Thần thức sau 49 ngày đã đi đầu thai chưa?
Bàn về “đầu thai” tức là bàn đến việc con người từ đâu đến và sau khi chết đi về đâu? Đây là câu hỏi chưa triết gia nào trả lời một cách uyên bác và cụ thể. Đức Phật có dạy về giáo lý nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo, đưa ý tưởng, lý luận phù hợp với kiếp chúng sanh và con người.
Theo Duy thức học thì từ ngữ “thức” là sự nhận định hiểu biết, tức là bát thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiện thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, a lại da thức. Tám thức có công năng nhận định, tiếp thu chứa đựng sự hiểu biết mọi sự vật trong ba đời quá khứ, hiện tại và vi lai.
Từ đó sinh ra những hành động thiện, ác hay vô ký, tạo thành nghiệp thiện hay bất thiện, trôi lăn theo bánh xe sanh tử luân hồi từ đời nầy sang đời khác.
Theo từ điển Việt Nam của Thanh Nghị thì chữ “thần” có nghĩa là phần vô hình ở bên trong người nhận định được sự vật, “thức” là sự hiểu biết tất cả. Với các ý nghĩa trên, Nhà Phật gọi “thần thức” là tánh giác linh tri có sự nhận định hiểu biết rõ ràng “đến và đi” theo đúng nguyên tắc nghiệp lực đã tạo. Các tôn giáo khác gọi là “linh hồn”, “vong hồn”, “thần hồn”...
Giải quyết vấn đề sanh tử như sau: Sanh là sanh ra, con người từ đâu đến? Tử là chết, con người sau khi chết rồi đi về đâu? Việc con người luôn bị trôi lăn trong sinh tử gọi là “tái sinh theo nghiệp thức”, theo Phật giáo cổ còn có từ ngữ khác là “đầu thai”, “luân hồi”.
Con người từ đâu đến?
Bàn về “đầu thai” tức là bàn đến việc con người từ đâu đến và sau khi chết rồi đi về đâu? Đây là câu hỏi trải suốt mấy nghìn năm chưa triết gia nào dám đứng ra trả lời một cách uyên bác và cụ thể. Tuy nhiên, trong kho tàng giáo lý Phật có dạy về giáo lý nhơn duyên, nhân quả, nghiệp báo, vạch ra một ý tưởng mới, lý luận phù hợp với kiếp chúng sanh và con người trong từng thế hệ nầy sang thế hệ khác, thật sinh động và cụ thể. Giáo lý ấy là Thập nhị nhơn duyên, nhằm để giải đáp vấn đề con người từ đâu đến (sanh ra) và đi về đâu (chết rồi đi đầu thai)?
Giáo lý thập nhị nhơn duyên là một môn học đặc thù trong giới Phật học. Thuở còn là Sa di, sư hết sức cố gắng học thuộc chuỗi 12 nhơn duyên để có cơ sở lý giải về nhơn duyên từ đâu con người đến đây và đi về đâu. 12 nhơn duyên là: vô minh - hành - thức - danh sắc - lục nhập - xúc - thọ - ái - thủ - hữu - sanh - tử, ưu bi khổ não. Pháp môn nầy để lý giải vế vũ trụ và nhân sanh.
Nhân duyên, nhân quả:
Theo giáo lý Thập nhị nhơn duyên thì con người do nhơn duyên mà sanh ra trong thế gian. Ta thử ví dụ: hạt mận (nhân) được gieo trong đất, có nước, có phân (các duyên), cần có một thời gian hạt mận nẩy mầm, từ từ lớn lên thành cây mận và cứ như thế theo sự chuyển hóa của thời gian, không gian, gộp với các nhân các duyên theo nghiệp (cây mận) mà trưởng thành (cây mận) và cứ như thế làm nhân sanh ra các cây mận khác.
Con người cũng thế, do nghiệp thức kết hợp các duyên từ vô minh duyên đến hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ mà sanh ra thân người (tái sanh), rồi từ thân người do mê chấp (si ái, thủ, hữu) nên tiếp tục đi vào đường sanh tử luân hồi (sanh, tử ưu bi khổ não) và cứ như thế con người chết đi sống lại, đến đây từ nhơn duyên kết thành quả và từ quả làm nhơn kết hợp các duyên sanh ra con người, cứ như thế mà sanh ra con người. Thuyết nầy có thể giải tỏa những nghi vấn, thắc mắc về việc con người từ đâu đến một cách minh bạch nhất!
Nghiệp báo:
Sự thay đổi kiếp sống từ đời này sang đời khác gọi là tái sanh, tức là do nghiệp lực thu hút chúng sanh trôi lăn theo dòng sông sanh tử. Nghiệp có một năng lực đặc biệt và đóng một vai trò quan trọng trong việc cấu tạo tâm tánh của con người. Nghiệp được hình thành dưới sự tập hợp của tham, sân, si hay vô minh và ái dục (si tâm sở). Chính vô minh và ái dục là cội rễ của mọi ác nghiệp. Do ác nghiệp này mà khiến cho con người trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi.
Để thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử khổ đau này con người phải nỗ lực tu hành đoạn diệt cho bằng được cội rễ của vô minh. Khi vô minh bị tận diệt thì ái dục cũng bị tận diệt, ái dục diệt thì sanh, lão, bệnh, tử sầu bi khổ não cũng không còn, và lúc ấy con người mới thật sự thoát khỏi vòng vây tái sanh trong sanh tử luân hồi.
Cũng có lúc chúng sanh giác ngộ quy y tam bảo, cải ác tùng thiện, tạo nhiều nghiệp thiện, như phóng sanh, bố thí, trì giới thì giải thoát khổ đau, hạnh phúc an nhàn. Chúng sanh phát tâm tu lục độ vạn hạnh thì làm Bồ tát, tu tứ đế thì chứng quả vị Thanh văn, tu Thập nhi nhơn duyên thì chứng Duyên Giác, Bích chi Phật, tự tại ra vào trong tam giới.
Có nhân có duyên có ta
Không nhân không ngã mới là chơn thân
Nhơn duyên nghiệp báo nhiều tầng
Mười hai căm pháp xoay dần tử sanh
Vào cuộc thế gắng làm lành
Mười hai duyên ấy chuyển thành nghiệp không
Nhơn sanh vũ trụ vẫn đồng
Không có tự tánh quán không đắc thành
Con người khi chết đi về đâu?
Con người sau khi chết, thân xác được trả về với bốn đại: thịt, gân, xương trả về với “đất”, các lọai nước trong thân trả về với “nước”, hơi nóng trong thân trả về với “lửa”, hơi thở trong thân trả về với “gió”. Còn lại nghiệp thức khi sanh tiền con người tạo nghịệp thiện hay bất thiện sẽ tái sanh (đầu thai) đi về nơi các nghiệp thiện, bất thiện, nơi các cõi Thiên, Nhơn, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Các cõi nầy tạo thành một động lực theo quy trình đã tạo nghiệp từ quá khứ. Nghiệp thì có nghiệp thiện (ngũ giới, thập thiện), nghiệp bất thiện (hung ác, si mê, bỏn sẻn, bất kính người trên, không dung kẻ dưới) như sau:
1) Sanh tiền nếu người thường làm các việc lành, tạo các nghiệp thiện, bố thí, phóng sanh, cứu vớt người bần khổ, giữ gìn thập thiện, ngũ giới tinh nghiêm thì khi chết sanh thiên.
2) Hành giả tu pháp môn niệm Phật, bình sanh tinh chuyên niệm Phật khi chết được Phật phóng quang tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Ví như tấm tường xiêu bên nào thì khi đổ sẽ đổ bên đó, người niệm Phật, Phật lực gia bị khi chết vãng sanh về cõi Phật.
3) Sanh tiền người hay làm việc bất thiện, thủ ác, sát sanh hại vật, cướp của giết người, giết cha hại mẹ, bất kính với người trên kẻ dưới, khi chết liền sa đọa vào địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh.
Ba chủng loại người trên không cần phải trải qua 49 ngày mới tái sanh theo nghiệp thức, mà tái sanh ngay sau khi chết.
4) Còn lại những người tạo nghiệp thiện lẫn bất thiện, do có nhiều chủng lọai, thứ bậc, chưa được phân loại thiện hay ác: chí thiện, thiện bậc trung, thiện bậc hạ; hoặc chí ác, ác bậc trung, ác bậc hạ... phải chờ đợi đủ duyên, đủ yếu tố để tái sanh, do có sự chờ đợi tái sanh nên gọi “thân sanh ấm”, cũng gọi là “thân trung hữu”, “thân trung ấm”, “trung ấm thân” hay “thần thức” và khoảng thời gian chờ đợi tái sanh ấy là 49 ngày.(Liễu Sanh Thoát Tử - bản dịch Thích Quang Phú PL 2512, DL 1968)
5) Ngoài 49 ngày tái sanh theo nghiệp thức, còn có những cuộc luân hồi tái sanh, chờ đợi báo oán do nghiệp lực quá nặng, như nghiệp “sát”.
Dựa vào lý luận Liễu Sanh Thoát Tử chúng ta có thể tạm giải đáp những nghi vấn của mọi người, của các học giả, các nhà khoa học, các nhà tư tưởng tiến bộ khác: “Con người khi sanh từ đâu đến và sau khi chết đi về đâu”!
Qua vấn đề sống chết, chúng ta thấy Đức Phật, những người con Phật không ngại nghĩ đến giải quyết việc sống chết. Sống làm gì cho nhân lọai và khi chết phải như thế nào cho xứng đáng, quyết định làm chủ nhân trong việc đi và về của mình. Người Phật tử chúng ta cũng có quyền quán chiếu, thấy biết, xem xét những hành động của mình trong quá khứ gần hay xa mà nhận định được sau khi chết mình sẽ đi về đâu, đi nhanh hay chậm, đi về thế giới nào để trở thành chứng nhân siêu thoát của con người trên hành tinh.
Năm 1970, Sư dự học giáo lý cơ bản Tịnh Độ tại Quan Âm Tu Viện, môn “Niệm Phật Thập yếu”, có nghe giáo sư giảng câu chuyện chuyển kiếp tái sanh, một vị chuyển kiếp theo hạnh nguyện, một vị tái sanh do tham sân si, như sau: “... Quang Huệ và Giới Diễn là hai vị thiền sư tu đắc đạo. Hai vị đồng ngồi thiền, lúc đó nơi tiềm thức của ngài Giới Diễn thoạt nổi lên niệm sắc ái, Ngài liền diệt trừ; song bên kia Quang Huệ thiền sư đã hay biết. Sau khi xuất định, ngài Quang Huệ làm bài kệ có ý trêu cợt ngài Giới Diễn. Giới Diễn thiền sư buồn thẹn, liền thâu thần nhập diệt.
Ngài Quang Huệ hối hận, gọi đệ tử đến phó chúc rằng: "Bạn ta trong khi thiền định có một niệm sắc ái, vì phiền ta mà thị tịch, sau khi tái sanh lụy về sắc, phá hoại Tăng Bảo. Lỗi ấy một phần do ở nơi ta, nếu ta không theo hóa độ, tất sẽ mang lấy hậu quả".
Dặn dò xong, Ngài cũng viên tịch theo luôn. Sau Quang Huệ chuyển thân làm thiền sư Phật Ấn; Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha. Đông Pha do kiếp trước có tu nên làm quan, thông minh trí huệ mà cũng đa tài, đa tình. Ông có đến bảy người thiếp, và thường đem sự thông minh bác lãm của mình mà vấn nạn các vị thiền sư. Về sau bị ngài Phật Ấn chiết phục, ông mới quay lại đường lối tu Phật...” (trích Niệm Phật Thập Yếu, chương V, niệm Phật hành trì cho thiết thực, HT Thích Thiền Tâm biên sọan)
Những người tu đắc đạo, các bậc Thánh hiền, các vị Phật tử trong quá trình tu hành làm chủ được chính thân tâm của mình, quyết định được vận mệnh của mình để sau khi chết tái sanh vào thế giới nào do mình phát nguyện. Đó chính là sự tái sanh thù thắng nhất trong các hiện tượng tái sanh.
Chết và tái sanh
Theo nhà Phật thì con người sau khi thác, các uẩn, xứ, giới, thức, tâm đều trở về với căn bổn của các đại (đất, nước, lửa, gió, thức đại, không đại). Sự chuyển hóa cùng với nghiệp lực tiến hành theo quy luật tuần hoàn nhân quả. Luật nhân quả giúp người giác ngộ và làm “chủ nhân ông” chính mình, trong hành trình tái sanh vào đời sống các thế giới vô biên.
Sự tái sanh đó cũng đồng với thành ngữ: “con người sau khi thác sanh về bên kia thế giới” là vậy. Thuyết tái sanh theo luật nhân quả, nghiệp báo là tinh hoa giáo lý của Nhà Phật khuyến tấn con người cải ác tùng thiện, lánh xa các pháp bất thiện, thực hành các pháp thiện, làm hành trang trong tiến trình thay đổi kiếp sống.
Sanh thời, Phật thường thuyết giảng cho chư vị Thinh văn, A la hán, các vị Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ thính pháp là hàng đầu, các vị đều là những người hiện tiền sống trong thực tại. Theo quy luật sanh trụ dị diệt, phạm vi nhất kỳ vô thường, các vị có quyết tâm tu đắc đạo, các lậu hoặc đã hết, phiền não vong bặt, chứng quả vị vô sanh.
Ngoài ra, Phật còn giảng cho chư Thiên các cõi trời (Kinh Địa Tạng, phẩm Phật lên cung Trời Đạo Lợi), chư Thần, tám bộ thiên long, A tu la (Kinh Pháp Hoa, phẩm Tựa thứ nhất, trang 23, bản dịch HT Thích Trí Tịnh), còn có các chúng sanh thấp như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thai, noãn, thấp, hóa, vô biên chúng sanh bên ngoài thế giới Ta bà.
Những chúng sanh đó con người không thể nhìn thấy, có khi mang thân khác hoặc không mang thân tứ đại giống như con người, không có sự xúc chạm, không cầm nắm, thấy nghe hay biết được, xa con người quá nên người ở thế giới Ta bà và hành tinh chúng ta gọi chúng sanh ở các thế giới đó là thế giới vô hình.
Từ nguyên nhân nầy, một số chư vị giảng sư thuyết giảng về sự tồn tại của chúng sanh chưa siêu thoát còn trôi lăn theo nhiều kiếp sanh tử, chờ đợi cuộc tái sanh tiếp tục là không sai như vụ án Triệu Thố bị Viên Án xử án oan sai, chịu đựng trải qua 500 kiếp luân hồi chờ đủ yếu tố, đủ duyên để báo oán, đến khi Viên Án tái sanh làm Ngộ Đạt Quốc Sư, do thọ hưởng phước báo “ngồi tòa trầm hương” của nhà Vua nhà Tấn dâng cúng, “mục ghẻ Triệu Thố” xuất hiện báo oán xong mới tái sanh (Câu chuyện Ngộ Đạt quốc sư - trích trong kinh Từ Bi Thủy Sám).
Giúp người quá vãng mau siêu thoát?
Con người dù thiện, dù ác, dù tái sanh ngay sau khi chết hay chờ đợi đủ duyên mới tái sanh, nhưng ai cũng phải tái sanh. Trong một gia đình Phật tử dù biết người thân có tái sanh nơi nào chăng nữa? Nhưng quá khứ cũng vẫn là người thân của gia đình, có một chủng tử (gen) cùng huyết thống, nên hằng năm đứng về góc độ đạo đức của Đạo Phật, chúng ta vẫn phải thực hiện hình thức lễ nghi cúng kiến cầu siêu, cúng dường trai tăng, tổ chức kỵ giỗ nhằm tưởng niệm người đã qua.
Đó là dịp gia đình được gần gũi Phật pháp, lập hạnh ăn chay, không sát sanh hại vật, làm việc phóng sanh, bố thí kinh pháp, bố thí lương thực cho người nghèo, người khiếm thị, tự thân gia đình Phật tử khai khóa lễ tụng kinh bộ như kinh Phổ Hiền, Kinh Pháp Hoa, Kinh Dược Sư, Kinh Địa Tạng... thỉnh chư Tăng Ni thuyết pháp, lập đàn siêu độ... tạo điều kiện có dịp gần gũi tam bảo, ôn lại những kỷ niệm nơi mình phát tâm quy y.
Xin nói đây là lễ tưởng niệm người quá vãng qua hình thức lễ cầu siêu, chứ thật ra thì những người đó đã siêu thoát hoặc tái sanh tự bao giờ.
Con người khi chết tái sanh
Có ba hình thức sau khi qua đời
Tu tịnh, làm thiện tuyệt vời
Lại thêm ác nghiệp chết thời thác sanh
Còn lại pháp thượng, hạ, trung
Phải đủ bốn chín ung dung nhập vào
Trong thai mẹ tùy thấp cao
Sanh ra nghèo khổ, có khi sang giàu
Là do nghiệp trước dồi trau
Hôm nay thọ nhận kiếp mau tu hiền
Tu hành không Phật thì Tiên
Không vương thì bá cũng hầu công khanh
Khuyến trong đại chúng tu hành
Làm người Phật tử tín thành kết duyên.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm