Thiền hành: Những bài tập nuôi dưỡng thân Bụt và tâm Bụt
Thiền hành là thiền khi đi. Chúng ta đi chậm lại, thư giãn và giữ nụ cười nhẹ trên môi. Thực tập như thế chúng ta sẽ thấy khỏe và nhẹ nhàng hơn. Bước chân của ta là bước chân của những người an lành nhất trên trái đất này.
Đi thiền thật sự là để đi mà không phải để tới. Đi chỉ để mà đi. Có mặt trong giây phút hiện tại và an trú vào mỗi bước chân của mình. Chúng ta phải buông bỏ tất cả những lo lắng muộn phiền, không nghĩ về quá khứ, không tưởng đến tương lai, chỉ an trú trong phút giây hiện tại. Ai cũng có thể làm được điều đó. Chỉ cần một ít thời gian, một ít chánh niệm và một ước muốn hạnh phúc là chúng ta có thể làm được.
Ý về muôn vạn nẻo
Thiền lộ tâm an nhiên
Từng bước gió mát dậy
Từng bước nở hoa sen.
Chúng ta đi rất nhiều nhưng thông thường chúng ta đi như chạy, đi như ma đuổi. Những bước chân vội vã của ta đã in lên mặt đất những phiền muộn, lo âu. Nếu chúng ta có khả năng bước được một bước chân an lạc thì chúng ta có thể bước được bước thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm cho sự an lạc và hạnh phúc của loài người.
Tâm chúng ta phóng đi từ chuyện này sang chuyện khác giống như một con khỉ chuyền cành, không bao giờ ngưng nghỉ. Tư tưởng chúng ta có hàng triệu con đường và chúng ta bị chúng kéo đi vào thế giới của thất niệm. Nếu chúng ta có khả năng biến đường đi của mình thành nơi thiền tập thì chân chúng ta sẽ bước được những bước chân tỉnh thức, hơi thở của chúng ta sẽ hài hòa với bước chân, tâm chúng ta sẽ tự nhiên khỏe nhẹ. Mỗi bước chân ta đi sẽ làm tăng thêm niềm hỷ lạc và tạo ra một nguồn năng lượng tĩnh lặng đi vào chúng ta. “Từng bước gió mát dậy.”
Khi đi chúng ta có thể thực tập hơi thở ý thức và đếm bước chân của mình. Chúng ta chú ý xem thử khi thở vào chúng ta bước được mấy bước, khi thở ra chúng ta bước được mấy bước. Nếu thở vào bước được ba bước, chúng ta có thể nói thầm ‘một, hai, ba’ hoặc ‘vào, vào, vào’. Khi thở ra nếu bước được ba bước, chúng ta nói: ‘ra, ra, ra’, mỗi bước một chữ. Nếu thở vào chúng ta bước được ba bước, thở ra chúng ta bước bốn bước thì chúng ta nói: ‘vào, vào, vào; ra, ra, ra, ra’ hay ‘một, hai, ba; một, hai, ba, bốn’.
Chúng ta không nên ép hơi thở của mình, hãy để cho lá phổi của ta có đủ thời gian và không khí để thở, chúng ta chỉ chú ý đơn thuần đến bước chân của ta. Chú ý là ta bước được bao nhiêu bước khi lá phổi của ta hít đầy không khí vào và bao nhiêu bước khi lá phổi của ta đẩy hết không khí ra. Chánh niệm về cả hơi thở lẫn bước chân của mình. Chánh niệm là chiếc chìa khóa của chúng ta. Khi lên dốc hoặc xuống dốc số bước chân của ta cho mỗi hơi thở sẽ thay đổi. Hãy để cho hai lá phổi của ta lấy những gì nó cần. Đừng cố ép hơi thở hay điều khiển bước chân của mình. Chỉ cần quan sát cho sâu sắc.
Khi mới bắt đầu thực tập, hơi thở ra của ta có thể dài hơn hơi thở vào. Có thể thở vào chúng ta bước được ba bước, thở ra chúng ta bước được bốn bước, hoặc là hai-ba. Nếu thấy thoải mái, chúng ta có thể thực tập theo cách này. Sau khi chúng ta đi thiền được một thời gian thì hơi thở vào ra sẽ bằng nhau: ba-ba hoặc hai-hai hoặc bốn-bốn.
Trên đường đi, nếu muốn tiếp xúc với cảnh vật chung quanh bằng chánh niệm như trời xanh, mây trắng, núi đồi, chim chóc và cỏ cây thì chúng ta dừng lại. Nhưng khi tiếp xúc với những thứ ấy chúng ta vẫn tiếp tục thở chánh niệm. Chúng ta có thể giữ cho đối tượng quán chiếu luôn có mặt đó bằng hơi thở chánh niệm. Nếu không ý thức về hơi thở thì sớm muộn gì những suy nghĩ của ta cũng trở lại và cỏ cây, chim chóc sẽ biến mất. Chúng ta phải luôn luôn nắm lấy hơi thở của mình.
Khi đi chúng ta có thể nắm tay một em bé. Em bé sẽ tiếp nhận định lực, sự vững chãi của ta và ta sẽ tiếp nhận sự tươi mát, hồn nhiên của em bé. Thỉnh thoảng em bé muốn chạy trước và đợi chúng ta đến nắm tay. Em bé là tiếng chuông chánh niệm nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống thật mầu nhiệm. Ở làng Mai tôi dạy cho người trẻ những câu rất đơn giản để thực tập khi đi thiền hành. Thở vào, ta nói: “Trân quý, trân quý, trân quý.” Thở ra: “Biết ơn, biết ơn, biết ơn.” Tôi mong muốn các bạn trẻ tiếp xúc với sự sống, với xã hội, với đất Mẹ một cách tích cực và lành mạnh.
Sau khi thực tập vài ngày, chúng ta có thể thêm một bước cho hơi thở ra, chẳng hạn như bình thường hơi thở chúng ta là hai-hai chúng ta kéo hơi thở ra dài hơn một chút mà không phải bước nhanh hơn và tập hai-ba khoảng bốn năm lần, rồi trở lại hai-hai. Bởi vì nếu thở bình thường chúng ta không bao giờ đẩy hết không khí trong buồng phổi ra. Thêm vào một bước chân khi thở ra chúng ta sẽ đẩy thêm thán khí ra ngoài. Tuy nhiên, chúng ta không nên duy trì quá lâu, bốn năm lần là đủ, nhiều hơn có thể làm ta mệt. Sau khi thở như thế bốn năm lần, chúng ta hãy để cho hơi thở trở về trạng thái bình thường. Năm, mười phút sau chúng ta có thể trở lại. Nhớ là thêm một bước chân cho hơi thở ra mà không phải cho hơi thở vào.
Sau khi thực tập được vài ngày, buồng phổi có thể nói với ta rằng: “Thay vì thở hai-ba, chúng ta thở ba-ba thì tốt hơn.” Nếu thông điệp đó đã quá rõ ràng thì chúng ta hãy thở ba-ba, nhưng cũng chỉ thở bốn năm hơi thôi rồi trở lại hai-hai. Năm, mười phút sau trở lại hai-ba, rồi sau đó ba-ba. Sau vài tháng, phổi của ta sẽ khỏe mạnh hơn, máu huyết của ta sẽ lưu thông tốt hơn. Cách thở của chúng ta sẽ được chuyển hóa.
Đi thiền là trở về trong mỗi phút giây. Trở về với giây phút hiện tại một cách sâu sắc thì những tiếc nuối, muộn phiền của ta sẽ biến mất, chúng ta sẽ khám phá sự sống với tất cả những mầu nhiệm của nó. Thở vào: “Tôi đã về.” Thở ra: “Tôi đã tới.” Thực tập như vậy chúng ta sẽ không còn tán loạn nữa và ta sẽ an trú được trong giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại là giây phút duy nhất để sống.
Chúng ta có thể thực tập thiền hành bằng thơ. Trong thiền học phật giáo, thơ ca và thực tập luôn đi đôi với nhau.
Đã về - Đã tới - Bây giờ - Ở đây - Vững chãi - Thảnh thơi - Quay về - Nương tựa.
Khi đi chúng ta hoàn toàn ý thức vào đôi chân của ta và mặt đất. Sự nối kết giữa bàn chân và mặt đất là hơi thở ý thức. Người ta nói phép lạ là đi trên mặt nước nhưng theo tôi đi an lạc trên mặt đất mới thật sự là một phép lạ. Mặt đất là một phép lạ. Mỗi bước chân là một phép lạ. Đi từng bước trên hành tinh xinh đẹp này có thể mang đến hạnh phúc chân thực cho chúng ta.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm