Sự vô thường của vũ trụ bên ngoài nới có chúng sinh sống
Thế giới thì vô thường và sẽ không thoát khỏi sự hủy diệt cuối cùng của bảy quá trình hoả tai (thiên tai do lửa gây ra) và một quá trình thủy tai (thiên tai do nước gây ra).
> Có phải vô ngã, vô thường là vô cảm với nỗi đau của người khác?
Nhìn tam giới này như ảo ảnh phù du,
Ngài bỏ lại sau lưng những mối quan tâm thế tục,
như bãi nước bọt trong bụi đất.
Chấp nhận mọi gian khó, Ngài theo chân chư Đạo Sư đời quá khứ.
Đạo Sư Vô Song, con đảnh lễ dưới chân Ngài.
Sự vô thường của vũ trụ bên ngoài nơi có chúng sinh sống
Thế giới của chúng ta, môi trường bên ngoài này được hình thành bởi cộng nghiệp tốt lành của chúng sinh. Thế giới ấy được cấu trúc một cách thật vững chãi, kiên cố, bao gồm bốn đại lục, Núi Tu Di và các cõi trời, và thế giới ấy tồn tại trọn một đại kiếp. Tuy vậy, thế giới ấy thì vô thường và sẽ không thoát khỏi sự hủy diệt cuối cùng của bảy quá trình hoả tai (thiên tai do lửa gây ra) và một quá trình thủy tai (thiên tai do nước gây ra).
Khi kiếp hiện tại đang tiến dần đến thời điểm của sự hủy diệt, chúng sinh sinh sống trong các cõi thấp (dưới cõi của chư Thiên chứng đắc định sơ thiền) sẽ dần dần biến mất trong từng cõi một, cho tới lúc không còn sót một chúng sinh nào.
Rồi, cái này sau cái kia, bảy mặt trời sẽ mọc trong bầu trời. Mặt trời thứ nhất sẽ thiêu sạch tất cả các cây ăn trái và rừng rậm. Mặt trời thứ hai sẽ làm bốc hơi mọi giòng suối, vũng lạch, và ao hồ; mặt trời thứ ba sẽ làm khô cạn mọi con sông; và mặt trời thứ tư làm khô cạn các hồ lớn, ngay cả hồ Manasarovar. Khi mặt trời thứ năm xuất hiện, các đại dương cũng sẽ dần dần bốc hơi, trước tiên tới bề sâu một trăm lý (một lý = 4,8km), rồi hai trăm, bảy trăm, một ngàn, mười ngàn, và cuối cùng là tám mươi ngàn lý. Nước biển còn sót lại sẽ rút từ một lý xuống một tầm nghe, cho tới khi chỉ còn lại thậm chí không đầy một vết chân. Vào lúc cả sáu mặt trời cùng bốc cháy, toàn thể trái đất và các ngọn núi phủ tuyết cũng sẽ bốc cháy thành những ngọn lửa.
Và khi mặt trời thứ bảy xuất hiện, chính Núi Tu Di sẽ bốc cháy đồng thời với bốn đại lục, tám tiểu lục địa, bảy ngọn núi vàng, và vòng tường gồm các ngọn núi ngay nơi bờ mép của vũ trụ này. Mọi thứ sẽ chảy ra thành một đống lửa khổng lồ. Khi lửa cháy xuống phía dưới, nó sẽ thiêu đốt mọi cảnh giới địa ngục. Khi nó cháy lên trên, lửa sẽ nhận chìm thiên cung của Phạm Thiên, đã bị phế bỏ từ lâu. Trên các cung Trời, các vị Trời trẻ tuổi trong cảnh giới Tịnh Quang sẽ hoảng sợ thét lên: “Đám cháy lớn khủng khiếp!” Nhưng các vị Trời lớn tuổi hơn sẽ trấn an và nói: “Đừng sợ! Khi lửa cháy đến thế giới của Phạm Thiên, nó sẽ lụi tàn. Điều này đã từng xảy ra trước đây.” * Những giai đoạn huỷ diệt này hoàn toàn xảy ra trong một đại kiếp, nhưng ngay cả những vị Trời trường thọ này cũng có thể già đi ở giữa khoảng thời gian của sự huỷ diệt đầu tiên và sự huỷ diệt thứ bảy do lửa gây ra; và sau đó cõi của họ – một phần thuộc về tầng thiền định thứ hai – sẽ bị nước huỷ diệt.
Sau bảy lần bị lửa hủy diệt như thế, các đám mây mưa sẽ hình thành trong cảnh giới của các vị Trời thuộc tầng thiền thứ hai và một trận mưa như thác có độ dầy bằng một cái ách sẽ đổ xuống, theo sau là một trận mưa dày bằng một cái cày. Giống như muối hòa tan trong nước, tất cả mọi thứ từ cõi Tịnh Quang trở đi và kể cả cõi giới Tịnh Quang, cũng sẽ đều tan ra.
Sau khi sự hủy hoại thứ bảy do nước gây ra như thế qua đi, chày kim cang đôi của gió ở đáy vực của thế giới sẽ nổi lên. Giống như bụi đất bị gió tung rải, mọi thứ từ cõi tam thiền trở đi và kể cả cảnh giới của các vị Trời của tầng thiền thứ ba này cũng sẽ hoàn toàn bị cuốn đi.
Hãy quán chiếu sâu xa và một cách chân thành để thấy rằng, nếu mỗi một trong hàng tỉ thế giới cấu tạo nên các vũ trụ – mỗi thế giới với một Núi Tu Di, bốn trung châu (lục địa) và các cõi Trời riêng – còn phải bị hủy diệt cùng lúc theo cách thức như đã được mô tả như trên, chỉ còn để lại không gian ở phía sau, thì làm thế nào những thân người như chúng ta, giống như những con ruồi lúc cuối mùa, có thể có được chút thường hằng vĩnh cửu hay sự bền vững nào?
Sự vô thường của chúng sinh sống trong vũ trụ
Từ tột đỉnh của các cõi Trời cao nhất cho tới tận cùng của địa ngục, không có được lấy một chúng sinh nào có thể thoát khỏi cái chết. Như trong Linh Ly Sầu Ưu (Lá Thư An Ủi) có ghi:
Bạn có từng thấy, trên mặt đất hay trong các cõi Trời, Một chúng sinh nào được sinh ra mà không chết? Hoặc nghe rằng một chuyện như thế từng xảy ra? Hay ngay cả hoài nghi rằng điều đó là điều có thể?
Tất cả những gì được sinh ra rồi cũng bị buộc phải chết đi. Không ai từng thấy hay nghe nói về người nào đó trong bất kỳ cảnh giới nào – ngay cả trong thế giới của các vị Trời – được sinh ra nhưng không bao giờ chết. Thật vậy, thậm chí chưa bao giờ có chuyện chúng ta tự hỏi một người sẽ chết hay không. Cái chết là một điều chắc chắn. Đặc biệt là đối với chúng ta, là những người được sinh ra vào cuối một kỷ nguyên trong một thế giới nơi mà chiều dài của cuộc đời thì không thể tiên đoán được – chẳng mấy chốc cái chết sẽ tới. Cái chết tới càng lúc càng gần ngay từ giây phút chúng ta được sinh ra đời.
Cuộc đời chỉ có thể ngắn đi chứ không bao giờ dài ra. Chẳng chút gì động tâm, Thần Chết tới gần, không hề ngơi nghỉ một chốc lát, giống như cái bóng của một ngọn núi lúc hoàng hôn. Lúc cuối của một kỷ nguyên là thời kỳ suy tàn trong đó đời sống còn mỏng manh hơn nữa. Bạn có biết chắc chắn khi nào mình chết, hoặc chết ở đâu không? Chuyện đó có thể xảy ra ngày mai, hay đêm nay? Bạn có thể quả quyết rằng cái chết sẽ không đến với bạn ngay bây giờ, giữa hơi thở này và hơi kế tiếp không? Như trong Pháp Tập Yếu Tụng Kinh có nói:
Ai quả quyết được rằng họ sẽ sống đến ngày mai?
Bây giờ là lúc phải sẵn sàng,
Bởi đạo quân của Thần Chết
Không là bằng hữu của chúng ta.
Và Ngài Long Thọ (Nagarjuna) cũng nói:
Đời sống lập loè trong những cơn giông gió của một ngàn điều bất hạnh,
Còn mong manh hơn một bọt nước trong giòng suối.
Trong giấc ngủ, mỗi hơi thở ra đi và lại được hít vào;
Kỳ diệu biết bao khi ta thức dậy mà vẫn còn sống!
Khi hít thở nhẹ nhàng, người ta vui hưởng giấc ngủ của mình. Nhưng không có gì bảo đảm là cái chết sẽ không lẻn vào giữa một hơi thở này và hơi thở kế tiếp. Thức dậy trong sự khỏe mạnh là một sự kiện rất đáng được coi là kỳ diệu, song chúng ta lại cho đó là điều hoàn toàn tất nhiên.
Mặc dù biết rằng ta sẽ chết một ngày nào đó, nhưng chúng ta không thực sự để cho triển vọng của một cái chết luôn-luôn-thường-trực ảnh hưởng đến thái độ sống của mình. Chúng ta vẫn tiêu phí tất cả thời giờ của mình khi mang trong lòng những hy vọng và lo âu về vấn đề sinh sống trong tương lai, như thể chúng ta sẽ sống mãi. Chúng ta hoàn toàn bị cuốn hút vào cuộc chiến đấu cho sự hạnh phúc, sung sướng và địa vị, cho tới khi, thật bất ngờ, chúng ta đối diện với Thần Chết tay cầm sợi thòng lọng đen, cắn chặt môi dưới và nhe những chiếc nanh trông thật dữ tợn.
Khi ấy không điều gì có thể giúp đỡ được ta. Không đạo quân nào, không sắc lệnh nào của nhà cầm quyền, không tài sản nào của người giàu có, không sự sáng chói nào của học giả, không vẻ duyên dáng nào của sắc đẹp, không sự lanh lẹn nào của lực sĩ – chẳng điều gì còn ích lợi nữa. Chúng ta có thể tự nhốt mình trong một cái tủ bọc sắt không thể bị đâm thủng, được hàng trăm ngàn lực sĩ tua tủa cung tên giáo mác bảo vệ; nhưng những thứ đó không đem lại cho ta sự che dấu hay che chở nào dù chỉ bằng bề dày của một sợi tóc. Một khi Thần Chết tròng sợi thòng lọng đen quanh cổ ta, khuôn mặt ta bắt đầu nhợt nhạt, đôi mắt đờ đẫn đẫm lệ, đầu và tứ chi xuôi xụi, và dù muốn hay không, chúng ta bị lôi một mạch xuống xa lộ để đi qua đời sau.
Cái chết không thể bị đánh bại bởi bất kỳ chiến sĩ nào, không thể bị sai sử bởi quyền lực, hoặc được hối lộ bởi người giàu có. Cái chết không từ đâu tới, không nơi ẩn nấp, không chỗ nương tựa, không người bảo vệ hay dẫn dắt. Cái chết kháng cự lại với bất kỳ một sự trông cậy nào nơi phương tiện và lòng từ bi. Một khi cuộc đời ta đã cạn kiệt, thì cho dù đích thân Đức Phật Dược Sư có xuất hiện chăng nữa, Ngài cũng không thể trì hoãn cái chết của chúng ta.
Vì thế, hãy quán chiếu và thiền định một cách chân thành rằng ngay từ giây phút này trở về sau, thật là quan trọng xiết bao để ta chẳng bao giờ còn rơi vào trong sự biếng nhác và trì hỗn; phải luôn luôn thực hành Chân Pháp, vì đây là điều duy nhất mà bạn có thể tin chắc là sẽ giúp đỡ được bạn vào giây phút lìa đời.
Nguồn: Trích từ tác phẩm Lời vàng của Thầy tôi
Dịch giả Anh ngữ: Padmakara Translation Group
Nhà xuất bản: Shambhala, Boston, Hoa Kỳ (1994, 1998)
Chuyển dịch Việt ngữ lần đầu tiên (2004): Nhóm Longchenpa – Thanh Liên và Tuệ Pháp
Hiệu đính sơ khởi (2006): Thanh Liên
Hiệu đính toàn bộ (2008): Tâm Bảo Đàn với sự đóng góp của Từ Bi Hoa
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm