Thứ, 22/04/2024, 07:57 AM

Thái độ cầu học cầu tu của người Phật tử

Trên hai mươi lăm thế kỷ về trước, Đức Từ Phụ đã từng khẳng định đạo Phật là đạo của từ bi, trí tuệ và giải thoát. Người Phật tử muốn tu theo đạo Phật cũng phải tu sao cho được từ bi và trí tuệ để một ngày không xa nào đó cũng sẽ được giải thoát như Đức Phật.

Tuy nhiên, trong thời xa Phật nầy, nhiều người tự xưng là con Phật và nghĩ mình đang tu theo Phật, nhưng trên thực tế họ hoàn toàn đi ngược lại những lời Phật dạy. Xin một lần nữa khẳng định lại lời Phật dạy: “Nếu bảo rằng tu theo Phật mà không có từ bi và trí tuệ thì sẽ không bao giờ đạt được cứu cánh giải thoát.” Đừng ai nghĩ rằng tu theo Phật để trốn lánh lục dục thất tình và thất chí; đừng ai nghĩ rằng đạo nầy học mà thành hay nhàn đàm hí luận mà được giải thoát. Như vậy muốn học và muốn tu theo Phật, chúng ta phải có thái độ như thế nào?

Chính Đức Phật đã khẳng định trong các kinh điển của Ngài là càng về thời xa Phật, chúng sanh không dùng tai để nghe, mắt để thấy và trí huệ sáng suốt cho việc tu tập giác ngộ và giải thoát nữa. Ngược lại, họ nghe thấy và dùng trí huệ của họ cho việc nhàn đàm hí luận. Trong xã hội văn minh vật chất hôm nay, con người tưởng rằng mình có thể đọc và học thuộc giáo điển là đủ, nên họ đánh mất đi tinh thần cao đẹp của những người con Phật cầu học cầu tu năm xưa; họ không còn nêu cao tinh thần tinh tấn, tham bái, cầu thân và cầu học cầu tu với thiện hữu tri thức nữa. Lúc nào họ cũng tự cho mình là trung tâm vũ trụ với sự hiểu biết uyên thâm, vì thế cho nên thay vì đến chùa làm công quả hoặc tu công đức, thì họ lại đem những hiểu biết vặt vảnh ra để vấn thầy khảo bạn.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Người con Phật cầu học cầu tu hãy đến chùa với tất lòng thành, hãy khẩn thiết và khiêm cung cầu học cầu tu dù phải đương đầu với bao chướng duyên nghịch cảnh, chúng ta phải cương quyết giữ vững tâm Bồ Đề kiên cố hầu khắc phục mọi trở ngại để vượt thắng tất cả.

Vì thấy tâm điên đảo của chúng sanh trong thời xa Phật nầy mà trên đường hoằng pháp, Tôn Sư Minh Đăng Quang đã khuyên nhủ mọi người hãy cùng nhau xây dựng một cõi đời hạnh phúc ngay trong cõi Ta Bà ngũ trược ác thế nầy. Ngài đã nhắn nhủ: “Nếu chưa đủ duyên xuất trần với nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du, dục cùng sanh tử lộ, khất hóa độ xuân thu; thì ít nhứt người người cũng nên quán triệt giới luật, và luôn tránh ác làm lành. Thái độ cầu học cầu tu của người Phật tử là phải sống chung tu học một cách hài hòa, cái biết là phải cùng nhau chung biết, tinh thần không chật, vật chất không hao.

Hãy tự mình hướng về phía trước mà đi, bỏ lại sau lưng tất cả, kể cả Phật pháp, đừng cố chấp, đừng câu nệ… Làm được như vậy thì những đầy vơi, có không, còn mất, hơn thua, vinh nhục, thành bại, khổ vui, sống chết của cuộc đời không còn công năng xô đẩy chúng ta vào bể khổ trầm luân nữa.” Thật vậy, đạo Phật là trung đạo. Người con Phật rẽ sóng khổ vui trong thế giới Ta bà mà đi tới. Đạo Phật là một sự viên dung tròn đầy. Khi nói đến lý sự thì lý sự phải viên dung. Khi nói đến đạo đời thì đạo đời phải hài hòa. Với người con Phật, mình và chúng sanh mọi loài đều đồng đẳng. Mình là chúng sanh, chúng sanh là mình. Mình sống cho tất cả, tất cả sống cho mình. Đạo Phật viên dung như vậy đó! Nhưng thế nào là lý sự viên dung? Lý sự viên dung là không cầu lý quên sự, mà cũng không cầu sự quên lý.

Học lý để đi vào sự, chứ không học lý để dong ruổi đó đây để nhàn đàm hí luận. Phật đã không từng nhắc nhở tứ chúng về ba bước khởi tu đó sao? Nghe lời Phật dạy, suy nghĩ về những lời dạy dỗ ấy coi cái nào thích hợp với mình rồi đem ra thực hành cho chính mình. Người Phật tử lúc nào cũng nên có một thái độ thành khẩn lắng nghe lời Phật dạy, lắng nghe Thầy Tổ, lắng nghe thiện hữu tri thức. Lắng nghe và hấp thụ những gì thích hợp với mình, chứ không vội phê bình phán đoán. Người Phật tử chơn thuần phải luôn canh cánh bên lòng rằng: “thà uống nước đồng sôi cho thân nầy tan rữa, chứ quyết không để cho bọn Ba Tuần lôi kéo.” Lúc nào cũng giữ vững tinh thần cầu học cầu tu một cách kiên cố, không mỏi mệt, không sợ gian khổ và không thối chuyển.

Tuy nhiên, là chúng sanh có mấy ai không vướng lầm mắc lỗi. Chính vì thế mà Phật Tổ đã dạy rất rõ ràng rằng: “dù bao lần lầm lỗi vấp ngả mà biết quyết chí đứng lên noi theo hạnh của chư Phật chư Tổ mà sửa chữa, để đi đến toàn thiện toàn mỹ, thì không đợi đến kiếp nào, mà nhứt định ngay trong đời nầy cuộc sống luôn an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc; cuộc tu luôn an nhiên và tự tại. Trong thời Phật còn tại thế, nhân có vị tỳ kheo tên là Citta, cứ xuất gia rồi hoàn tục năm lần bảy lượt nên bị các tỳ kheo khác tỏ ý khinh chê châm biếm.

Thấy vậy, Đức Phật bèn khuyến tấn chúng đệ tử rằng: “Người tu vẫn còn là một phàm Tăng, nên khi phạm giới vẫn phải bị đọa. Tuy nhiên, chủng tử tu hành vẫn còn đó chứ không mất. Khi hết bị đọa thì trở lại tu tiếp. Còn với người chưa tu, không có chủng tử tu hành, lỡ tạo nghiệp bị đọa, đến khi hết quả báo, cơ hội tiến tu dù sao vẫn ít hơn những người đã từng biết tu. Như vậy, Citta dù có thua kém những tỳ kheo tinh chuyên tu hành khác, nhưng Citta không thua kém bất cứ phàm nhân nào.”

Người con Phật chơn thuần hãy luôn lắng lòng suy gẫm xem coi mình là gì so với chư Phật và chư Tổ? Dù có thế trí biện thông thế mấy mà không biết tận dụng sở trường của mình vào công việc tu tập thì cũng bằng thừa. Ngược lại, dù căn cơ ám độn kém cõi mà chịu lắng nghe lời thầy tổ trao truyền, chịu vô tâm, chánh kiến và nhiệt tình tu tập thì dẫu dốt đặc như ông Châu Lợi Bàn Đà Già vẫn có thể tự tạo cho mình một “Niết Bàn” nho nhỏ ngay trong đời nầy kiếp nầy. Người con Phật chơn thuần nên luôn nhớ lời Phật dạy, luôn đem khả năng tri thức sẳn có của mình vào việc giúp mình, giúp người và giúp đời. Người con Phật phải luôn cẩn trọng về thái độ cầu học cầu tu của mình trong mọi tình huống. Đạo Phật với Thánh điển cao siêu và người con Phật rất cần những thánh điển nầy.

Tuy nhiên, dù ta đang tu với bất cứ pháp môn nào, thái độ cầu học cầu tu của ta luôn đóng vai trò tối quan trọng trong việc tu tập của chính mình. Thái độ ấy sẽ quyết định tất cả những thành bại trong cuộc tu. Vướng mắc hay giải thoát đều từ trong thái độ ấy mà ra. Tâm tỉnh hay tâm loạn cũng do thái độ ấy mà có. Tham lam bỏn xẻn hay rộng lượng bố thí cũng do thái độ cầu học cầu tu mà thành. Người con Phật chơn thuần phải nắm cho được mấu chốt chính yếu nầy để không luống phí thì giờ một cách vô bổ.

Mà thật vậy! Phật lúc nào cũng khẳng định với tứ chúng rằng: “Nhân nào quả nấy.” Nếu chúng ta đến chùa với thái độ cống cao ngã mạn thì chúng ta sẽ học được gì ngoài tà kiến, biên kiến và ác kiến? Nếu chúng ta đến chùa với thái độ ồn ào thì chúng ta sẽ được gì ngoài cái tâm loạn động? Nếu đến chùa với thái độ nhàn đàm hí luận thì ta sẽ được gì ngoài những thị phi tranh chấp? Ai trong chúng ta lại không biết rằng “sở tri chướng” là đầu dây mối nhợ đưa chúng ta đến chỗ lầm đường lạc nẻo, hoặc bị sự khống chế của bọn tà ma ngoại đạo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chấp chặc không rời. Ai trong chúng ta lại không biết có đi mới có đến, có làm mới có thành, thế nhưng chúng ta vẫn thích nói hơn thích làm. Ai trong chúng ta lại không biết tầm quan trọng của giới đức và đạo hạnh của một người tu, thế nhưng chúng ta vẫn xé rào bẻ lưới, thử hỏi rồi đây chúng ta sẽ thành cái gì?

Người con Phật phải nên luôn cẩn trọng! Giáo huấn của Đức Thích Tôn Từ Phụ chỉ thích hợp cho những ai muốn thấy, muốn nghe và muốn hiểu biết những điều chánh đáng mà thôi. Dẫu biết rằng Phật tại tâm và Phật giáo phát triển từ trong lòng người, nhưng thái độ cầu học cầu tu của người Phật tử vẫn là yếu tố tối quan trọng quyết định tương lai tu hành của chính mình. Dẫu biết rằng ngọc trong đá, nhưng nếu chúng ta không cố gắng lấy ngọc ra khỏi đá, thì đá vẫn là đá mà thôi. Cũng như vậy, nói Phật tại tâm rồi không cần chi đến cầu học cầu tu thì còn lâu mới thành Phật.

Chúng ta đang sống trong xã hội văn minh vật chất, nơi mà sự tôn kính được đo bằng tiền tài và danh vọng. Nếu không khéo, chúng ta sẽ bị cuốn hút vào đó hồi nào không hay. Thấy như vậy mới biết thái độ cầu học cầu tu của Phật tử, nhứt là Phật tử tại gia là tối ư quan trọng. Người con Phật phải luôn cẩn trọng vì nếu không khéo chúng ta sẽ đi ngược lại những lời giáo huấn cao thượng của Thế Tôn. Nếu không khéo thay vì tâm tịnh thân yên, chúng ta sẽ trở thành những con lật đật cuồng tâm loạn tính. Người con Phật nên luôn nhớ rằng “tham, sân, si” là tam độc. Chính lòng tham thôi thúc chúng ta hành động cuồng dại, lòng sân xô đẩy chúng ta vào khu rừng đang cháy không có lối ra, và chính sự si mê làm cho chúng ta ám muội không còn thấy đâu là tà đâu là chánh.

Thái độ của người Phật tử đang cầu học cầu tu là phải dứt khoát đoạn tuyệt tham sân si. Thái độ của thường tình thế tục là ngã mạn cống cao, là tự coi mình như trung tâm vũ trụ, chỉ có mình là đáng kể còn người khác là đồ bỏ. Thái độ của người cầu học cầu tu thì ngược lại, luôn khiêm cung từ tốn và nhẫn nại. Mà thật vậy, nếu muốn học phải thấy mình còn kém, còn khuyết điểm… mới mong có chỗ dung chứa chánh kiến. Phật tử nên luôn nhớ rằng những pho đại tạng sẽ không giúp ích gì cho chúng ta nếu chúng ta chỉ một bề học cho thuần thuộc để rảo bước đó đây nhàn đàm hí luận, đó chỉ là thái độ tiêu khiển cho qua thời giờ của những kẻ cuồng tâm loạn tánh. Nếu học chỉ để hí luận chơi cho vui, thà rằng đừng học chi cho phí thì giờ vốn dĩ đã không có của chúng ta.

Thái độ của người con Phật phải thành khẩn và kiên quyết. Niết Bàn hay địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh, a-tu-la hay người, Trời hay Phật… là ở đây, trong những giây phút hiện tại của cuộc sống nầy. Hỡi những người con Phật hãy suy gẫm lại mà xem! Thế Tôn và chúng ta cũng đồng là chúng sanh ở một kiếp xa xôi nào đó, thế mà Ngài đã thành Phật tự kiếp nào, còn chúng ta? Giờ nầy chúng ta vẫn còn ôm giữ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Giờ nầy chúng ta vẫn còn ngồi đây nhàn đàm hí luận. Hãy tỉnh giấc đi quý vị ơi! Đây là cơ hội vạn triệu kiếp mới có một thuở được gặp giáo pháp cao thượng của Phật Tổ.

Thật tình mà nói, phải có đại nhân duyên lắm mới được sanh làm người và được gặp Phật pháp, nếu chúng ta không có thái độ thành khẩn trong việc tu tập cho chính mình, một mai mất thân nầy bao giờ mới có cơ tái hồi? Phật tử chơn thuần phải luôn noi theo hạnh nguyện của Phật Tổ mà tu. Chúng ta sẽ không còn nhiều thì giờ nữa đâu quý vị ơi! Đừng tiếp tục đi trong vô minh giữa rừng kinh biển giáo nữa. Mong cho ai nấy đồng phát tâm Bồ Đề, tự giác, giác tha cho đến khi cùng nắm tay chư Phật thong dong đi vào cõi vô ưu, vô sanh và vô diệt. Mong lắm thay.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm