơn vì mấy ai sống tới trăm năm. Vô thường sẽ lần lượt đến với mọi người mà không bao giờ hẹn trước. Đến một lúc nào đó có lẽ bạn sẽ hiểu được rằng chỉ cần sống khỏe mạnh, ngày ngày nở nụ cười bình yên đã là một loại hạnh phúc của nhân sinh rồi.
Mỗi ngày đi qua, đời mình như con lừa đang trên đường dẫn đến lò sát sinh thì có vui gì khi cố níu kéo những ngọn cỏ bên vệ đường. Vinh nhục thị phi trong đời vốn chẳng phải là điều quan trọng lắm. Sống khờ khạo một chút, phóng khoáng một chút cũng đâu mất gì, phải không? Ung dung, điềm đạm thì sống lâu. Hối hả, vội vàng thì thân tâm mỏi mệt, lòng sinh oán khí, tâm ý hóa thành tro, quả là một chuyện không ai muốn.
Một đời người mấy ai sống tới trăm năm, tuy thời gian ấy không phải là dài nhưng cũng đủ cho ta chiêm nghiệm về những giá trị sống. Rốt cuộc thì trọng tâm của đời sống này là gì, phải chăng chỉ là hưởng thụ, tranh giành và chiếm đoạt?
Thời nay, người người lao mình vào vòng xoáy kim tiền, tranh đấu chỉ vì chút lợi ích, nhọc thân tốn sức mong thu về được càng nhiều tiền của càng tốt rốt cuộc cũng chỉ là mong có một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn. Tuổi trẻ khí lực hăng hái, sôi nổi tráng kiện thì chỉ mong sao kiếm được nhiều tiền. Đến khi về già, tiền bạc rủng rỉnh lại chỉ ước sao có sức khỏe và thời gian thanh xuân. Con người cứ sống trong cái nghịch lý như vậy đó.
Chỉ cần một ngày giác ngộ được Phật pháp, biết sống và làm đẹp cuộc đời, biết yêu thương tha thứ và bao dung, biết nhận lãnh trách nhiệm về những nghiệp nhân đã gây tạo... thì dẫu vô thường, kiếp người tạm bợ thì cuộc đời này vẫn đẹp và đáng sống. Người thanh thản thì lúc nào cũng nuôi dưỡng một tâm hồn bay bổng, tự tại, trái tim thỏa sức thổn thức với những niềm vui của cõi đời. Đồng thời, hãy quên đi tất cả vui buồn chốn trần gian, cõi tục. Hãy bước qua hết thảy mâu thuẫn, trái ngang. Hãy nhẹ nhàng xả bỏ hết thảy những niềm ân oán như phủi bụi trên bàn tay.
Sống hạnh phúc là biết tận dụng thời gian quý báu để tu tập 3 điều sau
1. Một người tri kỷ
Người tri kỷ khó tìm, cơ hồ vạn năm kết duyên cũng chỉ là để một kiếp được kề vai bên nhau. Người ta nói, kiếp trước có ngoái đầu nhìn nhau thì kiếp này mới có thể gặp gỡ. Ôi, người tri kỷ kết giao đạm bạc như nước mà cũng thanh tao như nước vậy! Có nhà thơ tên là Giả Đảo, sống ở thời Đường, một lần làm xong bài thơ, hàng lệ bỗng dưng tuôn rơi, thổn thức ngâm lên mấy câu này:
“Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất thưởng
Qui ngọa cố sơn thu”
Dịch thơ (Trần Trọng San):
Hai câu làm mất ba năm,
Một ngâm, lã chã hai hàng lệ rơi.
Tri âm nếu chẳng đoái hoài,
Trở về núi cũ, nằm dài với thu.
Nếu đã không thể tìm được người tri kỷ thì đành cô tịch một mình như vậy thôi!
2. Một ấm trà ngon
Tại sao lại là trà? Bởi vì:
“Tình ngàn năm vẫn thế
Chỉ có oán hận sầu
Trà ngàn năm vẫn thế
Bát ngát mùi bể dâu”.
Hãm một chung trà, đợi người tri kỷ, nhấm nháp vị đắng nhằn nhặn ở đầu lưỡi, vị ngọt dịu thanh tao ở cuống họng, âu cũng là một cái thú tiêu dao ít sánh kịp ở đời. Cổ nhân lại có câu: “Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà” (Nửa đêm ba chén rượu, bình minh một chén trà). Có người tri âm, lại sẵn một ấm trà, tưởng như có thể quên ngày tháng lắm chứ!
3. Một sự thanh thản
Ngày tháng thoi đưa, đời người ngoảnh lại cũng chỉ thấy bộn bề bể dâu, bao nỗi nhọc nhằn, oan trái. Thanh thản chính là thứ khó kiếm nhất trong đời. Người thanh thản thì tâm rộng mở. Tâm rộng mở thì cõi lòng tràn ngập độ lượng, dung chứa được cả đất trời, thản đãng, chẳng gợn bụi trần ai.
Người giàu chưa chắc đã thanh thản, kẻ thông minh không hẳn được hưởng phúc dài lâu. Ở đời, đôi khi hãy làm một kẻ ngốc chịu thiệt thòi. Ngốc một chút có sao, chịu thiệt về mình một chút có sao? Miễn vẫn là ung dung, khoan khoái hưởng thái bình, miễn vẫn là giữ được cái gốc thiện lương, thì trăm năm này chính là chẳng phí hoài vậy.
Thế mới hay:
Thềm cao gương soi rầu tóc bạc
Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết?
Đời người đắc ý hãy vui tràn,
Chớ để chén vàng suông dưới nguyệt!
Trời sinh thân ta, hẳn có dùng,
Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến.
(Lý Bạch)
Trên đây là ba điều mà Phật giáo thiền tông khuyên chúng ta nên tu dưỡng, giúp chúng ta vượt qua khó khăn, bão táp của cuộc đời. Vì mạng người mong manh, nên phải làm điều lành, phải sống phạm hạnh. Và rồi bạn sẽ nhận ra cả một đời này không phải dành để oán hận một người không đáng, buồn đau những chuyện của ngày hôm qua. Hãy sống đơn giản, thanh thản, biết quý trọng thời gian và khoảnh khắc hiện tại, ông Trời sẽ có an bài tốt nhất.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Phật pháp và cuộc sống 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Phật pháp và cuộc sống 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Ra đi để biết nẻo về
Phật pháp và cuộc sống 13:50 01/11/2024Có một cô bé vì làm quấy nên bị mẹ quở mắng, cô cãi lại mẹ rồi tức giận bỏ nhà ra đi. Cô đi lang thang từ sáng đến tối mà chẳng biết về đâu, bụng đói meo vì không có gì bỏ vào cả, trong túi của cô cũng chẳng có tiền.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Phật pháp và cuộc sống 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Xem thêm