Thứ, 10/12/2018, 14:46 PM

Thế giới cõi âm nhìn từ giáo lý đạo Phật

Khi thoát ra được những điều “mê mị” của tín ngưỡng thần quyền vây bọc, thì chắc chắn chúng ta sẽ được giải thoát. Muốn vậy, ngay từ bây giờ ta phải tìm hiểu giáo lý đức Phật để có đủ lòng tin, đức tin ở giáo lý này, nếu chúng ta không muốn để ma mị lợi dụng lừa phỉnh.

Người chết còn hay hết? Câu hỏi này theo tín ngưỡng dân gian và khi khoa học chưa phát triển, thì trả lời thật khó khăn. Nhưng với khoa học hiện đại ngày nay thì câu hỏi này trả lời chẳng còn khó khăn nữa, bởi các nhà khoa học đã chứng minh được những linh ảnh và những âm thanh của họ còn tồn tại sau khi chết vẫn tương tác với người đang sống. Đặc biệt là những người thân và gia đình trong quyến thuộc của họ.
 
Điển hình là những nhà ngoại cảm trong nước và thế giới đã cho chúng ta thấy được điều này.
 
Như vậy, tín ngưỡng và khoa học, cũng như tôn giáo nói chung không ai bảo ai, nhưng đều cho rằng người chết là không hết mà hằng còn…
Xét về mặt tôn giáo, thì người chết không bao giờ hết, bởi nếu hết thì không còn tôn giáo và tôn giáo tồn tại từ nhiều nghìn năm nay đã khẳng định điều đó.
 
Xét về mặt khoa học phát triển, thì hiện nay các nhà khoa học không còn bối rối, do dự trước quyết định con người chết còn hay hết, khi mà công nghệ hiện đại ngày nay đã chụp được những linh ảnh và ghi nhận được âm thanh đặc biệt của người cõi âm, rồi từng bước đã làm rõ nhiều điều về cõi u minh này. 
coi am
 
Chết không phải là hết
 
Với đạo Phật vấn đề sinh tử được giáo lý quan tâm hàng đầu và qua Pháp giới Duyên sinh đã khẳng định người chết vẫn tồn tại và có thể tái sinh đời sống kiếp sau. Vậy, Pháp giới Duyên sinh nói gì sau khi chết?
 
Trong bài viết “Suy nghĩ về kiếp người” của HT.Trí Quảng trên trang Điện tử Giác ngộ Online (17/11/2013), cho biết: “Người ta thường nghĩ một kiếp của con người là từ khi sinh ra cho đến già, bệnh, chết là hết; nếu một kiếp của con người đơn giản như vậy thì thật ra không đáng sống. Vì vậy, Đức Phật đưa ra góc nhìn xa hơn là thấy được phía bên trong của con người có cái gì khác nữa mà kinh Hoa Nghiêm diễn tả là Pháp giới Duyên sinh”. 
 
Từ thực tế nêu trên, cho ta thấy người chết là chưa phải là hết mà thường hằng tồn tại. Vậy tồn tại như thế nào? Đây là điều mà chúng ta quan tâm và cần phải nắm rõ để hiểu vấn đề sinh tử một cách lành mạnh, không sa vào ảo tưởng mê tín dẫn đến phiền não, sợ hãi, thậm chí là nguy hại đến đời sống và xã hội khi bị tà đạo chi phối.
 
Vậy “tà đạo” và Chánh đạo khác biệt gì khi nhìn nhận về cõi âm?
 
Chính pháp theo đạo Phật, là con người có chánh kiến, chánh tư duy, có lòng tin, đức tin vững chắc nơi giáo lý đạo Phật. Bởi đạo Phật khẳng định rằng: chết không phải là hết, không phải là chấm dứt mọi chuyện như giáo lý thần quyền hằng reo rắc sợ hãi và phiền não chướng cho cả người đã chết và người đang sống. Đạo Phật nhìn nhận cái chết là một quá trình chuyển sinh sang một đời sống khác, hay theo quan niệm tôn giáo là chuyển tới một kiếp khác. Sự thay đổi này ví như ta thay đổi một chiếc áo có gì mà phải sợ. Nếu ta biết tu thì sự thay đổi theo quy luật vô thường này của việc chuyển sinh trong quá trình Sinh-Tử của con người, thì coi đây là một lẽ đương nhiên. Bởi người có tu (tức chỉ người tu giác ngộ giải thoát rốt ráo) chắc chắn đời sống kiếp sau sẽ thay đổi tốt hơn đời sống hiện tại, nếu như họ cố gắng huân tập như  ý Chính pháp.
 
Vậy căn cứ vào đâu để khẳng định đời sống kiếp sau sẽ tốt đẹp hơn?
 
Theo bốn chân lý hay gọi là Tứ Thánh Đế*, Đức Phật đã dạy và mở ra cho chúng ta một cuộc sống có ý nghĩa hơn đó là Ngài chỉ cho ta hai con đường để lựa chọn: một là khổ đau, hai là an vui hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật (kiếp người khổ đau và kiếp người an lạc). Nếu chọn con đường đi lên (tức chỉ con đường phước Dương) là Thiên đàng và Niết bàn, hoặc con đường đi xuống là Địa ngục cũng do chính ta lựa chọn. Về điều này, HT.Trí Quảng nhấn mạnh thêm: “Đức Phật dạy rằng, kiếp sống khổ hay vui cũng do ta tạo nên, đó là tư tưởng mới nảy sinh trái ngược với tư tưởng cổ xưa của Ấn Độ luôn cho rằng, con người khổ đau hay vui sướng đều do Thượng đế quyết định. Và rằng,Thượng đế ban vui, hay hành hạ con người khổ đau là thuộc toàn quyền của Thượng đế. Phủ nhận quyền sinh sát của Thượng đế, Đức Phật dạy: “Chúng ta không nên giao vận mệnh của mình cho người mà mình không quen biết gọi là Thượng đế”.
 
Như vậy, trở lại vấn đề nêu trên ta thấy, giáo lý Đức Phật đã chỉ cho ta thấy sự vui buồn, sướng khổ của kiếp con người không ai khác, mà do chính mình quyết định.
Vậy chuyện sinh tử luân hồi, sống chết mau chậm, thọ yểu đều nguyên nhân từ con người, cũng như thuận theo quy luật nhân quả, vô thường...
 
Theo Pháp giới Duyên sinh, chết chưa phải là hết, mà còn đó nằm trong vòng tương tục, có điều là chúng ta phải hiểu được mối tương quan, tương tác giữa cõi âm và cõi thế (dương) như thế nào để tu tập, ứng xử có hiệu quả trong mối quan hệ Âm Dương giữa người sống và người chết sao cho phù hợp với chiSnh pháp của đạo Phật, nhằm đem lại cuộc sống an vui cho cả hai phía, mà trong giáo lý đạo Phật gọi là “Âm siêu Dương thái” tức cõi âm thoát được cảnh nặng nề ô trược, thì cõi dương cũng không bị tác động cảnh u buồn mà trở nên hài hòa, trong sáng.
 
Cõi âm với tín ngưỡng dân gian
 
Đã từ lâu, người ta nói nhiều đến cõi âm. Có người tin, có người thì chẳng bao giờ gặp “ma” nên họ cho rằng không có cõi âm. Chính vì thế mà những người đồng bóng, hay những người làm nghề liên hệ đến cõi âm được xem như là một nghề “mê tín dị đoan”. Nhưng dù gì đi nữa, trong dân gian vẫn không thể xóa được những điều kỳ lạ mà họ không thể giải thích được. Đó là nguyên nhân mà những tín ngưỡng dân gian tồn tại cho đến ngày nay.
 
Một linh hồn bị chết oan hiện về báo mộng cho người nhà để người nhà đi lấy xác về chôn cất. Một người bệnh tưởng chết rồi nhưng sống lại, bỗng họ có khả năng kỳ lạ tiếp xúc với người âm. Hay một người sau cơn bạo bệnh lại có khả năng trị bênh cho người khác bằng nước lã; hoặc ta thấy đôi khi người chết lại về báo mộng cho người thân trong gia đình về sự thiếu thốn, đói rách của mình… những điều kỳ lạ đó đã khiến cho người đời chúng ta đôi lúc “không tin cũng phải tin”. Chính những điều này là đầu mối của những tín ngưỡng dân gian tồn tại dài lâu trong đời sống xã hội và sau này thấy có vẻ phi khoa học nên gọi là “mê tín dị đoan”.
 
Những hiện tượng “siêu hình” nêu trên, khiến cho con người ngày xưa không thể giải thích nổi; cũng như những hiện tương “mượn xác” lên đồng trị bệnh hay giúp thân nhân liên hệ với người đã khuất, và những “bà cô”, “ông cậu” nhập vào thân xác người khác tự xưng là người này, đấng nọ để giúp người “độ đời” là những nguyên nhân đưa đến tín ngưỡng dân gian.
 
Xuất phát từ những tín ngưỡng dân gian này, đã đưa con người tin tưởng vào những vị “siêu nhiên” nào đó, hay những vị thần như thần sông, thần núi, thần linh mộc… và xa hơn là những vị thần tượng trưng như thần “mặt trời”, “thần lửa”… sau đó là các vị Thượng đế thần quyền, Chúa trời, Chúa đất… chính những hiện tượng nêu trên đã nảy sinh ra tôn giáo.
 
Khi chúng ta tin vào tín ngưỡng dân gian, chúng ta sẽ thấy rằng: Đấng nào đó toàn thiện, toàn năng đã tạo ra sóng thần, động đất và các thiên tai dịch bệnh khác nữa để sát hại sinh linh, thì hóa ra các đấng ấy cũng lại là một đấng tàn ác, chứ đâu còn thiện lành cứu độ sinh linh như tín điều mà các đấng ấy đã tuyên xưng. Từ thực tế này cho thấy, những tín điều thuyết giảng thiếu thực tế và không kiểm chứng được đều là ma mị lừa bịp, bởi “chân lý”coi vật chất đặt lên trên cả tinh thần tối thượng. Đây là điều trái ngược đối với quy luật nhân quả và tâm linh.
 
Để rộng đường tìm hiểu đối chiếu so sánh, nhân đây xin được trích đôi nét nhận định phổ quát về tôn giáo của Giáo sư Huston Smith người Mỹ, trong cuốn “Tôn giáo của nhân loại” để chúng ta cùng suy ngẫm trước khi sang phần đề cập nội dung: Cõi âm nhìn từ giáo lý đạo Phật. 
 
Theo Giáo sư Huston Smith: “Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều gom tụ sáu yếu tố dưới đây:
1-Quyền uy
2-Nghi thức
3-Tri giải suy lường
4-Truyền thống
5-Thần trị và ân điển
6-Huyền bí.
 
Về tôn giáo của nhân loại, sáu yếu tố trên đã phát huy được tác dụng quan trọng của nó. Nhưng mọi yếu tố đều có thể bị mất đi sự khống chế mà nảy sinh tệ đoan. Tệ đoan này khiến thực trạng của tôn giáo ngày một hoang tàn, từ sai lầm dẫn đến chỉ quanh quẩn nơi mê tín.
 
Phật Thích Ca quyết tâm rửa sạch khoảng đất hoang tàn này và Phật giáo đối với sáu yếu tố trên chẳng hề có sự liên quan nên khiến người đời kinh sợ. Bởi vì theo thói quan sát của người đời thì hễ tôn giáo nào thiếu mất sáu yếu tố trên đều chẳng thể tồn tại. Nhưng sự thật lại được minh chứng cụ thể như sau:
 
Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng có Quyền uy, Nghi thức, Suy lường tri giải; Vô truyền thống, không Thần trị, cầu Ân điển và chẳng có Huyền bí.”.
Về sự Huyền bí Phật Thích Ca nói: “Tất cả việc chiêm tinh, bói toán đều là những môn học thấp kém, không cho những môn đồ trong Phật giáo làm mọi phép thuật huyền bí, bất cứ người nào nếu sử dụng tà thuật để đặt điều kỳ lạ đều chẳng phải Phật tử, những người làm phép huyền ảo ấy đều là việc nguy hiểm”.
 
Qua nhận định trên của Giáo sư Hustaon Smith, thấy đạo Phật thật khác biệt với thông lệ của tất cả các tôn giáo trên thế giới, bởi đạo Phật không dung nạp tư tưởng tín ngưỡng Thần quyền. Chính vì điều này, nên mặc dù Phật giáo ra đời ở châu Á, nhưng tính ảnh hưởng của giáo lý đạo Phật không bị ngăn chở bởi các giới hạn và luôn tương thích với nhịp điệu khoa học cũng như đời sống hiện đại ngày nay.
 
Cõi âm từ góc nhìn đạo Phật
 
Đạo Phật thì không có những điều nêu trên, Đạo Phật không “mê tín dị đoan” như người ta lầm tưởng. Bởi vì đạo Phật là trí tuệ có thể giải thích thỏa đáng được những thắc mắc về siêu hình mà trong dân gian thường tương truyền. Đối với các tôn giáo khác, không có luận cứ nào để giải thích được, vì nếu một Đấng tạo hóa tạo ra loài người, cho họ sống trong một đời và họ lại sống với hành động theo ý muốn của đấng tạo hóa đó là tàn ác, thì thật là khó giải thích,  bởi khi con người trở nên ác, và Đấng tối cao ấy cũng đồng với thể tính tàn ác và thiện lành như họ, thì ai là người giáo dục, nuôi dưỡng lòng vị tha và cao thượng cho họ đây… Nếu một tôn giáo không hàm chứa ba yếu tố Chân, Thiện, Mỹ thì tôn giáo ấy đã chẳng phải là tôn giáo nữa mà chỉ là một tổ chức tập thể lừa phỉnh, lợi dụng tinh thần tôn giáo để thực hiện một ý đồ nào đó của con người, dù nó được mang tính chất địa phương hay toàn cầu.
 
Nếu chúng ta lấy giáo lý để suy niệm về “thế giới cõi âm” thì có lẽ không mấy tôn giáo trên thế gian này có thể giải thích được, nếu không muốn nói là chỉ có đạo Phật mới có thể kiến giải.
 
Như chúng ta đã biết, sau khi triệt ngộ Chánh đẳng, Chánh giác, với Tam minh lục thông, Đức Thế Tôn đã dùng Phật nhãn nhìn thấu vũ trụ, tam giới, Ngài nhận thức và thuyết giảng về thế giới và cõi Phật. Ngài kể lại những câu chuyện trong thời quá khứ, hiện tại và vị lai như trong kinh điển mà chúng ta thấy.
 
Đức Phật đã truyền dạy, trong luân hồi có nhiều chúng sinh ở các cõi trời Vô sắc giới, Hữu sắc và các cõi Trời khác cũng như các cõi A tu la, Địa ngục, Ngã quỷ… tức các cõi “vô hình”, hữu hình như người và súc sinh. Vậy, chúng sinh nào trong thế giới cõi âm?
Có lẽ chúng ta nên phân biệt thế giới thần quyền của những chúng sinh trong cõi trời và đôi khi cả thế giới A-tu-la nữa. Đó là những vị “nhập xác” vào những chúng sinh nào đó đã thực hiện với những việc làm cao quý, từ tâm và thiện lành, không tư lợi vì những ước nguyện, hay hạnh nguyện của chúng sinh “mượn xác” đó đã phát nguyện như vậy.
 
Còn những chúng sinh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ thì họ đang chịu những hình phạt triền miên do họ “chiêu cảm” vì những hành động mà họ đã gây nên trong các kiếp trước thì họ không thể thoát ra được để mà họ có mặt trong cõi âm, như trong kinh Địa Tạng đã ghi dưới đây:
 
“Ngài Địa Tạng Bồ tát nói với Ngài Phổ Hiền Bồ tát rằng: “Thưa nhân giả! Đó đều là do chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề* làm những điều ác mà tùy nghiệp chiêu cảm ra những địa ngục như thế.

Nghiệp lực rất lớn có thể sánh với núi Tu-di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh.

Vì thế chúng sinh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo dẫu đến mảy may đều phải chịu lấy”. (Kinh Địa Tạng, HT Thích Trí Tịnh dịch, ấn hành 1994 tr 80,81).
 
Lại nữa: “Nhân giả! Những quả báo như thế trong mỗi mỗi ngục có trăm nghìn thứ khí cụ để hành hình, đều là bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, bằng lửa. Bốn loại khí cụ này do các hạnh nghiệp quấy ác của chúng sinh mà cảm vời ra”. (Kinh Địa Tạng đã dẫn, tr 83).
 
Như vậy, chúng sinh trong thế giới cõi âm từ đâu mà có? Họ có những lúc hiện ra để làm cho người khác phải sợ; hoặc bắt người sống phải làm theo ý mình, nếu không hành hạ người đó trong một tinh thần ích kỷ, phá phác…họ là ai?
 
Chúng ta hay nghe người của dân gian phân biệt về “cõi âm” và “cõi dương”. Cõi dương thường gọi là dương thế là cõi của con người đang sống, tức cõi ban ngày. “cõi âm “ là cõi của người chết hay cõi lạnh lẽo thuộc về ban đêm mà người chết thường hay xuất hiện ra những hình dáng mờ mờ, ảo ảo, hư hư, thực thực. Thông thường, những chúng sinh bị chết thình lình (bất đắc kỳ tử), hay những người chết trong trận mạc, chết sông nước, tai nạn trên đường, hay oan ức, bị hại nào đó; người ta đều cho rằng đây là những “cô hồn” hay “các đảng” chưa được siêu thoát nên vẫn luẩn quẩn trong thế gian, vương vấn cõi hồng trần. Đôi lúc họ lại hiện ra để làm cho người sống phải sợ hãi; nhiều khi vì nhu cầu phụng dưỡng thiếu đói nên họ đòi hỏi và thông qua ‘kênh’ đồng bóng để nói lên ý nguyện của mình,mà người dương thế đáp ứng như: đốt vàng mã, giấy tiền, quần áo mong người chết nhận được mà không phải thiếu thốn khổ đau lạnh lẽo trong thế giới của người âm. 
 
Từ những tín ngưỡng dân gian xa xưa này, nên sinh ra các thầy cúng bái theo tín ngưỡng, và trước đây cũng không ít chùa cúng lễ theo tín ngưỡng này, bởi tam giáo đồng nguyên hiện diện ở nước ta từ bao đời. Nhưng ngày nay với tinh thần và đường lối tu trì được hiểu biết hơn, bởi trình độ tăng sĩ, cư sĩ Phật giáo đã nâng cao; cho nên việc tu hành làm Phật sự và cầu cho vong linh người chết được siêu thoát đã làm thay đổi khá nhiều quan niệm của người thế gian đối với đạo Phật.
 
Theo giáo lý đạo Phật, trên nguyên tắc sau 49 ngày vong linh người chết sẽ đi tìm một thân xác mới để chuyển sang một kiếp khác, tiếp nối những “nghiệp quả” mà mình đã gây nhân ở kiếp hiện tiền hay nhân còn lại của những kiếp xa xưa. Trong thời gian đó, vong linh được gọi là Thân trung ấm, (dân gian gọi vong hồn).tức là “thần thức” của thân xác trước đã mất và đang đợi chờ thân xác mới để “nhập thai” bắt đầu cho một kiếp sống sau. Nguyên tắc thì như thế, nhưng trong đạo Phật có đề cập đến “Cận tử nghiệp” và “Nguyện lực”. Hai điều này rất quan trọng đối với một người trước và khi lâm chung. Giả sử trước khi chết họ còn nghĩ đến con cái còn nhỏ cần được chăm sóc chẳng hạn, và như thế có nghĩa là “ nguyện lực” của ho vẫn còn bám theo con. Chính nguyện lực ấy mà họ không nỡ rời xa, và “thần thức” hay gọi là Trung ấm thân của họ không đành đi, hoặc không thể đi được, để rồi họ cứ luẩn quẩn không biết đến bao giờ mới đi được? Và khi nào xong để ra đi? Cho nên có thể cả trăm năm sau, họ vẫn còn nhận ra con cháu của họ qua những nhà ngoại cảm, hay ông đồng bà cốt. 
Từ thực tế nêu trên mà Đức Phật đã giảng giải: “Trong vô lượng kiếp, chúng sinh đã từng là quyến thuộc, cha mẹ lẫn nhau” nên sự ân nghĩa, lưu luyến, ganh ghét hay hận thù chỉ là kết nặng giây oan trái, khiến cho người chết không nỡ xa rời để ra đi, và điều này, chỉ làm cho người chết càng kéo dài thêm thời gian luân hồi của chính mình. Phải chăng vì điều này, mà đạo Phật không đề cập đến việc khóc lóc, than vãn trong lúc người chết chuyển thế, bởi đây là vấn đề quy luật tự nhiên của con người. Ngược lại với tín ngưỡng dân gian lại lấy than khóc, van xin, kể lể thảm thiết làm ra vẻ bi ai sầu thảm trước người chết thật não nề. Đây là theo tập tục báo hiếu của con cái đối với cha mẹ theo Đạo Khổng (nho giáo) chứ Đạo Phật lại lấy việc khuyến cáo gia quyến, người thân không nên than khóc thảm thiết trước  người đã chết, bởi như thế sẽ làm cho “thần thức” của họ rối bời không tạo lập được sự bình an trước cái chết. Đi đôi với điều này, đạo Phật cũng giác ngộ gia quyến cùa người quá cố tu tạo phước lành và cấm giới sát để không làm ảnh hưởng đến nghiệp vãng sinh của người chết. Điều này kinh Địa Tạng dạy khá rõ chúng ta cùng tìm hiểu dưới đây:
 
“Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sinh, ở trong bốn mươi chin (49) ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho” (Kinh Địa Tạng đã dẫn, tr 111).
 
Hay: “Hàng thân quyến của người lâm chung đó, nên phải sắm sửa làm sự cúng dường lớn, tụng đọc Tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật và Bồ tát, tu tạo nhân duyên phước lành như thế, có thể cho người chết thoát khỏi chốn ác đạo, các thứ ma, quỷ, ác thần thảy đều phải lui tan cả hết”. (Kinh Địa Tạng dẫn, tr 127-128).
 
Lại nữa: 
 
“Như người nào sắp mạng chung , hàng thân quyến trong nhà nhẫn đến một người vì người bệnh sắp chết đó mà niệm lớn tiếng danh hiệu của một Đức Phật, thời người chết đó, trừ năm tội lớn vô gián, các nghiệp báo khác đều tiêu sạch cả.

“Năm tội lớn vô gián kia dẫu rất nặng nề đáng lẽ trải qua ức kiếp hẳn không ra khỏi đặng quả khổ, nhưng bởi lúc lâm chung, nhờ người khác vì đó mà xưng niệm danh hiệu của Phật cho nên những tội nặng đó cũng lần lần tiêu sạch.

Huống là chúng sinh tự mình xưng danh hiệu của chư Phật, người này đặng vô lượng phước lành, trừ diệt vô lượng khổ”. (Kinh Địa Tạng đã dẫn, tr 137-138).
 
Và Ngài Địa Tạng Bồ tát cũng bạch Đức Phật rằng:
 
“Vì lẽ trên đó, nên nay con đối trước Đức Phật Thế Tôn cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhân v.v…mà có lời khuyên bảo những chúng sinh trong cõi Diêm phù đề, ngày lâm chung, kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng dùng tế lễ Quỷ,Thần, cầu cúng ma quái.

“Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi”. (Kinh Địa Tạng đã dẫn, tr 106).
 
Và đề cập về việc thân nhân của người quá cố không những không thực hiện Thiện pháp mà lại vi phạm giới sát, Ngài Địa Tạng ( tức Bồ- tát cai quản cõi u minh) còn dẫn dụ và giảng giải rằng:
 
“Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm!

Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề”. (Kinh Địa Tạng đã dẫn tr 107).
 
Qua kinh Địa Tạng nêu trên, cho ta thấy: “Thế giới cõi âm” chỉ là thời gian kéo dài “Thân trung ấm” (theo giáo lý đạo Phật thì Thân trung ấm này là hình bóng nhưng chứa điện từ âm-dương), nhưng do vì sự lưu luyến, yêu mến dính mắc quyến thuộc hay những gì mình chưa thể xa lìa hoặc kết tụ những thù hằn, oán trược mà mình chưa xóa được, hoặc giả vì quá “yêu cuộc đời và thân xác” này, nên Thân trung ấm đó chưa muốn rời hoặc không thể rời…để đi tìm một thân xác khác tái sinh mà giáo lý đạo Phật gọi là chưa giải thoát giới.
 
Như vậy những điều nêu trên trong bài viết này, cũng như những lời kinh Địa Tạng đã dẫn cho ta thấy người chết hằng tồn tại trong cõi âm. Có điều chúng ta còn phàm tình nên không có trực giác tâm linh khai mở để nhìn thấy họ như những đạo sư đắc đạo. Song chúng ta cần phải có lòng tin, đức tin vào giáo lý đạo Phật để vận dụng chánh pháp phát nguyện, sám hối và hồi hướng cho những người cõi âm. Có như vậy, mới thay đổi đươc hoàn cảnh tốt đẹp từ hai phía.
 
Thế giới cõi âm, đây là vấn đề lớn thuộc phạm trù duy thức “mềm” khó kiến giải. Do phạm vi bài viết cũng như với kiến thức còn nông cạn, mà người viết chỉ nương vào giáo lý của đạo Phật để kiến giải đôi nét. Nhân chủ đề này, cũng xin được nói thêm đôi điều liên quan đến vấn đề cõi âm, đó là các “nhà” ngoại cảm, bởi có người đặt câu hỏi? Tại sao có nhiều người chẳng tu chứng gì cà, nhưng sau một cú “sốc” bệnh… họ có khả năng tiếp thông được với người âm. Theo giáo lý đức Phật và khoa Cận tâm lý cũng như khoa học hiện đại ngày nay cho rằng: Khi con người bị xung chấn bởi một tai nạn “vượt độ” nào đó như bệnh dại cắn, tai nạn vì đuối nước hay ngã cây, hoặc do các tai nạn bất thường “thập tử nhất sinh”, thì bỗng nhiên tần số âm dương của người đó thay đổi. Theo đạo Phật, trong mỗi con người đều có điện từ âm dương lưu xuất khắp châu thân. Bỗng nhiên gặp tai chướng bất thường nào đó thì tần số “Âm” ấy thay đổi, tỷ dụ như người sau tai nạn bỗng nhiên tiếp thông được với cõi âm tức tần số âm của người đó ngang bằng với cõi âm đó, nên có hiện tượng nêu trên. Trong thực tế người viêt bài này cũng như không ít người đã gặp hiện tượng như vậy. Điển hình như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng mà báo chí đã nói tới. Song, theo giáo lý đạo Phật thì đây cũng chỉ là nghiệp  (thời gian ngoại cảm này chỉ là giai đoạn). Còn điện từ âm dương nói tới trong giáo lý đạo Phật đối với con người thì khác xa với điện từ âm dương cơ học. Bởi khi con người có tu thì nguyện lực và năng lượng âm dương của người tu tương ưng với năng lượng vi diệu của các cõi giới vãng sinh. Đơn cử như người tu tạo phước thiện ( tức phước đức Dương) lớn ‘vượt trội’ cộng với nguyện lực huân tập tu trì, thì tần số Dương tương ưng ở cảnh giới nào của 33 cõi Trời, thì năng lượng và lực hút nghiệp vãng sinh sẽ về nơi đó.  Còn phước đức âm cũng tùy theo cảnh giới và nghiệp của họ tạo ra mà thọ sinh. Ngược lại nếu tạo ác đức, tức ác nghiệp thì chắc chắn phải đọa lạc Tam đồ khổ (tức cõi âm thấp hơn).
 
Vậy, đức Phật mới có lời dụ: “Cây nghiêng bên nào thì khi hạ sẽ đổ về bên ấy”. Thực tế, nếu người tu Tịnh độ thì nguyện lực sẽ đưa nghiệp vãng sinh về 6 cõi nước Tịnh độ như kinh điển đã đề cập, trong đó có cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà ở phía Tây. Như vậy ta thấy Phước đức âm và Phước đức dương được luận giải trong giáo lý đạo Phật rất tương đồng với kiến giải khoa học của Vật lý lượng tử hiện đại ngày nay. 
 
Thay lời kết 
 
Thực tế cho thấy, nếu chúng ta am hiểu đôi chút căn bản về giáo lý đạo Phật, trong đó có giáo lý pháp giới duyên sinh thì vấn đề sinh tử ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Bởi điều đó diễn ra đều theo quy luật. Nhưng vì thời gian thật dài (nhiều thế kỷ) do hỗn hợp nhiều thuyết giáo (Nho, Phật, Đạo) trong đó Nho giáo rất bi ai, nặng nề về chuyện sinh tử, nên vấn đề (sống chết, thọ yểu) lâu ngày đã nhuốm mầu “mê tín dị đoan” đó là nguyên nhân gây nên các phiền não chướng mà Đức Phật cho đây là những điều “nguy hiểm” như đã đề cập ở phần trên của bài viết này.
 
Đạo Phật là đạo Trí tuệ, đưa con người vượt thoát khổ đau được coi là rất ưu việt, nhưng vì giáo lý sâu mầu vượt quá sự tầm thường của con người, nên người đời khó tin theo. Chính vì điều này mà nhiều khi Phật giáo bị hiểu lầm là (yếm ly) tức xa hiện thực đời sống. Song, trên thực tế Giáo lý Đức Phật dạy, chúng ta cần phải hiểu và áp dụng ở nhiều cấp độ: Ai theo lộ trình giải thoát rốt ráo tu để thành Phật thì có giáo lý Phật thừa; ai tu để trở thành chân nhân, thánh nhân, thì có các thừa “nhân, thiên”. Phật dạy nếu chúng ta không đủ cơ duyên theo được các Thừa cao nói trên, thì tu theo nhân thừa để làm Người tốt cũng rất đáng quý, miễn sao đừng phải đọa lạc vào tam đồ khổ. Vậy, Đức Phật đâu có bắt buộc ai, Ngài chỉ là “Người” chỉ đường, tùy căn cơ, trình độ cao thấp của mỗi người mà nương theo pháp môn Ngài dạy để mà tu sửa…giác ngộ ‘giải thoát’, hay gọi đơn giản là ‘hóa giải’ từng phần xấu ác trong đời sống, hướng tới Giải thoát rốt ráo toàn triệt.
 
Vậy, bài viết nhỏ này, nội dung chỉ nêu ra hai vấn đề: Đó là làm sao chúng ta hiểu được đâu là tín ngưỡng dân gian thần quyền; đâu là giáo lý đức Phật dạy về sinh tử, luân hồi và nhân quả. Để hiểu đươc điều căn bản này, thì ta phải học giáo lý Phật dạy thôi. Khi hiểu rõ ràng, mach lạc thì hành sự, tức nhìn nhận sự việc sẽ không bị sai lầm và đươc an vui hạnh phúc.
 
Với lòng bi mẫn, Phật và Bồ- tát dạy chúng ta Chính pháp, thì ta  cũng phải y vào Pháp để áp dụng vào đời sống của chính mình, gia đình mình và cộng đồng xã hội. Khi thoát ra được những điều “mê mị” của tín ngưỡng thần quyền vây bọc, thì chắc chắn chúng ta sẽ được giải thoát. Muốn vậy, ngay từ bây giờ ta phải tìm hiểu giáo lý đức Phật để có đủ lòng tin, đức tin ở giáo lý này, nếu chúng ta không muốn để ma mị lợi dụng lừa phỉnh.
 
Nương vào ngọn lửa Vi diệu chánh pháp, và cũng “mồi” từ ngọn lửa chánh pháp này, chúng ta tự đốt đuốc soi đường trên lộ trình tu Phật. Với lòng thương tưởng đến mọi chúng sinh của Phật và Bồ-tát các Ngài luôn biết chúng ta còn vô minh và phiền não chướng, nên các Ngài không nói điều gì nửa vời, và đùa rỡn với niềm tin của chúng sinh ở bất kỳ cõi giới nào. Để kết thúc bài viết này, xin được dẫn lời cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập diệt nói với các Đệ tử, và cũng như nói với tất cả chúng ta được trích dẫn dưới đây:
 
“Này các môn đệ của Ta, giây phút cuối cùng của ta đã đến, tuy vậy các con phải hiểu rằng cái chết chỉ là sự tan rã của xác thân vật chất mà thôi. Thân xác được cha mẹ sinh ra, nó lớn lên nhờ thức ăn, thức uống và hơi thở, nó không có cách gì tránh khỏi bệnh tật và cái chết…thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí tuệ của Giác ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của đạo Pháp.
 
“Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm thầy cho các con. Biết noi theo đạo pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với Ta. Trong Bốn mươi lăm năm (45) sau cùng trong cuộc đời giáo hóa của ta, Ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào ẩn ý. Tất cả những lời giảng của Ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch”.
 
Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh
* Chú thích: 
(1) Diêm Phù Đề: là nơi trái đất này, chúng ta đang sống.
(2)  Trung ấm thân: theo ngôn ngữ giáo lý nhà Phật thần thức, tín ngưỡng dân gian gọi là hồn, vong của người chết.
Tài liệu tham khảo:
-Kinh Địa Tạng – HT Thích Trí Tịnh dịch, (chùa Pháp Bảo ấn tồng năm 1994).
-Môi ngày trầm tư về sinh tử- Sogyal Rinpoche - (Nxb Tôn giáo 2006)
-9 yếu tố phát triển thiền quán –Tỳ kheo (Thiện Minh dịch-Nxb-Tp- HCM 2000).
Bài: Chết và tái sinh (Death và Rebirth - Thích Nguyên Tạng dịch. Nxb- TG 2007)
Bái: Yếu chỉ Phật pháp- Cố Thiền sư Duy Lực (PGVN) phatgiao.org.vn20/04/2017).
Bài: Những lời dạy cuối cùng của đức Phật- Khôi Trân- Báo Điện tử (ĐPNN) 28/07/2013.
Bài: Cõi âm: Nguyên Thảo - (ĐPNN) – Ngày 13/07/2011 ).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm