Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 06/05/2023, 07:08 AM

Thầy chính là biểu hiện cho những giá trị và đặc tính của Đạo Phật trong trái tim con

Gia đình con như nhiều gia đình Việt Nam khác là một gia đình thiện cảm với đạo Phật - chính xác hơn là một gia đình Phật tử. Riêng con, lại có cơ hội gắn bó với đạo Phật nhiều hơn cả. Con cũng thường xuyên tham dự các khóa lễ ở ngôi chùa gần nhà trước khi biết đến Quan Âm Tu Viện.

Từ nhỏ, con có lòng kính tín nơi Đức Quan Âm, yêu thích Tâm Kinh và Đại Bi Chú như một thói quen từ lâu khó thể giải thích. Nhờ nhân duyên đó, con đã biết đến Quan Âm Tu Viện (TP.HCM), ban đầu là vì để tham gia Đạo tràng trì chú Đại Bi. Và ở đó con đã gặp Người, NS. Thích Nữ Huệ Đức, cũng là người Thầy khả kính trong lòng con. Chính ở nơi Quan Âm Tu Viện này, Người đã dạy dỗ con nhiều điều bằng cả ngôn giáo và thân giáo. Nhờ sự chỉ dạy của Người, con đã thêm tự hào rằng mình là người con Phật và nhận thấy mình cần lan tỏa niềm tự hào đó. Từ lần hướng dẫn đầu tiên của Người, đến bây giờ con đã có thói quen thiết trí bàn thờ tắm Phật và treo đạo kỳ mừng Phật Đản sinh hàng năm. Và cũng từ lần quan sát thấy tâm tư của Người khi Người nói chuyện trước đại chúng về cuốn “Phật học phổ thông”, con nhận thấy Người luôn mong muốn hàng Phật tử nên cố gắng tìm hiểu nhiều hơn về giáo lý Phật giáo.

Sau lần đó, con đã cố gắng đọc xong cuốn “Phật học phổ thông” và sau đó là tham gia các chương trình Phật học chính quy khác để xứng đáng với vai trò của người Phật tử. Hai mươi sáu tuổi con mới biết đến Người và Quan Âm Tu Viện. Nhưng, chỉ mười năm phụng sự Người và Quan Âm Tu Viện con được Người chỉ dạy cả về Đạo – Đời nhiều hơn rất nhiều so với trước. Trong con, Người chính là hiện thân của “Trí”.

Đạo Phật không chỉ có “Trí” mà còn phải có “Bi” và “Dũng”. Khi nói về Đức Quan Âm và các hàng Bồ Tát, người ta thường nói chư vị ấy biến hiện muôn vàn hình tướng vào trong nhân gian để cứu độ chúng sinh. Với con, Người cũng chính là hiện thân sống động cho “Bi” và “Dũng” của chư vị Bồ Tát. Người luôn dành một tình thương rất lớn với thế hệ trẻ khi thường xuyên tổ chức các khóa tu dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên với nhiều chủ đề thật cần thiết. Người cũng thường rất quan tâm đến các Phật tử hay lui đến chùa. Như với con, chỉ sau một lần Người hỏi chuyện con là từ đó về sau Người nhớ luôn tên con, nhớ luôn về công việc như thế nào... dù lần gặp đó con vẫn chưa gắn kết nhiều Quan Âm Tu Viện trong vai trò tình nguyện viên. 

Và thật đặc biệt khi con đã có cơ hội phụng sự bên cạnh người trong thời kỳ dịch Covid hoành hành trên mảnh đất Sài Gòn – TP.HCM. Trong những ngày tháng đó, Người đang ở Thiền Viện Trúc Lâm Bình Phước tịnh tu. Thế nhưng, khi thấy tin tức về dịch bệnh và cuộc sống khó khăn của người dân ở TP.HCM, Người đã không ngại nguy hiểm của dịch bệnh mà quay về TP.HCM chống dịch. Hình ảnh người tự tay cầm phần quà, giữa trời mưa gió, đi vào khu phố đang cách ly để phát cho bà con đã làm con không khỏi rơi nước mắt. Chính hình ảnh ấy đã làm con thêm dũng chí mà quay về TP.HCM để theo Người làm công tác thiện nguyện trong mùa dịch.

Giáo lý nhà Phật tin sâu vào nhân duyên sinh khởi, thiết nghĩ tiền kiếp con và Người cũng có ít nhiều nhân duyên để kiếp này con được thọ giáo từ người cả ngôn giáo và thân giáo. Đến giờ con vẫn nhớ về ba lần con thấy Người rơi nước mắt và cũng là ba lần nước mắt con đã rơi theo trong giây phút ấy. Có lẽ, đó chính là biểu hiện cho mối liên kết nhân duyên giữa con và Người. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Lần đầu tiên con thấy Người rơi nước mắt là trong một khóa tu Gieo hạt từ tâm cho thanh – thiếu niên. Qua những ngày phụng sự, bằng những gì quan sát được, con biết Người là một vị xuất sĩ rất kiên cường, mang nhiều chí nguyện trên con đường hoằng dương Chánh Pháp. Thế nhưng, vị xuất sĩ kiên cường ấy rơi nước mắt vì thương xót cho chúng sanh. Lần ấy, khi trả lời cho tu sinh về vấn đề nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, Người đã vì thương cho những thai nhi lìa đời khi chỉ mới tượng hình mà rơi nước mắt. Hình ảnh ấy mỗi lần nhớ lại vẫn làm con xúc động. Như hình ảnh những giọt nước mắt của Đức Quan Âm rơi xuống trần gian thì thương xót cho chúng sanh.

Lần thứ hai, chính là khi người đọc lời tiễn biệt Sư Bà thượng Như hạ Giác, Sư Phụ của Người và cũng là bậc thầy đáng kính trong lòng con. Qua giây phút ấy, con cảm nhận được mối thâm ân mà Người dành cho Sư Bà. Với con, có lẽ giây phút đó chính là bài học đáng giá và thực tế nhất về tình nghĩa Thầy – Trò.

Lần thứ ba, Người khóc khi chia sẻ lại cho đại chúng về việc người đã phải vượt qua những trở ngại về sức khỏe để tu tập như thế nào. Con biết giọt nước mắt ấy không phải là nước mắt của đau khổ, mà là sự xúc động mỗi khi nhớ lại những gì Người đã cố gắng vượt qua trên con đường tâm linh. Lần đó, con khóc theo vì con thương và cảm phục sự dũng mãnh, tinh tấn của Người.

Thật khó để nói hết những kỷ niệm về Người ở trong con. Con chỉ có thể nói một cách ngắn gọn rằng, Người chính là hiện thân cho Bi – Trí – Dũng của Phật giáo trong trái tim con. Người cũng chính là minh họa sinh động cho một người đệ tử Như Lai luôn tinh tấn và dũng mãnh trên con đường tu tập.

Trong đời này, điểm đáng tiếc của con đó là trong khi Người là bậc Tỳ-kheo Ni thì con là hàng cận sự nam. Thế nên, mối nhân duyên Thầy – Trò của con và Người cũng có nhiều giới hạn. Con cũng mong rằng với những nhân duyên kiếp này, nhiều kiếp sau Người và con sẽ còn có cơ hội khăng khít nhiều hơn nữa trong mối nhân duyên Thầy – Trò.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Trương Thanh Hiền – Địa chỉ: Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Thí dụ bảo châu trong áo

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:37 11/05/2023

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Lá thư gửi chính tôi ở tương lai

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:15 11/05/2023

Bản thân yêu quý! Thời gian gần đây tớ đã nhận phải rất nhiều phiền não từ chính gia đình nhỏ của mình. Tớ vớ phải một anh chồng gia trưởng, vũ phu. Tớ đi làm bị người khác bắt nạt. Tớ về nhà công việc chất đống. Thu nhập tớ không đủ trang trải cho gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Di Lặc

Đạo Phật trong trái tim tôi 08:29 11/05/2023

Vậy làm cách nào để tâm ta an lạc, hoan hỷ? Đó chính là học hạnh tùy hỷ của Phật Di Lặc. Tùy hỷ là từ bi và hỷ xả. Tu tập chánh pháp, rèn luyện lòng từ, không nổi tâm sát sanh, đấy là từ bi.

Xem thêm