Thứ sáu, 26/06/2020, 11:06 AM

Năm chướng ngại trong khi hành thiền

Năm thứ này thường hay hiện khởi làm cho các đề mục thiền quán bị tán loạn, phân tâm và khó chú tâm đưa đến tịnh chỉ, an trú trên các đề mục thiền.

Điều kiện để người niệm Phật cầu vãng sinh tịnh độ

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có thể hiểu ngũ triền cái là những chướng ngại về tâm. Triền là trói buộc. Trói buộc gì? Trói buộc chúng sanh trong khổ đau sanh tử luân hồi. Cái là che đậy, tức là vô minh che lấp bản tâm thanh tịnh, và trí tuệ sáng suốt. Năm triền cái là năm pháp làm trở ngại và che lấp tâm định. “Năm chướng ngại triền cái này, này các Tỷ-kheo, bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ” đó là tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối quá, và hoài nghi. Chúng được lưu ý vì đó là các chướng ngại cho thiền mà Đức Phật đã chỉ ra. Những phiền não này không chỉ chướng ngại cho sơ thiền mà còn là áp lực chính đối với nguyện vọng giải thoát giác ngộ của con người (1).

Chúng mang tên “triền cái” là vì chúng che án và bao phủ tâm, ngăn cản sự phát triển thiền ở cả hai lĩnh vực tịnh chỉ và tuệ giác. Về mặt kỹ thuật đối lập với thiền, chúng thường khá tinh tế trong hình thức: khi hành thiền đạt đến mức độ cuối cùng của sự đoạn tận các triền cái là đạt được quả vị A-la-hán. Khi đó chúng bị cắt đi như một ‘gốc cây cọ, vĩnh viễn không thể mọc lên lại được nữa. Vì lý do đó mà Đức Phật gọi năm triền cái là những “chướng ngại, ngăn che, làm uế nhiễm tâm, làm yếu trí tuệ” (2).

Hơn nữa, Ngài còn nói: “Năm triền cái, này chư Tỷ kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn” (3). Kinh điển và Vi diệu pháp (Abhidhamma) đều chỉ ra cho thấy triền cái gây nhiều khó khăn và chướng ngại có thể làm che mờ tâm trí ở các mức độ thực hành khác nhau. Tất cả đều liên quan đến khối tác nhân gây đau khổ cho con người.

Năm triền cái được ví như sự vẩn đục của hồ nước theo năm cách khác nhau: Triền cái đầu tiên là ‘tham dục’, ví như nước bị nhuộm màu, do đó nó không còn trong sạch tinh khiết; ‘sân hận’, như nước bị đun sôi trở nên hỗn loạn; hôn trầm - thụy miên, được ví như nước bị rong rêu bao phủ; trạo cử hối quá, như nước bị gió thổi làm tung tóe; và nghi ngờ, như bát nước được đặt trong bóng tối và làm rối loạn tâm (AN III, 229-36). Với việc loại trừ những trở ngại (triền cái) ấy, nước sẽ trong sạch tinh khiết trở lại.

Kinh tạng Nikāya còn phản ánh ý thức về sự hiện diện của những triền cái diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Một số bản kinh mô tả chúng hoạt động trong khi đi, đứng, nằm, ngồi; kể cả trong khi buôn bán, làm việc. Chúng tác động trực tiếp lên tâm ý và cơ thể. Chúng chi phối đến mọi hoạt động của con người làm nảy sinh ra những trạng thái tâm: chẳng hạn như không muốn làm những gì chúng ta đang làm, khởi lên những ham muốn cái gì khác, làm cho chúng ta trở nên bực bội, mệt mỏi, bồn chồn, hưng phấn và nghi ngờ tất cả những gì chúng ta đang làm. Một vòng tròn luẩn quẩn có nguyên nhân và điều kiện chi phối thân tâm chúng ta. Và nó được thấy rõ ràng nhất khi chúng ta thực hành thiền định.

Phương pháp thực hành thiền dễ nhất mang lại kết quả thù diệu

Nội dung của năm triền cái

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

1. Tham dục: Tâm sở tham dục có trạng thái ưa thích, đam mê, ham muốn, dính mắc sự khát khao ‘năm dục lạc’ làm cho tâm phân tán khó tập trung. Nó là một hình thức của phiền não gốc tham, đó là một cách biểu hiện của ái mà Đức Phật xác nhận là nhân sanh khổ. Quá ham muốn đắc định cũng là một trở ngại cho tâm định.

2. Sân hận: Tâm sở sân biểu thị sự ghét bỏ, trạng thái bất mãn, bất bình, không hài lòng đối với người hay vật, không vừa ý. Tầm mức của nó thay đổi từ sự bực mình nhẹ nhàng đến lòng oán hận thâm sâu. Sân làm cho tâm nóng nảy, khó hoan hỷ, an vui trong đề mục thiền định.

3. Hôn trầm - thụy miên: Đây là một chướng ngại kép. Hôn trầm là sự đình trệ, dã dượi của tâm. Thụy miên là trạng thái mơ màng, ngái ngủ của thân. Hai tâm sở này đồng một tính chất ươn hèn, nhu nhược và thụ động, khiến cho tâm không thể chú hướng vào đề mục thiền định được.

4. Trạo - hối: Tâm sở trạo cử có trạng thái phóng tâm, suy nghĩ vẩn vơ, nhất là về tương lai. Tâm sở hối quá có trạng thái nóng nảy, ray rứt, hối tiếc về những sai lầm hay tội lỗi đã làm trong quá khứ (tránh lầm lẫn với trạng thái ăn năn, hối cải thuộc tâm thiện). Hai tâm sở này đồng một tính chất tháo động, bồn chồn, bất an khiến cho tâm không an lạc trên đề mục thiền định. Ví dụ như khi đang cố gắng chú tâm được vài giây thì tâm đã trượt khỏi đề mục. Nếu do lười chán hay giải đãi mà không an lạc, đó là triền cái hôn trầm thụy miên, nếu do suy nghĩ vẩn vơ hay hối tiếc bứt rứt mà không an ổn thì đó là triền cái trạo hối.

5. Nghi: Đức Phật giải thích nghi ngờ là sự không chắc chắn chủ yếu và sự thiếu tín nhiệm đối với bốn hạng mục: Phật, Pháp, Tăng, và Giới. Ở những nơi khác, Ngài giải thích tâm sở nghi là nghi ngờ liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Do vậy, đoạn trừ được tâm sở này thì phải hiểu rõ định lý nguyên nhân và điều kiện. Tâm sở nghi có trạng thái lưỡng lự, phân vân, do dự, bất quyết. Tâm sở này làm cho tâm không đứng vững được trên đề mục thiền định.

Hôn trầm thụy miên là tâm sở có trạng thái thụ động, thiếu tinh tấn cho nên có mặt trong các tâm hữu trợ. Trạo hối và nghi là tâm sở có trạng thái dao động, làm cho tâm không sáng suốt, cho nên thay nhau có mặt trong hai tâm si.

Các triền cái tiêu biểu cho toàn bộ những trạng thái tâm ô nhiễm bao gồm ba bất thiện căn, tứ bộc, tứ kết, tứ lậu, tứ thủ, thập phiền não, thập kiết sử (4). Các triền cái được Đức Phật so sánh như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường đi qua sa mạc. Chúng che mắt con người khiến họ không thể thấy được lợi ích của bản thân mình, lợi ích của người khác hoặc lợi ích của cả hai.

Do ảnh hưởng của các triền cái, con người làm những điều lẽ ra họ không nên làm và xao lãng những bổn phận lẽ ra họ phải làm. Chúng làm uế nhiễm tâm, suy yếu trí tuệ, tác thành si ám, tác thành không mắt, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn5. Ví như vàng bị suy kém bởi năm tạp chất - sắt, đồng, chì, thiếc và bạc - “không mềm dẻo, không dễ dùng, không chói sáng, dễ bể vụn và không thể chạm trổ tinh xảo được”. Tâm cũng vậy, bị uế nhiễm bởi năm triền cái, “không nhu nhuyến, không dễ dùng, không chói sáng, cứng rắn và không thể định tâm chân chánh vào việc đoạn trừ các lậu hoặc” (6). Chính vì vậy mà Đức Phật nói về chúng: “Này các Tỷ-kheo, nếu ai nói một cách chân chánh về các triền cái, người ấy phải nói chúng là ‘một đống tâm bất thiện’, vì quả thực năm triền cái này là một đống tâm bất thiện hoàn toàn” (7).

Những hiểu nhầm về Thiền định

Hình ảnh tiêu cực của những triền cái

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhiều hình ảnh được sử dụng trong các kinh điển để mô tả những trở ngại hoặc chỉ hiệu lực và nguy hiểm của chúng. Trong kinh Tăng chi bộ, bản kinh Upakkilesa Sutta, Đức Phật đưa ra một ví dụ, so sánh năm triền cái giống như năm loại các tạp chất chứa trong vàng (8). Trong Āvaraṇa sutta, Ngài so sánh các triền cái giống như năm con đập được xây dựng trên một dòng sông, do vậy chúng sẽ làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn dòng chảy của nó (9). Và trong kinh Trung bộ, bản Đại kinh Xóm Ngựa, Ngài cảnh báo rằng: “Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình, quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc” (10).

Ham muốn nhục dục như các con nợ:

Triền cái đầu tiên là ham muốn đối với các đối tượng giác quan, đôi khi nó cũng được gọi là ‘sự khao khát thèm muốn với mọi thứ’. Tham dục là triền cái phổ biến nhất, sự biểu hiện của tham dục đối với sáu trần cảnh, cảm giác mơ mộng, hoặc bị phân tâm bởi một số kích thích tham muốn (đặc biệt là âm thanh và suy nghĩ). Trong kinh Tương ưng bộ (tập V, thiên Đại phẩm, chương Tương ưng Giác chi, phẩm Tổng nhiếp các Giác chi, đoạn kinh 55) bản kinh Saṅgārava mô tả tham dục như sự biểu hiện của một bát nước bị phản chiếu trên bề mặt của trộn với lắc, nghệ, thuốc nhuộm màu xanh lam, hoặc thuốc nhuộm đậm đặc (11).

Đức Phật ví sự tham dục như thể đi vay nợ. Các sự khoái lạc ta có qua năm căn đều phải trả lại qua các đau khổ về biệt ly, mất mát hoặc sự trống rỗng đói khát, vốn sẽ theo đuổi mãnh liệt sau khi các khoái lạc đã tiêu tan. Cũng như bất cứ món nợ nào đều phải trả thêm lời, và như thế Đức Phật dạy rằng sự khoái lạc đó thật ra là nhỏ bé so với các đau khổ phải hoàn trả.

Sân hận như người đàn ông bị bệnh: Triền cái thứ hai là sân hận. Sân hận là mặt trái của tham dục. Nó là một cặp song sinh đi liền nhau. Bởi không thỏa mãn tham dục thì tâm sân hận hiện khởi. Mỗi khi tâm sân hận hiện khởi thì chúng đốt cháy cả rừng công đức (nhất niệm sân tâm khởi, bát vạn chướng môn khai). Sân hận không chừa một ai, làm mất lý trí, nên có thể bất kính với người lớn hơn hoặc ngang hàng, hoặc thậm chí trở nên khó chịu với những người khác tạo ra tiếng ồn, thiếu khiếm nhã, và không thể kiềm chế. Điều này cũng giống như cố gắng nhìn thấy sự phản chiếu của chúng ta trong một bát nước được đun sôi dữ dội trên một ngọn lửa mạnh (12).

Đức Phật ví lòng sân hận như thể người bị bệnh. Bệnh tật cản trở sự tự do và hạnh phúc của sức khỏe. Cũng như thế, lòng sân hận cản trở sự tự do và hành phúc của an bình.

Hôn trầm, thụy miên như các tù nhân: Triền cái kép này đưa đến sự dã dượi thân và tâm, làm mất nhuệ khí, thiếu tinh tấn và tiến bộ tâm linh , đó là hôn trầm và thụy miên. Lý do thật sự là năng lượng của một người rất nặng nề và bị tắc nghẽn do hậu quả của quá nhiều suy nghĩ và nhạo báng tinh thần. Điều này cũng giống như cố gắng tìm kiếm sự phản chiếu của chúng ta trong hồ nước tràn ngập với những cây rêu mọc đầy trong nước (13).

Đức Phật ví hôn trầm thụy miên như ngục tù. Người bị giam cầm trong ngục tù thì không bao giờ thấy tự do và thoải mái. Hôn trầm thụy miên là một trạng thái khó chịu của thân và tâm, quá cứng đọng không thể đi vào sự an lạc của Thiền-na, và quá mù quáng không thể khám phá ra các Tuệ quán. Tóm lại, đây hoàn toàn là một sự phí phạm thì giờ.

Bồn chồn và trạo hối như nô lệ: Khi tâm trí của chúng ta bị lôi kéo vào trong quá khứ, nhớ lại những điều mà mình đã làm hoàn thiện hoặc chưa hoàn th iện nó cũng có thể có khả năng để trở thành hối hận. Khi tâm trí của chúng ta đi lang thang vào tương lai, tự hỏi phải làm gì sau khi thiền định, và như vậy, chúng ta có khả năng để trở nên bồn chồn, cả thân và tâm. Hoặc, chúng ta có thể quá vui mừng với tiến trình rõ ràng của chúng ta, hoặc nản lòng vì chúng ta thiếu tiến bộ: đó là sự bồn chồn và hối hận, đây là triền cái thứ tư. Điều này cũng giống như tìm kiếm sự phản chiếu của chúng ta trong hồ nước đang bị khuấy động và bị gió mạnh cuốn tung.

Đức Phật ví trạo cử như một tên nô lệ, tiếp tục chạy nhảy theo lệnh của ông chủ khắc nghiệt luôn luôn đòi hỏi sự toàn hảo, và như thế không bao giờ cho phép nó được dừng nghỉ. Hối hận là một trạng thái đặc biệt của trạo cử, là nghiệp quả của các hành động bất thiện. Cách duy nhất để vượt qua hối hận, sự trạo cử do lương tâm cắn rứt, là phải giữ gìn giới đức, tập sống tử tế, khôn ngoan và dịu dàng. Một người không có đạo đức hoặc sống buông lung thì không thể nào có được các kết quả sâu sắc trong khi hành thiền (14).

Lợi ích tu tập thiền định trong kinh doanh

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghi ngờ như các du khách: Cuối cùng, người ta có thể cảm thấy rất nản lòng do những khó khăn và phiền nhiễu khác nhau. Người ta bắt đầu chỉ nghi ngờ khả năng suy niệm của một người hoặc không chắc chắn về mục đích thật sự của thiền định. Sự hoài nghi này là chướng n gại tâm thần thứ năm. Điều này cũng giống như việc tìm kiếm sự phản chiếu của chúng ta trong một bát nước bùn đục trong bóng tối (15). Đức Phật ví nghi ngờ như thể bị lạc trong sa mạc, không nhận ra được các mốc điểm. Ngườ i hà nh thiề n vượt qua bằng cách thu thập các lời hướng dẫn rõ ràng, có một bản đồ tốt, để giúp ta thấy được các mốc điểm vi tế trong vùng đất không quen thuộc của tâm thiền sâu kín, và từ đó biết được con đường phải đi.

Như vậy, năm triền cái là năm hình ảnh tiêu cực, nguy hiểm đối với người thực hành thiền định. Nhiệm vụ chính của thiền sinh là vượt qua năm triền cái để đạt được các mức độ thiền. Trung bộ kinh dạy: “Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình, quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, nh ư ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc. Này các Tỷ-kheo, cũng như không mắc nợ, không bị bệnh tật được khỏi tù tội, được tự do, đến được đất lành yên ổn. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán năm triền cái khi chúng được diệt trừ” (16).

Đoạn trừ năm triền cái Theo Thiền sư Henepola Gunaratana, con đường duy nhất để đoạn trừ tối hậu các triền cái là bốn đạo siêu thế. Và để đạt đến các siêu thế đạo này tất yếu phải có sự tu tập minh sát (vipassanā). Vì lẽ sự thâm nhập vào thực tánh của mọi hiện tượng (thấy rõ tam tướng) chỉ có ở đạo tuệ siêu thế mà thôi. Thế nhưng, muốn minh sát tuệ sanh khởi, các triền cái phải được làm cho suy yếu đến một mức nào đó. Ở đây, chúng không còn làm gián đoạn tiến trình quán chiếu. Do đó, việc khắc phục sơ bộ các triền cái, kinh điển thường đưa ra hai giải pháp. Một là sự đè nén các triền cái bằng cách tu tập tịnh chỉ (samatha) ở mức cận định hoặc an chỉ định (jhāna); hai là sự trừ diệt các triền cái trong quá trình tu tập minh sát.

Muốn đoạn trừ sạch năm triền cái thì điều cần thiết là phải chứng năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Năm tâm sở này là những yếu tố của các tâm thiền sắc giới giúp chế ngự năm triền cái. Mỗi thiền chi có chức năng và nhiệm vụ để chế ngự và đoạn trừ mỗi triền cái tiêu biểu. Tầm chế ngự và đoạn trừ hôn trầm thụy miên; tứ đoạn trừ nghi; hỷ đoạn trừ sân; lạc đoạn trừ trạo hối và nhất tâm đoạn trừ tham dục. Nói như thế không có nghĩa là mỗi thiền chi chỉ duy nhất đoạn trừ một triền cái tương ứng. Ngoài chức năng và nhiệm vụ chính thì chúng còn có sự hỗ trợ nhau trong việc đoạn trừ năm triền cái để đi đến an trú trong các tầng thiền.

Việc đoạn trừ năm triền cái khiến cho tâm trở nên thuần tịnh trong sáng, giống như vàng đã loại trừ các tạp chất. “Và khi nào, này các Tỷ-kheo, tâm được giải thoát khỏi năm uế nhiễm ấy; khi ấy tâm ấy được nhu nhuyến, dễ sử dụng, sáng chói, không bể vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc” (17).

Khi năm triền cái được đoạn trừ, hành giả sống an lạc tự tại, làm chủ được cảm xúc, làm chủ được tâm ý. Trung bộ kinh dạy rằng: “Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa, tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp” (18).

Việc đoạn trừ năm triền cái đánh dấu bước mở đầu của giải thoát, như kinh nói: “Khi năm triền cái đã được đoạn trừ, vị Tỷ-kheo tự mình quán thấy như người đã thoát nợ, hết bệnh, khỏi tù tội, một người tự do và như đất lành an ổn”. Cùng với sự đoạn trừ các triền cái, khả năng phát triển tâm linh của hành giả cũng được khai mở, không còn bị hạn chế. Cũng như vàng đã được tinh lọc khỏi năm tạp chất sẽ trở nên mềm dẻo, tinh chất, chói sáng và bền vững, có thể chạm trổ dễ dàng.

Như vậy, chúng ta đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về tiềm năng của tâm trí để đạt được hạnh phúc cao nhất và tự giải thoát. Con người sẽ bị hạn chế nhiều mặt, trí tuệ yếu kém khi bị năm triền cái làm che lấp tâm tánh. Đức Phật, bậc thầy giác ngộ, đã chỉ ra cho chúng ta nhiều phương pháp khác nhau để hành giả ứng dụng tu tập nhằm vượt qua sự trở ngại từ chúng.

Thiền định là dược phẩm chữa lành nguyên nhân của bệnh tật

Sách tham khảo:

1. Henepola Gunaratana, A Critical Analysis of the Jhanas in Theravdda Buddhist Meditation, The American University, Washington, 1980: Các ghi chú 1, 3, 7 trong bài.

2. Kinh Tăng chi bộ: Các chú thích 2, 5, 6, 8, 9, 17 trong bài.

3. Kinh Trường bộ: Chú thích 4 trong bài.

4. Kinh Trung bộ: Các chú thích 10, 16, 18 trong bài.

5. Kinh Tương ưng bộ: Chú thích 11 trong bài.

6. Piya Tan, Nīvaraṇa, Mental Hindrances, 2010, http:// dharmafarer.org, 24/07/2015: Các chú thích 12, 13, 15 trong bài.

7. Ajahn Brahmavamso, The Five Hindrances (Nivarana), Buddhist Society of Western Australia, Newsletter April 1999, http://www.budsas.org, 27/07/2015.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?

Kiến thức 08:00 11/12/2024

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Xem thêm