Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Thiền sư Từ Đạo Hạnh - Nhà thơ thiền thâm hậu độc đáo

Thiền sư Từ Đạo Hạnh, với lịch sử và huyền thoại, nhưng đến nay qua mộc bản triều Nguyễn vừa công bố mới đây đã góp thêm tiếng nói khẳng định Đạo Hạnh là một danh sư có công lớn với triều đình nhà Lý và dân tộc.

Viết về Từ Đạo Hạnh từ xưa đến nay đã có nhiều bài viết về ông, đề cập lần này người viết chỉ xin điểm qua đôi nét tác phẩm thơ thiền của ông còn để lại hậu thế, nhằm góp thêm tiếng lòng biết ơn về một nhân vật lịch sử Phật giáo vốn dầu huyền thoại, nhưng cũng không thiếu vắng sắc thái hiện thực qua những tác áng thơ thiền của ông. Trước khi đến với những bài thơ thiền thâm hậu độc đáo của Từ Đạo Hạnh, chúng ta cùng điểm qua đôi nét sử liệu.

Bàn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở kiếp Phật tại chùa Thượng. Ảnh: Internet

Bàn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở kiếp Phật tại chùa Thượng. Ảnh: Internet

Thiền sư Từ Đạo Hạnh qua tài liệu Mộc Bản Triều Nguyễn

Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116) còn có tên là Từ Lộ, tục gọi là Đức thánh Láng, một thiền sư người Việt thời nhà Lý. Cuộc đời ông được ghi lại dưới nhiều mầu sắc huyền thoại. Trước khi truyền thuyết về Liễu Hạnh phổ biến, ông còn được liệt vào hàng thánh nổi tiếng mà tín ngưỡng Việt Nam - gọi là Tứ bất tử.

Truyền thuyết nổi tiếng nhất về ông chính là việc ông thoát xác, hóa thân thành con trai của Sùng Hiền hầu và Lý Dương Hoán, đó là Lý Thần Tông sau này. Chính vì truyền thuyết nổi tiếng này, cùng sự huyền diệu của các câu chuyện dân gian về ông đã khiến trong một thời gian ông có tên trong danh sách Tứ bất tử của người Việt.

Tương truyền ông tên là Lộ, con của quan Đô sát Từ Vinh và bà Tằng Thị Loan.

Sự thật của gia thế họ Từ ở Yên Lãng nhiều khi được truyền tụng trong đời sống rất lạ lùng. Nhất là những chuyện về Tăng quan Đô án Từ Vinh bị pháp sư Ðại Ðiên giết chết, và con trai ông là Thiền sư Từ Ðạo Hạnh tu luyện đạo pháp trả thù cho cha. Ðiều đó không lấy làm lạ, vì thời nhà Lý người ta rất chuộng đạo Phật. Các vua Lý đều chăm việc làm chùa, đúc chuông, tô tượng; nhiều tăng sư được cử làm chức Quốc sư, được ra vào chốn quan trường, tham dự các việc triều chính. Vương triều Lý còn mở khoa thi Bạch liên hoa để kén chọn những vị sư hay các tín đồ có đạo học cao, để bổ dụng. Từ Vinh là người đỗ khoa thi ấy, và được bổ chức Tăng quan Đô án ở kinh thành. Sau, ông lấy bà Tằng Thị Loan ở làng Láng, về sống ở đó và sinh Từ Lộ. Từ Lộ thông minh, còn bé đã có chí khác thường, ban ngày thì cùng bạn lứa chơi các trò đá cầu, múa kiếm, tối đến đóng chặt cửa phòng, trong đèn nghiên cứu sách vở suốt đêm. Từ Đạo Hạnh có bản tính hào hiệp, nghĩ sâu các lẽ, những hành động, lời nói thì không ai đoán trước được. Loại trừ lớp áo truyền thuyết về việc Từ Vinh (người cha) của ông hay dùng tà thuật làm việc không hay, bị pháp sư Ðại Ðiên dùng pháp thuật giết chết, rồi Từ Đạo Hạnh tu luyện thành đạo về báo thù..., ta thấy có một Từ Lộ với pháp danh là Từ Ðạo Hạnh tu ở chùa Thiên Phúc, trên núi Phật Tích (Quốc Oai, Hà Nội ngày nay). Và cũng loại trừ những truyền tụng về phép tu của Từ Ðạo Hạnh gần với phái Mật tông, tinh thông đạo pháp để rửa thù báo oán, rồi hóa thánh..., ta biết ông là thiền sư thuộc thế hệ thứ mười hai của dòng thiền Tỳ Ly Đa Lưu Chi.   

Và, Từ Đạo Hạnh cũng là một văn nhân danh tiếng của thời Lý, ông đã để lại cho đời Năm bài thơ, "đều là những tác phẩm giãi bày triết lý đạo Thiền" Ðó là các bài Vấn Kiều Trí Huyền (Hỏi Kiều Trí Huyền), Thất châu (Mất hạt châu), Hữu không (Có và không) Thị tịch cáo đại chúng (Sắp mất bảo mọi người) và tác phẩm Giáo trò.

Theo các học giả và các nhà nghiên cứu văn học cho rằng, trên tiến trình văn học nước ta, giai đoạn văn học thời Lý là giai đoạn rất đặc biệt, bởi đó là thời xuất hiện rất nhiều các văn nhân là những nhà sư và nhà chính trị. Vậy nên, những tác phẩm văn chương thời Lý còn lại với hậu thế cũng phản ánh khá rõ tâm hồn và ý thức xã hội đương thời. Xin đơn cử một đặc điểm mà chúng tôi mạnh dạn cho là duy nhất có ở thời Lý: Về thơ, chủ yếu là thơ thiền (như thơ của Lã Ðịnh Hương, Thiền Lão, Mãn Giác...); còn về văn, chủ yếu ghi lại những việc lớn trong đời sống xã hội của đất nước hay của một vùng quê (như văn của Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Lý Nhân Tông...). Thơ của Từ Đạo Hạnh cũng là thơ thiền của thời Lý.

Bài Hỏi Kiều Trí Huyền, theo các nhà Phật học, có lẽ ông viết khi chưa đắc đạo, nên lời thơ bộc lộ nỗi băn khoăn đau khổ cùng lòng mong mỏi của một người đi kiếm tìm chân lý Phật giáo. Chúng ta cùng tìm hiểu bài này, được (phiên âm) dưới đây:

Cửu hỗn phàm trần vị thức câm (kim),

Bất tri hà xứ thị chân tâm.

Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện,

Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.

 

Dịch nghĩa:

Lăn lóc giữa cõi trần mà chưa nhận rõ vàng (thau),

Chẳng biết chốn nào là chân tâm.

Mong người rủ lòng chỉ cho biết cách

Thấy rõ chân như đỡ khổ công tìm.

(Theo sách Thơ văn đời Lý, NXB Văn hóa thông tin - 1998)

Qua bài thơ, biết Từ Đạo Hạnh đã phải trăn trở, day dứt nhiều ngày "giữa cõi trần", để tìm tới chân lý ở cõi chân như. Và đến bài Mất hạt châu, thì ông đã nhận biết được chân lý. Nhưng, ông lại thấy buồn cho người đời không mấy ai đạt tới cái chân lý ở ngay giữa đời (bài Mất hạt châu):

Nhật nguyệt xuất nham đầu,

Nhân nhân tận thất châu.

Phú nhân hữu câu tử,

Bộ hành bất kỵ câu.

 

Dịch nghĩa:

Mặt trời mặt trăng kế nhau mọc nơi đầu núi

Cõi đời này người người đều đánh mất ngọc của mình,

Như anh nhà giàu có con ngựa quý

Lại không cưỡi, mà chỉ đi chân không.

(Theo sách đã dẫn ở trên)

Chùa Thầy và truyền thuyết ly kỳ về Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Có nhà nghiên cứu văn học thời Lý đã đưa ra những con số thống kê rằng, từ các học giả xưa như Lê Quý Ðôn (1726 - 1784), tiếp nữa là rất nhiều nhà sưu tầm nghiên cứu các đời sau, cho đến nay mới tìm thấy được 126 bài thơ hoặc văn đời Lý. Nếu tính cả triều Lý dài 216 năm đem so sánh, thì Từ Đạo Hạnh để lại Năm bài thơ đến hôm nay là rất quý hiếm. Hơn thế, trong số đó, bài Có và không là một bài thơ thật hay trong kho tàng thơ ca dân tộc. Chúng ta cùng tìm hiểu bài thơ này (phiên âm):

Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu, không như thủy nguyệt,

Vật trước hữu không không.

Bài Có và không của Từ Đạo Hạnh viết cách ta cả gần ngàn năm trước, là thơ thiền, nhưng rất trữ tình, hình tượng lớn lao, xúc cảm sâu xa lạ thường. Ðã không ít người dịch bài Có và không ra quốc văn, ở đây chúng tôi dùng bản dịch ở thể lục bát, tương truyền là của Huyền Quang (1254 - 1334) thiền sư này cũng là nhà thơ danh tiếng đời Trần:

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Vầng trăng vằng vặc in sông,

Chắc gì có có, không không mơ màng.

(Theo sách đã dẫn trên)

Thiền sư Từ Đạo Hạnh không chỉ là người nuôi trí lớn, hiếu học mà còn ham thích văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian. Ông là một người đa tài; việc Từ Đạo Hạnh quan hệ với nho gia Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nhà sư Giác Hải, Minh Không, nghệ sĩ phường chèo Vi Ất và tìm những nhà sư đương thời nổi tiếng để “tâm sự học đạo” cho thấy ông vốn là con người ham hiểu biết và có khả năng tiếp thu tinh hoa trí thức để tự bồi dưỡng làm giầu năng lực trí tuệ của mình nên trở thành người đa tài. Ông giỏi về thơ văn và để lại những bài thơ nổi tiếng mà điển hình là tác phẩm Giáo trò, tác phẩm này theo học giả - thiền sư Lê Mạnh Thát, “Giáo trò trở thành tác phẩm văn học tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam”.

Còn theo Giáo sư nghiên cứu dân gian Trần Lâm Biền, “gạt bỏ những chuyện kỳ bí như lớp sương mù bao quanh Từ Đạo Hạnh ta thấy lộ ra một vị thiền sư đa tài, ông có đóng góp nhất định cho chính trị, đạo đức, văn hóa dân tộc, và cho tới nay, sự hiện diện của hai ngôi chùa ở thủ đô Hà Nội, đã trở thành danh thắng nổi tiếng, đó là chùa Láng va chùa Thầy”.

Còn có truyền thuyết, khi trút bỏ xác trần, Từ Đạo Hạnh đầu thai thành vua Lý Thần Tông. Có lẽ vì thế mà ở chùa Láng thờ cả Từ Ðạo Hạnh và Lý Thần Tông, là hai kiếp sống tại thế của Từ Lộ! Lại có chuyện lưu truyền trong dân gian vùng Sài Sơn, thiền sư Từ Ðạo Hạnh do có những hiểu biết uyên bác về nho, y, lý, số nên  thường làm thuốc trị bệnh cứu người. Ông còn thích múa, hát, và thường dạy dân diễn trò múa rối, nên dân chúng gọi ông là "Thầy". Rồi ngôi chùa cùng ngọn núi mà Từ Đạo Hạnh tu trì, tĩnh tọa cũng có tên là chùa Thầy, núi Thầy. Từ Đạo Hạnh sống giữa cuộc đời, giữa những con người trong dân gian, đó là lẽ đời thực giản dị. Từ Đạo Hạnh đã lăn lóc giữa trần đời, như ông viết trong thơ, đó là lẽ đời thường tình. Và cuối cùng, tới cõi, ông cũng có bài thơ Thị tịch cáo thị chúng (Sắp mất bảo mọi người) dưới đây:

Thu lai bất báo nhạn lai quy,

Lãnh tiếu nhân gian động phát bi.

Vị báo môn nhân lưu luyến trước

Cổ sư kỷ độ tác kim si (sư)

 

Dịch nghĩa:

Mùa thu về không báo chim nhạn cùng về,

Ðáng cười người đời cứ nảy sinh buồn thương (trước cái chết).

Khuyên các môn đồ chớ vì ta mà quyến luyến

Thầy xưa đã bao lần hóa thân thành thầy nay.

(Theo sách đã dẫn trên)

Thiền sư Từ Đạo Hạnh: Lịch sử và huyền thoại

Bài thơ Sắp mất bảo mọi người là một sự thật cuộc đời Từ Đạo Hạnh, đã được ông viết thành thơ. Thơ của một người sắp từ giã mọi người, ngoái lại nhìn cõi thế, nên thơ ấy điềm nhiên, bình thản và cũng sâu sắc vô cùng. Chính bởi vậy, ngót nghìn năm qua, thơ thiền của Từ Đạo Hanh vẫn sống trong đời sống tinh thần người Việt Nam.

Đánh giá của Khuông Việt, vị quốc sư đầu tiên của Việt Nam cũng cho rằng, Đạo Hạnh là một thiền sư luôn gắn đạo với đời, Pháp giáo với dân tộc. Ông thực sự lo cho vận nước khi có tà đạo lũng loạn làm mê tín lòng người phá rối chánh pháp”. Còn theo sử liệu cho biết, Lý Thần Tông là Hậu thân của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thì thông qua vị vua này, ông đã làm cho “sản xuất nông nghiệp phát triển, dân no đử nên giặc giã ít”.

Tưởng nhớ công lao của Từ Đạo Hạnh, Ngôi chùa Láng của hương Yên Lãng đẹp và cổ kính giữa vườn rừng thâm nghiêm, có cây thông già gần nghìn năm tuổi, từ xưa đã nổi tiếng là đệ nhất tùng lâm của cố đô Thăng Long. Chùa được lập từ đời Lý Thần Tông (1128 - 1138), trên nền đất cũ nhà ông, bà Từ Vinh, Tằng Thị Loan. Ðặc biệt, trong chùa có pho tượng Từ Ðạo Hạnh, không tạc bằng gỗ hay đá, mà đan bằng mây, bên ngoài  bó sơn ta, thật đẹp và hiếm thấy trong các chùa khác ở xứ bắc nước ta.

Theo học giả Phan Huy Chú có viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: "Chùa Phật Tích ở xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, có tên nữa là Sài Sơn, lại gọi là Cổ Sài, cảnh núi rất đẹp. Chân núi có hồ, trên núi có hang sâu, là chỗ Từ Ðạo Hạnh trút xác ở đây. Tại vách đá còn có dấu vết đầu và gót chân. Trong núi có viện Bồ Ðà, am Hương Hải đều là Từ Ðạo Hạnh làm ra. Nay là chùa Phật Tích". Ðể lại những dấu ấn như vậy ở một ngôi chùa nơi vùng núi Sài Sơn, chứng tỏ Từ Ðạo Hạnh phải chuyên sâu việc thiền đạo đến dường nào.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh, với lịch sử và huyền thoại, nhưng đến nay qua mộc bản triều Nguyễn vừa công bố mới đây đã góp thêm tiếng nói khẳng định Đạo Hạnh là một danh sư có công lớn với triều đình nhà Lý và dân tộc. Công đức của ông đã được ghi trong một số sách như: An nam chí lược (năm 1333), Thiền uyển tập anh (năm 1337), Việt điện u linh (năm 1329), Đại Việt sử ký toàn thư (năm 1479) và một số bia ký khác, đã giúp chúng ta một lần nữa khẳng định vai trò và công lao của ông trong dòng sử vàng Dân tộc. Đó là niềm tự hào của những người con Đất Việt. 

Tài liệu tham khảo:

- Đại Việt sử ký.

- Thiền Uyển Tập Anh

- Thơ văn Lý Trần và một số tài liệu liên quan khác.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Nghiên cứu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Nghiên cứu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Nghiên cứu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Xem thêm