Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 02/05/2023, 08:14 AM

Sách 'Nhân hạnh vãng sanh' của tác giả Trí Khiêm

Lời giới thiệu của Hoà thượng Thích Như Điển về cuốn sách “Nhân Hạnh Vãng Sanh” của tác giả Trí Khiêm. Về cuốn sách này, chúng tôi đã liên hệ để đạo hữu tác giả Trí Khiêm gởi bản word và nếu có nhân duyên, BBT sẽ đưa lên trang nhà trong thời gian tới.

Kể từ ngày 22 tháng 2 năm 1972 khi tôi xa quê Mẹ Việt Nam đến hôm nay ngày 14 tháng 4 năm 2023 là 51 năm và gần hai tháng như thế. Một thời gian khá lâu hơn nửa thế kỷ và hơn nửa đời người có mặt tại Nhật Bản và Đức Quốc cũng như các quốc gia khác tại Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi châu. Tôi đã bay qua 5 đại lục như vậy không biết bao nhiêu lần, chắc cũng trên mấy triệu cây số đường bay của 79 nước trên thế giới nầy. Có nghĩa là một phần ba thế giới mà tôi đã đến, đã đi và đã lưu trú tại đó trong ít hay nhiều ngày tháng trong 75 năm (sinh 1949) của trần thế và năm thứ 60 (1964) kể từ khi xuất gia học đạo và hành đạo cho đến bây giờ. Nếu bảo rằng một tam thiên đại thiên thế giới của Phật giáo thường hay nói trong kinh điển là một tỷ thế giới lớn nhỏ khác nhau, thì tôi đã có duyên với một phần rất nhỏ trong một tỷ thế giới ấy ở cõi Kham Nhẫn nầy.

Không biết như vậy đã đủ thời gian để nhận định một vài sự việc trên cõi đời nầy chăng? Người Việt Nam chúng ta ra đi trước hay sau năm 1975 đến các quốc gia Á, Âu, Mỹ, Úc, Phi Châu đều có nhiều lý do khác nhau như: du học, ngoại giao, chính trị, kết hôn, đoàn tụ gia đình, con nuôi, nhân đạo v.v... tất cả và trên hết chúng ta đều có xuất phát từ quê Mẹ Việt Nam và suốt trong một thời gian dài của lịch sử mấy ngàn năm đó đã có rất nhiều chuyến hành trình mang lại vẻ vang cho nòi giống Việt. Họ là những kinh tế gia, chính trị gia, thể thao gia, tôn giáo gia, bình luận gia, khoa học gia v.v... tất cả chừng ấy phạm trù đã nối kết thành một con người Việt Nam vĩ đại ở Hải ngoại dưới cái nhìn của người ngoại quốc, trong đó tôi là một nhân chứng.

Về những phạm trù như kinh tế, giáo dục, khoa học, thể thao, chính trị v.v... hôm nay tôi không đề cập đến, mà chỉ muốn giới thiệu về lãnh vực Tôn giáo; trong đó Phật giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của những Phật tử đang sống xa quê hương xứ sở và họ đã, đang cũng như sẽ hành trì các pháp môn như: Thiền, Niệm Phật, trì chú, bố thí, xây dựng, nghệ thuật v.v... trong đó có Đạo hữu Trí Khiêm; người đang dạy học tại Anh quốc trong 17 năm nay đã âm thầm soạn ra quyển sách “Nhân Hạnh Vãng Sanh” nầy là một thí dụ điển hình.

Có khi nào Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho đại chúng biết về Đức Phật A Di Đà không?

Khi nghiên cứu về Phật Pháp, ai trong chúng ta cũng đều chấp nhận rằng: các bộ Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm,Tăng Nhất A Hàm và bộ Bản Duyên (Bản Sanh) của Đại Thừa Phật Giáo tương ưng với những bộ Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh của Phật Giáo Nam Truyền. Khi nghiên cứu về các Đại Tạng Kinh, chúng ta thấy đa phần các học giả Phật giáo ngày nay đều lấy bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho ShinshuDaizokyo) làm bản gốc và 4 bộ A Hàm cùng bộ Bản Duyên in thành 4 tập, cho đến kinh văn thứ 219 là chấm dứt. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh do Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương cho dịch ra toàn bộ A Hàm nầy thành 17 quyển và kinh văn cuối của A Hàm cũng thuộc kinh văn thứ 219.

Vườn Cấp Cô Độc rừng Thệ Đa (Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên): Nơi Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng Kinh A Di Đà!

Vườn Cấp Cô Độc rừng Thệ Đa (Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên): Nơi Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng Kinh A Di Đà!

Có nhiều học giả muốn chứng minh cho biết rằng: Trong 4 tập A Hàm và Bản Sanh đó, có khi nào Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho đại chúng biết về Đức Phật A Di Đà không? Đây là câu trả lời. Quý vị hãy lật quyển Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh tập thứ 10, bộ Bản Duyên thứ nhất, kinh văn số 154 - Phật Nói Kinh Sinh, quyển thứ 5, phần kinh thứ 55: Đức Phật Thuyết Giảng Về Kinh Thí Dụ (từ trang 471 đến trang 474), chúng ta sẽ thấy sự liên hệ giữa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật A Di Đà.

Cũng trong tập thứ 10 nầy, kinh văn số 157, thuộc Kinh Bi Hoa quyển thứ 3 trang 794 Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có giới thiệu về cõi An Lạc và Đức Phật Vô Lượng Thọ (bản chữ Hán thuộc quyển thứ 3, Bổn Duyên bộ thượng, thứ tự kinh văn số 154, Phật Nói Kinh Sinh gồm 5 quyển và thuộc về kinh thứ 55). Kế tiếp quyển thứ 16 của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh thuộc Bản Duyên bộ thứ 7, kinh văn số 206, thuộc Kinh Cựu Tạp Thí Dụ, quyển hạ, phần kinh thứ 60 trang 388 & 389 có so sánh về cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

Chúng ta rõ biết rằng ba kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ Quán Vô Lượng Thọ là ba bộ kinh căn bản của Tịnh Độ Tông do chính kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng thuyết và truyền đến Ngài Long Thọ ở thế kỷ thứ nhất, thứ hai và Ngài Thế Thân (316-396) là hai vị Đệ Nhất và Đệ Nhị Tổ Sư Tịnh Độ Tông người Ấn Độ, rồi truyền qua Trung Hoa cho Ngài Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo. Đến Nhật Bản thì có Ngài Nguyên Tín, Nguyên Không (Pháp Nhiên) và Ngài Thân Loan. Tất cả những vị Tổ nầy đều lấy 3 kinh căn bản trên để lập Tông, lập Giáo và lập Hạnh.

Riêng Việt Nam chúng ta thì Ngài Đàm Hoằng (?- 455) người có thể là đầu tiên tu theo Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Quán Vô Lượng Thọ ở chùa Tiên Sơn trên núi Tiên Du, Giao Chỉ; đến thế kỷ thứ 19, 20 có Hòa thượng Thiền Tâm, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Tâm Thanh v.v... Nay có Đạo hữu Trí Khiêm ở Anh Quốc đã dày công tra cứu, phiên dịch, chú nghĩa những bản kinh Tịnh Độ căn bản như lâu nay chúng ta vẫn thường hay hành trì; nhưng có điều Đạo hữu (Trí Khiêm) cũng rất khiêm nhường cho rằng: Đây là lời lý giải thọ trì danh hiệu Phật A Di Đà cho người Cư sĩ tại gia trong thời mạt pháp.

Nói và viết là như vậy; nhưng khi xem toàn bộ 248 trang của bảy phần như: 1) Duyên khởi; 2) Lý giải thọ trì danh hiệu Phật; 3)Tóm lược yếu chỉ hành trì; 4) Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ; 5) 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà; 6) Đối chiếubản dịch Hán Việt; và phần 7 là Phát nguyện hồi hướng, sau khi xếp sách lại tôi nghĩ rằng bản văn nầy có lợi lạc cho tất cả giới xuất gia nữa; chứ không phải chỉ cho người tại gia.

Theo lịch sử truyền thừa kinh điển thì những kinh nào được dịch từ trước năm 645 (khi Ngài Huyền Trang sau 16 năm du hành và tu học tại Ấn Độ, gồm: 2 năm đi, 2 năm về và 12 năm tu học tại đó) gọi là cựu dịch, và kể từ năm 645 trở về sau, những kinh sách nào dịch từ Phạn ngữ sang Hán ngữ được gọi là tân dịch. Ví dụ trước năm 645 dịch là A Tố Lạc; nhưng sau năm 645 dịch là A Tu La; Thệ Đa có nghĩa là Kỳ Đà; Thất La Phiệt là Thành Xá Vệ; Bí Sô Tăng (Ni) là Tỳ Kheo Tăng (Ni); mạng mạng là cộng mạng v.v... do vậy khi đi vào lối giải thích của gác giả, bản văn nầy qua phần “Lý Giải Thọ Trì Danh Hiệu Phật”, chúng ta sẽ thấy Tác giả dùng loại phiên dịch xưa; nhưng cũng đã có chú âm ngày nay. Do vậy độc giả dễ nắm bắt phần phiên âm nầy.

Tác giả cũng đã giải thích từng đoạn kinh văn theo sở tu, sở học của mình, và để cho mọi người dễ hiểu Tác giả còn tóm lược qua đồ hình nhằm giúp người đọc có một khái niệm dễ dàng và cũng rất dễ nhớ là mình đã đọc qua đoạn kinh nào rồi. Điều đặc biệt mà lâu nay chúng ta chỉ nghe là Tín, Nguyện, Hạnh; nhưng nay thì Tác giả thêm vào phần Tri nữa; nên trở thành 4 điều kiện căn bản để được vãng sanh; chứ không phải là 3 như lâu nay chúng ta thường hay nghe, biết đến. Ngoài ra 5 chữ Nhất mà tác giả đã dùng đó đây trong quyển sách nầy cũng rất đặc biệt. Đó llà: Nhất hạnh, Nhất danh, Nhất tâm, Nhất hướng, Nhất niệm cũng là một tư tưởng hay và cần thiết cho những ai đã một lòng muốn cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

Đến hết trang 171 là hết phần giải thích về Kinh A Di Đà và từ trang 175 đến trang 183 là phần tóm lược yếu chỉ hành trì qua Kinh Niệm Phật Ba La Mật. Từ trang 187 đến trang 200 là Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ (phần nầy giống như Kinh Tiểu Bổn A Di Đà). Từ trang 203 đến trang 210 là 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà. Phần thứ 6 tương đối đặc biệt là phần đối chiếu Hán Việt của Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ, và cuối cùng phần 7 từ trang 242 đến trang 243 và 245 là Phát nguyện hồi hướng, Quy mạng lễ và Tịnh Tín.

Đây là một công trình nghiên cứu tuyệt vời, chi tiết, rõ ràng, làm mới thêm và làm cho rõ ràng hơn đối với những người muốn thực hành Pháp Môn Tịnh Độ trong thời gian đầu của 10.000 năm mạt pháp mà người Cư sĩ cũng như Tu sĩ Phật giáo chúng ta nên hành trì. Mặc dầu tác giả cũng cho biết rằng hay thực tập Thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana) nhưng Pháp Môn Niệm Phật là việc thọ trì rất tâm đắc, mong cầu giải thoát sanh tử của mình và cầu được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Từ Phụ A Di Đà.

Hôm nay sắc trời mùa Xuân của Âu Châu thanh bình, an lạc với hoa nở chim hót quanh vườn chùa, tôi xin trang trọng giới thiệu tác phẩm nầy đến với quý độc giả khắp nơi để nếu được thì xem qua và thực hành thì sẽ được muôn điều lợi lạc, khi câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà luôn ở bên cạnh chúng ta ngày đêm, kể cả khi đi, đứng, nằm, ngồi.

Viết xong vào lúc 12 giờ trưa ngày 14 tháng 4 năm 2023 tại Phương Tượng Đường của Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc.

Nhất Tâm Đảnh Lễ

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật.

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.

Nam Mô Thập Phương Tam Thế Nhất Thiết Chư Phật.

Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Nam Mô Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát.

Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.

Nam Mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật

Sách Phật giáo 16:32 20/11/2024

Phật pháp là những giáo lý cao cả mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại cho chúng ta đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và những bài học vô cùng sâu sắc cho nhân thế.

Vì sao nên đọc "Logic học Phật giáo"?

Sách Phật giáo 16:23 16/11/2024

Đại đức Thích Vạn Lợi, đại diện Nhà sách Phật giáo Vĩnh Nghiêm - đơn vị liên kết NXB Dân trí ấn hành cuốn sách "Logic học Phật giáo" cho biết đây là một nội dung lớn trong hệ thống triết học Phật giáo.

Nhà sư Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche ra mắt sách "Độc hành"

Sách Phật giáo 21:01 14/11/2024

Nhà sư và học giả Phật giáo Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách "Độc hành" và triển lãm cùng tên với các bức ảnh ông chụp, sáng 14/11 tại Hà Nội.

"Đường xưa mây trắng" giúp diễn viên Trương Ngọc Ánh tìm được bình yên

Sách Phật giáo 10:56 13/11/2024

Trương Ngọc Ánh kể khi ly hôn, chị chơi vơi. Thông điệp cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Nhất Hạnh giúp chị tìm được bình yên trong lòng.

Xem thêm