Thế nào phước hữu lậu và phước vô lậu?
Phước là những hành động đem lại sự an vui cho mình, cho người ở hiện tại và mai kia. Làm phước có hai thứ: Phước hữu lậu và phước vô lậu.
Người làm phước cũng gọi là người lành, người tốt. Bởi vì những hành động đem lại sự an vui cho người, người sẽ quí mến. Chính sự quí mến ấy nên gặp nhau vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ nhau.
Chúng ta giúp đỡ hoặc an ủi khiến người được an vui, người thù đáp lại chúng ta bằng cử chỉ biết ơn vui vẻ quí mến, đó là làm phước gặp phước.
Vì thế người biết làm phước hiện tại được an vui, mai sau vẫn an vui.
Làm phước có hai thứ: Phước hữu lậu và phước vô lậu.
1. Phước hữu lậu.
Làm cho mình cho người an vui tương đối trong vòng sanh tử là phước hữu lậu.
Do ba nghiệp chúng ta hoạt động đem lại sự an vui cho người, chính hành vi ấy là sanh diệt giới hạn, còn trong vòng sanh tử hiện tại cũng như mai sau.
Chúng ta phải nỗ lực tạo điều kiện cho mình và mọi người thường được an vui.
Muốn thực hiện được việc đó, ngay nơi ba nghiệp chúng ta phải ứng dụng các điều này:
1. Về thân.
a. Cứu mạng:
Chúng ta phải sẵn sàng cứu giúp bảo vệ sanh mạng người.
Nếu người gặp tai nạn sắp mất mạng, theo khả năng mình, chúng ta tận tâm cứu giúp.
Giải cứu cho người thoát chết, hoặc ngừa đón những sự việc có thể làm nguy hiểm đến sanh mạng người, đó là việc làm phước của thân.
Bởi vì sanh mạng đối với con người là tối thượng, cho nên ai giải cứu khỏi chết, là an vui và biết ơn vô kể.
b. Bố thí:
Kế đến, sẵn sàng cứu giúp người khi gặp cảnh cơ hàn nguy khốn. Nỗi khổ đói rét cũng đe dọa đến sanh mạng, người đang lâm vào cảnh khổ này, nếu được cứu giúp, họ cũng vui mừng vô hạn.
Chúng ta muốn được an vui thì phải sẵn sàng mang sự an vui bủa khắp mọi người, đó là nền tảng phước đức.
Hạnh phúc không phải đến riêng với chúng ta, mà do sự thù đáp từ hạnh phúc của mọi người mang lại.
Chúng ta đừng dại khờ cứ bo bo giữ lấy tài sản vô thường làm của riêng mình, cần phải ban bố cho những người đang thiết tha cần nó.
Những cái vô thường mà cứ giữ, có ngày sẽ khổ đau khi nó không còn ở trong tầm tay mình nữa.
Mượn của cải vô thường làm phương tiện an vui cho người, nguồn an vui ấy sẽ trở về với chúng ta một cách bền vững lâu dài.
c. Trinh bạch:
Cần phải giữ hạnh trung thành trinh bạch. Người biết đạo lý đã không dám xâm phạm đến danh giá và hạnh phúc của gia đình người, còn phải trung thành trinh bạch với gia đình mình.
Tinh thần trung trinh ấy giúp cho người trong gia đình tín cẩn lẫn nhau.
Do sự tín cẩn nhau nên trong gia đình được sự an ổn vui tươi.
Trong gia đình đã thế, chúng ta cần nhắc nhở chỉ dạy cho mọi người chung quanh đều tập hạnh trung trinh này.
Ðược thế, sự an vui không những chỉ ở trong phạm vi gia đình, mà tràn lẫn đến xã hội.
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
2. Về miệng.
Tu phước ở miệng phải tập bốn điều này:
a. Nói chân thật:
Nói chân thật để đem lại niềm tin tưởng an ổn cho người.
Bất cứ ở trường hợp nào, chúng ta cũng cố gắng nói lên những lẽ thật.
Luôn luôn tôn trọng và yêu chuộng lẽ thật, cho nên phát ngôn lúc nào cũng hợp với sự thật. Chân thật là nguồn gốc tin yêu nhau, do đó mọi sự mến thương được bền bỉ.
b. Nói đúng lý:
Nói đúng lý để giúp mọi người nhận được lẽ chánh. Trong cuộc sống phức tạp này khiến mọi người khó tìm được con đường chánh.
Cho nên chúng ta cố gắng nói ra lời đúng lý, hầu làm sáng tỏ mọi chỗ ngờ vực của người.
Sống đúng, nói đúng, thật là sự hi hữu trong cuộc đời hỗn độn hiện nay.
Chúng ta mãi tôn trọng câu “mặc người phi pháp, chúng ta vẫn giữ đúng pháp”.
c. Nói hòa thuận:
Nói hòa thuận để đem lại tình đoàn kết cho mọi người. Tất cả việc làm phân ly chia rẽ đều là tạo nên thống khổ cho con người.
Chúng ta đã không làm thế, mà luôn luôn dùng lời hòa thuận để hàn gắn lại những mối tình đã rạn nứt.
Ngôn ngữ chúng ta phát ra đều đem lại tình thương gắn bó cho mọi người.
Thấy đâu có sự rạn nứt, có mầm tan rã, chúng ta đều nỗ lực dùng lời hòa thuận là chất keo hàn gắn lại. Tận dụng ngôn ngữ mình để đem lại tình đoàn kết an vui cho nhân loại.
d. Nói nhã nhặn:
Nói nhã nhặn để đem lại sự ôn hòa vui vẻ cho người.
Mọi sự căm phẫn, bực tức đều làm cho người đau khổ.
Chúng ta tập nói nhã nhặn là làm dịu mọi sự bực dọc của người.
Lời nói nhã nhặn khiến người dễ mến và vui vẻ.
Trọn đời chúng ta đem lại sự an vui cho chúng sanh, không có lý do nào lại dùng lời thô ác.
Chúng ta phải thực hiện lời nhã nhặn mãi mãi với mọi người.
3. Về ý
Chúng ta phải tập từ bi, nhẫn nhục và chánh kiến. Mang lại tình thương cho chúng sanh là tiêu diệt mầm tham lam độc ác.
Nỗi khổ của chúng sanh ngập trời đều do lòng tham ác của con người tạo nên.
Chúng ta tận lực gây dựng tình thương để giảm thiểu đau khổ cho chúng sanh.
Tập lòng nhẫn nhục để chịu đựng mọi cảnh ngang trái mà không sanh sân hận.
Có nhẫn nhục được, chúng ta mới giữ được tình thương lâu dài với chúng sanh.
Chánh kiến là nhận định đúng đắn, đưa chúng ta đi đúng hướng, sáng suốt vui tươi.
Do chánh kiến mới có nói đúng, làm đúng.
Ba nghiệp tạo phước, chánh kiến là đội binh tiên phong.
Tóm lại, ba nghiệp làm mười điều trên là tu phước hữu lậu.
Phước này khiến chúng ta qua lại trên con đường an vui tươi đẹp.
Mặc dù còn tương đối sanh tử, song đến đâu cũng là hài lòng mãn ý.
B. Phước vô lậu.
Phước vô lậu là sự an vui tuyệt đối không giới hạn. Do thoát ly sanh tử nên an vui miên viễn. Bởi sự an vui nào mà còn sanh tử đều tạm bợ đối đãi.
Chỉ có tiêu diệt hết mầm sanh tử, an trụ vô sanh, mới là an vui viên mãn.
Tu phước vô lậu là chúng ta nhắm hướng vô sanh làm mục đích, hàng ngày buông xả cái chủ động sanh diệt và dùng trí thấy rõ các tướng giả dối sanh diệt, không lầm, không kẹt nó.
Cứ thế tiến mãi, cho đến bao giờ viên mãn mới thôi. Mình làm như vậy, chỉ dạy người làm như vậy là tu phước vô lậu.
Trích trong: Tội Phước.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phải nhớ chí nguyện để tinh tấn tu hành
Phật giáo thường thức 20:03 02/01/2025Triệt Ngộ đại sư, một bậc thạc đức suốt thông cả Giáo lẫn Tông, đã đưa ra mười sáu chữ, có thể gọi là cương yếu của môn Tịnh Độ. Mười sáu chữ ấy như sau: "Vì sự sanh tử, phát lòng Bồ Ðề, lấy tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật."
Việc phát nguyện mong cầu sanh về Cực Lạc là do ai dạy?
Phật giáo thường thức 20:00 02/01/2025Có vị cư sĩ lên Tịnh thất chùa Vạn Đức gặp tôi thưa hỏi: Trong pháp môn niệm Phật nguyện cầu sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A-mi-đà, như vậy là còn mong cầu và có chỗ đến. Vậy theo giáo lý của Phật không phù hợp. Hòa thượng nghĩ sao về việc này?
Ngày Đức Phật thành đạo có ý nghĩa gì đối với nhân loại?
Phật giáo thường thức 14:45 02/01/2025Vào những ngày cuối Đông, tiết trời se lạnh, cũng là lúc trong lòng mỗi người con Phật hân hoan đón mừng một sự kiện lịch sử trọng đại, ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, từ đó mở ra cho chúng sanh một con đường thoát khổ.
Phước báu của tâm trong sạch dâng y?
Phật giáo thường thức 14:12 02/01/2025Hỏi: Thí chủ có tâm trong sạch dâng y Kathina đến chư Tăng thì sẽ được phước báu như thế nào?
Xem thêm