Thiền để huấn luyện tâm
TS Nguyễn Mạnh Hùng quyết đi theo con đường tu tập bởi đó là cả một hành trình dài đế đến được với Hạnh phúc trong từng nhịp thờ cuộc đời. Cuộc trò chuyện với ông về sức mạnh vi diệu của Thiền, về bản chất cùa Hạnh phúc và cách đón nhận những giá trị hiện sinh mà đời sống mang lại.
PV: Thưa tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, cơ duyên nào dẫn ông đến với Thiền và con đường tu tập đó đã kéo dài bao nhiêu năm?
- Tôi rất thích thiền. Không hiểu sao lại thích thiền đến thế. Từ nhỏ, ở đâu nghe nói có thiền là mon men đến xin tham gia. Tôi không bao giờ quên lần đi thiền đầu tiên: Thấy mọi người ngồi thiền im phăng phắc, tôi xin vào. Thầy bảo: "Vào đi. Ngồi xuống. Nhắm mắt lại", tôi làm theo. Thỉnh thoảng lại ti hí mở ra quan sát mọi người. Thấy tất thảy đều im phăng phắc. Sau khi thiền xong, tôi kết luận: Thiền là ngồi im, nhắm mắt. Đấy, kỷ niệm đầu đời về thiền ấu trĩ đến thế đấy!
Rồi, đọc nhiều sách về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, tôi tìm đến sách về thiền với các dạng ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nga, Việt để tìm hiểu và có kiến thức về thiền.
Sau này, may mắn thay, tôi được các thầy nổi tiếng nhất Việt Nam và thế giới trực tiếp hướng dẫn thiền. Đó là thầy Thích Viên Thành, Thích Thanh Từ, Thích Minh Châu, Thích Nhất Hạnh, Michael Roach, Ashin Tejaniya, Tenzin Oedok, Thích Huyền Diệu, Thích Thông Lạc… Nhưng nói thật, tôi thật sự thiền mới từ 2005, tức cách đây mới có 12, 13 năm thôi.
Thú vị với phương pháp diễn giảng của TS. Nguyễn Mạnh Hùng
PV: Khi đến với Thiền, ông đã "nhận" được những gì?
- Nói thì buồn cười, nhưng bạn đầu do ảnh hưởng từ một số cuốn sách, tôi muốn thiền để có thần thông. Ngày xưa mê thần thông lắm. Thế đấy! Nhưng kết quả nhận được thì hoàn toàn khác. Thiền Phật giáo mà tôi thực hành cho mình từng bước đối trị với tham lam, sợ hãi, lo âu, đồng thời cũng cho mình thực hành hạnh kiên nhẫn, có trí tuệ và vị tha. Thiền giúp tôi hiểu rõ hơn sự sống và cái chết, nhất là cái chết, bởi nếu chưa hiểu rõ cái chết thì cuộc sống có quá nhiều rối rắm và phiền não.
Thiền giúp tôi tỉnh thức trước trạng thái phiền não và luôn nhắc tôi tỉnh thức trước những khó khăn, đau khổ, và để học hỏi chính mình, chính từ tâm mình, từ bên trong bản thể của mình.
Nhờ thiền, tôi giật mình nhận ra bản chất vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của đời sống. Bởi thấy và nhận ra 3 đặc tính này đời sống của tôi thật sự bình an. Từ đó mới ngấm và cảm nhận rõ thế nào thật sự là hạnh phúc, là tự do. Hạnh phúc là ung dung trong ràng buộc. Tự do là tự tại trong khổ đau.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi!”
Thiền giúp tôi giảm bớt yêu ghét, giận hờn, so sánh kiểu ta hơn - ta kém - ta bằng. Thiền cho tôi bớt đi tư duy ta và của ta. Nhờ thiền mà tôi luôn nhắc mình sống trong giới luật, không vi phạm các quy định, pháp luật và sống có đạo đức, theo nhân bản - nhân quả . Chỉ có thiền mới giúp tôi quay vào bên trong, khám phá bên trong mình, tâm mình với một thế giới mênh mông và vi diệu, bớt lang thang với ngoại cảnh bên ngoài.
Bạn biết không, khi hành thiền, như mang từng sự vật vào phòng thí nghiệm để hiểu rõ thực chất bản chất của chúng. Hiểu ra thì thú vị vô cùng! Y hệt như tính cách của tôi – thích đi khám phá, đi du lịch. Trong hàng trăm xứ sở của hơn 40 quốc gia tôi đã đến lúc đầu xa lạ, không hiểu ngôn ngữ và phong tục nên chẳng thấy thú vị. Nhưng khi đã nghiên cứu, hiểu rõ thì khoái vô cùng. Mỗi phút giây là bao niềm hạnh phúc - niềm hạnh phúc nhẹ nhàng, êm ái ngấm sâu không thể tả được.
Nhờ có thực hành thiền hơn chục năm qua, tôi hiểu sâu sắc hơn về tứ đại: đất - nước - lửa – gió; về ngũ uẩn: sắc - thọ - tưởng – hành - thức. Từ đó dần dần thấy rõ bản chất và cách buông bỏ chúng, bớt dính mắc vào chúng, không xem chúng là ta hay của ta. Bạn biết không, khi biết rõ bản chất thì chúng không còn tiềm năng làm hại ta, khó có thể làm cho ta phiền não và đau khổ. Chúng không biến mất nhưng chúng không còn nắm giữ ta nữa và ta thấy tự tại, an nhiên.
TS Nguyễn Mạnh Hùng giao lưu với 300 thiền sinh trẻ tại khóa tu An Lạc lần thứ 8
PV: Hơn chục năm hành thiền, điều ông luôn nhắc nhở bản thân là gì? Duy trì kỉ luật thói quen hành thiền hẳn không dễ dàng?
Hơn chục năm hành thiền, tôi luôn nhắc mình đối diện với phiền não, không nuôi dưỡng thói quen cũ. Tôi nhận ra rằng, nơi nào có bất hòa và khó khăn, nơi đó có chỗ để hành thiền. Nhưng bạn nhớ rằng Thiền đòi hỏi quyết tâm và kỷ luật cao.
Nhờ có Thiền, tôi thực hành các hạnh nhẫn nhịn và khiêm cung khá tốt. Nhờ có Thiền tâm luyến ái và tham lam vô độ giảm hẳn. Nhờ thiền mà cách sống giản dị, thiểu dục tri túc đến lúc nào không hay. Cứ thiền thôi và hương vị của bình an, giải thoát dần đến. Giác ngộ từng phần, từng bước giải thoát khỏi khổ đau, phiền não.
Nhưng đấy là kết quả bước sau. Còn ban đầu, khi hành thiền mọi sự mệt mỏi, chán nản biến mất. Dù mệt mấy chăng nữa, cứ thiền ít phút là hết mệt ngay.
Như bản thân tôi, ngày xưa, tôi có nhiều bệnh tật lắm, thậm chí vài lần chết hụt rồi. Năm 2000 ở Sydney (Úc), bác sĩ đã khám kết luận tôi bị tiểu đường, mỡ máu, men gan và chỉ định bắt buộc phải uống thuốc. Nhưng thực tế, nhờ thiền mà bao năm nay chẳng thuốc men gì, tôi vẫn khỏe re. Thêm nữa, thiền cho ra rất nhiều ý tưởng. Ngày xưa, cứ tọa thiền là tôi mang theo sổ và bút. Ngồi thiền, ý tưởng mới và lạ cứ thế tuôn ra. Ghi lại và triển khai. Lúc đó tôi mới hiểu tại sao Bill Gates, Steve Jobs… lại sang Ấn Độ học thiền; tại sao tập đoàn Google tại có phong trào thiền cho cả tập đoàn.
Cư sĩ. TS Nguyễn Mạnh Hùng: "Làm gì mà lợi cho mình, cho người cho xã hội thì làm"
Và cuối cùng, còn một ý nữa rằng thiền cho ta linh cảm – giác quan thứ 6. Rất nhiều khi tôi biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, cả tốt lẫn xấu. Sự linh cảm, tiền cảm này rất tốt và cần cho công việc, cuộc sống.
Một người thầy của tôi đã nhắc và bản thân tôi nhớ nằm lòng rằng đau khổ, phiền não chẳng khác gì con mèo. Nếu cho nó ăn, nó sẽ quanh quẩn quanh ta. Đừng cho nó ăn, nó sẽ không quấy rầy ta nữa. Vậy nên Thiền để huấn luyện tâm như huấn luyện một con mèo, một con trâu hay một con khỉ. Thú vị vô cùng nhé!
PV: Thiền để huấn luyện tâm như huấn luyện một con mèo, một con trâu, hay một con khỉ. Sự so sánh này thật thú vị và mới lạ, ông có thể giải thích rõ hơn một chút?
- Tâm ta rất ma lanh. Tâm ta thường lôi ta đi làm việc xấu, việc vô bổ theo tham, sân, si - giống như con trâu thường muốn xuống ăn mạ, ăn lúa, chứ ban đầu, con trâu đâu có biết kéo cày, kéo bừa. Ta phải huấn luyện nó dần dần chứ; tâm ta giống như con mèo chỉ muốn sà vào ăn vụng thịt, cá và thức ăn của con người; tâm ta cũng y hệt như con khỉ: trèo hết cành nọ sang cành kia – tâm ta suy nghĩ lung tung, hết chuyện quá khứ đến chuyện tương lai, hết chuyện hay lại chuyện dở, hết chuyện vui lại chuyện buồn, triền miên không ngừng nghỉ. Và thế ta đau khổ.
Người đang mang thai hành thiền được hay không?
Thiền để huấn luyện tâm như huấn luyện con khỉ - để tâm ta bớt nhảy nhót, tìm được trạng thái an bằng, tự tại. Như huấn luyện con trâu – để tâm ta bớt ăn mạ non, ăn lúa, chỉ ăn cỏ nghĩa là từ bỏ lòng tham, từ bỏ những thứ không thuộc về mình. Như huấn luyện con mèo – để tâm ta tĩnh lặng, sống có mục đích, như con mèo biết bắt chuột chứ không phải ăn vụng.
Huấn luyện tâm phải cần một quá trình. Có người thì mất vài tháng, có người mất vài năm, cũng có người mất cả chục năm hoặc thậm chí hơn.
Có học trò của tôi bảo "em không thiền được đâu. Ngồi thiền em hay nghĩ lung tung". Tôi chúc mừng bạn học trò này và nói rằng đó là tuyệt vời. Vấn đề là, ai cũng suy nghĩ lung tung, nhưng những ai không thiền thì không biết mình đang suy nghĩ lung tung. Khi thiền, biết mình suy nghĩ với tâm khỉ, tâm trâu, tâm mèo… thì cứ theo dõi và dần dần suy nghĩ lung tung bớt đi. Đến lúc tâm sẽ định và sẽ đạt được các tầng thiền.
Mới đây, cả thế giới dõi theo cuộc giải cứu ngoạn mục đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt ở hang Tham Luang. Có một chi tiết tôi nhớ mãi, là vị HLV trẻ tuổi khuyên các em, nằm xuống, thực hành thiền định, không di chuyển quá nhiều và cố gắng không lãng phí năng lượng. Đời sống tu tập đã giúp HLV vững chãi hơn trước cánh cửa sinh tử, qua đó trở thành chỗ dựa vững chắc cho 12 đứa trẻ trong thời gian đợi cứu hộ. Đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ cụ thể về sức mạnh to lớn của thiền trước những cam go của đời sống…
Bố thí, trì giới và hành thiền để thanh lọc thân tâm
Thiền là vi diệu. Nhưng bạn nhớ giúp rằng thiền có 2 loại là Thiền Định và Thiền Tuệ nhé. Nếu muốn nói về thiền nói chung thì chỉ dùng từ Thiền.
Có một ví dụ rằng khi ở nước ngoài, một lần, máy bay của tôi chuẩn bị hạ cánh thì phát hiện rằng càng máy bay không bung ra được. Phi công lái ngược lên trời để tìm cách hạ càng mà không được. Cuối cùng phi hành đoàn cùng lãnh đạo sân bay quyết định cho máy bay bay hết xăng để tránh cháy nổ. Đường băng được phun bọt trơn trượt. Máy bay của chúng tôi hạ cánh bằng bụng. Ở dưới, nhiều xe cứu thương cứu hỏa đợi sẵn. Rõ ràng vào tình huống sinh – tử đó, nhiều hành khách rất lo sợ và hoảng loạn. Tôi cũng hơi lo nhưng khá bình tĩnh. Thay vì để phiền não xâm chiếm tâm thì tôi thư giãn ngồi thiền. Khi máy bay hạ cánh an toàn, gần chục hành khách bị ngất đã phải đưa đi cấp cứu. Đó chỉ là một ví dụ trong nhiều ví dụ thôi.
Tôi hay đi công tác trong và ngoài nước. Chuyện lỡ mãy bay là thường tình. Chuyện xếp hàng check in, lên máy bay, xuống mãy bay là thường xuyên. Đây là cơ hội ngàn vàng để hành thiền, thiền tọa, thiền hành, thiền đứng, thiền nằm… Nhiều khi thiền nằm ở sân bay ngon lành, đỡ phải đi thuê khách sạn, mà rất hạnh phúc và thảnh thơi.
Một ý nữa rằng những ai hành thiền thực sự thì ăn ít, ngủ ít, và thường có xu hướng ăn chay. Vậy nên mình ăn cái gì cũng ngon, uống cái gì cũng ngọt, ngủ ở đâu và lúc nào cũng say. Thế đấy!
PV: Thiền giúp chúng ta kiểm soát tốt cảm xúc, thái độ trước các vấn đề nhạy cảm của đời sống, nhưng liệu có khiến chúng ta không dám đối diện với cảm xúc thật của mình không, thưa ông?
- Thiền là sống thật với mình nhất. Thiền là đối diện với tâm của mình. Lúc thiền bạn không còn quan tâm nhiều đến thế giới bên ngoài nữa mà quay vào bên trong. Do 6 căn là: "mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý" tiếp xúc với 6 trần là: "sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp" mà tạo nên 6 cảm giác. Khi hành thiền ta quan sát 6 loại cảm giác này. Bất cứ cảm giác nào nổi trội nhất hiện lên, ta nhận ra rõ nhất; các tâm tham, sân, si nổi lên rõ mồn một. cảm xúc thật, rất thật hiện lên. Nhưng thay vì phán xét, thay vì chạy theo các cảm xúc này, ta theo dõi, chỉ quan sát và theo dõi các cảm giác mà thôi. Nó đến và nó đi. Vô thường. Theo dõi và tiếp tục theo dõi 6 loại cảm giác này để trí tuệ phát triển một cách tự nhiên.
Gieo trồng hạnh phúc bằng hành thiền
PV: "Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng, Thiền sẽ là "quá sớm" so với tuổi đời 20-25. Thiền chỉ dành cho các bà, các mẹ, các bác thuộc lứa tuổi trung niên. Suy nghĩ ấy không phải không có lý do…
- Nhầm! Thiền càng sớm càng tốt. Tôi đã hướng dẫn các lớp thiền cho các cháu mầm non, các cháu tiểu học, hoặc các bạn trẻ đang học phổ thông ở khắp mọi miền đất nước. Ngay khóa thiền tôi hướng dẫn đầu tháng 8 tới ở chùa Quán Âm Đà Nẵng, có rất nhiều bạn trẻ tham gia. Tôi còn khuyến khích các bà mẹ có bầu đi thiền. Như vậy em bé từ trong bụng mẹ đã được học thiền, hành thiền. Cái này là thai giáo tuyệt vời.
Theo kinh nghiệm thật của tôi, học bất cứ cái gì, càng trẻ càng tốt, càng sớm càng tốt. Nếu trên 50 tuổi mới học thiền thì rất khó. Lúc này tâm chứa quá nhiều "rác", các tập khí xấu chứa đầy tâm, thiền rất khó định nhé. Hãy nhớ rằng, khi hành thiền có 4 tầng định là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Nếu bắt đầu hành thiền thì càng dễ định. Chứng ở các tầng thiền là một chuyện có có trú được lâu hay không lại là chuyện khác.
Với những bạn muốn học thiền, cần tìm đến các thiền sư nổi tiếng hoặc các thầy giáo dạy thiền có thực chứng, Thực chứng tức là họ đã thiền lâu rồi và có các kết quả thực tế, kết quả thật của chính họ, tránh đi học lớp thiền mà thầy giáo dạy thiền là người chỉ đọc sách, nghe băng, xem clip về thiền và đi dạy mà chẳng có thực chứng gì cả.
Cuộc sống này thật nhiều bất ổn, mỗi ngày, bao sự việc buồn bã, đau lòng đập vào mắt, vào tai. Thú thực, đã có lúc tôi đã bi quan cho rằng đời sống này thiếu thật nhiều tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Nếu thiền đi sâu hơn, nhân rộng hơn vào đời sống, thêm nhiều người giác ngộ và hướng theo, có lẽ chúng ta sẽ không phải nghe quá nhiều tiếng oán than, mỏi mệt.
Mục đích cao nhất của thiền là làm cho tâm thanh tịnh và an lạc rồi dùng tâm này để quan sát bản chất thật của thân và tâm. Nếu ai đó chỉ muốn hành thiền để đạt tới định tâm mà không đi tiếp phần 2 của thiền là thiền quán thì mởi chỉ như lấy 1 tảng đá đè lên đám cỏ. Nhấc tảng đá đi, cỏ vẫn còn. Hay giống như ta lấy cái chậu úp lên đống rác. Nhấc cái chậu đi thì rác vẫn còn đấy. Khi định tâm ở các tầng thiền rồi cần nhắc mình không bị lạc vào trạng thái an tinhh mà chú tâm quan sát sâu sắc bản chất của thân và tâm.
Cuộc sống càng bất ổn, càng nhiều hiểm họa ta càng cần thiền. Thiền có năng lượng chuyển hóa rất lớn. Khi thấy những gì đang xảy ra, dù rất tiêu cực ta hành thiền và với tâm an nhiên, không dính mắc, với chánh kiến về vô thường, vô ngã và trống rỗng tự an lạc sẽ xuất hiện. Bạn không thể thay đổi được thế giới này. Bạn khó có thể thay đổi được ngoại cảnh. Vậy nên phải thiền. Thiền để thay đổi tâm, tâm của chính bạn.
Năm chướng ngại trong khi hành thiền
Với những người mới bắt đầu hành thiền nên tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh và nên hành thiền đều đặn, hàng ngày. Tốt nhất là hành thiền đầu giờ sáng, ngày mới để có bình an cho cả ngày. Sau này, khi có thói quen thiền tốt rồi thì các bạn có thể thiền ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, và thiền trong 4 tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi. Lúc này ta gọi là chánh niệm trong mọi hoàn cảnh.
Bạn biết không, có người giác ngộ bằn văn tuệ tức là chỉ cần nghe giảng hoặc đọc kinh sách mà giác ngộ và giải thoát khỏi khổ đau. Bản chất mọi giáo lý là nhắm dạy cho ta xả bỏ mọi vật, để mọi vật như là vậy. Nghe giảng hay đọc sách, kinh để thực hành hạnh xả bỏ, bỏ cái tâm tham cầu của mình đi. Cuối cùng không còn tự ngã nữa và hết khổ. Nhưng có những người khác giác ngộ bằng thiền. Từ thiền định sẽ tiến vào thiền tuệ để giải thoát.
Chúng ta là cư sĩ tại gia, còn có gia đình, còn công ăn việc làm và bao mối quan tâm khác. Chúng ta chưa thể bỏ tất cả để thiền cả ngày đêm. Tuy nhiên, tôi khuyên các bạn – những người đang đọc những dòng chữ này hành thiền mỗi ngày. Dú ít hay nhiều, dài hay ngắn nhưng nhất định nên hành thiền. Hành thiền bạn sẽ đi từ giật mình này đến giật mình khác, sẽ giác ngộ từng bước. Hành thiền bạn sẽ bớt khổ, bớt dần khổ tiến đến thoát khổ và hết khổ. Hành thiền, bạn có ngay bình an và hạnh phúc.
Và nhớ rằng, Hạnh phúc là con đường chứ ko phải đích đến. Hạnh phúc là ngay bây giờ và ở đây. Miễn là bạn dừng lại, quay về với hiện tại. Nếu bạn thực hành thiền mà tâm không dính mắc chấp thủ, chắc chắn bạn sẽ đổi đời.
Cảm ơn ông về những chia sẻ hữu ích này!
Theo: cafebiz.vn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm