Thầy hiền, bạn tốt là yếu tố quyết định của mọi thành công
Tìm được cảnh quan của ngôi chùa mình từng tu đời trước, thấy thân thương, gần gũi; gặp lại bạn đời trước, nói dễ nghe, dễ chấp nhận; không tu cũng được giải thoát. Gặp được bạn tri thức, hàng ngày trao đổi lý đạo với nhau, trí tuệ cũng sanh ra; sống với cảnh mình thích, thì không Thiền cũng được thanh tịnh.
Theo kinh nghiệm riêng tôi, vào mùa An cư ba tháng, tôi không ra khỏi chùa để không tiếp xúc với ngoại duyên, để gia công Thiền quán. Có lẽ nhờ gia công tu tinh mật như vậy từ năm 1957 mà tôi có nghị lực, được sức khỏe tốt và trí sáng để ứng xử với tất cả mọi tình huống một cách tốt đẹp. Đa số người tu nhưng không hạ quyết tâm, hay hạ quyết tâm, nhưng không có định hướng, không biết con đường tu của mình đi về đâu. Lúc mới tu, họ cũng tụng kinh, lễ sám, ngồi Thiền, kinh hành, đi quả đường… nhưng họ chỉ làm theo hình thức; trong khi việc quan trọng của người tu là mượn hình thức để chuyên chở được nội dung. Tu hình thức không bao giờ có kết quả, phải đạt được nội dung tốt đẹp ẩn chứa bên trong hình thức. Thí dụ đọc bộ kinh Nguyên thủy hay Đại thừa phải tìm ra ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong kinh điển và ứng dụng vào cuộc sống của mình, trao đổi với các thiện tri thức để xóa bỏ những điều sai lầm và làm điều đúng, mới thẳng tiến trên đường đạo; đó là cách tu của người có định hướng.
Tôi xuất gia năm 12 tuổi, nhưng khó gặp được thiện tri thức, đi từ chùa này sang chùa khác mà không có Thầy khai ngộ. Trên bước đường tu, chúng ta phát tâm, thực sự có chí hướng thượng, nhưng không có Thầy khai ngộ, dìu dắt, không có định hướng được. Kinh nghiệm này tôi đã từng trải, lang thang khắp nơi, cũng từng làm khất sĩ, nhưng không gặp minh sư, nên ôm bình bát đi xin về ăn, rồi tĩnh tọa. Làm như vậy một khoảng thời gian, tôi cũng cảm thấy chán.
Ba điều căn bản của người tu học Phật
Đến năm 1957, bắt đầu vào Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang, tôi mới có sự thay đổi. Tôi gặp được Hòa thượng Thiện Hòa là Giám đốc Phật học đường khai ngộ. Tôi may mắn được gần gũi Hòa thượng, ngài rất hiền lành, ít nói và không rầy mắng ai, nhưng cảm nhận được lực vô hình từ thân tâm ngài tỏa ra, khiến tôi phải kính mến Hòa thượng. Và tôi bắt đầu để ý đến lời nói, cử chỉ, thái độ, việc làm của ngài để tôi tự sửa mình theo. Gần như sự gắn bó mật thiết sâu xa với Hòa thượng đã hiện hữu trong tôi một cách tự nhiên. Không có Thầy khai ngộ, không có thiện tri thức như vậy, chúng ta cảm thấy lạc lõng bơ vơ trong cuộc sống tu hành. Người mà mình kính trọng, hay cảm thông được, dám sống chết với họ, mới đi xa được. Không có tâm trạng như thế, chúng ta tu hành khó đạt kết quả tốt, không hy sinh được. Tôi thấy Hòa thượng Thiện Hòa dù công việc bề bộn đến đâu, ngày nào ngài cũng ngồi Thiền, niệm Phật trên sân thượng. Mọi người ngủ rồi, cảnh yên lặng, Hòa thượng ngồi một mình tĩnh tâm, không cần ai thấy biết. Tôi thấy vậy, cũng theo gương ngài; dù ngài không bảo, nhưng tôi tu theo, cảm thấy an lành kỳ diệu. Chúng ta tu có Thầy hay thiện tri thức là như vậy và chúng ta có cảm giác Thầy hiểu ta và ta hiểu Thầy, mới thực sự là Thầy trò. Còn làm lễ quy y chỉ là đệ tử hình thức. Đệ tử thực là tâm Thầy và tâm mình có sự tương giao và Thầy coi đệ tử quý hơn con ruột, trò kính trọng Thầy tuyệt đối. Cần tìm được Thầy như thế để nương tựa, tu hành.
Tôi đọc lịch sử về cuộc đời của các vị Tổ sư đắc đạo, hầu như các ngài lúc mới xuất gia đều theo học với nhiều Thầy, nhưng cuối cùng đắc pháp với một vị Thầy nào đó. Nghĩa là Thầy và trò truyền thông nhau qua tâm, đó là kế thừa tâm linh hay truyền đăng tục diệm. Tình thương của Thầy làm mình ấm lòng, trí huệ của Thầy soi sáng trí của mình là kế thừa. Tôi theo Hòa thượng Thiện Hòa, ngài chuyên trì luật và niệm Phật. Tôi cũng làm theo ngài, nên Thầy trò dễ giống nhau. Và trước khi tôi đi Nhật, đêm khuya, Hòa thượng đến gõ cửa phòng, đưa cho tôi một cọc vàng lá. Ngài nói rằng: "Số tiền này của gia đình chia cho tôi khi đi tu, nhưng tôi không dùng đến. Thầy lấy làm lộ phí”. Tôi không xin, nhưng Hòa thượng cho. Việc làm của ngài có ý nghĩa vô cùng đối với tôi. Tôi đã vượt qua được tất cả mọi khó khăn trên bước đường tu học, vì trong tâm trí tôi luôn ngời sáng hình ảnh Hòa thượng cho tiền giữa đêm khuya thanh vắng và ngài dặn dò, ký thác cho tôi trách nhiệm gánh vác Phật pháp sau này. Chính tình thương của ngài, sự tin tưởng của ngài, đức độ của ngài luôn thúc giục tôi học hành và làm việc không biết mệt mỏi. Đó chính là ý nghĩa gặp thiện tri thức mới phát triển được đời sống tâm linh ở bước ban đầu tu hành của tôi. Và bước thứ hai, tôi gặp các thiện tri thức khác. Có vị chuyên tu Thiền, có vị là Pháp sư giảng kinh Pháp Hoa và tôi đều có sự cảm tâm giống như lần đầu gặp Hòa thượng Thiện Hòa. Khi học kinh Pháp Hoa, tôi hết lòng hành sử theo kinh này, khi tu Thiền thì tôi cũng hết lòng thực hành trong cuộc sống. Với sự quyết tâm như vậy, tôi mới đạt được kết quả như ngày nay.
Đa số quý vị ở đây thực tập Thiền, nên tôi muốn góp ý một số vấn đề về Thiền. Tu Thiền đòi hỏi Thiền sư phải đắc Thiền, là phải có đời sống tâm linh thực sự. Quan trọng là sự truyền tâm của Thầy cho chúng ta và Thầy kiểm soát tâm chúng ta. Nếu không được như vậy, chúng ta dễ lạc vào đường ma. Thiền sư phải uốn nắn được tâm chúng ta song hành với tâm Thiền sư, một sự chỉ dạy trong tâm, trong Thiền định, không phải dạy ngôn ngữ. Đa số người đọc sách và tìm chỗ ngồi Thiền, đó không phải là tu Thiền.
Tu học như thế nào mới có lợi ích?
Quan trọng là học kinh nghiệm của các Thiền sư. Tại sao chúng ta phải học như vậy. Vì người đi trước đã có kinh nghiệm đúng và sai mà các ngài đã phải trả giá. Với kinh nghiệm thực tiễn, các ngài giúp chúng ta tránh được những sai lầm đỡ tốn thời gian và không phải bị những hậu quả xấu tác hại tâm sinh lý, hay những bệnh tật như các ngài đã gánh chịu. Điển hình như ngài Huệ Văn nghiên cứu tư tưởng trong sáng của Bồ tát Long Thọ và sáng tạo ra pháp tu Tam trí Tam quán. Ngài Huệ Văn dạy pháp này cho Huệ Tư Thiền sư, nhưng Thiền sư Huệ Tư tụng Pháp Hoa và ngộ được pháp Nhứt tâm Tam quán. Sau đó, ngài Huệ Tư truyền dạy cho ngài Trí Giả pháp Nhứt tâm Tam quán, nhưng Trí Giả lại ngộ được pháp Nhứt niệm Tam thiên. Cả ba pháp: Tam trí Tam quán, Nhứt tâm Tam quán và Nhứt niệm Tam thiên đều là Thiền, nhưng không giống nhau.
Vấn đề tu học và ngộ rõ ràng là nhân duyên từ quá khứ. Có thể nói những pháp môn mà chúng ta chọn, con đường ta đi, đều có liên hệ với quá khứ. Người mới tu trong hiện đời thì không thể có sự liên hệ này. Còn các bậc cao Tăng đều có sự tương quan mật thiết với các pháp mà các ngài đã thể nghiệm trong kiếp quá khứ.
Ngài Trí Giả học được với Huệ Tư Thiền sư những kinh nghiệm gì? Huệ Tư nhiệt tình thực tập pháp Thiền quán đến mức độ chứng được Nhứt tâm Tam quán, thì cơ thể bị bại liệt. Cái giá mà ngài phải trả cho cái thân tứ đại đắt như thế. Vì trên bước đường hành đạo, ngài thường bị chống đối, đến khi tìm được nơi yên lành để tu, thì ham tu đến quên cả sự sống của mình, đạt được trạng thái nhứt tâm. Các Thầy tu dễ nhận ra ý này. Nỗ lực tu hành, nhiếp tâm, thân tứ đại như tan biến trong hư không. Mới đầu còn cảm thấy có mình ngồi Thiền và có bạn, nhưng lần lần vào Định, không thấy ai, chỉ thấy một mình. Và nhập Định sâu hơn nữa, mà không có Thầy hướng dẫn, không còn thấy biết gì, kể cả thân mình thì xả Định, thân bị hư hoại, không sử dụng được.
Phải có Thầy hướng dẫn, kiểm soát để không phạm sai lầm như thế. Huệ Tư Thiền sư đã rút kinh nghiệm này để dạy Trí Giả. Và sau này, ngài Trí Giả khai sáng tông Thiên Thai cũng dạy học trò rất kỹ về pháp tu Thiền. Cách nay hơn hai ngàn năm mà ngài đã đưa ra những phương pháp rất khoa học để kiểm soát thân tâm trước khi vào Thiền, chứng tỏ ngài đã đắc đạo và có nhiều kinh nghiệm về pháp tu này. Ngài Trí Giả dạy chúng ta phải biết thỏa hiệp với cái nghiệp của mình để có thể tiến tu, vì cưỡng lại nghiệp thì sẽ gặp nhiều khó khăn, thân tâm không yên ổn, không thể tu. Người có gia đình phải thỏa hiệp với gia đình trước, họ có bằng lòng cho mình tu hay không. Tất cả các nghiệp bên ngoài mình có thể kiểm soát, nghĩa là mọi quan hệ bên ngoài mình đã điều đình ổn thỏa rồi, thì khi tu mới không bị nó quấy rối.
Ngài Trí Giả diển tả ý này rằng phải cắt bỏ duyên thế sự, bằng cách dàn xếp, nó bằng lòng thì không đòi hỏi mình nữa. Nhưng muốn cắt đứt duyên bên ngoài, không phải ai cũng cắt được và lúc nào cũng cắt được; nghĩa là tùy theo nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ của từng người khác nhau. Vì vậy thực tế cho thấy có người xuất gia được, có người không. Chúng ta quán sát người xuất gia được mới cho đi tu; nghiệp nặng, chúng ta để họ làm cư sĩ, vì làm Sa môn gặp nhiều chướng duyên, họ không thể tu. Duyên thế gian cắt được là giai đoạn một để trở thành tu sĩ. Nhưng còn con người nội tại của mình cần phải điều chỉnh nữa, điều này không đơn giản và rất quan trọng để quyết định thực sự có đủ tư chất người tu hay không. Các Thầy không theo nguyên tắc căn bản này, rồi phiền muộn cho rằng tu hành mà chỉ gặp toàn khó khăn. Cứ nghĩ tu vào chùa ở là xong, nhưng chắc gì người cho ở và chắc gì ở mà không có vấn đề nảy sanh phải đối phó. Vì thế, con đường đời cắt bỏ, nhưng con đường đạo không nối tiếp được thì chơi vơi giữa đường. Tu không xong, về cũng chết, dở dở ương ương, lãng phí cả cuộc đời. Đó là quyết định sai lầm của mình và cũng do lỗi của người Thầy hướng dẫn không đúng pháp.
Vì sao vừa gây khó dễ cho thầy trò Đường Tăng, Trấn Nguyên Tử lại kết nghĩa với Tôn Ngộ Không?
Duyên đời phải cắt, nhưng phải nối được duyên đạo. Nghĩa là chúng ta tầm sư học đạo, phải cố tìm cho được người có duyên Thầy bạn với mình. Mình kính trọng họ và họ thương mình thì mới tiến bước trên con đường tu lâu dài được. Không phải chùa nào cũng ở được. Lầm tưởng vào chùa ở là xong, nhưng không xong thì phiền lắm. Phải tìm được duyên Thầy bạn là người đó và ta đã là Thầy bạn trong quá khứ. Người xưa thường nói:
Linh Sơn nghĩa cũ tình xưa
Ta bà, Tịnh độ say sưa pháp mầu
Nghĩa là bạn đồng hành đồng sự từng gặp nhau ở Tây phương Tịnh độ và ta qua Ta bà giáo hóa chúng sanh gặp lại họ. Vì mối quan hệ ấy mà hai người này có thể tâm sự với nhau, cảm thông nhau, thấu hiểu nhau từ trong tâm hồn. Giống như Thuận Trị hoàng đế là người Mãn Châu, nhưng thống nhất nước Trung Hoa và gặp Ngọc Lâm Thiền sư thì nhận ra được Thiền sư là bạn cố tri từ kiếp quá khứ, tuy một người làm vua, một người tu hành. Khác hoàn cảnh, nhưng hợp nhất tâm, nên họ mới thấu hiểu nhau sâu sắc. Vua Thuận Trị phong cho Ngọc Lâm làm Quốc sư và ông nhớ lại tiền kiếp mình từng ở Tây phương Tịnh độ, nay sanh lại nhân gian này mà tạo nghiệp chém giết trong suốt mười bảy năm chinh chiến. Ông từ bỏ ngôi vua, vào Ngũ đài sơn quyết tâm tu hành, sám hối các nghiệp ác đã tạo, để cầu trở về Tịnh độ Tây phương. Hay trường hợp vua Lương Võ Đế và một vị sư thời đó là Chí Công Hòa thượng. Hai người cũng là bạn cố tri trong tiền kiếp. Tuy hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng thấy nhau là sanh tâm kính trọng liền.
Tìm bạn tri thức là tìm người đồng cảm, đồng lý tưởng, đồng hạnh nguyện. Vì đã từng làm bạn, nên gặp lại, thấy quý mến và dìu dắt nhau tu được. Còn thấy chùa vào ở, không quen, nên chỉ bằng mặt mà không bằng lòng, chỉ có phiền não phát sanh, không sanh công đức. Mình muốn thế này, họ muốn thế khác; nói thì cãi nhau, không nói thì bị ức chế lâu ngày thành bệnh trầm cảm, mặt lầm lầm lì lì, dễ sợ. Tôi kiểm tra, nhìn mặt biết họ không tu được, đè nén lâu thì phải bung ra; vì không phải là bạn tâm giao, nên không hiểu nhau, luôn gặp chống trái.
Trên bước đường tu, quan trọng là gặp chùa cảnh chúng ta thích, gặp thiện tri thức chúng ta thương. Tôi biết tiền kiếp mình tu trên núi, nên lòng tôi thích núi non, từ nhỏ đã thích sống trên núi. Tiền kiếp mình đã tu cảnh chùa nào, nay gặp cảnh đó, mình thấy thân thương, gần gũi, bình yên kỳ diệu. Chưa tu, nhưng gặp phong cảnh hạp, lòng tự an rồi và những bạn từng tu, từng tâm sự với nhau đời trước, từng trao đổi điều hay lẽ phải, nên gặp nhau là hàn huyên không chán. Người xưa nói gặp bạn như vậy trao đổi việc tu hành trong một đêm thôi còn hơn mười năm đọc sách. Điển hình như vua Trần Thái Tông gặp được Phù Vân Quốc sư khai ngộ chỉ trong một đêm, thì nhà vua đã thấy con đường mình đi sáng ra, chuyển hóa được tâm đau khổ thành tâm sáng suốt, vững vàng trong việc trị nước an dân và cũng thăng hoa được đời sống tâm linh.
Cảm niệm nghĩa thầy trò nơi cửa thiền
Tìm được cảnh quan của ngôi chùa mình từng tu đời trước, thấy thân thương, gần gũi; gặp lại bạn đời trước, nói dễ nghe, dễ chấp nhận; không tu cũng được giải thoát. Gặp được bạn tri thức, hàng ngày trao đổi lý đạo với nhau, trí tuệ cũng sanh ra; sống với cảnh mình thích, thì không Thiền cũng được thanh tịnh. Đến ngôi chùa bất đắc dĩ, không ưa Thầy trụ trì cũng phải chịu; sống như vậy càng tu nghiệp càng sanh ra. Ấm ức thì rớt vào cảnh giới ma, vì ma thì buồn phiền, đau khổ, bực tức. Vào Thiền mà sanh ra ba tâm này, ma sẽ tiếp dẫn ta, gọi là tẩu hỏa nhập ma; vì cảnh không thanh tịnh, ma chướng trong lòng, nên ma phiền não nhân đây phát khởi.
Duyên bên ngoài chấm dứt và duyên bên trong hòa hợp thì bắt đầu tu. Những người cùng tu góp ý, tâm sự để điều chỉnh sao cho tất cả đều khỏe mạnh mới tu được. Tu phải có thể lực tốt, không phải muốn tu là tu.Vì vậy, người xưa dạy đạo rất kỹ, vào tu, họ dạy điều chỉnh việc ăn uống trước, vì ăn uống được coi như thuốc để duy trì mạng sống khỏe mạnh. Ngày nay chúng ta hiểu rõ vấn đề này, tất cả thức ăn đều là thuốc bổ giúp cơ thể con người có sức lực tốt. Ngài Trí Giả nhắc nhở rằng chúng ta chỉ ăn những thức ăn thích hợp với cơ thể, không nên ăn quá nhiều, hay quá ít. Cần điều chỉnh lượng thức ăn, mới đầu chúng ta ăn ba buổi, rồi giảm bớt còn hai buổi và sau chỉ ăn một buổi một ngày. Trước ăn ba tô cơm, sau giảm còn hai tô rồi đến một tô. Điều chỉnh đến mức vào Thiền được, là điều chỉnh cơ thể tốt rồi thì chỉ ăn một bát cơm một ngày. Vì người tu Thiền vận động trí não, không vận động cơ bắp nhiều, nên không tiêu hao năng lượng nhiều thì không cần ăn nhiều. Nguyên tắc là như vậy. Thấy người ăn nhiều, không dạy Thiền cho họ, dù họ có năn nỉ. Phải tập ăn ít mà không đói, chịu đựng được mới cho vào Thiền.
Tôi mong rằng trên bước đường tu, tất cả quý vị đều có định hướng và hạ quyết tâm tu hành, chọn nơi thích hợp, nương theo Thầy hiền, bạn tốt để tiến tu đúng chánh pháp, tạo được cho mình thể lực tốt, ý chí kiên cường để vượt qua mọi gian nan, thử thách. Và có được tâm hồn định tĩnh, trí sáng suốt, tâm thương người để thành tựu những việc lợi ích cho đạo pháp, cho mọi người trên thế gian này.
Nguồn: Đạo tràng Pháp Hoa
> Xem thêm video "Ăn chay đối với giới trẻ":
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm