Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 23/04/2017, 15:09 PM

Thiên hạ ai cũng có tâm (P.3)

Lời Phật dạy từ trước đến nay chính yếu tu là biết cách gạn lọc nội tâm; giống như một lu nước đục muốn nước được trong phải có thời gian gạn lọc, tuy thấy nước trong nhưng cặn bã vẫn còn dưới đáy lu, gặp duyên thì nước sẽ đục trở lại. Phiền não tham-sân-si là cặn cáu, tuy có định tĩnh đôi chút nhưng vẫn còn mờ tối. Muốn nước thật sự được trong ta phải đổ nước trong sang lu khác, khi cặn bả hết thì có quậy nước vẫn trong. Tâm ta trong sáng thì mọi thứ phiền não, khổ đau cũng tan hoà vào hư không.

Tâm nóng giận làm hại đời chúng ta

Người xưa nói: “Sân si nghiệp chướng không chừa, bo bo mà giữ tương dưa làm gì”? Sân là nóng nảy. Người có thói quen hay nóng nảy, gặp những việc trái ý nghịch lòng thì dễ nổi nóng lên, trong tâm bực tức khó chịu, ngoài mặt nhăn nhó, trông xấu xí khổ sở vô cùng.

Sân có nghĩa là nóng giận bộc phát ra bên ngoài khi ta không hài lòng hay bất bình về một điều gì đó. Sân được biểu lộ qua những trạng thái như đỏ mặt tía tai, bực tức, la hét, xỉa xói, nguyền rủa, chửi mắng, đánh đập, thậm chí có thể giết người khi không làm chủ được bản thân.

Song song với sân là hận, có nghĩa là hờn, là dỗi, còn gọi là oán hờn, bức rức, khó chịu trong tâm. Theo từ Hán Việt, ta gọi chung là “sân hận”, một trạng thái của tâm được thể hiện ra bên ngoài gọi là sân, âm ỉ sôi sục bên trong gọi là hận.

Người nóng tính khi việc qua rồi sẽ không nhớ lại vì lời bộc trực họ nói rồi thôi, nhưng khi hận ai thì họ nhớ hoài, lâu ngày sinh ra thù ghét, mà đã thù ghét thì họ cố tình tìm đủ mọi cách để hại được người, nên mới gọi là hận thù. Nhất là những người làm chính trị; họ luyện tập để cơn giận không thể hiện ra bên ngoài, nhưng được đè nén, kìm hãm bên trong, nên đối phương không hề phát giác. Hạng người này rất nguy hiểm, họ giết người không bằng gươm đao, giết không gướm tay vì quyền lực, danh vọng, và có thể giết luôn cả người thân nếu cần thiết để bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình.

Có một nhà vua nọ là người rất thích săn bắn, ông ta thường xuyên dẫn con chó đi theo mỗi khi đi săn, bởi vì nó giúp cho vua bắt được nhiều thú. Con chó ấy đã được nhà vua nuôi từ khi còn bé và đã huấn luyện nó trở thành một con chó săn mồi vô địch và vô cùng trung thành. 
 
Khi vừa vào đến bìa rừng là con chó chạy nhanh và đánh hơi các con mồi, khi thấy mục tiêu nó sẽ tìm đủ mọi cách tiêu diệt con mồi hoặc khống chế để báo hiệu cho nhà vua biết. Chuyến đi săn hôm ấy thất bại, nhà vua cùng mọi người không săn được nhiều thú như thường ngày, nên nhà vua rất bực tức và khó chịu. Cả đoàn tùy tùng đều rất mệt mỏi nên nhà vua cho họ về trước, còn mình ông ta và con chó trung thành tà tà về sau.

Đi được một chút thì nhà vua thấy khát nước, ông ta ra hiệu cho con chó chạy đánh hơi tìm nguồn nước. Đi được một đoạn nhà vua mới thấy có dòng nước chảy từ khe đá, trong cơn khát nhà vua lấy chiếc cốc trong túi ra và hứng nước để uống.

Khi con chó chạy về thì thấy nhà vua đã hứng đầy cốc nước và chuẩn bị đưa lên miệng để uống, nó liền lao đến dùng chân đẫy văng cốc nước. Nhà vua tức giận quá nhưng kiềm chế được nên nhặt chiếc cốc lên và hứng tiếp nước để uống, một lần nữa cho chó chạy lại hất đổ cốc nước. Lần này thì nhà vua không còn dằn nỗi cơn giận nên đã rút kiếm ra quát lớn: “Này con chó yêu quý, sao nhà ngươi dám phạm thượng, ta sẽ cho ngươi một đao bây giờ”. Vừa nói xong nhà vua định cầm cốc nước để uống, thì con chó vẫn chạy đến hất đổ cốc nước và chỉ bằng một nhát kiếm, con chó bị chặt đứt ra làm hai.

Chuyện gì cũng đều có nguyên nhân của nó, chúng ta hãy tìm hiểu cho kỹ càng khi có những sự việc xảy ra và khi chúng ta biết kiềm chế, nhất định ta không được hành động khi đang tức giận, có thể chúng ta sẽ phải hối hận cả đời vì sự nóng giận của mình.

Ai mang tâm niệm thù hận này vào lòng mà không biết cách buông xả, trước nhất sẽ làm cho chính mình bất an, bực tức, khó chịu mỗi khi gặp hoặc nghe nói đến người đó. Hạng người này thật sự đáng thương hơn là đáng ghét. Họ bị vô minh, mê muội che lấp, nên dù có học Phật pháp nhiều năm họ cũng cố chấp y như vậy, bởi những thói quen sân giận.

Họ luôn thấy mình là thầy thiên hạ, càng ở chùa lâu càng si mê, sân hận, chấp trước, bám víu, và dính mắc vào đó. Người mang tâm niệm hận thù như thế trước mắt chưa hại được ai, mà đã tự hại chính mình, có khác gì kẻ đốt đuốc mà đi ngược chiều gió vậy. Kẻ ngu cũng sẽ như thế, chưa hại được ai mà đã tự đốt mình bằng ngọn lửa sân hận bốc cháy bên trong.

Nóng giận là thói quen thông thường của nhiều người, nhưng giận mà biết điều phục cơn giận, hay chuyển hóa cân bằng cơn giận thì lại rất khó đối với phàm phu, tục tử chúng ta. Có người vì chút nóng giận mà ôm hận cả đời, thề chết đem theo chứ một lòng không dứt. Cũng như kẻ ngu, nhất quyết trả thù dù phải chết trước nhưng lòng vẫn vui mà không hề buồn phiền. Hắn chỉ mong sao kẻ thù phải chết là được rồi, hắn không cần cầu mong gì hơn. Đúng là ngậm máu phun người dơ miệng mình, như kẻ ngu xịt thuốc trừ sâu, lại đứng ngược gió để hứng trọn bao nhiêu chất độc, nhẹ thì sơ cứu, nặng thì tàn tật, hoặc chết người như chơi.

Khi tham hoặc ham muốn cái gì mà không được như ý thì ta tức tối, nổi giận, la hét, mắng chửi, đó gọi là "nóng giận". Khi lửa sân bùng phát quá mạnh khiến cho ta mất hết tự chủ, có thể dẫn đến la hét chửi bới rồi thượng chân hạ cẳng, hoặc dùng khí giới để sát hại kẻ đã làm trái ý ta. Mắng chửi rồi đánh người, giết người cho hả cơn tức giận, để rồi sau đó mới ăn năn hối hận thì đã quá muộn màng.

 Khi gặp chướng duyên hay nghịch cảnh, trước hết ta nổi nóng lên, kế đó sinh ra tức giận nghẹn ngào, nói chẳng ra tiếng, hoặc tuôn ra nước mắt lộ ra gương mặt hầm hừ, bộ dạng hung hăng, mất tính ôn hòa nhã nhặn. Vì tức giận nên mới đánh đập chưởi mắng người, làm những điều tội lỗi. Vì tức giận mà ta đập bàn, vỗ ghế, la ó ray rà, mất hết tư cách của người phật tử. Vì tức giận mà chúng ta có thể đánh người một cách tàn nhẫn chẳng biết thương tiếc, có khi không kiềm chế được cơn giận ta tự đánh mất chính mình để làm tổn thương người khác.

Chính vì vậy trong các phiền não, sân hận, nóng giận là tai hại nặng nề nhất, vì có thể đưa đến tội ác trong chớp nhoáng do chửi mắng rồi đánh người, giết người. Một niệm sân khởi lên có thể đốt cháy trăm ngàn rừng công đức mà ta đã gieo trồng từ trước đến nay, sự nghiệp tiêu tan, thân bại danh liệt. Cùng họ hàng với sân gồm có: bực, tức, giận, hờn, oán, thù hằn, ghét bỏ. Khởi đầu của sân là bực. Bực mà không giải tỏa được thì sinh ra tức. Tức quá không kiềm chế được sinh ra giận.

Giận là sự bùng cháy khiến con người ta nóng nảy mất tự chủ. Khi cơn bùng cháy kéo dài mà không hết hẳn lại còn âm ỉ sôi sục bên trong thì gọi là hờn, trong người cảm thấy hờn mát hoài không nguôi thì đâm ra thù hằn và ghét bỏ dẫn đến oán giận. Oán giận lâu ngày thành ra thù hận rồi tìm cách trả đũa mà giết hại một cách tàn nhẫn.

Người phật tử chân chính phải biết kiềm chế sự nóng giận để không xãy ra tai nạn đáng tiếc, bằng cách quán tình thương, quán từ bi và thấy ai cũng là vị Phật hiện tại và tương lai, nên ta dễ dàng điều phục được cơn giận. 

Tâm si mê làm mình và người khổ đau

Si là si mê, mê muội không nhận định đúng sai, có chỗ gọi là vô minh hay còn gọi là ngu dại. Đối với sự vật hiện tiền, tâm tính mờ ám, không có trí huệ sáng suốt để phán đoán việc tốt xấu, hay dỡ, lành dữ, đúng sai v.v… nên mới làm những điều tội lỗi, làm tổn hại cho mình và người.

Chúng ta ngu si mê muội nên chấp thân tâm làm ngã là căn bệnh thâm căn cố đế của mọi người, cho nên ai cũng thừa nhận cái hay suy tư, nghĩ tưởng, phân biệt, nhận thức, cảm thọ làm tâm mình. Có người nói rằng tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu, vậy những lúc không suy nghĩ là ai, chẳng lẽ mất mình hay sao?

Bởi do si mê chấp thân này làm ngã nên ta sinh tham đắm dính mắc vào nó, tưởng nó chân thật, nó lâu dài, nó sang quí và cao cả. Khi tham không được, liền nổi cơn oán giận thù hằn. Do si mê về thân, nên ta mới quí thân và quí luôn những vật sở hữu của ta. Thế nên những nhu cầu về vật chất của bản thân, chúng ta lúc nào cũng tham muốn cho được đầy đủ sung túc.

Chấp thân này làm ngã là bệnh thông thường của mọi người. Tất cả người thế gian ai cũng chấp thân này làm thật ngã, là ta, là của ta. Bởi chấp thân này làm ngã nên thấy nó thật, nó lâu dài, nó cao cả quí báu, rồi đắm mê tham lam vì nó. Thân của ta mà bị ai xúc phạm đến liền nổi sân lên, mặc dù người ta nói bằng sự thật rất hợp lý. Như thân ta đen lùn xấu, người khác chê “lùn xấu”, ta liền bực tức khó chịu. Ngược lại, thân ta đen xấu mà có ai mới gặp liền khen sao hôm nay em thấy anh “đẹp trai”, ta liền hoan hỷ, vui vẻ.

Chúng ta vì tham có nhiều của cải vật chất, nên ai cũng tranh đua giành giật bất kể sự khổ đau của người khác. Do đó, tạo nghiệp trả vay từ đời này đến kiếp nọ không có ngày thôi dứt. Vì tham và quý thân nên khi thân sắp hoại, người ta sinh ra lo lắng, sợ hãi. Nỗi lo sợ mất thân là sự khủng khiếp nhất của con người. Vì thế, tiếng “chết” coi như là một điều cấm kỵ, chúng ta không bao giờ dám dùng đến. Bởi si mê chấp thân nên chúng ta cứ như thế mà mãi mãi khổ đau trong luân hồi sinh tử vô cùng tận.

Rồi cho đến chúng ta chấp tâm này làm ngã, cái hay suy tư nghĩ tưởng có cả trăm ngàn thứ, buồn thương, giận ghét, phải quấy, tốt xấu, hơn thua, đúng sai, thiện ác, lành dữ, tâm niệm luôn dời đổi liên tục không lúc nào dừng nghỉ. Khi nghĩ thiện là tôi, vậy khi nghĩ ác là ai, không lẽ cái tôi có nhiều thứ như vậy hay sao?

Tâm niệm luôn thay đổi triền miên không có lúc nào dừng nghỉ, nhưng chung quy cũng nằm trong hai tâm niệm thiện ác. Từ đó suy ra tâm niệm luôn thường xuyên thay đổi theo thói quen huân tập hằng ngày, sở dĩ con người tranh đấu giết hại lẫn nhau là do ngu si chấp ngã mà ra.

Ai cũng muốn mình hơn thiên hạ và tham lam bắt mọi người phải phục vụ cho mình. Con người phục vụ cho con người vì có giai cấp chủ và tớ, theo quan niệm của đấng sáng tạo mọi thứ đều cố định cả không thể nào thay đổi được. Loài vật dùng để cúng tế thần linh và đáp ứng cái ăn cho người, ai theo truyền thống này sẽ cám ơn thượng đế đã ban tặng cho họ có sự sống.

Chúng ta cứ nghĩ rằng mọi cái, mọi thứ, đều do đấng tối cao sắp đặt, phụ nữ thì có nhiệm vụ sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường lo mọi việc trong nhà, không được làm việc quan hệ bên ngoài. Giai cấp quý tộc thì được quyền ăn trên ngồi trước, bóc lột kẻ cùng đinh hạ tiện để phục vụ cho bản ngã của mình, cũng từ sự phân biệt tính toán khôn ngoan của ý thức con người.

Từ si mê mới cho rằng đời sống dài cả trăm năm nên lo tạo dựng sự nghiệp, gia đình, công danh, tài sản, của cải để con cháu đời sau hưởng đến khi tắt thở cũng chưa mòn. Vì vậy mà cả một đời mấy chục năm ròng ta cứ lao vào hình thức vật chất mà không nghĩ đến tâm tư của mình trong sáng hay tối tăm; không màng đến việc trau dồi nhân cách, đạo đức mà chỉ đuổi theo những cái tạm bợ, phù phiếm bên ngoài.
 
Đời này chúng ta tạo lập, xây dựng mà nếu lỡ phải chết giữa chừng thì khi ra đi tâm tiếc nuối dấy khởi, ta phải chịu tái sinh chỗ thấp kém, có khi phải đọa làm chó trở lại để giữ của vì ngu si mê muội.
 
Thế cho nên, Phật nói si mê là gốc của luân hồi sống chết không có ngày cùng, chúng sinh phải thăng lên lộn xuống mãi trong ba cõi sáu đường gốc cũng từ si mê mà ra. Ta đam mê sự sống, danh vọng, sắc đẹp, quyền lực, tiền bạc, của cải. Chúng ta thường sống với những ảo tưởng, nhớ nghĩ về quá khứ hoặc mơ mộng đến tương lai. Chính đó là gốc rễ của si mê.
 
Chúng ta phải thường xuyên quán chiếu thân, thọ, tâm, pháp mới có thể biết rõ mạng sống vô thường, thân này không thật có. Biết thân này không có giá trị chân thật thì chúng ta không còn tham ái, luyến mến nó nữa. Được như vậy chúng ta sẽ biết cách làm chủ bản thân.
 
Tuy nhiên, chúng sinh cang cường với bản tính tham lam khó dời đổi, mới tu có vài ba năm hoặc hai ba chục năm mà cứ đòi thành Phật? Chính khi đó, nghe ai nói tu ba tháng đến sáu tháng thành Phật liền thì ham quá, mới bán hết nhà cửa mà dâng cúng cho người đó. Tu một thời gian không có kết quả mới té ngửa ra tại mình si mê, đần độn nên đã “giao trứng cho ác” mà không hay, không biết.
 
Lời Phật dạy từ trước đến nay chính yếu tu là biết cách gạn lọc nội tâm; giống như một lu nước đục muốn nước được trong phải có thời gian gạn lọc, tuy thấy nước trong nhưng cặn bã vẫn còn dưới đáy lu, gặp duyên thì nước sẽ đục trở lại. Phiền não tham-sân-si là cặn cáu, tuy có định tĩnh đôi chút nhưng vẫn còn mờ tối. Muốn nước thật sự được trong ta phải đổ nước trong sang lu khác, khi cặn bả hết thì có quậy nước vẫn trong. Tâm ta trong sáng thì mọi thứ phiền não, khổ đau cũng tan hoà vào hư không.

Một người tham tiền đam mê cờ bạc, nên đến khi thua hết tiền của mà cũng không ăn năn hối hận từ bỏ. Do si mê chấp ngã nên cái ta của mình cứ thế loanh quanh suốt ngày chỉ sống với sự thương yêu ghét bỏ mà ưa người này, ghét người kia, thích vật này, ghét việc nọ. Không biết đạo đức, nhân quả, không biết suy xét điều hay lẽ phải, chỉ thích chạy theo âm thanh, sắc tướng, mùi vị, cảm xúc mà thôi. 

Có một người vì si mê tham muốn quá đáng, nên giữa lúc ban ngày đông người, lại vào tiệm giựt vàng. Khi bị mọi người bắt được giải lên cơ quan điều tra xét hỏi: "Bộ anh không thấy mọi người ở chung quanh và không sợ tù tội hay sao"? Anh ta trả lời rằng: "Lúc đó tôi chỉ thấy có vàng thôi, nên làm cho tôi mờ mắt mà sinh lòng tham muốn! Chúng ta nên biết, trong lúc tham lam mà có sự si mê kèm theo thì rất nguy hiểm!
 
Tâm cống cao ngã mạn làm mọi người chán ghét
 
Ngã mạn cống cao. Nói theo lối thông thường có hơi thô một chút là "phách lối" lấn lướt, hiếp đáp người. Vì ỷ tiền tài, tài năng và quyền thế của mình mà khing rẻ người, chẳng kính người già cả, không kể người tu hành chân chính. Vì lòng ngã mạn, cho mình hơn hết, không kính phục người, nên bị tổn đức. Vì thế mà phước lành tổn giảm, tội lỗi càng thêm, nên phải chịu khổ đau sinh tử luân hồi, không có ngày thôi dứt.

Người có thói quen ngã mạn lúc nào cũng thích so sánh thấy mình hơn người khác rồi tự cho mình là hay, giỏi, tài ba hơn kẻ khác, đó gọi là "mạn". Ỷ mình giàu có sang trọng hơn người, ta đây hãnh diện có bằng cấp, địa vị cao mà kiêu căng tự đắc, khinh chê kẻ dưới, lấn át người trên, coi thường người đức hạnh, chà đạp kẻ nghèo hèn thấp kém.

Chúng ta vì ngã mạn nên không lắng nghe lời góp ý chân thành của người khác, không chịu học hỏi thêm, nên dễ dàng làm điều sai quấy, do đó tội lỗi càng tăng thêm. Để phân tích tỉ mỉ chúng ta tạm thời chia ra làm 7 phần:

Mạn: có tâm khinh thường đối với những người thua mình về học thức, địa vị, gia tài sự nghiệp. Trên thực tế thì họ có thể thua mình thật, nhưng chỉ thua trên một khía cạnh nào đó thôi, chứ không phải thua hết, chúng ta không phải vì thế mà mình lên giọng khinh thường coi rẽ họ.

Quá mạn: Đối với người có học thức, tài sản, địa vị, bằng cấp ngang mình thì lại cho là mình hơn người đó về mọi mặt.

Mạn quá mạn: Đối với người thực sự hơn mình về mọi mặt mà mình lúc nào cũng cho là mình hơn họ.

Ngã mạn: Chúng ta sai lầm cho rằng sắc thọ tưởng hành thức là thật ngã, tức là thân tâm mà khởi tâm cống cao ngã mạn. Chúng ta cho rằng tất cả mọi người không bằng mình, mình là trung tâm của vũ trụ, mình hơn hết. Cái gì của mình cũng tốt đẹp hơn của người khác.

Tăng thượng mạn: Chúng ta chưa chứng đạo mà tuyên bố là mình đã chứng đạo để được mọi người ngưỡng mộ, kính trọng cúng dường. Có những người vi tế hơn ngoài miệng tuy không chính thức tuyên bố là mình tu chứng, nhưng nói úp nói mở khiến nhiều người khác lầm tưởng là mình đã chứng quả này quả nọ, đây cũng thuộc loại tăng thượng mạn.

Ty liệt mạn: Đối với người, mình thua họ nhiều về mọi mặt mà mình cho rằng là thua ít, thậm chí còn tuyên bố mình không thua gì hết.

Tà mạn: Mình không có hiểu biết chân chính, mình không có đạo đức, mình không có tấm lòng rộng lớn mà hay tự xưng là mình có đức độ, từ bi, hiểu biết, thí dụ như xưng mình là vô thượng sư, thánh sư, chân sư, đạo sư, giáo chủ, và Phật sống v.v...

Tóm lại, tâm lý ngã mạn là chúng ta luôn so sánh, so đo xem mình hơn hay thua kẻ khác, nếu thấy mình thực sự hơn thì thích thú khoe khoang, nếu thua thì không nhận là mình thua mà cứ gân cổ lên nói mình bằng hoặc hơn thì mới chịu. Thí dụ như thấy người khác viết được 40 cuốn sách, ta đây chỉ viết cho được khoảng 10 cuốn rồi tự cho rằng mình đâu có thua gì, đây cũng là ngã mạn mặc dù viết sách về Phật pháp.

Tâm ngã mạn khinh người là con đẻ của sự chấp ngã mà ra. Tâm sở phiền não nầy, cũng rất khó đoạn trừ vì ai cũng tôn vinh cái ngã của mình. Nghiệp dụng của nó là luôn coi trọng mình mà khinh khi coi thường kẻ khác. Khi chúng ta làm được một công việc nào đó thành công, thì chúng ta có thể lên mặt hách dịch ra vẽ mình ta đây. Chính vì vậy mà mọi người sẽ xa lánh ghét bỏ ta, chẳng ai thích gần gũi. Đó là hậu quả của sự cống cao ngã mạn gây ra.

Chúng ta phải làm sao diệt trừ được tâm cống cao ngã mạn? Như trên chúng tôi đã nói, ngã mạn là một trong sáu món căn bản phiền não, nên tập nhân gốc rễ của nó rất sâu dầy, không phải ai cũng có thể dễ dàng diệt trừ nó được.

Muốn đoạn trừ nó, chỉ có cách là chúng ta phải gắng sức gia công nỗ lực tu trì, mới có thể lần hồi trừ được. Điều quan yếu là chúng ta phải hằng tỉnh giác, quán chiếu sâu vào bản chất của nó, để thấy rằng tự tính của nó là không. Chỉ khi nào đối cảnh xúc duyên, trái ý nghịch lòng, thì nó mới phát khởi.

Biện pháp duy nhất là chúng ta muốn chuyển hóa tâm cống cao ngã mạn, thì chúng ta phải khiêm tốn sống vui vẻ hài hòa với mọi người. Vậy khiêm tốn là gì?

Người có lòng khiêm tốn là người có tư cách đứng đắn, biết nhìn xa trông rộng. Người khiêm tốn là người nhã nhặn, không tự cao tự đại, luôn hướng thiện và thấp mình học hỏi những điều hay lẽ phải, không đề cao cá nhân mình với người khác....người khiêm tốn luôn cho mình là yếu kém nên lúc nào cũng cần phải học hỏi thêm.
 
Tại sao chúng ta phải khiêm tốn? Cuộc sống là một cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ, nếu chúng ta dừng lại với thành công ngày hôm nay tức là chúng ta chấp nhận thất bại ở tương lai. Trong khiêm tốn chúng ta lúc nào cũng tự cho mình là kém và cần phải học hỏi, tham khảo nhiều hơn trong mọi trường hợp.

Người khiêm tốn luôn có nếp sống đơn giản nên dễ hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Cuộc sống giản dị của người khiêm tốn được thể hiện qua cách ăn nói cẩn thận, không khoa trương, lời nói ngắn gọn dễ hiểu. Con người có tính giản dị biết cách ứng xử, gần gũi chan hòa yêu thương cùng với mọi người.
 
Khi chúng ta đã có nếp sống khiêm tốn giản dị nên lúc nào cũng biết coi trọng người thực tài, không bao giờ coi thường thế hệ trẻ, biết phát huy nêu cao tinh thần tư duy sáng tạo, để ta có thể đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.

Có rất nhiều hình thức ngã mạn rất vi tế, người tu của chúng ta cần phải đề cao cảnh giác và thường xuyên vun bồi hạnh khiêm tốn để dần hồi chuyển hóa tâm cống cao ngã mạn.

Tâm ganh ghét làm hại chính mình

Khi gặp người thua kém hơn mình thì ta khinh khi coi thường họ, nhưng khi gặp người thực sự tài giỏi, hơn ta về mọi mặt thì ta lại ganh ghét, tức tối, bực bội, tìm đủ mọi cách để nói xấu, chê bai, chỉ trích, mạ nhục người đó. Thấy người tài giỏi, danh tiếng tốt, đạo cao đức trọng, mình sinh lòng đố kỵ ghen ghét. Thấy người vinh hiển, mình lấy làm bực tức khó chịu, trong lòng xốn xang, lộ ra cử chỉ không bằng lòng rồi kiếm chuyện nói xấu, làm cho giảm uy tín người đó.

Trong xã hội hiện nay, sự cạnh tranh phát triển về mọi mặt ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa con người với nhau ngày càng phức tạp hơn bởi tâm lý ganh ghét, tật đố ngày càng nhiều. Ganh ghét, tật đố là gì? Do đâu mà có?

Sự "ganh ghét" xuất phát từ lòng ích kỷ, bởi sự tham lam của con người. Có thể nói hầu gần hết con người trên thế gian này đều mắc chứng bệnh ganh ghét, tật đố ngoại trừ các vị đại Bồ tát. Sự “ganh ghét, tật đố” khác với “ganh đua”. Nói tới "ganh đua" thì nó mang tinh thần tích cực hơn như chúng ta cùng nhau ganh đua để phát triển tài năng đóng góp lợi ích cho xã hội. Lòng ganh ghét thể hiện sự ích kỷ, nhỏ nhoi của con người bởi quan niệm đối nghịch nhau, luôn luôn đối đầu và để hạ uy tín nhau.

Trước hết sự ganh ghét, đố kỵ phá hoại mối quan hệ giữa con người với nhau, anh chị em sống vui vẻ thuận thảo với nhau trước đây, bổng chốc đổ vỡ vì sự ganh ghét, do muốn mình giàu có hơn người. Lòng ganh đua để phát triển tài năng, sự ganh ghét, đố kỵ làm cản trở tiến trình phát triển tài năng của con người. Ngoài ra lòng ganh tỵ, có ảnh hưởng rất to lớn đến sức khỏe thể chất và tâm thần của con người.

Người có tính ganh ghét, đố kỵ bao giờ cũng căng thẳng về tinh thần và tổn hại về sức khỏe. Họ luôn bị một chứng bệnh khổ sở “stress” hành hạ. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau được thì nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng. 

Ganh ghét và đố kỵ hầu như thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực và mọi mặt trong cuộc sống. Dễ nhận thấy nhất là khi ai đó có thành tích, đia vị, vinh dự, chuyên môn, bằng cấp, của cải, nhân duyên, gia đình hạnh phúc, thành đạt là ta nảy sinh ganh ghét, đố kỵ… Có người thể hiện lòng ganh ghét, đố kỵ ra ngoài, nhưng có người lại “chôn kín” ở trong lòng. Nhưng dù bất cứ hình thức nào, lòng ganh ghét, đố kỵ đều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và công việc. Phật dạy: “Khổ tâm lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ. Người có tâm ganh ghét, tật đố sẽ khổ sở dai dẵng trong lòng.

Ganh ghét, tật đố là một trong những tâm phiền não được phát sinh bởi lòng ích kỷ. Từ tham mà sinh ra sân rồi dẫn đến làm phát triển tâm đố kỵ. Tật đố khác với sự ích kỷ nhưng lại bao hàm sự so sánh, hiềm hận và ganh tỵ. Vì sự ganh ghét trong việc thua kém hơn người khác nên ta tỏ ra thái độ đố kỵ, hiềm hận, thậm chí chúng ta còn mong muốn họ gặp thất bại trong cuộc sống.

Sự giàu sang của kẻ khác có thể khiến cho ta bực tức, khó chịu. Thấy bạn thành công trong sự nghiệp, ta lại chê bai, chỉ trích đủ thứ. Trong câu chuyện ngụ ngôn ăn khế trả vàng, người anh thì tranh giành hết những tài sản về phía mình, để lại cho người em những phương tiện kiếm sống khắc khổ và chẳng hề muốn người em thành tựu một điều gì.

Vì sự xan tham ích kỷ, cho nên con người phát sinh lòng tật đố không muốn ai được bằng mình và hơn mình. Ta ích kỷ vì không muốn phân chia tài sản, ta tật đố vì không muốn ai hơn mình.

Có năm loại tật đố: Thứ nhất là tật đố về trú xứ, như ganh tỵ nhau về nhà cửa, chỗ ở, trường học, chùa chiền…. Khi tâm tật đố nổi lên thì có sự phân biệt. Còn phân biệt hơn thua lâu ngày dẫn đến thù hằn ghét bỏ, gây khổ đau cho nhau. Nhà cửa thì muốn ở nhà cao cửa rộng tiên nghi vật chất đầy đủ, khi thấy ai hơn mình thì ta không hài lòng, cảm thấy ray rứt khó chịu vì sự hơn thua.

Nhiều anh chị em tranh giành nhà cửa đất đai dẫn đến thưa kiện mà cuối cùng cả thảy đều thất bại, làm khổ cha mẹ, anh em chia lìa, gia đình người thân trở thành kẻ thù. Cuộc đời là lẽ sống để chúng ta yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau không hết, huống hồ là tạo ra oan gia trái chủ. Chùa chiền tự viện thì tật đố về công việc, về giáo phẩm, về quan điểm sống của mỗi chùa có khác nhau… Chúng ta đi tu mục đích là để giác ngộ, giải thoát trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh, tu là để chuyển nghiệp xấu thành tốt.
 
Thứ hai, tật đố về quyến thuộc liên quan đến gia đình, người thân, học trò, bạn bè và đồng nghiệp. Khi tâm ganh ghét, tật đố phát sinh sẽ gây ra sự xào xáo, bất hòa, không đoàn kết hổ trợ giúp đỡ lẫn nhau làm ảnh hưởng đến gia đình người thân và cộng đồng xã hội. Trong phạm vi gia đình, việc thương con, cha mẹ cũng khó mà thương đồng đều, sẽ có tình trạng thương đứa này nhiều thương đứa kia ít, đó là lẽ đương nhiên vì ảnh hưởng nhân duyên nghiệp báo của mỗi người mỗi khác, nên hay xãy ra chuyện so bì rồi dẫn đến ganh tị.
 
Học trò giỏi thì được thầy cô giáo quan tâm nhiều hơn, trong khi học trò kém thì sự giáo dục có hơi nghiêm khắc hơn, sẽ dễ tạo ra bất hòa. Tu sĩ chỉ muốn nhiều phật tử tôn kính cúng dường cho riêng mình, thăm viếng, tham quan hoặc tu học chùa mình, thực tập pháp môn của mình, đọc sách kinh của mình dịch giảng giải, nghe pháp thoại của mình thì hết sức nguy hiểm, vô tình tạo nên mối bất hòa lớn giữa các tông phái.
 
Người tu sĩ cần phải ý thức trong việc thắp sáng lại ngọn đuốc của chính mình, làm cho nội tâm được thanh tịnh sáng suốt và tránh xa sự lợi dưỡng, cung kính để không bị kẹt vào vật phẩm cúng dường, chùa chiền, học trò, kinh sách, pháp môn thì mới có thể đi đến mục đích cuối cùng, là trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh.
 
Tật đố trong quyến thuộc nguy hiểm đến nỗi, con người ta có thể chửi mắng, đánh đập dẫn đến sự giết hại nhiều hơn là bên ngoài xã hội. Một người cha quăng mấy đứa con xuống biển, chỉ vì hiềm khích với vợ. Vợ giết chồng chỉ vì không kiềm chế được cơn giận. Tâm sân, si sinh ra tật đố và hậu quả của tật đố là hủy diệt lẫn nhau không thương tiếc.
 
Thứ ba là tật đố về lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần. Sự không mong muốn những người khác thọ hưởng các nhu cầu tiện nghi vật chất lẫn tinh thần, khiến người ta điên đảo bực tức khó chịu và tỏ thái độ không hài lòng. Chúng ta chỉ muốn mình là người duy nhất được quyền cao chức trọng, giàu có thịnh vượng được an hưởng thái bình, được khen tặng, nếu thấy người khác hơn mình thì trong lòng không vui, chỉ muốn trù ẻo cho người kia mau chết sớm hoặc bị tai nạn. Đối với người tu, sự ganh ghét trong việc được cúng dường vật phẩm, tiền bạc hay được nhiều người ái mộ, sẽ dễ dàng làm cho chúng ta tự mãn, khinh khi coi thường những người khác.
 
Thứ tư là tật đố về danh vọng và sắc đẹp. Tật đố về danh vọng là không muốn ai có danh tiếng hay thành tựu hơn mình vì thấy ta là trung tâm vũ trụ, là tài giỏi hơn người. Những người có tâm như thế, chỉ muốn mình độc quyền trong thiên hạ, mình thống lĩnh cả thế giới và không chấp nhận ai hơn mình mà trên thực tế mình đã dỡ hơn họ. Ai có những tâm niệm đó chắc chắn sẽ lo lắng, sợ hãi và rất mệt mỏi, vì phải tìm đủ mọi cách để triệt hạ người khác. Tâm địa hẹp hòi như vậy chết rồi sẽ bị tái sinh làm người có hình dáng xấu xí, bị khuyết tật, dị dạng hoặc kém sức khỏe.
 
Người nam thường không thích người nam khác đẹp hơn mình. Người nữ thường không thích người nữ khác đẹp hơn mình. Nếu chúng ta thường xuyên quán chiếu, sẽ thấy rằng sỡ dĩ người ta đẹp là vì đã gieo nhân duyên lành nhiều kiếp mới có sắc đẹp như vậy, nhờ tâm hoan hỷ vui vẻ không ganh ghét tật đố với ai. Tuy nhiên, khi chúng ta có sắc đẹp mà còn biết tu hạnh buông xả nữa thì mau thành tựu viên mãn chí nguyện của mình. Làm đẹp thích đẹp là sở thích của số đông phụ nữ, nên họ được gọi là phái đẹp, đẹp mà có đức hạnh nữa như bà Tỳ Xá Khư ngày xưa, được mọi người tặng cho danh hiệu phước huệ vẹn toàn.
 
Thứ năm là tật đố về lời Phật dạy liên quan đến các pháp môn, phương pháp hành trì, công phu tu tập cho tất cả mọi người. Phật ra đời là tùy bệnh cho thuốc, vì chúng sinh có nhiều bệnh phiền não, nên Phật đưa ra nhiều phương thuốc để trị bệnh, ai hợp với thuốc nào thì mau lành bệnh.
 
Chúng ta tu tập là để tự độ mình và cứu độ tất cả chúng sinh, chúng ta chia sẻ hướng dẫn kinh nghiệm tu tập cho mọi người, biết được điều hay lẽ phải và cuối cùng là để được giác ngộ, giải thoát. Chúng ta chỉ hướng dẫn một cách nhiệt tình đúng theo tâm tư nguyện vọng của mọi người, ai cần pháp gì thì mình giúp pháp đó mà không kể công hay ganh tỵ với người khác.

Việc giáo hóa hướng dẫn mọi người khi có nhân duyên, trong kinh nói rõ cho dù người bệnh nặng hay bệnh nhẹ, chúng ta cũng đều phải ra tay chữa trị không phân biệt. Người phật tử thường hay phân biệt khi cúng dường hoặc giúp đỡ ai, họ so đo tính toán coi trọng thầy này khinh thầy kia và chỉ nghĩ rằng thầy mình là số một không ai hơn. Và người phật tử phần đông thì còn dính mắc nhiều hơn vào sự nghiệp tài sản, tình cảm luyến ái, cùng với những tiện nghi vật chất khác.
 
Do đó để chuyển hóa được tâm ganh ghét, tật đố chúng ta hãy nên hoan hỷ vui theo việc làm tốt của người khác. Người biết bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia thì sẽ được phước báo giàu sang trong hiện tại và mai sau. Người tùy hỷ việc làm thiện của người khác, sẽ không bị tâm ganh ghét làm tổn hại. Từ ganh ghét, tật đố dẫn đến oán giận, thù hằn rồi tìm cách giết hại lẫn nhau.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm