Tham ái qua lăng kính Phật giáo
Đức Phật xuất hiện giữa cõi đời như là một bước ngoặt trọng đại cho nhân loại. Ngài tìm ra con đường giải thoát cho chính Ngài và cho tha nhân. Ngài đã mở cánh cửa bất tử và vén bức màn vô minh để đưa chúng sinh thoát khỏi đêm trường đầy khổ lụy.
Chúng ta đang sống trong cõi Ta-bà như mảnh vườn hoang luôn bị chế ngự bởi dục vọng khổ đau, bệnh tật, sầu hận, chết chóc… Con người bao giờ cũng muốn vươn lên từ đời sống thấp hèn để tìm một cái gì đó cao đẹp và an lạc hơn đằng sau bức tường đầy sự hấp dẫn của ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) mà con người cảm nhận qua tri giác hay còn gọi là tham ái.
Tham ái là gì?
Chữ “ái” là sự yêu mến (taṇhā), sự thèm khát, chữ ái ở đây là chỉ cho lòng ham muốn qua cảm thọ, ái chính là nguồn gốc của sự sinh tử luân hồi. Có sáu ái xứ: ái sắc, ái thính, ái hương, ái vị, ái xúc, ái pháp. Ái nói cho đủ là ái dục sự ham muốn của con người. Ngũ dục này làm cho con người dong ruổi mãi để tìm cầu, khiến cho tâm hồn không có điểm dừng nghỉ, như mặt hồ nước gợn sóng lăn tăn mãi không bao giờ phẳng lặng. Trong cuộc sống vô thường đầy huyễn mộng không có gì bền chắc, chúng ta mau thức tỉnh tu tâm để tìm ra con đường giải thoát:
“Tịnh tâm quán niệm kiếp vô thường
Thân người giả tạm giống hạt sương
Kiếp người chỉ sống trong hơi thở
Tu mau kẻo trễ, tỉnh mộng trường”.
Bao lâu thì ta có thể dứt bỏ được tham sân si?
Hạnh phúc đến với những ai có niềm tin vững chắc rằng có cái gì đó hướng thiện để cho cuộc sống có ý nghĩa. Con đường hướng thiện ấy chính là quay về với đạo Phật, là con đường đưa đến hạnh phúc cho chúng ta ngay trong kiếp sống hiện tại, mang lại hạnh phúc cho mình và cho người. Đó là mục đích chính của đạo Phật hướng dẫn cho chúng ta tiêu diệt tham ái để đạt đến Niết bàn thực tại:
“Con người tham ái thật thâm sâu
Bao năm dong ruổi mãi tìm cầu
Mang nặng nghiệp trần nơi tâm thức
Luân hồi lục đạo chịu khổ đau”
Muốn đạt được hạnh phúc chân thật miên viễn đòi hỏi chúng ta phải có sự hành trì thâm hậu, phải có ý thức quán chiếu rằng mọi sự vật, hiện tượng (các Pháp) là do duyên giả hợp thành, chúng ta càng bám víu vào thì càng đau khổ:
“Thành, trụ, hoại, không… bởi do duyên
Nên đừng trói buộc sinh não phiền
Có hợp, có tan, thành chân lý
Sống kiếp vô thường vẫn an nhiên”
Chúng ta cần thực tập quán chiếu biết đủ (thiểu dục tri túc) thì tâm hồn mới an lạc, phải luôn ý thức rằng tiền tài vật chất chỉ là phương tiện sống, không phải là mục đích vĩ đại của tâm hồn. Cái chúng ta cần đó là một tâm hồn luôn nhẹ nhàng và an lạc không bị trói buộc vào trần cảnh:
“Bước đi giữa chốn hồng trần
Tiền tài, danh vọng phù vân ở đời
Ví như sóng biển ngoài khơi
Hôn vào bãi cát, hợp rồi lại tan
Bao năm gói mỏi lang thang
Nay dừng chân nghỉ nhẹ nhàng an vui”.
Vấn đề tìm cầu sự giác ngộ giải thoát ngay trong kiếp sống hiện tại là mục đích của tối thượng của đạo Phật, là suối nguồn hạnh phúc cho hành giả tu tập. Theo quan điểm của Phật giáo, hạnh phúc không phải nhiều tiền, nhiều bạc, ngọc ngà châu báu. Hạnh phúc không phải đặt chân vào chốn lâu đài lộng lẫy kiêu sa, hay cung vàng điện ngọc. Những thứ vật chất giả tạm, phù du này đức Phật và Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từ bỏ những thứ đó như bỏ một đôi dép rách để đi tìm một cuộc sống hạnh phúc nơi tự tâm. Bởi vì những thứ ngũ dục tham ái đó là tác nhân khiến tâm của con người quay cuồng, không biết dừng nghỉ và tạo thêm nhiều khổ đau. Hạnh phúc đối với những ai biết quay về với chánh Đạo và thực hành theo giáo lý của đức Phật để tìm lại nguồn hạnh phúc chân thật cho chính mình.
Từ xưa đến nay, chúng ta cứ mãi đi tìm nguồn hạnh phúc bên ngoài giả tạm mà quên đi nguồn hạnh phúc tự tâm, quên đi trong mình vốn có nguồn năng lượng hạnh phúc chân thật - đó là Phật tính! Bởi do ham muốn, do vô minh nên mới chìm đắm trong bong tối của sinh tử luân hồi, trải qua bao nhiêu kiếp sống. Tâm hồn chúng ta phải trôi dạt trong biển khổ sinh tử mênh mông vô tận như con tàu lênh đênh trên biển cả đại dương bị sóng gió ba đào nhấn chìm không bến bờ nương tựa.
Diệt trừ tham ái
Ngày hôm nay, chúng ta được làm thân người và gặp được Phật Pháp chính là phước duyên. Nếu kiếp này chúng ta sống buông trôi theo số phận, sống không định hướng cho tương lai, không biết tu tập trau dồi thân tâm, tạo nghiệp ác thì ắt hẳn phải chịu sinh tử. Một khi mất thân người rồi khó tìm lại được, làm được thân người đã khó, giữ được thân người lại càng khó hơn.
Chúng ta đến với đạo Phật không phải bằng niềm tin mù quáng, không nên Thần thánh hóa đức Phật. Chúng ta đến với đạo Phật bằng con mắt chánh kiến (trí tuệ) để “tri” và “hành”. Không phải để cầu khẩn van xin, ban phước hay cứu tai họa. Nếu chúng ta đến với đạo Phật mà không hành thì chúng ta vẫn bị nhấn chìm trong khổ đau. Đức Phật ra đời mục đích “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Ngài thị hiện ra đời chỉ dẫn chúng sinh con đường tu tập để giác ngộ giải thoát, Ngài không cứu một ai bằng sự cầu nguyện, cứu rỗi linh hồn. Ngài để lại linh dược (Giáo lý) cho chúng ta chữa căn bệnh phiền não. Chúng ta áp dụng tu tập thì chúng ta sẽ thấy linh nghiệm và sự mầu nhiệm trong lời dạy của Ngài:
Đức Phật dạy các đệ tử: “Các ngươi phải cố gắng tu hành để tự giải thoát, ta chỉ là người hướng dẫn mà thôi. Trong công việc chiến thắng mọi trở lực trên đường tiến triển để đi đến đích, chỉ có các ngươi là người có công hơn cả”. Đức Phật cũng dạy: “Ta như thầy thuốc hay, biết bệnh cho thuốc, uống hay không uống, lỗi ấy không phải tại thầy. Ta như vị chỉ đường, dạy con đường phải, nghe mà không đi, lỗi ấy không phải tại người chỉ đường”.
“Tự mình là vị cứu tinh
Tự mình nương tựa vào mình tốt thay
Nào ai cứu được mình đây?
Tự mình điều phục hàng ngày cho chuyên
Thành ra điểm tựa khó tìm”.
(Pháp Cú 160)
Con đường tự lực được Đức Phật dạy như sau: “Này các Tỳ kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy tự mình làm chỗ nương tựa của chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác”. Tinh thần tự lực mang tính triệt để nhân bản này là một đặc tính của đạo Phật mang lại hạnh phúc cho chính bản thân của chúng ta. Hạnh phúc này rất đơn giản mà ai cũng có thể đạt được hạnh phúc đó, miễn là chúng ta phải đi đúng hướng mà đức Phật đã vạch ra.
Đức Phật dạy rằng: “Này chư tỳ kheo, chân lý cao siêu về sự chấm dứt khổ đau (dukkha) tức diệt đế là thế nào? Đó là sự chấm dứt ái dục mà không để lại dấu vết, sự từ bỏ ái dục, sự khước từ ái dục, sự giải thoát ra khỏi ái dục, sự xa lìa ái dục, này chư tỳ kheo đây là chân lý cao siêu về sự chấm dứt khổ đau”.
Hạnh phúc trong Phật giáo là sự từ bỏ tâm tham ái chấp trước không bám víu vào các pháp, thì ở trong đau khổ vẫn thấy an vui hạnh phúc, ở trong cảnh giới Ta-bà ngũ trước ác thế này quanh ta toàn ngũ dục quyến rũ, chúng ta không vướng mắt vào nó:
“Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau
Giải thoát là ung dung trong ràng buộc”
Hoặc là:
“Khoác áo nâu sầm dứt trần duyên,
Tình nhiều oan trái lắm lụy phiền.
Bao người tham ái, sầu đau khổ
Đường trần mở lối, vui cảnh thiền”.
Và:
“Vẫn biết kiếp người là ảo mộng
Duyên sinh giả hợp, có rồi không
Dù cho thế sự nhiều trắc trở
Bền tâm, vững chí, sống thong dong!”
Chúng ta luôn phải biết quý trọng trong những phút giây hiện tại, vận dụng phương pháp thích hợp và cụ thể để quán chiếu tu tập đoạn trừ tâm tham ái.
Quán bất tịnh, cách quán như sau: “Hãy quán sát thân này, từ bàn chân trở lên, trên từ đảnh tóc trở xuống, bao bọc bởi da và chứa đầy bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi ruột, bao tử, phân, mật, đàm, máu, mủ, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, máu mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu. Đây là nhân, đây là duyên”…
Về hộ trì các căn, nội dung như sau: “Hãy sống hộ trì các căn. Sau khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì vì ý căn không được chế ngự khiến tham ái ưu bi, các bất thiện pháp khởi lên hãy thực hành nguyên nhân chế ngự các căn ấy. Đây là nhân, đây là duyên”
Về phòng hộ tam nghiệp, nguyên tác chỉ rõ: “Với thân được phòng hộ, với lời nói được phòng hộ, với tâm được phòng hộ, với niệm được an trú, với các căn được chế ngự, trong khi ấy, tham pháp sẽ không chinh phục”. Có rất nhiều phương pháp tu tập để đoạn trừ tâm tham ái, tiếp theo chúng ta tu tập trên “Tam pháp ấn”: (Vô thường, Khổ, Vô ngã).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm