Tâm an vạn sự an – Tâm tịnh trú xứ trang nghiêm
Tâm an vạn sự an muốn có được thì cần bình tâm quan sát thế giới, khởi tâm từ bi đối với thực trạng của xã hội. Từ đó nương theo Phật Bồ tát mà phát khởi hạnh nguyện, trau dồi trí tuệ, đức hạnh, giúp người giúp đời, thực hành Sáu Ba la mật, chung tay xây dựng cõi Tịnh độ trong nhân gian.
Giữa thế giới bất an, lòng người vô định, biết đi đâu về đâu cho hết một cuộc đời! Ta sẽ sống một kiếp người với sự luân hồi của trạng thái tâm hồn đau khổ, vui buồn, được mất, ưu sầu, hay còn có lối thoát nào cho kiếp sau? Có cách nào khác để tâm chúng sinh an trụ mà vun bồi hạnh phúc hay không? Đây là những câu hỏi không dễ gì tìm được lời giải đáp. May thay, giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã cho chúng ta một phương hướng để thực hành theo, để từ đó tự thân mỗi người và cộng đồng cùng xây dựng niềm an lạc, bởi có an cư mới lạc nghiệp, tâm an vạn sự an.
Vì để an tâm vạn sự an nên chư Bồ tát phát nguyện thành lập cõi tịnh độ
Hành giả Phật giáo Đại thừa có niềm tin vững chắc vào quan niệm chúng sinh có khả năng thành Phật, nếu biết quán chiếu các pháp duyên khởi, ngộ nhập lý không rốt ráo; rồi từ nền tảng đó phát tâm Đại bi, thực hành Lục Ba la mật, đồng thời nguyện độ tất cả chúng sinh, sẽ chứng được Phật đạo. Khi còn phàm phu, những hành giả phát tâm Bồ tát, mong cầu thành Phật, hóa độ chúng sinh, đã không tiếc thân mệnh, tinh tấn dũng mãnh trong vô lượng kiếp, mà học tập tinh hoa của cõi tịnh độ khắp mười phương. Những hành giả này kiến tạo cho cõi Phật rộng lớn vô biên của chính mình, cũng là để làm nơi chốn yên ổn cho chúng sinh có thể cùng an tâm quyết chí tu hành thành Phật. Đây là một sự chuyển biến vượt thời đại của Phật giáo, mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn cho nhân loại ngày nay, cũng như trong tương lai.
Cụ thể như các kinh: Phóng Quang bát nhã kinh quyển 3 phẩm Vấn Tăng Na [1], Bất thoái chuyển pháp luân kinh quyển 2 phẩm Thanh văn Bích Chi Phật cũng ghi: “Bồ tát lấy bốn hoằng thệ nguyện để tiếp độ tất cả chúng sinh” [2] Phẩm Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện trong Hoa nghiêm kinh quyển 40 nêu ra mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền [3]. Phẩm Hư Không Tạng Bồ tát trong Đại phương đẳng đại tập kinh quyển 17, nói rõ hai mươi đại thệ trang nghiêm của Bồ tát [4].
Tâm an vạn sự an, ung dung tự tại, tâm rộng thiên địa rộng, không người hiềm khích
Những dẫn chứng từ kinh điển trên đây đều là Bồ tát khi mới tự phát tâm, phát đại thệ nguyện, tu sáu pháp Ba la mật, nguyện độ thoát tất cả chúng sinh, rồi sau đó, các Ngài căn cứ theo thệ nguyện này của mình để thực hành theo. Tức là Bồ tát hi sinh không tiếc thân mệnh để đạt được chí nguyện, nguyện sinh vào đời ác năm trược, dũng mãnh vô cùng, tinh tấn tu tập, như dũng sĩ mặc áo giáp, uy dũng xông pha nơi chiến trận giống nhau không khác. Điều này thể hiện tinh thần tu tập mạnh mẽ của thời kì đầu Phật giáo Đại thừa, cũng là kết tinh của đại thệ nguyện trang nghiêm, phát nguyện thực hiện thanh tịnh cõi Phật, để làm nơi đáng sống và tu học của chúng sinh. Đặc biệt, Bồ tát độ khắp chúng sinh không giới hạn số lượng… Bồ tát phải hoàn thiện viên mãn Sáu Ba la mật và dạy cho người khác hoàn thiện viên mãn Sáu Ba la mật [5].
Mục đích chủ yếu của việc thanh tịnh cõi Phật, làm nơi an tịnh cho chúng sinh hướng về, là do ban đầu hành giả Bồ tát nhìn thấy những điều tiêu cực trong thực tế cuộc đời, lòng người hiểm ác, tham sân si rẫy đầy, thiên tai bão lụt, dịch bệnh… Nên các Ngài mong muốn làm thanh tịnh thế giới, cải thiện những khiếm khuyết, vận động, cải cách xã hội để làm tăng lên hạnh phúc cho nhân loại.
Bồ tát cũng thành Phật ở cõi nước đó, dần xây dựng cõi Phật lý tưởng, hoàn mỹ hơn, cuối cùng vượt trội hoàn toàn so với cõi Ta bà, trở thành cõi Tịnh độ thanh tịnh, trang nghiêm. Bởi thế giới của chúng ta có đầy đủ năm điều ố trược, là chỗ sống chung của các loài khác nhau, ngoại đạo, kẻ xấu,… lại còn dịch bệnh, đói khát, tranh giành; đất đai ở đây thì đồi núi trập trùng, cỏ cây gai góc um tùm; rất nhiều ô uế, chẳng có chỗ nào trang nghiêm và an lạc; tuổi thọ của con người ngắn ngủi. Từ đó thấy rõ thế giới này là vô thường, không có tính trường cửu vĩnh hằng. Cõi này có nhiều khiếm khuyết như thế, nên Bồ tát lập chí nguyện kiên cố, kiến tạo cõi Phật lý tưởng.
Bồ tát phát tâm trong “Đạo hành bát nhã kinh”: Bồ tát phát nguyện kiến tạo cõi nước Phật thanh tịnh có được nói đến ở một số kinh thuộc hệ “Bát nhã” Đại thừa. Trong đó, các điều nguyện được ghi ở phẩm Ưu bà di đát kiệt thuộc Đạo hành Bát nhã kinh quyển 6 [6], có thể được xem là xuất hiện vào thời kỳ sớm nhất. Hiện tại trước hết liệt kê năm điều Bồ tát phát nguyện xây dựng cõi nước Phật như sau:
1. Không có loài cầm thú;
2. Nhẫn nhục không sân hại;
3. Có nước tám công đức;
4. Lương thực đầy đủ;
5. Không có dịch bệnh.
Ngoài ra, ngài Chi Khiêm dịch trong phẩm Hằng kiệt thanh tín nữ trong Đại minh độ kinh [7]; Ngài La Thập dịch phẩm Thâm công đức [8] trong Tiểu phẩm bát nhã kinh quyển 7 đều nói giống như trên.
Tâm an vui, cảm nhận pháp lạc theo chánh pháp
Tóm lại, Bồ tát phát nguyện ở thời kỳ sớm nhất có nội dung đơn giản, đồng thời rất thực tế, căn cứ trên hiện thực thế gian. Khi ấy các Ngài nghĩ đến một số nguy hiểm xảy ra, nên phát nguyện hoàn thiện một đất nước không có thiên tai, nạn dịch, không có người xấu, không có đau khổ… Như thế đủ biết đây là điều thệ nguyện quan trọng chủ yếu nhất.
Tiến thêm bước nữa, Bồ tát phát nguyện trong “Phóng Quang Bát Nhã kinh”: Chúng ta có thể xem lời phát nguyện trong phẩm Mộng trung hành [9] của Phóng quang bát nhã Kinh quyển 13 để biết thêm các điều nguyện của Bồ tát về cõi Phật thanh tịnh:
1. Lương thực y phục đầy đủ;
2. Không có chúng sinh phạm mười điều ác và người hạ tiện;
3. Nhẫn nhục không gây tổn hại;
4. Dũng mãnh tinh tấn;
5. Nhiếp tâm chính niệm;
6. Không có tà kiến;
7. Không có tà tụ;
8. Không có ba đường ác;
9. Đất đai bằng phẳng, trong sạch:
10. Đất bằng vàng ròng;
11. Không có ái dục;
12. Không có giai cấp;
13. Không có phân biệt gia thế;
14. Thân chúng sinh đều sắc vàng;
15. Trong nước không có vua hà khắc áp bức;
16. Đều tu Ba mươi bảy đạo phẩm;
17. Mọi người đều hóa sinh;
18. Người trong nước có năm thần thông và ánh quang minh;
19. Mọi người không có cấu uế;
20. Không có giới hạn thời gian;
21. Mọi người trong nước sống lâu;
22. Mọi người đều đầy đủtướng bậc đại nhân;
23. Mọi người đầy đủ căn lành;
24. Mọi người không có ba cấu, bốn bệnh[10];
25. Trong nước không có Nhị thừa;
26. Trong nước không có tăng thượng mạn;
27. Thọ mệnh vô lượng, quang minh vô lượng, Thanh văn vô lượng;
28. Cõi nước rộng lớn;
29. Không có tự tính.
Phẩm Mộng hành trong kinh Đại phẩm bát nhã quyển 17 nói đến vấn đề phát nguyện cũng giống với Phóng Quang bát nhã kinh, chỉ có nguyện thứ mười tám là “người trong nước đắc năm thần thông và có ánh quang minh” được chia thành hai nguyện, tổng cộng có ba mươi nguyện, đây là điểm khác nhau giữa hai kinh.
'365 ngày tâm an' - liều thuốc chữa trị tâm hồn
Đem đối chiếu giữa Phóng quang bát nhã và Đạo hành bát nhã thì thấy số nguyện tăng thêm là hai mươi bốn nguyện, và ý nghĩa trong nguyện cũng có chiều hướng lý tưởng rộng lớn hơn. Nghĩa là trong Đạo hành bát nhã kinh, Bồ tát phát nguyện mang ý nghĩa tích cực, không chỉ dừng lại ở chỗ đối trị mà là phát huy. Theo đó, không có ba đường ác địa ngục, ngã quỷ và súc sinh; Đem lòng từ bi yêu thương để đối xử nhau như cha mẹ, anh em; Ẩm thực, y phục, của cải cũng đều tự nhiên đầy đủ; Không có ba cấu, bốn bệnh; Trong nước không có bốn giai cấp, giàu sang, nghèo hèn hay nhân chủng khác nhau; Không có tên gọi vua chúa mà chỉ có Như Lai là bậc pháp vương; Mặt đất bằng phẳng, do vàng ròng làm thành; Không có núi đồi hầm hố gai góc cỏ độc, thanh tịnh trang nghiêm; không có nhơ bẩn, người dân đều do hóa sinh, không có trường hợp thai sinh; không có người rơi vào tà định tụ, không có hàng Nhị thừa hoặc kẻ tăng thượng mạn, họ đều được năm thần thông, thân có ánh quang minh, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, thọ mệnh không có hạn lượng thời gian…
Qua đây, biết được các nguyện vọng tăng thêm và theo xu hướng lý tưởng hóa. Từ đó chúng ta học hỏi để chuyển hóa nội tâm của chính mình, từ việc vượt qua phiền não của cá nhân, cho đến nhận lỗi hoặc tha thứ bao dung cho tha nhân. Ngoài ra, chúng ta phải phát tâm hoàn thiện, thành tựu, đem lại lợi ích nhất có thể cho mọi người, không phân biệt thân sơ, số lượng nhiều hay ít nữa. Đó cũng là một nét đẹp tâm hồn, một tư tưởng đóng góp to lớn cho tiếng nói chung của cộng đồng hòa bình, thịnh vượng.
Để chúng sinh được an tâm tu học là ý nghĩa chân chính của việc tịnh hóa cõi Phật
Làm thế nào để tịnh hóa cõi Phật, biến một cõi ố trược thành cõi thanh tịnh? Căn cứ vào Đại phẩm bát nhã kinh quyển 26 phẩm Tịnh Phật quốc, có hướng dẫn: “Bồ tát xa rời tướng nghiệp thô như vậy, tự mình bố thí và hướng dẫn người khác bố thí: chúng sinh cần thực phẩm thì Bồ tát cung cấp thực phẩm, cần y phục thì Bồ tát cung cấp y phục, cho đến những nhu yếu phẩm mà chúng sinh cần thì Bồ tát cũng cung cấp cho họ. Bồ tát cũng hướng dẫn mọi người bố thí, để cùng chúng sinh hưởng chung phúc đức này, cùng hồi hướng thanh tịnh cõi Phật. Đối với trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ cũng thực hành như thế” [11].
Trong phẩm Phật quốc thuộc Duy ma cật kinh quyển thượng đã đưa ra chi tiết từng sự thực tập riêng. “Trực tâm” là Tịnh độ của Bồ tát, nên khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh không dối trá thì được sinh về cõi nước của Ngài. “Thâm tâm” là Tịnh độ của Bồ tát, nên khi Bồ tát thành Phật, nếu chúng sinh nào đầy đủ công đức thì được sinh về cõi nước của Ngài. “Bồ đề tâm” là Tịnh độ của Bồ tát, nên khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh tu theo Đại thừa thì được sinh về cõi nước của Ngài. Những pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, bốn tâm vô lượng, bốn nhiếp pháp, phương tiện, ba mươi bảy đạo phẩm, cho đến mười điều thiện đều là Tịnh độ của Bồ tát, nên khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh nào thành tựu đầy đủ những pháp như vậy thì được sinh về cõi của Ngài. Vì thế, Bồ tát muốn được cõi nước thanh tịnh thì tâm mình phải thanh tịnh, tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật cũng thanh tịnh.
Trong phẩm Phật bát nê hoàn thuộc A Súc Phật quốc kinh quyển hạ ghi: “Hỏi: Bồ tát tu những đức hạnh nào sẽ được sinh về cõi Phật A Súc? Đáp: Bồ tát phải học theo Phật A Súc, khi xưa Ngài cầu đạo Bồ tát tu tập Sáu Ba la mật” [12]. Những đoạn trích dẫn trên cho thấy tịnh độ là do trực tâm, thâm tâm của Bồ tát, cho đến do thực hiện mười điều thiện mà thành tựu. Điều này giống như nội dung trong Đại phẩm bát nhã đã trình bày, từ đó chứng minh được là nhờ tịnh hóa nghiệp thô nơi thân, khẩu, ý của bậc giáo hóa (Bồ tát) và đối tượng giáo hóa (chúng sinh) mới có thể cùng tịnh hóa cõi Phật [13]. Có nghĩa là tự mình và tha nhân cùng xa rời mười ác mà thực hành mười điều thiện; xa lìa tham lam cho đến tâm ngu si mà thực hành Lục Ba la mật; cho đến không chấp trước vào tính chất hoặc tướng trạng của các pháp, liễu đạt được Vô tự tính Không, sau đó đem công đức này hồi hướng cho cõi Phật, cũng tức là đem tất cả nghiệp lực thanh tịnh tốt đẹp của Bồ tát và chúng sinh để cùng kiến tạo cõi Phật. Vậy muốn đạt được công đức như chư Phật, ta phải phát tâm thành Phật quả, phải trải qua thời gian vô lượng kiếp, làm cho thân tâm an ổn, hướng dẫn chúng sinh cũng thực hành theo để tâm an yên.
Dưới mái hiên chùa - thân tâm an lạc
Tâm an vạn sự an là sự nghiệp phấn đấu chung của chư Phật, Bồ tát và mọi người
Tuy nhiên, năng lực đơn độc của một vị Bồ tát không thể thực hiện được việc thanh tịnh cõi Phật rộng lớn như thế. Cho nên Bồ tát ban đầu giáo hóa chúng sinh mục đích là tập hợp lại năng lực của chúng sinh được giáo hóa để thành tựu ý nguyện. Tiếp sau là sự nghiệp phấn đấu chung của chư Phật, Bồ tát và mọi người, cùng nhau chiêu cảm, phát huy kết quả thiện lành, tạo dựng một môi trường hoàn toàn là chúng sinh đã thanh tịnh thân, khẩu, ý. Bởi vậy, việc chung tay xây dựng một cộng đồng xã hội lý tưởng như cõi Tịnh độ không thể thiếu sự tham dự của chúng ta, và bản thân mỗi người hoàn toàn có thể chủ động đồng hành với chư Phật Bồ tát để kiến lập mười phương Tịnh độ.
Đại tỳ bà sa luận quyển 134 có viết: “Nếu cộng nghiệp của chúng sinh ở cõi này tăng trưởng thì thế giới thành tựu; còn nếu cộng nghiệp chúng sinh đã hết, thì thế giới hư hoại” [14]. Trong phẩm Thích tập tương ưng thuộc Đại trí độ luận quyển 37 lại viết: “Có khả năng kiến tạo cõi Phật thanh tịnh, thành tựu chúng sinh, thì Bồ tát trụ trong sự tương ưng với Không; không còn chướng ngại, giáo hóa chúng sinh, làm cho họ thực hành mười điều thiện và các pháp lành. Vì chúng sinh thực hành pháp lành nên cõi Phật thanh tịnh; vì họ không sát sinh nên được trường thọ; họ không có trộm cướp nên cõi Phật luôn phú quý an vui, ước muốn được toại nguyện. Chúng sinh thực hành pháp lành như vậy nên kiến tạo được cõi Phật trang nghiêm… Mặc dù chúng sinh làm thiện, nhưng cũng phải theo cùng hạnh nguyện của Bồ tát, nhờ nhân duyên sức phương tiện hồi hướng đến cõi Phật thanh tịnh, giống như con trâu kéo xe, phải có người đánh xe mới có thể đi đến chỗ mong muốn” [15].
Đại trí độ luận quyển 7, phẩm Thích Sơ phẩm [16] nói về nguyện của thế giới chư Phật thì đề cập: “nếu làm phúc mà chẳng có phát nguyện thì chẳng có mục tiêu, lập nguyện là để dẫn đường, có như vậy mới thành tựu được mục tiêu… Lại nữa, việc trang nghiêm các thế giới Phật là việc lớn, nên cần phải có nguyện lực lớn”.
Điều này giống như sự hướng dẫn nhiệt huyết, trí tuệ của người lãnh đạo gương mẫu, cần kết hợp với việc người dân ở đó cũng phải đồng lòng, tích cực làm lành, nâng cao đức hạnh. Tịnh độ của chư Phật tuy do kết quả từ cộng nghiệp thanh tịnh thân, khẩu, ý của chúng sinh được giáo hóa, nhưng lý tưởng chung của điều đó vẫn là hạnh nguyện của Bồ tát. Đây là điều không thể thiếu, nếu không sẽ giống một chiếc xe không người lái, không thể đưa đến nơi chốn cần đến. Trang nghiêm cõi Phật cũng giống như vậy không khác. Từ thực tế cuộc sống, chúng ta mong muốn “tâm an vạn sự an” thì cần bình tâm quan sát thế giới, khởi tâm từ bi đối với thực trạng của xã hội. Từ đó nương theo Phật Bồ tát mà phát khởi hạnh nguyện, trau dồi trí tuệ, đức hạnh, giúp người giúp đời, thực hành Sáu Ba la mật, chung tay xây dựng cõi Tịnh độ trong nhân gian.
Chú thích:
* Đại đức Tiến sĩ Thích Vạn Lợi: Ủy viên viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Biên Phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế, nghiên cứu viên viện Trần Nhân Tông Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó ban thư ký dự án Dịch thuật và phát huy các tác phẩm phương Đông.
[1] Đại chính tạng, tập 8, tr.20.
[2] Đại chính tạng, tập 9, tr.235″
[3] Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh Toàn Tập – Tập 4 – Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh, phẩm “Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện” thứ bốn mươi, Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, Tr.770.
[4] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 50 – Bộ Đại Tập I – Số 397 (Quyển 1- 48), Đại Phương Đẳng Đại Tập kinh, quyển 17, phẩm 8 “Bồ Tát Hư Không Tạng” (Phần 4), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr.376-377.
[5] Phóng Quang bát nhã kinh quyển 3 phẩm Vấn Tăng Na, Đại chính tạng, tập 8, tr.20.
[6] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 31 – Bộ Bát Nhã XIV – Số 223 – 224, Đạo Hành Bát Nhã Ba la mật kinh quyển 6, phẩm 15 “Không Thoái Chuyển”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, Tr.837.
[7] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 32 – Bộ Bát Nhã XV – Số 225 – 230, Đại Minh Độ kinh, quyển 4, phẩm 11 “không Thể Tính Kể”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, Tr.95.
[8] Đại chính tạng, tập 8, trang. 566.
[9] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 30 – Bộ BátNhã XIII – Số 221- 222, Phóng Quang Bát Nhã kinh, quyển 13, phẩm 59 “Thực Hành Trong Mộng”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr.379-384.
[10] Ba thứ cấu uể: tham, sân, si, làm khổ chúng sinh; bệnh do bốn đại chẳng điều hoà sinh ra.
[11] Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh Toàn Tập – Tập 7 – Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Phẩm “Tịnh Phật Quốc” thứ tám mươi hai, Thời Đại, 2012, Tr.326.
[12] Đại chính tạng tập 11, tr.761.
[13] Đại chính tạng tập 14, trang. 538.
[14] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 93 Đại tỳ bà sa, quyển 134 Đại chủng uẩn luận về duyên, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr.379-384.
[15] Đại chính tạng, tập 25, tr.335.
[16] Đại chính tạng tập 25, tr.142.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm