Tại sao người mắc trọng bệnh, người lại sống khoẻ mạnh?
Sức khỏe và bệnh tật là những trải nghiệm thông thường của kiếp sống con người để có một cuộc sống có ý nghĩa nhất, con người luôn hướng đến giá trị của sự an lạc và sức khỏe.
> Ăn chay trường đúng cách để bảo vệ sức khỏe
Tất cả chúng ta đều quan tâm đến sức khỏe vì đây là giá trị của con người. Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn có những người mắc phải trọng bệnh ở mọi độ tuổi, có những người vẫn có cuộc sống rất an lạc và khỏe mạnh. Con người hiện đại cần phải chăm sóc những giá trị quý giá của mình như thế nào?
Bệnh tật do đâu mà thành?
Với Phật giáo, Đức Phật được biết đến như là Vị Lương Y Có Một Không Hai bởi vì sự quan tâm sâu sắc của Ngài đối với sức khỏe tinh thần không chỉ của ngài mà của còn đối với vạn loài chúng sinh, sự giác ngộ của ngài về căn nguyên của bệnh tật, và chánh pháp mà ngài dạy để chữa trị, giống như lương dược để phòng hộ, ngăn ngừa, và điều trị phục hồi.
Trong nhiều bài kinh chúng ta cũng thường thấy hình ảnh Đức Phật bị bệnh tật, bị thọ bệnh. Đúng vậy đã có thân thì phải có bệnh. Vậy bệnh từ đâu đến? Đức Phật dạy bệnh tật cũng do nhân quả sinh ra, do nghiệp lực tác thành, do thừa tự các nghiệp xấu ở quá khứ. Nghiệp xấu ở đây chủ yếu là do não hại, đánh đập, hành hạ các loài hữu tình, không tu dưỡng tâm từ (Kinh Trung bộ, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, số 135). Nghiệp nhân gây bệnh tật có cũ và mới. Nghiệp cũ thì như đã nói, nghiệp mới có thể là tiếp tục bức hại sinh vật hoặc do các hành vi lối sống không lành mạnh góp phần gây ra tật bệnh.
Bệnh do nghiệp mà sinh, muốn hết bệnh thì phải chuyển nghiệp. Đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế hợp pháp là cách chuyển nghiệp đầu tiên. Tại đây, bác sĩ sẽ chỉ ra bệnh trạng, các nguyên nhân gây bệnh (di truyền, ăn uống, lối sống v.v…), cách chữa lành bệnh. Tuân thủ theo phác đồ điều trị và các hướng dẫn của bác sĩ chính là cách chuyển hóa bệnh nghiệp.
Tuy nhiên, ngành y khoa không phải toàn năng nên có bệnh thì chữa lành, có bệnh chỉ chữa bớt vài phần, có bệnh thì chờ… nghiên cứu thêm. Thế nên, người Phật tử khi mang bệnh, ngoài trị liệu theo y khoa cần gia tâm sám hối, làm thiện để hồi hướng công đức, đây là cách chuyển nghiệp tiếp theo. Sám hối để tiêu trừ oan nghiệp đã tạo trong quá khứ. Làm thiện để vun bồi thêm phước báo hiện tại. Khi tội diệt, phước sinh thì góp phần tích cực cho việc chuyển hóa bệnh tật và các điều không như ý khác trong cuộc sống.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của nghiệp cũ và nghiệp quả xấu ấy đã chín muồi hay chưa để biết quá trình chuyển hóa bệnh nghiệp thành công được nhiều hay ít (bệnh có chữa lành hay không). Bởi khi nghiệp quả xấu đã đến gần với cường độ mạnh mẽ thì rất khó để hóa giải, nói cách khác là không ai có thể cứu được.
Người Phật tử có chánh kiến cần nhận thức các vấn đề liên quan đến bệnh nghiệp theo quy luật nhân-duyên-quả. Tránh các niềm tin sai lạc, tà kiến, rơi vào mê tín, cầu cúng để cầu mong khỏi bệnh chỉ tiền mất tật mang.
Tại sao người mắc trọng bệnh, người lại sống khoẻ mạnh?
Do nghiệp trong các kiếp sống quá khứ, thân thể chúng ta mỗi người mỗi khác, cả về biểu hiện bề ngoài và cấu trúc cơ thể. Thân thể con người là phương tiện để qua đó, chúng ta tiếp xúc với thế giới, đồng thời là nơi biểu hiện của tâm mình. Là công cụ quan trọng như vậy, nên chúng ta cần quan tâm đúng mức đến thân thể, như không hủy hoại thân thể bằng thức ăn độc hại, uống rượu, hút thuốc hay có lúc quá sa đà vào ăn uống hoặc có khi nhịn đói đến rã ruột.
Ngay cả trạng thái giác ngộ, mục đích cao nhất trong Phật giáo, cũng không thể thành tựu được trong một thân thể kiệt sức vì khổ hạnh ép xác. Kinh nghiệm cá nhân của đức Phật là một bằng chứng sinh động. Rõ ràng có sự liên hệ mật thiết giữa thân và tâm. Một tinh thần minh mẫn chỉ có trong một thân thể tráng kiện, đầy đủ sức khỏe và các chức năng của những cơ quan trong cơ thể vận hành hoàn hảo.
Theo Phật giáo, một cuộc sống chỉ hướng đến tự thỏa mãn hay tự chìm đắm trong dục lạc thì không đáng sống tí nào. Phật giáo do đó khuyến khích chúng ta sử dụng thân thể mình cho mục đích sống cao hơn, đặc biệt là để thành tựu mục đích cao nhất là thành tựu Niết bàn, giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Sống đạo đức và thực hành thiền định thường xuyên sẽ giúp chúng ta tự kiểm soát tốt về tâm ham muốn, cảm thọ và tự ngã có tính bản năng của mình.
Nguồn gốc các bệnh tật của loài người từ đâu
Một thân thể khỏe mạnh được thiết lập trên sự vận hành bình thường của cơ thể và sự hòa hợp trong mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan bên trong. Khi một trong những cơ quan của cơ thể không vận hành hay suy nhược, bệnh tật sẽ phát sinh. Cơ thể, cũng giống như tất cả các hiện tượng khác, luôn trong trạng thái thay đổi, suy thoái và hư hoại. Do vậy, sức khỏe của cơ thể cũng không thể duy trì mãi mãi. Một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh và lúc nào cũng không bệnh tật là điều không thể được. Cơ thể sống con người dễ dàng sinh bệnh. Điều này có thể xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Bệnh là một dấu hiệu nhắc chúng ta ý thức hơn về sự mong manh của kiếp người. Điều này ngầm ý rằng hoàn toàn khỏe mạnh là điều không thể có được.
Do đó, sự bình an của con người không có nghĩa là phải vắng mặt tất cả khổ và đau trong cuộc sống, mà bình an nằm ở chỗ biết cách thỏa hiệp với đau và khổ, làm thế nào để sử dụng nó như là một bệ phóng giúp mình thăng hoa và có sự hiểu biết thông cảm với người khác.
Con người hiện đại cần phải chăm sóc bản thân và sức khỏe như thế nào?
Thực hành thiền định
Mỗi người Phật tử cần chế ngự những thèm khát, hóa giải các tâm lý tiêu cực như tham lam, thù ghét và sân hận, thay đổi các khuynh hướng chiếm hữu và thô bạo. Tất cả những trạng thái tâm lý tiêu cực này đều có thể là nguyên nhân gây nên bệnh tật, nguy hại đến sức khỏe. Để có thể kiểm soát và điều trị các trạng thái tâm lý như vậy, sống đạo đức và thực hành thiền định là điều cần thiết. Mỗi loại thiền định Phật giáo đều có mục đích điều chỉnh các cảm giác, các tâm lý tự phát, các tính cách bản năng, xoa dịu căng thẳng âu lo và loại bỏ các tư tưởng tiêu cực có khuynh hướng làm cho tâm bệnh phát khởi.
Thiền định Phật giáo không chỉ là phương tiện để chữa lành bệnh cho tâm do tri kiến sai lầm, tham đắm dục lạc, hận thù và sân giận gây ra, mà còn là phương pháp trau giồi tâm lý tích cực, đặc biệt là bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ và xả. Tâm từ giúp chúng ta yêu thương và bao dung với người, trong khi tâm bi thôi thúc chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người trong đau khổ. Tâm hỷ là khả năng vui với niềm vui của người khác và tâm xả là giữ tâm an tịnh không bị dao động và chi phối bởi những thăng trầm vui buồn, được mất, danh thơm tiếng xấu, hạnh phúc khổ đau của cuộc đời. Các đặc tính này nếu được rèn luyện thường xuyên theo phương pháp Phật giáo sẽ giúp cho tâm khỏe mạnh. Những hành động phát sinh từ tâm khỏe mạnh sẽ luôn là hành động tốt và thiện, và như thế, sẽ góp phần tạo nên sức khỏe tổng thể kiện khang ở một con người. Sức khỏe tổng thể được phản ánh trong mọi phương diện cuộc sống thông qua suy nghĩ, lời nói và hành động.
Người mắc bệnh có thể quán niệm hơi thở: “thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười”, còn thở là còn sống, loại bỏ ý nghĩ mình sẽ chết ra khỏi đầu, chỉ nhớ hơi thở, quẳng nỗi lo âu đi. Kinh điển cũng cho rằng nếu khi chết mình vẫn an lạc, thì mình sẽ tái sinh vào các cõi lành; còn trước khi chết mà sợ hãi, thì mình sẽ tái sinh vào ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Điều trị bệnh tật với nghi thức tụng niệm
Tụng niệm với chủ đích là để bày tỏ sự tôn kính đối với Tam Bảo, Phật, Pháp, và Tăng, và để nhắc nhở con người về phẩm đức thánh thiện của Đức Phật và giáo pháp của ngài, đồng thời để xác tín sự an lạc và bảo hộ. Những bài kinh được tụng trong Phật Giáo là những kinh văn được kết tập bởi chư vị tỳ kheo trưởng lão uyên thâm dựa trên sự suy nghiệm của họ đối với sự giác ngộ viên mãn của Đức Phật, về cuộc đời và giáo pháp của Ngài trong nhiều kinh khác nhau.
Người ta tin rằng chân lý của giáo pháp và lòng từ bi vô lượng của Đức Phật trong kinh văn được trì tụng có năng lực vĩ đại cho việc điều trị bệnh. Lắng lòng nghe việc trì tụng với sự hiểu biết sâu sắc Phật pháp và lòng từ bi vô biên của đức Phật, và với niềm tin kiên cố vào Tam Bảo, tâm của người nghe trở nên trầm lắng và hỷ lạc. Một số Phật tử, trong khi lắng nghe lời tụng kinh, quán hình tượng đức Phật đang đứng trước họ với giáo pháp trị liệu rót từ kim khẩu của ngài vào toàn thân người bệnh để giảm thiểu sự đau khổ và đỡ bệnh. Việc lắng tâm nghe giáo pháp và quán tưởng hình tượng chư Phật cũng được xem như là hành nghiệp phước báo sẽ đem lại những nghiệp quả thiện trong tương lai.
Trong Phật giáo có một vị Phật chuyên trị bệnh cho chúng sinh là Ngài Dược Sư, oai lực của Ngài cũng như sự hành trì niệm danh hiệu của Ngài cũng giúp chúng ta vượt qua bệnh nghiệp (lời nguyện thứ sáu) và bệnh nhiễm (nguyện thứ 7 của Ngài). Khi niệm Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, về mặt tâm lý chúng ta sẽ có chỗ dựa, khi đó hết lo âu, sợ hãi, tăng sức đề kháng chống virus. Còn về mặt tâm linh thì khi niệm Phật sẽ có sự gia trì và oai lực của Phật Dược Sư trợ giúp. Chúng ta có thể niệm Phật bằng tiếng Pali theo truyền thống Nam tông về Như Lai thập hiệu (Itipi so, Bhagava,…). Tùy theo duyên hành trì của mỗi người, người tu Kim Cang thừa cũng có thể trì chú.
Điều trị bệnh bằng việc bố thí và cúng dường
Bố thí, cúng dường gồm bố thí tài vật cho từng vị Tăng sĩ, cho tập thể Tăng đoàn, hay cho người nghèo và vô gia cư; bố thí chánh pháp cho những ai cần; và chia sẻ thì giờ, năng lực, kiến thức, và kinh nghiệm để đem lại lợi lạc cho người khác. Ngoài việc hành thiền, giữ gìn giới luật, và thực hành các nghi lễ, các phương thức tâm linh trong Phật giáo còn gồm việc bố thí và cúng dường.
Thực hành bố thí và cúng dường đều mang lại hiệu quả điều trị bệnh, chuyển hóa tâm thức người bệnh được yên tịnh và bình an. Dù bố thí và cúng dường không chữa lành bệnh nan y thì cũng có thể điều trị tâm giúp giải thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực. Đây là cách thực hành theo lời dạy của đức Phật làm cho tâm khỏe mạnh cho dù thân thể bệnh tật. Vì tâm có thể ảnh hưởng thân thể, sức khỏe thể chất sẽ được cải thiện khi tâm khỏe mạnh. Điều này sẽ xảy ra khi bố thí được thực hiện trong tình thương chân thật và không có bất cứ tự lợi nào. Bố thí và cúng dường trong ý nghĩa này có thể giải thoát tâm khỏi vị ngã và làm cho nó có thể sử dụng toàn diện năng lực vô ngã để làm lợi ích cho tha nhân. Qua việc làm vị tha như thế, cuối cùng người ta có thể đạt được niết bàn, mục đích tối hậu của Phật giáo.
Bố thí và cúng dường như thế nào cho đúng?
Điều trị bệnh tật với lòng vô ngã, vị tha, chí thành sám hối
Lòng vô ngã, vị tha sẽ kích hoạt các hạt giống thiện nghiệp trong mỗi người chúng ta và cảm ứng đến chư Phật và chư thiên đầy tình yêu thương và thần lực thuộc thế giới siêu hình mà khoa học gọi là “vật chất tối” và “năng lượng tối” sẽ trợ giúp chúng ta khỏi bệnh thần kỳ.
Về tự lực, để tiêu bớt ác nghiệp, trong Phật giáo có phương pháp sám hối. Người mắc bệnh có thể sám hối ngay trên giường bệnh bằng cách chắp tay, cúi lạy xuống đọc:
“Con xưa đã tạo bao ác nghiệp
Đều bởi vô thỉ tham sân si
Từ thân miệng ý mà sinh ra,
Tất cả con nay xin sám hối.”
Lời sám hối của mình tuy vô hình thật đấy, nhưng sẽ tác động đến những sinh linh mà mình gây hại và nó sẽ xóa bỏ hạt giống hận thù trong tâm chúng ta, qua đó bệnh sẽ rút đi từ vô hình.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Xem thêm