Tâm hạnh người tu
Tâm hạnh người tu, nói cho rõ là tâm hạnh của Phật tử, hay tâm của Phật và hạnh của Bồ-tát. Chúng ta nói về tâm của Phật và đệ tử Phật. Phật dạy Ngài trải qua vô lượng kiếp tu, nhưng chủ yếu tu cho được tâm Phật mới thành Phật.
Chúng ta được mệnh danh là đệ tử Phật thì phải đi con đường của Phật; nếu đi lệch hướng, không phải là Phật tử, nhưng thành tà ma, trở thành phá pháp Phật, hay là đứa con hư, con phá sản. Vì vậy, ta chọn con đường Phật đi, nhất định phải đi theo thì đầu tiên coi Phật dạy tu tâm thế nào.
Phật dạy tâm là chủ sanh ra vạn pháp, có thể sanh pháp lành và nghiệp ác. Nếu phát triển tâm lành, chúng ta sẽ đi lên Hiền thánh, Tiên, Phật; ngược lại là con đường đi xuống, tức con đường tà, con đường ma mà chúng ta phải tránh. Ma là gì, tà là gì? Tà là sai trái, ma là tâm tham lam, ác độc. Ma thuộc về ác, nói thêm là thầy tà bạn ác là làm bạn với ma, chết phải sa ác đạo. Tất cả những thứ này do tâm dẫn.
Lý tưởng giải thoát trong nhà Phật
Phật nói những kiếp xa xưa về trước, Ngài cũng sai lầm, có lúc đi theo thầy tà làm những việc mà người nhẹ dạ dễ tin. Trước mắt là gặp thầy tà thường nói đúng gia đạo và hoàn cảnh của ta, nên đa số được người tin là tà có cái giỏi đó. Nhưng nó nói đúng hoàn cảnh mình mà tin theo là chắc chắn chết. Phật dạy tin luật nhân quả, nhưng thầy tà dạy không tin nhân quả, chỉ tin khôn ngoan xảo trá. Thí dụ có xe hư muốn bán được, xin thầy tà cho cái phép để bán. Xe cũ mà muốn bán nhiều tiền do tâm tham lam xấu, muốn đổ cái hư cho người để lấy tiền nhiều. Có người nhờ thầy chú nguyện bán gì đó. Thầy hỏi đồ này có tốt thiệt không. Phật thì chân thật, bất hư, không dối gạt. Món đồ này trị giá một trăm triệu, nhưng cần tiền nên bán hạ còn chín chục triệu, thì ta cầu nguyện được Phật chứng, được Hộ pháp thiện thần thấy ta cần bán chỉ cho ta người cần mua, cả hai đều vui. Là Phật tử, chúng ta nên cân nhắc điều này, họ mua được hàng rẻ thì mừng là ta đem lại cho người tâm an vui. Ta muốn trời Phật giúp ta để người bị lầm thì trời Phật không làm điều sai trái này, chỉ có tà ma làm. Làm bạn với ma thì phước ta giảm lần, biết ta sẽ đi vào địa ngục. Làm việc xấu thì hậu quả thế nào? Thí dụ ta mua đồ xài không được, vì bị tà ma ếm rồi, lúc đó ta bị ma làm mờ mắt, tâm không sáng suốt, nên họ nói ta nghe, nhưng về nhà, ta tỉnh lại. Họ nói mình nghe, vì lúc đó tâm mình mê rồi, nên mở két đưa tiền cho họ, nhưng họ đi rồi, thì biết mình bị gạt, nên mình hận, buồn, đau khổ. Những người chuyên môn lừa đảo như vậy chỉ được một, hai lần và lần lần, họ bị mắc bùa, vì họ sử dụng bùa, bị ma ám, nên họ trở thành khờ dại. Người bị bùa mê thuốc lú, con người tệ lần, đến cuối cùng, không còn ai tin theo, bị bỏ rơi là đọa địa ngục.
Khi Phật tại thế, có người thông minh, giỏi, nhưng tâm bất chính, tâm tà là Đề Bà Đạt Đa chuyên luyện bùa chú, làm được việc kinh thiên động địa, có thể thuyết phục vua A Xà Thế và thuyết phục cả năm trăm đệ tử Phật, khiến họ cùng thưa với Phật rằng Phật lớn tuổi rồi, nên giao quyền lãnh đạo Tăng chúng cho Đề Bà Đạt Đa, chúng tôi tín nhiệm ông ấy. Ma cao gấp mười lần Phật là vậy, vì nó làm việc tà; trong khi Phật dạy người làm đúng. Tà có thể thi thố, có thể biến đá thành vàng, nên Phật nói, nếu tin theo Đề Bà, Phật không ngăn. Từ đó trong suốt ba năm, Phật ẩn cư trong rừng, sống trong thiền định, không làm. Còn những người tin tà ma thì phát, nhưng bạo phát bạo tàn, thì khi đó nghiệp đổ ra, ốm đau, gây gổ với nhau, mới đi tìm Phật, nghĩ đến lúc sống với Phật, tâm được an lành, nay theo tà thì khổ quá mới tìm Phật và Ngài độ họ lại.
Tâm ta tà mới bị thầy tà dụ dỗ. Nếu ta giữ tâm chánh niệm thì không có tà ma nào dụ được. Thí dụ có người đến, ta theo Phật sẽ có cảm giác người này là tà. Tôi có kinh nghiệm này. Người tà tâm, tâm họ không chính thì ánh mắt họ điên đảo. Mình nhìn thẳng vào mặt họ, thấy họ tà, thì mình không bị tà ám. Mình sống trong thế giới này dễ bị quỷ nhiếp trì, vì trong tâm chúng ta có ma tham, ma giận, ma kiêu căng. Ma tham trong lòng chúng ta, hay lòng chúng ta còn nhiều ham muốn mới bị ông thầy tà dụ ta bằng cách cho mình bùa để được. Mình bằng lòng là bị mắc bùa. Nếu tâm mình chính, nghĩ đến Phật thì bùa gì, ma gì làm hại được. Ở Ta-bà mà chúng ta đang sống là thế giới ma. Chết thành ma và sống lại, ma thành người, nhưng khi ma chưa đầu thai, nó coi ai nhẹ bóng vía dựa vô năm, ba phút để nói gì đó, rồi cũng xuất ra. Con ma muốn thưa với thầy điều gì đó, nhưng là ma làm sao nói được, nên nó coi mình hơi lơ lửng thì nhập vô để thưa với thầy việc này việc kia. Thầy hỏi bà tên gì? Nếu nói đúng tên thì đó là người, nhưng nói tên sai, thầy biết nó là ma, thì thầy dạy con ma về chùa nghe kinh để giải nghiệp, đừng làm ma, là nó xuất ra.
Ở thế giới này, ta và ma gần nhau, vì ai cũng giận, kiêu căng, tánh xấu nhiều, còn người đến với Phật rất khó, những người chịu đến đây nghe pháp được, tụng kinh được là nhờ có căn lành rồi, không dễ đâu. Trong tâm chúng ta có hai phần là thiện và ác. Ác hoàn toàn là ma, nhưng có thiện có ác là người. Người tội nhiều phước ít, tức ác nhiều thiện ít thì khổ đau nhiều, rất khó tu. Người phước nhiều, cuộc sống sẽ được hạnh phúc, dễ tu. Nếu chúng ta nghiệp nặng thường sanh vô nhà nghèo khó, khổ sở và chúng ta lại có thân bệnh hoạn, ngu dốt, độc ác, khờ khạo, những thứ này tiêu biểu cho nghiệp ác. Nếu sanh trong gia đình tương đối khá, cơ thể tốt, thông minh là có thiện nghiệp.
Ác nghiệp nhiều, khó tu và nếu như vậy, ta tu thường gặp những trở ngại nhiều mà người giúp đỡ ít, nên chúng ta khó vượt qua. Tu kinh Pháp hoa, Phật nói phải vượt qua được ranh giới giữa tâm Phật và tâm ma. Khó thì thiệt khó, nhưng nếu nhận ra được Chánh pháp thì dễ tu, không khó, còn không biết thì khó. Tâm ta và nghiệp ta như vậy, nhưng có sẵn căn lành, chúng ta phát triển căn lành này, để nghiệp ác một bên, để cái bệnh, nghèo đói, xấu xí một bên, thì ta sẽ vượt được ranh giới xấu để ta vào cửa Bát-nhã. Vì vậy, nếu ta có căn lành thì sử dụng căn lành này để vượt qua. Trong phẩm Thí dụ thứ ba của kinh Pháp hoa, ông trưởng giả vào Nhà lửa có đủ thứ loài trong đó, nhưng ông chỉ cứu được những đứa con của Phật là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát là những người đã từng trồng căn lành ở Phật quá khứ. Mình sung sướng vì là con Phật, nên được Phật cứu, vượt qua ranh giới Nhà lửa. Chỉ có ba hạng là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát ra khỏi Nhà lửa được. Ta xét xem mình thuộc hạng nào. Hạng Thanh văn là nghèo đói, bệnh hoạn, ốm đau cũng được Phật cứu. Thầy sanh trong gia đình nghèo, thân thể thường đau yếu; nhưng nhờ căn lành, xuất gia, quyết tâm tu, vượt qua được ranh giới Nhà lửa thì thầy thoát được bệnh hoạn, vì là con Phật không có tánh tham lam, ích kỷ.
Người làm công hèn hạ khác với cùng tử trong kinh Pháp hoa. Người hèn hạ muốn hưởng thụ, không muốn làm. Cùng tử muốn làm, không muốn hưởng là con Phật. Nói nghèo thì tham, nhưng mình tu thì nghèo mà không tham và biết tham sẽ nghèo, nên diệt ngay tánh tham. Thầy lang thang nghèo đói lâu ngày, nên thấy gì cũng muốn ăn. Vào học ở Phật học đường Nam Việt, một hôm lên mâm cơm có một miếng đậu hủ cắt làm bốn, nhưng có một người bệnh, nên thầy vội gắp vô chén mình hai miếng đậu hủ, như vậy là tham, vì đói lâu ngày, nên lấy được cái gì là lấy và tìm cách bào chữa cho mình rằng ăn như vậy là ăn giùm người bệnh, không sao. Hai thầy ngồi cùng mâm nhìn thầy với ánh mắt lạ lùng, làm thầy phải suy nghĩ, như vậy mình không giống Phật, không phải con Phật. Tu hành là phải chuyển từ tâm ma sang tâm Phật, nên thầy lên chánh điện lạy sám hối cho tiêu cái lỗi này và phát nguyện không làm vậy nữa và sẽ làm ngược lại, thì bữa sau cũng bốn người một phần ăn nhưng chỉ còn ba người. Thầy nói tôi bệnh, không ăn, để hai thầy kia mỗi người được hai quả chuối.
Sám hối là mình tự phạt mình thì tâm tham bỏ lần, không dám nữa là hàng phục được tâm ma, bấy giờ tâm Phật hiện ra. Có tâm tham thì giành quyền lợi của người khác, khi cắt được tâm tham, tâm ta đứng yên là tâm Phật, hay tâm thương người. Mình tự phạt tâm ma, không cho mình ăn, nhưng tâm Phật sanh ra thì mình thương người, nhường cho người khác ăn. Từ tâm thương người mới dẫn đến hành động cứu người là hành động của Bồ-tát. Đi theo lộ trình Phật, gặp người khổ, ta cứu, có khả năng nào giúp đỡ được, ta sẵn lòng làm là hành động của Bồ-tát và tâm của Phật. Tâm và việc làm của người tu khác với tâm của ma. Tất cả chúng ta là con Phật nên cố gắng tu được tâm thương người và hành động cứu đời, chắc chắn được Phật hộ niệm về cõi Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm
Kiến thức 10:11 23/12/2024Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Xem thêm