Hỏi đáp Phật giáo về hiến tạng và chuẩn bị cho cái chết
Hỏi: Ở phương Tây, hiến tặng những bộ phận trong cơ thể người vừa chết là việc bình thường, việc này có ảnh hưởng hay làm trở ngại gì cho thần thức của người chết không?
Thượng tọa Pende Hawter, sáng lập viên Dưỡng Đường Tiếp Dẫn Karuna để chăm sóc người sắp lâm chung ở thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Đại Lợi, đã thực hiện cuộc phỏng vấn các bậc Lạt Ma Tây Tạng tên tuổi như đức Dalai Lama thứ 14, Dilgo Khyentse Rinpoche, Kirti Tsen-shab Rinpoche, Garje Khamtul Rinpoche, và Geshe Lamrimpa, những người có đủ tư cách nói về tiến trình hấp hối, chết và tái sinh của con người.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 5 năm 1995 tại tỉnh Dharamsala, miền Bắc nước Ấn Độ.
Hỏi: Ở phương Tây, hiến tặng những bộ phận trong cơ thể người vừa chết là việc bình thường, việc này có ảnh hưởng hay làm trở ngại gì cho thần thức của người chết không?
- Dilgo Khyentse Rinpoche: Việc hiến tặng thi thể ấy là một điều tốt, bởi vì nó phát khởi từ động cơ làm lợi lạc cho người khác với lòng bi mẫn chân thật. Và một khi nó là ước nguyện cuối cùng của người chết thì tuyệt nhiên không có ảnh hưởng hoặc có hại gì cho thần thức của họ khi họ rời bỏ thể xác. Trái lại, việc làm tích cực này sẽ góp phần tạo thiện nghiệp cho người ấy trong đời sống vị lai.
- Garje Khamtul Rinpoche: Nếu một người muốn hiến tặng thi thể của họ thì nên lấy những bộ phận cần thiết ấy sau khi người đó chết. Điều này không có gì ảnh hưởng đến tiến trình thần thức thoát xác và tái sinh của họ.
Hỏi : Có nhiều trường hợp nếu các bộ phận của thi thể được lấy đi mà thần thức của họ chưa rời khỏi thể xác thì sao?
- Dilgo Khyentse Rinpoche: Điều này tùy thuộc vào lòng bi mẫn và ước nguyện của người chết. Nếu người ấy đã từng bày tỏ nguyện vọng bố thí lớn lao đó một cách chân thành, thì có thể lấy đi những bộ phận cần thiết ngay cả trước khi tim ngừng đập, cũng không có hại gì cho thần thức.
- Garje Khamtul Rinpoche: Như tôi đã nói trên, thần thức sẽ rời khỏi thể xác khi ta đụng chạm đến thi hài của họ, chẳng hạn như ta kích thích vào vùng đỉnh đầu để chỉ dẫn cho thần thức thoát ra. Một khi thần thức đã ra rồi thì bạn có thể lấy đi những thân phần cần thiết. Do đó, nên lưu ý giúp người chết làm phép chuyển di thần thức trước khi lấy những thân phần của họ.
Hỏi : Còn phương pháp đông lạnh (Cryonics) thi hài sau khi chết thì sao?
- Dilgo Khyentse Rinpoche: Việc ấy hoàn toàn vô nghĩa, không đem lại một lợi ích nào. Thần thức người ấy không thể quay lại thi thể một khi người ấy đã chết thật sự.
CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
Hỏi : Phương pháp nào tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết?
- Dilgo Khyentse Rinpoche: Phương pháp tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mỗi người là nên tu tập tâm linh trong suốt cuộc đời mình.
- Kirti Tsenshab Rinpoche: Một lần nữa tôi phải đề cập đến hai hạng người, thứ nhất là tín đồ theo đạo Phật, thứ hai là những người không có đạo.
Đối với hạng người thứ nhất đã từng quy y và tu học theo Chánh pháp, khi họ biết rằng cái chết đang đến với họ thì đó là thời gian giúp họ tinh tấn hơn trong việc tu tập của mình.
Đối với hạng người thứ hai, chưa hề nghĩ gì về con đường đạo trong cuộc đời họ, nên khuyên họ cố gắng phát khởi tâm đạo, tâm đạo ở đây nghĩa là suy nghĩ về điều tốt, nghĩ và cầu mong điều tốt đến với người khác. Đây là cách tốt nhất dành cho những người không có đạo chuẩn bị cái chết.
- Garje Khamtul Rinpoche : Giống như ta đi đến một nha sĩ, đó là điều không ai tránh khỏi, việc cuối cùng cũng phải xảy ra, chết cũng thế, vì vậy có gì tốt đẹp bằng nếu ta bắt đầu suy nghĩ về nó ngay bây giờ. Để biết rõ về cái chết ta nên hỏi các bậc thầy của mình, những người có kiến thức về cái chết, các ngài sẽ cho chúng ta biết con người sẽ chết như thế nào. Nếu ta có những hiểu biết như thế, ta thật sự không sợ chết và nó sẽ giúp đỡ ta rất nhiều.
- Geshe Lamrimpa : Nếu một người đang chuẩn bị một nơi tái sinh hạnh phúc thì sẽ loại bỏ tham sân si và tịnh hóa mười ác nghiệp nếu đã phạm phải trong quá khứ, bày tỏ sự hối tiếc và lập nguyện không vi phạm giới pháp trong tương lai. Đây là lời dạy chung cho tất cả mọi chúng sinh. Đối với một người đã thọ giới để tu hay một hành giả Mật giáo, họ phải sám hối và tịnh hóa tất cả giới luật và lời phát nguyện mà họ đã phá bỏ.
Mặt khác, nếu muốn đời sau giàu sang thì phải thực hành pháp bố thí, muốn được hạnh phúc thì phải giữ giới hạnh, muốn được trường thọ nên tránh sát sinh, muốn được ngưỡng mộ và tôn kính phải tu pháp nhẫn nhục. Muốn giải thoát thì tu tập sáu hạnh của Bồ Tát, v.v... Nói chung, nếu chúng ta loại bỏ hết ác nghiệp, tịnh hóa hết tất cả nghiệp chướng và hướng đến hành vi công đức, tạo cho ta có một sức mạnh hỷ lạc về nội tâm. Khi cái chết đến với ta, chính năng lực công đức và giới hạnh ấy sẽ tiếp sức cho ta đi tới một đời sống khác an toàn và hạnh phúc. Đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mọi người.
Hỏi : Phật giáo có một vài phương pháp thiền quán niệm về cái chết và tiến trình chết. Loại thiền này có lợi ích gì ?
- Dilgo Khyentse Rinpoche: Theo triết học của Phật giáo, phương pháp thiền quán tưởng về cái chết là nhắm vào mục đích để ta ý thức được cuộc đời là vô thường và ta sẽ trở nên quen thuộc với những diễn biến khác nhau về cái chết mà con người sẽ phải đi qua. Điều đó rất có ích. Trong pháp tu này, hành giả biết rõ những dấu hiệu xảy ra trong tiến trình đưa đến cái chết như sự suy yếu của sáu giác quan, và sự tan rã dần của thân tứ đại... Rồi tiếp đó, ta cũng nhận ra rằng khi ta tái sinh vì sự hỗn hợp giữa tinh cha, huyết mẹ và thần thức của ta; một lần nữa, ta lại thấy cái chết đến với ba thứ này, tiến trình sinh tử này không dứt cho đến khi ta giác ngộ. Theo triết học Phật giáo Tây Tạng thì luyện tập quán tưởng về cái chết là một pháp tu rất quan trọng.
VỊ THA LÀ TRÁI TIM CỦA PHẬT GIÁO
Hỏi: Nhờ Phật giáo mà ở phương Tây trong những năm gần đây có sự phát triển rất nhanh về phong trào thiết lập những Tiếp Dẫn Đường để chăm sóc cho những người sắp lâm chung. Các ngài có nghĩ rằng chúng ta có thể đem lại lợi lạc cho người chết không?
- Garje Khamtul Rinpoche: Tôi cho rằng phong trào này rất tốt bởi vì người phục vụ và người được chăm sóc đều biết rõ mình cuối cùng cũng đi đến cái chết, do đó khi còn sống trên đời này họ cố gắng làm mọi điều tốt đẹp và nhất là giúp đỡ những người sắp lâm chung. Giống như khi bạn đi máy bay, biết rằng bạn đang ở trên không trung và có cảm giác sợ hãi. Nhưng khi bạn thấy xung quanh có đủ tất cả những tiện nghi để giúp đỡ bạn thì bạn cảm thấy như mình đang ở nhà, bạn cảm thấy hạnh phúc về điều đó. Tóm lại, tôi thấy rằng các Tiếp Dẫn Đường ở phương Tây rất tốt, vì nó giúp cho người sắp lâm chung cảm thấy an toàn, tự tin và không sợ hãi nữa.
- Kirti Tsenshab Rinpoche: Ý tưởng thành lập các dưỡng Đường Tiếp Dẫn cho người sắp lâm chung là biểu trưng cho lòng bi mẫn vô biên của chúng ta đối với người sắp chết. Đây là một phong trào rất tốt mà tôi cho rằng phát triển nhiều Trung tâm thêm chừng nào tốt chừng ấy. Ở phương Tây xưa nay không quan tâm đến vấn đề tu tập tâm linh, nên người sắp chết rất cần sự nâng đỡ về tinh thần ở cuối đời, điều này giúp cho họ có một sức mạnh nội tâm để vượt qua nỗi hãi hùng của cái chết.
Cuối cùng, trái tim của Phật giáo là lòng vị tha, nghĩ đến người khác và giúp đỡ cho họ. Chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể đem lại sự an ủi, nâng đỡ tinh thần cho họ mà xã hội đã một thời bỏ rơi và thiếu quan tâm.
Từ đáy lòng mình, tôi muốn nói lời cảm ơn Thầy (người thực hiện cuộc phỏng vấn này là sáng lập viên một Tiếp Dẫn Đường ở Úc Đại Lợi) rất nhiều và tôi phải nói rằng Thầy đừng nghĩ rằng mình đang cô đơn với việc làm này. Vì tất cả những gì mà Thầy đang làm hiện nay là đại diện cho một đường hướng hoạt động của Phật giáo trong thời hiện đại.
Chư Phật, Bồ tát và các vị Thiên thần Hộ pháp luôn ủng hộ và luôn ở phía Thầy.
Thượng tọa Thích Nguyên Tạng (dịch)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?
Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?
Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?
Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.
Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?
Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...
Xem thêm