Sân hận: Căn nguyên, tác hại và cách hoá giải
Quán xét sâu xa, người hay sân là do điều kiện của họ, họ có tập khí nhiều đời, điều này làm hộ khổ, nên khởi tâm thương họ.
1. Căn nguyên của sân hận
Sân hận hay giận dữ là một trạng thái tâm lý rất thông thường của con người. Hầu như ai cũng từng nổi giận, trong một thời điểm nào đó, với một mức độ nào đó, khi đối diện với một người hay một điều kiện không vừa lòng, như thất vọng, bị chọc tức, bị người khác phán xét...
Trong bộ Pháp tụ, sân hận được định nghĩa là “sự nóng nảy, sự hãm hại, sự đối lập, sự chống đối, sự hung dữ, sự lỗ mãng, sự không hoan hỷ của tâm”.
Sân hận có thể bắt nguồn từ trạng thái nhận thức sai lầm về con người, cuộc đời và sự kiện…; từ trạng thái sợ hãi; từ thái độ độc tôn, loại trừ, chỉ chấp nhận chính mình; từ việc không hiểu bản chất văn hoá của người khác....
Theo quan điểm Đạo Phật, sân hận là do sự bất như ý của tâm, sự không ưa, sự bất mãn. Sự bất mãn này sanh lên do nơi lòng ham muốn cho vừa ý mình; khi không vừa ý mình, hay không toại nguyện, thì sanh ra sự bất mãn. Khi sự bất mãn sanh trong tâm ta cũng chưa gọi là một tai hại, nó chỉ làm cho tâm ta không thỏa mãn thôi. Nếu ta không diệt trừ nó từ bấy giờ, thì nó sẽ đi lần đến bực tức. Khi sự bực tức đã sanh lên, thì tâm không còn sáng suốt nữa, khi ấy tâm chỉ thiên về một bên là nghĩ rằng ta là phải. Tâm bực tức làm cho con người khó chịu, đây là nguyên nhân nổi lửa sân. Người muốn diệt trừ ngay sự bực tức trong lúc nầy phải có sự "dạy tâm".
Tính cách sân hận, hay nổi đóa không phải chỉ ở kiếp sống hiện tại mà nó đã được huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp. Nói cách khác, tính hay sân hận, nóng nảy, cứng đầu bắt nguồn từ tiền kiếp (mà dân gian thường nói là "trời sinh tính") và khi gặp thuận duyên thì nó trổ ra. Trong bài kinh "Chàng mập Tissa", Đức Phật nói: “Này các Sa-môn, đây không phải là lần thứ nhất ông ấy cứng đầu. Kiếp trước ông ấy cũng đã bướng bỉnh như thế”. Điều này cho thấy, tư tưởng và hành vi của người đời thường được tích tụ thành thói quen nối tiếp trong hiện đời và đời sau. Tuy nhiên, nếu truy tận căn nguyên của tất cả tập khí sân hận, nóng nảy, cứng đầu, chống đối,... là VÔ MINH.
2. Tác hại của sân hận
* Theo y học
Sân hận, nóng giận, nhất là khi đã thành tập khí, thì nó không chỉ gây hại cho bộ não mà còn tác động xấu lên các hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, sân hận ảnh hưởng rất lớn tới trí não. Khi sân nổi lên, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết ra hóc môn cortisol quá mức làm chết các tế bào não (mỗi giây sân giết chết 3 triệu tế bào não) dẫn tới tình trạng trí não kém minh mẫn. Điều này lý giải vì sao phần lớn những người hay sân hận khi về già thường bị mất trí nhớ.
Bác sỹ U Aung Thein trong bài viết về Thiền Phật giáo với sinh học (Buddhist Meditation and Bioscience) đã giải thích rằng những cảm xúc bất ổn như sự tức giận có thể làm đảo lộn sự cân bằng sinh học của cơ thể. Những hóa chất do cơ thể phóng thích là kết quả từ những cảm xúc này. Chúng gây tác hại lên nhiều cơ quan như tuyến giáp, tuyến thượng thận, bộ phận tiêu hóa và cơ quan sinh sản. Chẳng hạn sân hận làm phóng thích chất epinefrine lần lượt gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim và đẩy mạnh sự tiêu thụ oxygen. Tình trạng bất ổn kéo dài hoặc lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ đưa đến nhiều bệnh tật như loét tiêu hóa, chứng khó tiêu, bệnh tim mạch và thậm chí cả bệnh ung thư.
* Theo quan điểm đạo Phật
Người ta thường nói, mặn thì mất ngon, giận thì mất khôn; hay tâm sân hận khởi lên thì đốt cháy cả rừng công đức. San hận như nắm lửa trong tay, trước khi ném nó tới người khác thì chính tay mình đã bị bỏng. Khi giận thì khuôn mặt trở nên xấu xí, khó nhìn.
Về sự tai hại của sân hận, trong Tương ưng bộ kinh (kinh Sân hận, phẩm Không tuyên bố), Đức Phật có nói đến 7 điều xảy ra cho một người hay sân hận:
– Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phần nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, dầu cho người ấy khéo tắm rửa, khéo chải chuốt, tóc râu khéo sửa soạn, mặc toàn đồ trắng rồi người ấy cũng trở thành xấu xí, vì bị phẫn nộ chinh phục.
– Này các Tỷ- kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chính phục, bị phẫn nộ chi phối, dầu có nằm trên ghế dài, nệm trải bằng len, chăn len trắng, chăn len thêu, nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, tấm khảm với lọng che phía trên, ghế dài có đầu gối chân màu đỏ. Tuy vậy, họ vẫn ngủ một cách khổ sở, vì bị phẫn nộ chinh phục.
– Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, thâu hoạch điều bất lợi, lại nghĩ rằng “Ta được lợi ích”, thâu hoạch điều lợi ích, lại nghĩ rằng: “Ta không được lợi ích”. Những pháp này được nắm giữ khiến người khác trở thành thù địch, đưa đến không hạnh phúc, đau khổ lâu dài, vì bị phẫn nộ chinh phục.
– Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chính phục, bị phẫn nộ chi phối, những tài sản của họ thâu hoạch do sự phấn chấn tinh cần, cất chứa do sức mạnh của cánh tay, chồng chất do những giọt mồ hôi, đúng pháp, thâu hoạch hợp pháp. Các tài sản ấy được nhà vua cho chở về ngân khố nhà vua, vì bị phẫn nộ chính phục.
– Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chính phục, bị phẫn nộ chi phối, nếu có được danh tiếng gì nhờ không phóng dật thâu hoạch được, danh tiếng ấy lánh xa họ, vì bị phẫn nộ chinh phục.
– Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, nếu người đó có những bạn bè thân hữu, bà con huyết thống gì, họ sẽ xa lánh, từ bỏ người đó, vì người đó bị phẫn nộ chinh phục.
– Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, người đó làm ác hạnh với thân, người đó nói lời ác hạnh với lời, người đó nghĩ đến điều ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, người đó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Trong bài kinh Nguồn Gốc Khổ Đau, Phật dạy: tham, sân, si là ba pháp ở đời khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an (Tương Ưng Bộ I, Nikaya)
Trong kinh Pháp Cú: Tham sân si ba pháp/Là ác tâm cho người/Chúng di hại tự ngã/Chúng tác thành tự ngã/Như vỏ và lõi cây/Tự tác thành trái cây.
Trong kinh Địa tạng: "Nếu gặp kẻ nóng giận, thời Ngài dạy rõ quả báo thân hình xấu xí tàn tật"; "Nếu gặp kẻ nói lời thô ác, thời Ngài dạy rõ quả báo quyến thuộc kình chống nhau"; "Người có tính táo bạo, nóng nảy, không hay nhẫn nhục là từ trong loài khỉ, vượn, hầu mà đầu thai ra".
Trong kinh Lương Hoàng Sám: "Làm người thân hình xấu xa là do cái nhân đời trước hay giận hờn mà ra"; "làm người câm ngọng là do cái nhân đời trước hay hủy báng người mà ra".
Trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt: "Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo thô xấu: 1. Ưa phẫn nộ; 2. Ưa ôm lòng ghét giận....".
Tóm lại, theo kinh điển Phật giáo, quả báo của người có tập khí sân hận không chỉ khiến mình khổ ở kiếp này mà kiếp sau sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục; nếu có tái sinh được làm người thì mang thân hình xấu xí, bị người xa lánh.
Chung quy, hậu quả tập khí sân hận: khổ cả thân và tâm, hối hận, mệt mỏi, bệnh tật, chết sớm, khi chết đọa vào ác đạo.
3. Hoá giải sân hận
* Theo tâm lý học
Khi gặp việc bất như ý khiến mình sân giận, cách thô tháo nhất là cứ cho nó sổ ra, phản ứng lại bằng chửi mắng, đánh đập theo bản năng, theo thói quen nhiều đời nhiều kiếp,... Nhưng cách đó rất hại dẫn đến khẩu và thân bất thiện, hại mình hại người, thể hiện hành xử ở trình độ thấp nhất.
Trong tâm lý học người ta thường đề cập Trí tuệ cảm xúc (EQ) để quản trị cảm xúc. Theo Công thức 6 giây của các nhà tâm lý học: cảm xúc sân hận khi nó bùng lên dẫn đến các tác động về hóa học trong cơ thể. Do đó, họ khuyên chúng ta dừng lại 6 giấy để cơn cảm xúc đó nó lên xong nó hạ xuống như biểu đồ hình sin.
* Theo Phật giáo
Còn trong Phật giáo, quan điểm mọi sự vật hiện tượng đều vô thường, nên mỗi cơn sân giận nổi lên và biến mất thì được gọi đó là một tiến trình sinh diệt của cảm thọ. Do vậy, như trong tâm lý học, chúng ta dừng lại cảm xúc sân giận đó, không để nó lôi cuốn mình đi trong si mê, tôn trọng nguyên tắc “Lợi mình - lợi người” là thượng nhân, thông qua các cách:
+ Cách đơn giản:
- Hít thở sâu 3 hơi thở. Đây là cách các nhà sư hay khuyên mọi người. Dĩ nhiên, khu hít thở 3 hơi thì cũng đã quá 6 giây.
- Niệm câu “thần chú” - "Nói là ngu, im là khôn" – (theo Hòa Thượng Thích Thanh Từ dạy mỗi khi tâm sân sắp nổi lên) hay niệm Phật “Nam mô A Di Đà Phật” liên tục.
Việc dừng 6 giây hay 3 hơi thở, niệm Phật, niệm chú,… có mục đích chung là để chuyển đối tượng làm mình sân đến đối tượng khác (đổi đề mục), nếu chúng ta vẫn để ý đến đối tượng làm mình sân thì như đổ thêm dầu vào lửa. Khoảng dừng đó nó sẽ giúp mình bình tĩnh và ứng xử có trí tuệ.
+ Hóa giải trình độ cao hơn (cần phải tu tập)
Tu pháp "mặc kệ nó", lời nói của họ không đáng để mình quan tâm, khen chê không vướng bận, tâm như núi đá, chứ không như lá hành lá hẹ thì gió phiền não dễ làm lay động. Người thích mình thì hay thấy cái tốt đẹp của mình (trái ấu cũng tròn), mà ghét thì hòn bồ hòn cũng méo. Nên khi họ đã ghét mình họ nói cũng khác, cest la vie. Thông thường, người thích khen thì lại ghét chê, sợ bị chê.
Ở trình độ cao hơn, hóa giải sân hận từ khi chưa sinh khởi, thông qua tu tập chính (chánh) niệm (mindfullness - sự ghi nhận toàn tâm toàn ý) tỉnh giác để kiểm soát cảm xúc, đưa tâm ý của mình về chọn vẹn trong giây phút hiện tại. Do đó, khi sống chúng ta theo dõi cảm xúc của mình, nhận diện cảm xúc, biết dừng lại, chuyển hóa cảm xúc đó. Chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta hay có khuynh hướng gì, hay tham, hay sân, ngã mạn... mỗi người có mỗi tật khác nhau.
Chánh niệm tỉnh giác làm cho trí tuệ sinh khởi. Đây chính là đang tu, để dần bỏ tâm tham và sân. Khi mình dừng lại quan sát tâm sân thì tâm sân diệt mất ngay, người sân là việc của họ, đâu phải việc của mình. Các thiền sư dạy: Nếu người gây cho mình phiền não thì đừng nhìn người gây cho mình phiền não mà hãy nhìn phiền não trong tâm mình.
Trong Vi diệu pháp có có mô tả 121 loại tâm, với 52 loại tâm sở mà trong đó có tâm sân bên cạnh các tâm khác như tâm ganh tị, tâm bỏn xẻn, tâm nghi ngờ, tâm ngã mạn, tâm tà kiến ... Khi mình học, có được khái niệm và biết được trạng thái của tâm đó thì mình có thể nhận diện ra được tâm của mình đang là tâm gì, nếu có cảm xúc tiêu cực nhưng ko nhận ra, mình cứ tưởng nó là tốt. Có khi mình biết nó là tiêu cực nhưng không nhận diện được nó là dạng gì, tham hay sân hay ngã mạn. Khi mình gọi tên nó được ra thì mình thấy được rõ hơn. Cảm xúc đó không đứng yên, nó có thể kéo thêm cái cảm xúc khác nữa, tật khác nữa. Ví dụ khi sân, từ cảm xúc tiêu cực dẫn đến hành vi tiêu cực (quát, mắng, chửi, động tay động chân,... tạo nghiệp) ngại gặp lại người đó.
Quán xét sâu xa, người hay sân là do điều kiện của họ, họ có tập khí nhiều đời, điều này làm hộ khổ, nên khởi tâm thương họ. Người hay có tâm sân không phải tự nhiên kiếp này mà có và muốn tiến bộ phải sửa, phải tu để nhận diện nó. Có thể ban đầu tâm sân mạnh hơn, lấn át chánh niệm, nhưng dần dần thì sẽ chuyển được. Khi chánh niệm mạnh, thì họ có mắng chửi thì mình cũng chỉ thấy âm thanh là âm thanh thôi, tên gọi chỉ là tên thôi, là chế định thôi. Ngũ uẩn chỉ là ngũ uẩn thôi.
Do tác hại của sân hận/hiềm hận nên chúng ta cần phải chế ngự tâm sân hận. Trong kinh Tăng chi bộ (phẩm Hiềm hận), Đức Phật dạy tu tâm từ, bi, hỷ, xả:
“Có năm trừ khử hiềm hận, này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo có hiềm hận khởi lên cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?
- Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, tâm Từ (metta) cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải đoạn trừ.
- Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, tâm Bi (karuna) cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải đoạn trừ.
- Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, tâm Xả cần phải được tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải đoạn trừ.
- Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, Vô niệm, vô tác ý cần được thực hiện. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải đoạn trừ.
- Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, sự kiện nghiệp do mình tạo cần phải được tu tập là: ‘Tôn giả là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là khởi nguyên của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm nghiệp thiện hay ác được làm, Tôn giả sẽ là người thừa tự nghiệp ấy’. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải đoạn trừ.
Kinh Pháp Cú Phẩm Song Yếu:
Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.
Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.
Tức giận là vì mình không có đủ rộng lượng. Tâm lượng chưa đủ bao dung, giống như nắm muối bỏ vào cốc nước thì không thể uống được, nhưng thả vào hồ nước thì cũng không làm cho hồ nước mặn đến mức không uống được. Vậy nếu tâm lượng như nước trong cốc thì sao đủ bao dung.
Tâm sân hận, thù oán không chỉ khiến cho mình nhỏ nhen mà còn mong muốn người khác tổn hại. Thế nên, cần xả bỏ oán thù, tập mong cho người được lợi dù đó là kẻ thù của mình. Tâm oán thù khiến người ta quyết chơi xấu nhau, tàn hại lẫn nhau để rồi cuối cùng không ai có lợi, thậm chí có thể mất thêm nhiều thứ khác. Mặt khác, tâm oán thù luôn thiêu đốt, đánh mất sự an yên, luôn ngồi trên đống lửa thì dù có giàu vẫn không sang, có phúc mà chẳng hưởng được, đó không phải là hành xử khôn ngoan.
Suy cho cùng, cuộc sống ngoài đủ đầy về vật chất thì rất cần sự an yên trong tâm hồn. Muốn an yên thì không có kẻ thù, không ganh ghét, đố kỵ. Tha thứ cho người, xả buông những oán hận chỉ nhằm bảo vệ mình, "cởi trói" khỏi địa ngục sân hận cho chính minh, giữ vững hạnh phúc an vui cho mình. Oán hờn chỉ mang đến thiệt hại, một niệm sân khởi lên sẽ mở ra vô vàn chướng ngại, mất mát.
Người nghĩ mình quan trọng, cái tôi, cái ngã mình lớn thì có chuyện gì đó bất như ý sẽ giận liền. Còn khi mình hiểu rằng "Nếu em nhớ thân xuôi miền cát bụi, Sẽ thấy lòng thanh thản giữa phù hư". Mình nghĩ mình chỉ là cát bụi thì hết giận, có gì quan trọng đâu. "Xin người nhớ cho ta là cát bụi, trở về cát bụi xin người nhớ cho".
Mình chỉ là tổng hòa của sinh lão bệnh tử. "Bao nhiêu năm làm kiếp con người" (sinh ra), "Chợt một chiều tóc trắng như vôi" (già đi), "Lá úa trên cao rụng đầy" (bệnh), "Cho trăm năm vào chết một ngày" (chết). Cuộc đời như bóng mây chìm nổi, như nước chảy hoa trôi. Nghĩ vậy mình sống an vui, không giận nữa.
Thay lời kết
Giận lên là rất mệt
Gương mặt lại hết xinh
Hiền từ đâu biến mất
Dễ làm mất cảm tình.
Khi giận tâm không ổn
Ăn ướng cũng không ngon
Lời nói không khiêm tốn
Tuổi thọ sớm hao mòn.
Biết đời là cõi tạm
Tất cả do duyên sinh
Mọi việc phải thông cảm
Đâu cần nỗi bất bình.
Nếu em biết nhân gian là quán trọ
Một sớm nào trở gót bước đi xa
Em sẽ sống cõi lòng luôn rộng mở
Như bình minh chải nắng đẹp chan hòa.
Giận hờn chi thêm khổ
Bỏ qua cho yên vui
Mỉm cười đừng gây gỗ
Cơn giận sẽ tự lui.
Thương mình tu tập là khôn
Thương mình nóng giận tự chôn lấy mình.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm