Thành tựu Niết Bàn
Niết Bàn, hiểu đơn giản, là mục tiêu tột cùng của Phật pháp, là an lạc tận cùng, là giải thoát tột cùng.
Tôn giả Xá Lợi Phất nhập Niết bàn
Bài này sẽ phân tich một số khái niệm nhà Phật về Niết Bàn, nhưng không có ý đi sâu vào các tranh luận bộ phái, đối chiếu ưu tiên chỉ để tìm các phương tiện khả dụng thích nghi cho Thiền tập. Người viết không có thẩm quyền nào; các sai sót nếu có xin được sám hối cùng Tam Bảo.
Niết Bàn, hiểu đơn giản, là mục tiêu tột cùng của Phật pháp, là an lạc tận cùng, là giải thoát tột cùng. Nói thành tựu Niết Bàn, hay nói Niết Bàn thành tựu, là nói theo thói quen Tây phương, khi văn học tiếng Anh về Phật giáo thường viết là "to achieve Nirvana/Nibbana" hay "to attain Nirvana/Nibbana"...Nirvana là Niết Bàn, viết theo Bắc Tông; Nibbana, viết theo Nam Tông. Ngôn ngữ là một thói quen văn hóa, thường vẫn không truyền đạt được sự thật. Vì nói “thành tựu Niết Bàn” sẽ cho cảm giác là có gì để chiếm hữu, để nắm lấy, để mặc vào. Trong văn phong Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam, thường nói là “nhập Niết Bàn” hay “vào Niết Bàn” thì cũng là một thói quen bất ổn, vì có vẻ như Niết Bàn là một ngôi nhà, hay một ngôi làng, hay một thành thị có cửa để bước vào. Trong khi đó, Đức Phật nhiều lần giải thích về Niết Bàn theo nhiều cách khác nhau, nhưng không ám chỉ như một nơi chốn để vào, phần lớn dùng khái niệm ẩn dụ như ngọn lửa tắt và không thể nói là lửa về đâu.
Tuy rằng Bắc Tông và Nam Tông có một số chi tiết dị biệt khi giải thích Niết Bàn, nhưng vẫn đồng ý ở một số điểm chung, như ngài Nagasena nói trong Kinh Milanda Vấn Đạo (còn gọi là Kinh Na Tiên Tỳ Kheo), nơi Phẩm Vessantara, tóm lược ý như sau: Niết Bàn không ở hướng nào hết, dù là hướng đông, nam, tây, bắc, hướng trên, hướng dưới, hay hướng ngang; Niết Bàn không là quá khứ, hiện tại, vị lai, không phải được sanh lên, không phải không được sanh lên, không phải sẽ được làm cho sanh lên; Niết Bàn là không có vật đối chiếu, không thể bằng ví dụ, hoặc bằng lý lẽ, hoặc bằng nguyên nhân, hoặc bằng suy luận để chỉ ra hình thể, hay vị trí, hay tuổi thọ, hay kích thước của Niết Bàn; Niết Bàn là thuần lạc, không bị xen lẫn khổ… (1)
Ngay cả khi chúng ta nói là “chứng ngộ Niết Bàn” thì cũng chỉ là một cách nói. Nếu hiểu có cái gì được chứng ngộ thì hiển nhiên không phải là Niết Bàn. Nếu hiểu ngộ là thấy, thì hiển nhiên Niết Bàn không phải là cái để được thấy hay nghe, vì cái được thấy hay nghe chỉ là pháp hữu vi, khả lượng và sinh diệt, trong khi Niết Bàn là pháp vô vi, bất khả lượng và bất sinh bất diệt. Nếu hiểu ngộ là nhận biết thì cũng hỏng, với lý do tương tự. Chỉ có thể nói theo chư tổ Việt Nam rằng, có nói gì cũng hỏng, cũng như uống nước tự biết nóng hay lạnh, nói gì cũng không kể minh bạch các cảm thọ về nước được uống.
Như thế, ngôn ngữ luôn luôn có hạn chế, không chỉ riêng với pháp vô vi như Niết Bàn, chính ngôn ngữ đời thường cũng nhiều ngộ nhận. Thí dụ, chúng ta quen nói là “ngồi thiền” hay “thiền tọa” nhưng ý Đức Phật không nhắm riêng vào ngồi, mà nói là cả bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Trong tiếng Anh cũng thế, thói quen vẫn quen viết là “Sitting Zen” hay viết như Nhật Bản là Zazen và dịch là "seated meditation" – vẫn kẹt vào một tư thế nào đó, trong khi Đức Phật chủ yếu dạy phần lớn là an tâm, là lìa tham sân si, là chỉ, là quán, là định, là niệm…và không tập trung vào một tư thế ngồi. Thậm chí, một số thầy khi hướng dẫn khách thăm chùa lần đầu đã mời khách phải ngồi theo tư thế kiết già rất mực gian nan, trong khi lẽ ra chỉ cần ngồi bán già, hay ngồi trên ghế cũng đủ, thậm chí cũng không cần nói chuyện ngồi thiền; mục đích chỉ là nên tạo duyên cho họ trở lại chùa.
Do vậy, ngôn ngữ chỉ là ngón tay chỉ trăng. Nếu vin vào chữ để dò tìm ý nghĩa, có khi dễ bị đi lạc. Một điều kỳ lạ: trong hai nhóm Kinh trong Kinh Tập được dùng làm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời cho chư tăng trong các năm đầu Đức Phật hoằng pháp, không thấy chữ "Nibbana" trong các bản dịch tiếng Anh, chỉ thấy chữ tương đương, như "Peace" hay "Unbinding"... và nếu dịch “peace” hay “state of peace” là “bình an” hay “tâm thức bình an” thì không có đủ sức mạnh đối với độc giả tiếng Việt, do vậy khi dịch ra tiếng Việt cho gọn là "Niết Bàn" mới đúng ý Đức Phật nhưng lại không đúng ngữ pháp. Chữ dùng nhiều nhất trong nhóm kinh thời kỳ đầu dùng cho "Niết Bàn" là "bờ bên kia" hay "the far shore" hay "the way to the beyond." Tương tự, chúng ta không thấy chữ A La Hán, mà chỉ là chữ "bậc Phạm chí" hay "bậc Phạm hạnh" - tiếng Anh là "brahman" tức là người thuần tịnh, không còn bị trói buộc. Cũng có thể vì khi Đức Phật trả lời sẽ dùng chữ để thích hợp với trình độ hay hiểu biết của người đương cơ. Chúng ta không đoán nổi. Chỉ có thể nói ngắn gọn, theo nghĩa xưa nhất: Niết Bàn là bình an, là thoát khổ, là không bị trói buộc.
Riêng câu nói “Niết Bàn diệu tâm” là thuần túy ngôn ngữ Đại Thừa và Kim Cang Thừa (Phật Giáo Tây Tạng). Đa số các sư Theravada không nói như thế - chỉ trừ một số vị sư Lâm Truyền Thái Lan (Thai Forest Tradition) phía ngài Ajahn Chah là nói về Bản Tâm, nói y hệt Thiền Tông Đông Độ, rằng thực tập của dòng này chỉ đơn giản là nhìn thấy Bản Tâm: "Our practice is simply to see the Original Mind." (Chương "About This Mind..." trong sách "A Taste of Freedom") (2)
Ba lần cảnh cáo khi sắp nhập Niết bàn của Phật Thích Ca
Đa số các sư Theravada không công nhận có Bản Tâm, do chữ này gợi ý là có một cái gì đó và như thế là trái lý vô ngã. Vì các vị sư này dựa vào một số kinh, nói rằng khi thức tịch diệt, đó là giải thoát. Y hệt như lửa nơi chiếc đèn hết dầu, lửa (= thức) tắt nhưng không đi về đâu. Đúng là có rất nhiều kinh nói như thế.
Thí dụ, đoạn cuối Kinh SN 12.59, bản dịch của Thầy Minh Châu: "...ai sống thấy sự tai hại trong các pháp kiết sử, thức không có sanh khởi. Do thức diệt nên danh sắc diệt…" (3)
Bản Anh dịch của Sujato: "When you concentrate on the drawbacks of these things, consciousness is not conceived. When consciousness ceases, name and form cease." (3)
Thức diệt, thì danh sắc diệt, tức là thân tâm diệt. Và khổ uẩn diệt. Nhà sư Sujato là vị sư đã dịch ba tạng Kinh Pali sang tiếng Anh, và là người chủ trương rằng Niết Bàn không phải là thức (consciousness - viññāṇa). Vì vị sư này nói rằng thức là gắn liền với tái sinh, trong khi giải thoát là kết thúc tái sinh; và do vậy, hễ thức hiện hữu trong bất kỳ hình thức nào cũng đều không phải Niết Bàn.
Hay như là ở Kinh Ud 8.9, sau khi ngài Dabba Mallaputta xin phép nhập Niết Bàn trước chứng kiến của Đức Phật và chư tăng, bay lên không trung, dùng lửa tam muội tự thiêu thân. Sau đó, Đức Phật nói, theo bản dịch của ngài Anandajoti, đoạn cuối bản kinh là:
“The body broke up, perception ceased, / All feelings became cool, / Mental processes were pacified, / consciousness came to rest.”
(Dịch: Thân tan rã, tưởng tịch diệt / Tất cả thọ trở thành nguội lạnh / Các tâm hành tịch lặng / Thức an nghỉ.) (4)
Nên ghi nhận, nhà sư Sujato thuộc truyền thống Theravada Úc châu, cũng xuất phát từ Thái Lan, nhưng chủ trương không hoàn toàn dựa vào Abhidhamma vì cho là nhiều điều trong đó không thấy trong kinh nào hết; và hầu hết Kinh Phật nói thức diệt là giải thoát, trong khi không hề có chỗ nào nói minh bạch rằng Niết Bàn là thức. Dù đó là thức nào đi nữa. Trong khi đó, nhà sư Hoa Kỳ Thanissaro, thuộc truyền thống Theravada Thái Lan và cũng là một người dịch phần lớn Kinh Pali sang tiếng Anh, nói rằng giải thoát (hiểu là Niết Bàn) chính là “thức không đặc tướng.” Thật sự là cũng có môt số kinh nói như thế.
Đức Phật nói trong Kinh SN 12.64 rằng giải thoát là khi "nơi nào thức không an trú" (Bản dịch Bodhi: Where consciousness does not become established and come to growth; Bản dịch Sujato: Where consciousness is not established and doesn’t grow) và Đức Phật so sánh thức y như tia nắng mặt trời chiếu vào căn nhà 3 cửa sổ ở 3 hướng Bắc, Nam, Đông thì tia nắng không chiếu vào tường phía Tây (vì không có tường phía Tây), không chiếu vào đất (nếu không có đất), không chiếu vào nước (nếu không có nước)... và đó là giải thoát. Tức là, Niết Bàn là nơi thức không an trú vào đâu. Trích Kinh SN 12.64, bản dịch Thầy Minh Châu:
"Này các Tỷ-kheo, nếu đối với thức thực, không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú. Chỗ nào không có thức an trú, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già chết trong tương lai." (5)
Trong Trường Bộ, nơi Kinh DN 11, Đức Phật nói rằng đó chính là một thức vô biên, không thể thấy. Như thế, chữ “thức” có vẻ như có hai nghĩa, “một thức diệt tận” và “một thức biến thông hết thảy xứ”… Trích bản dịch Kinh DN 11, bản dịch Thầy Minh Châu:
“Thức là không thể thấy, vô biên, biến thông hết thảy xứ. Ở đây, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại không có chân đứng. Ở đây, cũng vậy dài, ngắn, tế, thô, tịnh và bất tịnh. Ở đây danh và sắc tiêu diệt hoàn toàn. Khi thức diệt, ở đây mọi thứ đều diệt tận”. (6)
Bhikkhu Sujato không đồng ý với cách giải thích của Bhikkhu Thanissaro, và nói như thế là rơi vào lý luận của Bà La Môn về “một thức vũ trụ…” và nói rằng "true liberation is the ending of all consciousness" (giải thoát thực sự là kết thúc toàn bộ tất cả các thức). Ba bài lý luận này của Bhikkhu Sujato có thể đọc ở link (7).
Cảnh giới Niết Bàn trong Phật giáo
Như thế, chúng ta thấy ba cách giải thích khác nhau của quý Thầy Theravada, trong đó chỉ riêng truyền thống Ajahn Chah nói tới một “Bản Tâm” (Original Mind) nghe y hệt văn phong Thiền Tông, rằng tức Tâm, tức Phật. Theravada có thể dịch là Trưởng Lão Bộ, một số người dịch không chính xác sang tiếng Việt là Phật Giáo Nguyên Thủy. Bởi vì Phật pháp tận nguồn những năm đầu Đức Phật hoằng pháp là nằm trong 2 nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời (8), đó là thời kỳ giáo đoàn chưa đông, Đức Phật trong kinh còn dạy là người tu hãy sống như con tê giác một sừng, nên đi đơn độc trong rừng (có lẽ lúc đó chưa có tự viện); giáo lý thời kỳ này y hệt như Kinh Kim Cang và Bát Nhã Tâm Kinh, chủ yếu nói rằng phải vượt cả bờ này và bờ kia, và ngay cả Phật pháp cũng phải rời bỏ.
Chỉ tới Đại Thừa và Kim Cang Thừa là nói rõ rằng Tâm tức là Phật, là Niết Bàn. Khởi đầu giáo lý Đại Thừa là Kinh Pháp Hoa, khi đưa ra khái niệm rằng tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, rằng Đức Phật Thích ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp chứ không phải chỉ mới ở trong kiếp Thái tử Tất Đạt Đa, và rằng pháp thân Phật hiện hữu suốt thời gian vô tận và châu biến khắp không gian vô tận. Cũng như cõi đời nhiễm ô là bùn, là Tục Đế, nhưng hoa sen vẫn trong sạch vượt lên, là Chân Đế, là Phật Tánh bị che mờ nhưng bất khả hủy diệt.
Trong khi khái niệm Bồ Tát Hạnh không được Đức Phật nhấn mạnh trong các Kinh Pali và Kinh A Hàm, Kinh Duy Ma Cật nâng cao thêm vai trò Cư sĩ Bồ tát qua đương cơ là ngài Duy Ma Cật, một vị hiện thân cư sĩ nhưng trí tuệ và hạnh nguyện siêu xuất hơn các vị A La Hán. Trước đó Đức Phật nói trong Trung Bộ, Kinh MN 34, qua bản dịch của Thầy Minh Châu nói về Hạnh Bồ Tát, dạy về những cách để làm sao lùa được tất cả bò qua sông, kể cả “con bò còn nhỏ mới sanh, con bò này nhờ chạy theo con bò mẹ, vừa chạy, vừa kêu, sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, cũng qua bờ bên kia một cách an toàn”… dạy Phật Tử không nên bỏ rơi bò con, bò yếu nào cả, mà phải suy tính sao cho lùa hết qua sông.
Tới Kinh Duy Ma Cật, tư tưởng Bồ Tát đẩy xa thêm một mức: Bồ Tát bệnh khi chúng sinh bệnh, và Bồ Tát hết bệnh, khi chúng sinh hết bệnh. Chúng ta có thể thắc mắc: Tại sao quý ngài Bồ Tát có thể làm một nhiệm vụ gần như bất khả như thế (nếu nhìn theo Tục Đế)? Câu trả lời: trong cái nhìn của Tánh Không, các hạnh như thế mới gánh vác nổi, và trong cái nhìn Chân Đế, dâm nộ si nơi thực tướng cũng là giải thoát, là Niết Bàn. Bài viết "Giới Thiệu Kinh Duy Ma Cật" của Thầy Thích Tuệ Sỹ, ghi chỗ này như sau:
"Về mặt thực tiễn hành đạo, như giải thích của Đại sư Trí Khải, Duy Ma Kinh huyền sớ, dẫn chứng phẩm 7 "Quán chúng sinh": "Đối với hạng người tăng thượng mạn, Phật nói diệt trừ dâm, nộ, si là giải thoát. Với hạng người không tăng thượng mạn, Phật nói thể tính của dâm, nộ, si chính là giải thoát." Và Đại sư nêu ý kiến: "Thể tính dâm, nộ, si là chân tính bất tư nghị, lấy giải thoát làm thể."..." (9)
Trong khi đó, Kinh Thắng Man đưa tư tưởng Đại Thừa tới một chân trời mới, khi một phụ nữ (Thắng Man phu nhân) được thọ ký thành Phật, và cho rằng Niết Bàn của các vị A La Hán và Duyên Giác còn bất toàn. Phật Tánh nơi đây giải thích theo Như Lai Tạng.
Tất cả các quan điểm về giải thoát, về Pháp Thân Phật, về Niết Bàn của Đại Thừa và của Kim Cang Thừa đều chỉ có thể hiểu được trong khái niệm Niết Bàn Diệu Tâm. Tuy các kinh này là hậu tác, nhưng phần lớn đều có cội gốc từ trong các Kinh Nikaya và Kinh A Hàm. Có thể hiểu rằng tất cả kinh điển Bắc Tông đều chỉ cách nhìn vào tâm của hành giả, chứ không phải là một lý thuyết về hình thành vũ trụ như kiểu các nhà vật lý lý thuyết. Có thể dẫn ra một thí dụ, rằng vạn pháp đều phải quán về tâm, như khi ngài Huệ Năng giải thích về Kinh A Di Đà: khuyên Thiện tri thức trừ thập ác là đi được mười muôn, sau trừ tám cái tà là vượt tám ngàn, mỗi niệm thấy tánh thường hành bình trực, đến như trong khảy móng tay, liền thấy đức Phật A-di-đà. Chúng ta có thể tin rằng, theo ý ngài Huệ Năng, tất cả lời dạy trong Đại Thừa và Kim Cang Thừa đều nên nhìn vào tâm, chứ không phải là một ống kính thiên văn hướng lên bầu trời trăng sao.
Kinh SN 38.1 ghi lời ngài Xá Lợi Phất, bản dịch Thầy Minh Châu: "...đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết-bàn... con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến chứng đắc Niết-bàn ấy, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định." (10)
Như thế, thuần túy là hoạt động của thân và tâm. Như thế, lời dạy Đức Phật (qua lời ngài Xá Lợi Phất) rất minh bạch: Niết Bàn không thể có ở đâu ngoài các hoạt động của thân và tâm, và khi thân này lìa đời sẽ là một bước (chữ “bước” - nghe cũng không ổn) để từ Niết Bàn hữu dư sang Niết Bàn vô dư, nếu chúng ta hoàn tất con đường giới-định-huệ của Bát Chánh Đạo.
Đức Phật nói rằng Niết Bàn không phải là chuyện trên mây, hay chuyện bên kia núi. Niết Bàn là cái phi thời gian (không bị hạn lượng trong thời gian), là cái thiết thực, là cái thấy được trực tiếp ngay ở khoảnh khắc kinh nghiệm được. Kinh AN 3.55 ghi lời Đức Phật, qua bản dịch Thầy Minh Châu, cho thấy Niết Bàn hiển lộ ngay khi tham sân si biến mất:
"Khi vị ấy, này Bà-la-môn, cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ sân được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ si được đoạn tận, không có dư tàn. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu." (11)
Có thể đối chiếu bản dịch của Bodhi: "When, brahmin, one experiences the remainderless destruction of lust, the remainderless destruction of hatred, and the remainderless destruction of delusion, it is in this way, too, that nibbāna is directly visible, immediate, inviting one to come and see, applicable, to be personally experienced by the wise.”
Người trí thấy trực tiếp, kinh nghiệm tức khắc Niết Bàn. Nghĩa là, không ngăn cách bởi không gian tới cõi Phật Tây Phương hay Đông Phương, không ngăn cách bởi thời gian quá hiện vị lai. Nghĩa là, bất kỳ những gì có hạn lượng đều không phải Niết Bàn. Nghĩa là, không buộc là phải ngồi hay đứng, cũng không có nghĩa là phải chờ đúng giờ để tụng kinh hay ngồi Thiền. Nghĩa là, Niết Bàn là hành hoạt của tâm, vì “thấy, biết, kinh nghiệm trực tiếp” phải là chuyện của tâm. Nếu nói rằng có một “thức tịch diệt” mới kinh nghiệm được Niết Bàn, hẳn thức này là hữu vi, do duyên, do tập, có sinh khởi và có tịch diệt. Vậy thì, có thức nào là vô vi, lìa sinh diệt? Trả lời câu này là ngã rẽ trăm đường của bộ phái.
Đối với Thiền Tông, lời dạy truyền thống là hãy nhìn thế giới và thân tâm như là ảnh trong tánh sáng của gương tâm (minh kính), tức là nếu không có tâm hoạt động với chức năng như một chiếc gương có tánh phản chiếu, thì sẽ không có thân, tâm và thế giới. Và trong tánh sáng của gương tâm, thì trí tuệ Bồ Đề không hề có thể gọi gì là cây, cũng như gương sáng cũng chẳng phải đài gì, rốt ráo thực tướng chính là Tánh Không, thì có bụi nào bám đâu (Huệ Năng: Bồ Đề bổn vô thụ, minh kính diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạc trần ai). Có nghĩa là, Thiền Tông yêu cầu nhìn thấu suốt bản tánh trong tâm vốn là tánh không, là tánh sáng [chiếu], là tánh vốn không bụi nào bám được. Chỉ nhìn tâm thôi, không nhìn gì khác.
Về sau, bản chú giải Kinh A Di Đà Sớ Sao gọi tánh này là: linh minh đổng triệt, trạm tịch thường hằng. Nghĩa là nhìn gương tâm này thôi, nếu có nhìn về hướng đông tây nam bắc chỉ là phương tiện. Kinh A Di Đà Sớ Sao, với thuật gia là ngài Chu Hoằng, ngay đoạn mở đầu là nói vể bản tâm:
"Chánh văn: Bản thể của tự tính là: Linh (linh thiêng), Minh (sáng suốt), Đổng (rỗng rang), Triệt (thông thấu), Trạm (trong trẻo). Tịch (vắng lặng), Thường (còn), Hằng (lâu), chẳng phải trược, chẳng phải thanh, không lui, không tới, rất lớn thay cái chơn thể của nó không thể nghĩ bàn được, phải chăng chỉ có tự tánh của chúng ta mới như vậy?" (12)
Tới đoạn thứ nhì của Kinh A Di Đà Sớ Sao, ngay dòng chữ đầu là nói lên tâm pháp đốn ngộ: "Lóng đục thành trong, trở trái làm mặt, vượt khỏi ba kỳ trong một niệm..." Chỉ trong một niệm thôi, nghe y hệt như Huệ Năng. Kinh A Di Đà hóa ra là tuyệt vời như thế, vì đó chính là ngôn phong của Đức Phật nơi các đoạn trên vừa nói, rằng “Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.” Như thế, Tịnh Độ cũng là lời Phật dạy để chứng ngộ Niết Bàn vượt thời gian, chứ không chờ tới khi từ trần.
Hầu hết Kinh Phật là dạy nhìn thế giới trong và ngoài (nội xứ và ngoại xứ) qua gương tâm. Cu thể thấy rằng, Đức Phật từng dạy hãy nhìn thế giới như là mắt và cái được thấy, vân vân… Kinh SN 34.23 ghi lời Đức Phật nói về Tất Cả (The All) chỉ có nghĩa là: "Các tỳ kheo, cái gì là tất cả? Mắt và cái được thấy, tai và cái được nghe, mũi và cái được ngửi, lưỡi và cái được nếm, thân và cái được chạm xúc, tâm và cái được tâm nhận biết." Ngoài ra là nằm ngoài giới vức của chúng ta. Nghĩa là, tất cả thế giới của chúng sinh chỉ là như thế, được chiếu rọi qua gương tâm. Nếu có gì thêm nữa, thì ở ngoài cái nhận biết của chúng ta.
Như thế, theo Kinh Pháp Bảo Đàn của ngài Huệ Năng, và theo Kinh A Di Đà Sớ Sao (bản của thuật gia Chu Hoằng), tất cả chúng sinh vốn trong tự tánh đã là giải thoát, đã là Niết Bàn, nếu có buộc gì chỉ là tự buộc thôi. Đức Phật cũng từng nói như thế.
Lời Phật dạy về dấu ấn 'chuyển Pháp luân' và 'thị nhập Niết bàn'
Trong một kinh Đức Phật nói rằng tự thân mắt và cái được thấy không phải là ràng buộc nhau. Kinh này là Kotthita Sutta, có ký số là SN 35.191 theo bản dịch của Thanissaro, có ký số SN 35.232 theo hai bản Anh dịch của Bodhi và Sujato, có ký số SN 35.228 theo bản dịch của Thầy Minh Châu (13). Nghĩa là, các pháp nơi mắt và cái được thấy (tai và cái được nghe...) tự thân là Niết Bàn, chỉ bị ràng buộc là tự mình thôi, vì tham ái khởi lên. Đức Phật nói, nếu con mắt là trói buộc (kiết sử) của cái được thấy, hay ngược lại... thì sẽ không có con đường giải thoát. Cũng y hệt như bò đen và bò trắng nơi xe bò, bị ách và dây buộc lại, và do vậy khi gỡ ách và dây (tham ái) thì tự động mắt, tai... và cái được thấy, cái được nghe... nơi nơi đều là giải thoát. Nghĩa là, chìa khóa giải thoát vẫn là nơi tâm.
Do vậy, Đức Phật trong rất nhiều kinh nói rõ rằng chìa khóa giải thoát là:
...như trong Kinh SN 35.54: "biết và thấy mắt là vô thường, kiết sử bị nhổ sạch..." (knowing and seeing the eye as impermanent, the fetters are given up...)
...như trong Kinh SN 35.55: "biết và thấy mắt là vô ngã, kiết sử bị nhổ sạch..." (knowing and seeing the eye as not-self, the fetters are uprooted…)
Có một kinh, Đức Phật dạy rằng nhiều phần "ký ức và niệm" (memories and thoughts) sẽ dẫn tới ràng buộc, và thấy như thế thì phải xóa sổ ký ức, nhổ sạch các niệm. Tới khi nào thấy, nghe mà không có bất thiện pháp khởi lên, khi ký ức và niệm không kéo mình vào ràng buộc nữa mới gọi là thành thục tâm (mastery). Nơi đây dịch theo bản Anh dịch của Sujaro trong Kinh SN 35.96 viết: "Khi mắt của một nhà sư nhìn thấy cái được thấy, với bất thiện pháp khởi lên: ký ức và niệm nhiều phần dẫn tới ràng buộc. Giả sử rằng sư này không dung dưỡng chúng, nhưng rời bỏ chúng, cắt bỏ chúng, trừ diệt chúng và xóa sạch chúng. Họ nên hiểu: 'Các thiện pháp của mình không suy thoái. Như thế, Đức Phật gọi là không thối thất'." (tương tự với tai, mũi, lưỡi, thân, ý) (14)
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi chúng ta biết rằng bản tánh của tâm là linh minh đổng triệt, chúng ta có thể nhìn vào tánh rỗng rang của gương tâm để thấy rằng mắt (tai...) và cái được thấy (cái được nghe...) đều có tự tánh là Không, và đó là giải thoát. Trong nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, khi chư tăng tụng đọc các năm đầu Đức Phật hoằng pháp, có Kinh Sn 5.15 nói hãy nhìn cả trong và ngoài đều là Không:
"1119. [Đức Phật] Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế." (15)
Về sau, Ngài Long Thọ lập thuyết Nhị Đế (Chân Đế là thực tại tuyệt đối, Tục Đế là thực tại tương đối) chủ yếu dựa vào các lời dạy Đức Phật thời kỳ ban đầu này. Và lý luận rất phức tạp của Long Thọ cũng là một cách nhổ sạch tất cả mê mờ phiền não để chỉ ra bản tánh linh minh đổng triệt của Niết Bàn Diệu Tâm, tức là rỗng rang tự giải thoát.
Kinh Sn 4.15 trong Nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời ghi lời Đức Phật dạy rằng chúng sanh thực sự vẫn đang ở trong Niết Bàn dưới cái nhìn Chân Đế, bất kể là đang thọ khổ luân hồi trong Tục Đế, trích:
“949. Hãy để lụi tàn những gì đã qua, hãy để mặc kệ những gì chưa tới, không dính mắc tới những gì hiện tại, ngươi sẽ sống trong an tĩnh hòa bình.” (16)
Tức là, người giải thoát sống trong thời gian, nhưng tâm vẫn lìa thời gian. Tức là, chúng ta đang sống trong khung thời gian, có quá khứ, có hiện tại, có vị lai, nhưng Đức Phật dạy pháp an tâm là hãy xa lìa cả ba thời, không dính gì tới sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp của quá, hiện, vị lai. Và đó là Niết Bàn ngay ở thân ngũ uẩn này. Đức Phật dạy hãy an trú tâm nơi cái Niết Bàn đó không dính mắc gì tới thời gian đó ngay trong thân ngũ uẩn có già chết này. Chỗ này tương tự như khi Đức Phật và các vị A La Hán vẫn có niệm sinh, niệm diệt, vẫn nói chuyện, vẫn làm kệ, làm thơ, vẫn đi lại trong thế giới sanh diệt nhưng không lìa Bản Tâm rỗng rang, quý ngài vẫn an trú rất mực vắng lặng nơi Niết Bàn. Theo ngài Long Thọ, hai thế giới này không lìa nhau, y hệt như ảnh hiện trong tánh gương, không một nhưng cũng không hai, không đồng nhưng cũng không dị; tương tự như sóng với nước, sóng không là nước nhưng sóng không lìa nước. Đó cũng là ý nghĩa của Bát Nhã.
Chính ngay nơi khi chúng ta đi đứng nằm ngồi trong cái xa lìa cả ba thời quá, hiện, vị lai, đó là lúc chúng ta thọ dụng Niết Bàn, và đó là cảnh giới được Đức Phật mô tả trong Kinh Ud 3.8:
"Chư tăng, có một cái không sanh, không hình thành, không tạo tác ra, không phải hữu vi. Chư tăng, nếu không có cái không sanh, không hình thành, không tạo tác ra, không phải hữu vi đó, quý vị sẽ không có thể thoát ra khỏi cái được sanh, cái được hình thành, cái được tạo tác và là cái hữu vi. Nhưng vì có cái không sanh, không hình thành, không tạo tác ra, không phải hữu vi, nên quý vị biết có một lối thoát ra khỏi cái được sanh, cái được hình thành, cái được tạo tác và là cái hữu vi." (17)
Nơi cái không sanh, không hình thành đó, là một tâm chói sáng, và bụi là bám từ ngoài vào (Kinh AN 1.51, bản dịch Thầy Minh Châu: “Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm kẻ phàm phu ít nghe, không được tu tập.”). Và vì bụi từ ngoài vào, nên mới có thể tu tập để bụi rơi rụng. Kinh AN 1.51 cũng là một điểm tranh luận của bộ phái. Nhiều vị sư Theravada nói đây không phải là Bản Tâm, mà tâm chói sáng là do tu mà thành. Nhưng ngài Đạt Lai Lạt Ma đời 14, trong sách “Samsara, Nirvana, and Buddha Nature” ấn bản 2018, nxb Th Library of Wisdom and Compassion, nơi trang 291 nói rằng phẩm chất tâm chói sáng này chính là Phật Tánh (Buddha Nature).
Thiền Tông đứng chung lập trường với ngài Đạt Lai Lạt Ma, và thường gọi đó là Tự Tánh. Do vậy, bài kệ của Ngài Huệ Năng nghe y hệt như các kinh vừa dẫn (Kinh Ud 3.8, Kinh AN 1.51), theo Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch Thầy Duy Lực:
"Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, / Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt, / Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, / Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động, / Đâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp!" (18)
Nếu tự tánh vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, người ngộ lý này có thể tức khắc xa lìa tham sân si mà không cần mài gạch làm gương (nói theo ngôn phong các Thiền sư). Và đó là một pháp được Đức Phật dạy trong Kinh Bahiya. Sau khi nghe Đức Phật dạy, ngài Bahiya tức khắc chứng quả A La Hán:
"Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya.
“Khi với ông, này Bahiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy… [nhẫn tới]… trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi ông không là ‘với đó’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau." (19)
Cần ghi chú rằng: nơi này, nơi kia, chặng giữa cũng được dịch là quá khứ, vị lai và hiện tại. Thiền sư Thích Phước Hậu (1866 - 1949) có để lại một bài thơ, có thể xem như một phiên bản của Kinh Bahiya: "Kinh điển lưu truyền tám vạn tư / Học hành không thiếu cũng không dư / Đến nay tính lại đà quên hết / Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như."
Niết bàn trong Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa
Hiển nhiên là không mấy vị siêu xuất như các vị cổ đức. Do vậy, Thiền Tông truyền dạy qua nhiều phương tiện. Trước tiên là dạy lý luận để ngộ tánh. Dạy lý luận đơn giản nhất là bắt học thuộc và tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh. Hay là đọc tụng Kinh Kim Cang. Ngoài các kinh này ra, các Thiền sư thường dùng thân giáo trong đời thường, vì ngôn ngữ chỉ là phụ thuộc. Ngay khi chúng ta dùng lời nói hay chữ viết, thường là vướng thêm vào một bức màn sương khói của ý thức, do vậy lời nói cũng như ngón tay chỉ trăng.
Có một cách để tập nhìn vào Bản Tâm: nhìn vào nơi niệm trước đã diệt và niệm sau chưa sanh. Chính ngay nơi đó, nhìn vào nơi niệm chưa sanh đó, còn gọi là Sơ Tâm, tức là Tâm Ban Đầu, hay Tâm Hài Nhi, nơi chưa hình thành niệm. Cũng có thể gọi là nhìn vào vô niệm. Nhìn như thế, cũng là nhìn vào cái chưa sanh khởi, hay nhìn vào cái chưa được biết, cái Unkown, cái bất khả tư lường. Nhìn một thời gian sẽ thấy tương tự như cách nhìn của Thoại Đầu hay Công Án, tức là tỉnh thức với tâm không biết, và tâm này không phải là tâm mài giũa hay tâm để mài giũa, vì là tâm lặng lẽ chưa hiển lộ nơi bất kỳ sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp nào.
Nhà sư Nguyễn Thế Đăng giải thích về cách nhìn này qua bài viết nhan đề “Giải thoát nằm giữa hai tư tưởng” trích như sau:
“Giữa hai tư tưởng, khoảng trống không có tư tưởng ấy, không có một duyên sanh nào cả, không có một chủ thể cái tôi nào cả, không có một đối tượng nào cả. Trong khoảng trống không giữa hai tư tưởng không có sự tương tục của một cái tôi hay một cái ở ngoài tôi. Sự tương tục của chấp ngã và chấp pháp tạm thời bị cắt đứt. Chính đây là trạng thái vô ngã, vô pháp. Chính đây là trạng thái tánh Không, mà ở nơi tâm thức thì gọi là tâm Không. Chính đây là cánh cửa mở vào không gian giải thoát.” (20)
Chính ngay khi nhìn vào khoảng niệm trước đã diệt và niệm sau chưa sanh, là sự tỉnh thức thuần túy, không hề có một nỗ lực cố gắng nào, vì tất cả nỗ lực cố gắng đều làm mất cái nhìn khoảnh khắc đó. Khi bạn nhìn như thế, tất cả tham sân si khi khởi lên sẽ tự nhiên biến mất vào bầu trời chiếu diệu của bản tâm. Đó là nơi của tịch lặng, nơi không lời để nói, nơi hoàn toàn rỗng rang của tánh không và tỉnh thức. Giữa hai niệm luôn luôn là tâm ban đầu. Bạn sẽ thấy nơi đây cũng là một thức tịch diệt, cũng là một thức không an trú vào nơi đâu; ngay nơi đây, lìa cả Hữu và Vô, không phải là Vô Tâm cũng không là Hữu Tâm. Và là nơi vắng bặt tham sân si. Chỉ trong cái nhìn này mới thấy thể tánh tham sân si cũng là tánh không, cũng là Niết Bàn. Nơi cái nhìn này mới hiểu được Kinh A Di Đà Sớ Sao: vượt khỏi ba kỳ trong một niệm. Đây chính là một pháp rất mực tiện dụng của Thiền Tông vậy.
Ghi chú:
(1) Kinh Milanda Vấn Đạo: https://legacy.suttacentral.net/vn/mil6.3.9
(2) A Taste of Freedom: https://www.accesstoinsight.org/lib/thai/chah/atasteof.html
(3) Kinh SN 12.59, HT Minh Châu: https://suttacentral.net/sn12.59/vi/minh_chau
Kinh SN 12.59, Bhikkhu Sujato: https://suttacentral.net/sn12.59/en/sujato
(4) Kinh Ud 8.9: https://suttacentral.net/ud8.9/en/anandajoti
(5) Kinh SN 12.64: https://suttacentral.net/sn12.64/vi/minh_chau
(6) Kinh DN 11: https://suttacentral.net/dn11/vi/minh_chau
(7) Nibbana is not viññāṇa. Really, it just isn’t: https://sujato.wordpress.com/2011/05/13/vinna%E1%B9%87a-is-not-nibbana-really-it-just-isn%E2%80%99t/
Nibbana is still not Viññāṇa: https://sujato.wordpress.com/2011/05/18/nibbana-is-still-not-vinna%E1%B9%87a/
Nibbana remains not Vinnana: https://sujato.wordpress.com/2011/05/21/nibbana-remains-not-vinnana/
(8) Kinh Nhật Tụng Sơ Thời: https://thuvienhoasen.org/a30590/kinh-nhat-tung-so-thoi
(9) Giới Thiệu Kinh Duy Ma Cật: https://thuvienhoasen.org/a1205/gioi-thieu-kinh-duy-ma-cat
(10) Kinh SN 38.2: https://suttacentral.net/sn38.1/vi/minh_chau
(11) Kinh AN 3.55: https://suttacentral.net/an3.55/vi/minh_chau
(12) Kinh A Di Đà Sớ Sao: https://thuvienhoasen.org/p27a5725/quyen-1-01
(13) Kinh Kotthita Sutta, HT Minh Châu dịch: https://suttacentral.net/sn35.228/vi/minh_chau
(14) Kinh SN 35.96, bản Sujato: When a mendicant sees a sight with the eye, bad, unskillful phenomena arise: memories and thoughts prone to fetters. Suppose that mendicant doesn’t tolerate them but gives them up, gets rid of them, eliminates them, and obliterates them… https://suttacentral.net/sn35.96/en/sujato
(15) Kinh Sn 5.15: https://thuvienhoasen.org/p15a30626/sn-5-15-mogharaja-manava-puccha-cac-cau-hoi-cua-mogharaja
(16) Kinh Sn 4.15: https://thuvienhoasen.org/p15a30608/sn-4-15-attadanda-sutta-kinh-ve-bao-luc
(17) Kinh Udana 3.8: https://suttacentral.net/ud8.3/en/anandajoti
(18) Kinh Pháp Bảo Đàn: https://thuvienhoasen.org/p16a681/pham-tua-thu-nhat
(19) Kinh Bahiya: https://thuvienhoasen.org/a14273/bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta
(20) Giải thoát nằm giữa hai tư tưởng: https://thuvienhoasen.org/p25a27133/giai-thoat-nam-giua-hai-tu-tuong
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nhất tâm niệm Phật
Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.
Nhớ về một người Thầy
Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.
Những người Thầy khả kính
Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.
Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận
Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.
Xem thêm