Tìm hiểu về bốn chân lý cao quý: Tại sao khát ái đưa đến tái sinh?

Đêm giác ngộ năm 528 TCN, Đức Phật đã hướng tâm đến lậu tận trí, thấy biết như thật: Đây là Khổ; đây là Khổ Tập; đây là Khổ Diệt; đây là Con Đường Đưa Đến Khổ Diệt.

Đêm giác ngộ năm 528 TCN, Đức Phật đã hướng tâm đến lậu tận trí, thấy biết như thật: Đây là Khổ; đây là Khổ Tập; đây là Khổ Diệt; đây là Con Đường Đưa Đến Khổ Diệt.

Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên - Tứ diệu đế - cho năm anh em ngài Kiều Trần Như

Khi Đức Phật hoàn toàn như thật tuệ tri bốn chân lý cao quý này, Ngài thành tựu tri kiến giải thoát: “Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, gánh nặng được đặt xuống” (1). Như thế, Đức Phật hoàn toàn giác ngộ giải thoát, được tôn xưng là Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn.

Hai tháng sau, tại Isipatana, Đức Phật thuyết bài Pháp đầu tiên (2) về Bốn Chân Lý Cao Quý (bánh xe chánh pháp bắt đầu từ đó được chuyển cho đến hôm nay):

1. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ (Bất như ý - Dukkha): Sanh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; sầu bi ưu não là khổ; thân cận những gì ta không ưa thích là khổ; xa lìa những gì ta ưa thích là khổ; cầu không được là khổ ... Tóm lại, năm thủ uẩn (tạo thành một cá nhân sống) là khổ.

2. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về nguồn gốc của khổ (Samudaya): Đó chính là khát ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu lạc thú chổ này chổ kia – Dục ái (Kamatanha), Hữu ái (Bhavatanha), Phi hữu ái (Vibhavatanha).

3. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về khổ diệt (Nidroda): Chính là sự đoạn trừ, diệt tận hoàn toàn khát ái, quăng bỏ nó, chấm dứt nó, xả ly nó, không chấp thủ nó.

4. Này các Tỳ-kheo, đây là con đường đưa đến diệt khổ: Đó là Thánh Đạo tám ngành: Chánh kiến ( Samma-ditthi), Chánh tư duy (Samma-sankappa), Chánh ngữ ( Samma-vacca), Chánh nghiệp (Samma-kammanta), Chánh mạng (Samma-ajiva), Chánh tinh tấn (Samma-vayama), Chánh niệm (Samma-sati), Chánh định (Samma-sammadi)

Chín năm sau tại Kosambi, Đức Phật hái một nắm lá Simsapa trong lòng bàn tay và hỏi các vị Tỳ kheo là lá Simsapa trong tay nhiều hay trong rừng nhiều. Các vị Tỳ kheo trả lời là lá trong rừng nhiều. Đức Phật dạy:

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, thật là quá nhiều những gì ta thắng tri mà không nói cho các ông! Thật là quá ít những gì ta nói cho các ông! ...”

“Và này các Tỳ kheo, những gì ta đã nói? Đây là KHỔ, này các Tỳ kheo, là điều ta nói. Đây là khổ KHỔ TẬP là điều ta nói. Đây là KHỔ DIỆT là điều ta nói. Đây là CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN KHỔ DIỆT là điều ta nói”.

“Nhưng tại sao, này các Tỳ kheo, ta lại nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỳ kheo, những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho phạm hạnh, đưa đến yểm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn. Do vậy, ta nói lên những điều ấy”.

Tại Jetavana ở Saravathi, Tỳ-kheo Malunkya và một số Tỳ-kheo có khuynh hướng thích lý luận siêu hình: Thế giới là thường hay vô thường; Như lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết … Đức Phật một lần nữa khẳn định: Thế giới có thường hay vô thường; Như lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết... thì sự thật về sầu, bi, khổ, ưu, não, già, bệnh, chết vẫn là sự thật cần phải được đoạn trừ trong hiện tại.

Đức Phật xác quyết ai tìm câu trả lời của Ngài về thế giới này là thường hay vô thường, Như lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết ... cho đến chết vẫn không có được câu trả lời của Ngài. Cũng như một người bị bắn mũi tên độc sẽ chết nếu như anh ta không để cho y sỹ trị liệu vết thương trước, mà cứ hỏi ai là người bắn ta, mũi tên này từ đâu đến, mũi tên làm bằng gì, thuốc độc tẫm mũi tên là loại thuốc gì ... không cho nhổ mũi tên ra khi những câu hỏi chưa được thoả mãn.

Đức Phật nói với Malunkya là Ngài chỉ dạy: Đây là Khổ; đây là Khổ Tập; đây là Khổ Diệt và đây là Con Đường Đưa Đến Khổ Diệt. Vì nó liên hệ đến mục đích ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Ngài khuyên bảo Malunkya và các Tỳ kheo hãy thọ trì những điều Ngài dạy. Malunkya đã thành tựu quả vị A-la-hán nhờ trọn vẹn thọ trì lời dạy (Bốn Chân Lý Cao Quý) của Ngài.

Đây là Khổ (Dukkha); đây là Khổ Tập (Samudaya) ; đây là Khổ Diệt (Nidroda) và đây là Con Đường Đưa Đến Khổ Diệt (Nidroda Magga) chính là Bốn Chân Lý Cao Quý. Bốn chân lý này có công năng trị liệu và chuyển hoá tâm thức phàm phu thành bậc thánh hiền.

1. Chân Lý Thứ Nhất: Dukkha - Khổ Đế

Tiếp xúc với lý thuyết về chân lý thứ nhất không trọn vẹn, không ít người đã hiểu sai hay cố tình hiểu sai. Người ta giải thích rằng sự sống, theo Đức Phật, chỉ toàn là khổ. Chính lối giải thích này đã làm cho số đông hiểu lầm Phật giáo là yếm thế, bi quan.

Phật giáo thật ra không hề bi quan, cũng không lạc quan, mà là hiện thực. Phật giáo nhìn nhân sinh và vũ trụ một cách như thật. Thế giới như thế nào, Phật giáo nhìn nó như thế đó. Đức Phật không có ý ru ngủ con người về một thiên đường không thật, hay đe doạ một sự khủng khiếp về địa ngục muôn đời. Và tất nhiên, Đức Phật không hứa hẹn cho một ai về một tương lai sáng ngời theo kiểu “anh tin tôi đi, tôi sẽ cho anh”. Phật giáo đơn giản chỉ cho con người biết ta là ai một cách khách quan; thế giới quanh ta là gì, và quan trọng hơn hết là chỉ đường cho con người đi đến tự do hoàn toàn, thanh bình chân thật, hạnh phúc hiện tại.

Một bệnh nhân có bệnh hiểm nghèo đi gặp bác sỹ, bác sỹ có thể phóng đại về căn bệnh đó khiến bệnh nhân tuyệt vọng. Bệnh nhân đó lại đi gặp một bác sỹ khác, bác sỹ thứ hai này không hiểu biết nhiều về căn bệnh đó nên nói càng là bệnh chẳng sao. Một ngày nọ, thật may mắn, bệnh nhân gặp được một vị bác sỹ khác có tâm và tài, chuẩn đoán đúng bệnh, biết rõ nguyên nhân gây bệnh, thấy cách chữa bệnh, vô cùng nhiệt tâm giúp bệnh nhân, chữa khỏi được căn bệnh của bệnh nhân. Đức Phật giống như vị bác sỹ sau cùng. Ngài là vị Thầy có trí tuệ và khoa học chữa trị những căn bệnh thế gian có nguồn gốc tham ái và vô minh.

Kinh Chuyển Pháp Luân (3) ghi lại lời dạy của Phật về chân lý Dukkha như sau:

“Này các Tỳ kheo, đây là Thánh đế về Khổ (Bất như ý - Dukkha): Sanh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; sầu bi ưu não là khổ; thân cận những gì ta không ưa thích là khổ; xa lìa những gì ta ưa thích là khổ; cầu không được là khổ ... Tóm lại, năm thủ uẩn (tạo thành một cá nhân sống) là khổ”.

Để trọn vẹn tiếp nhận lời dạy này, chúng ta cần hiểu một điều rằng Đức Phật không có nhu cần trở thành giáo chủ, Ngài cũng không có nhu cầu trở thành một triết gia, Ngài đi tìm Đạo là để giải thoát khổ đau cho tự thân, mà không phải để có một cái nghề hay một sự nghiệp. Vì thế, tất cả những gì Phật dạy là sự trao truyền trí tuệ giác ngộ, giúp mọi người trực tiếp thể nhập sự thật như thật của tự thân, tha nhân và thế giới, từ đó giải thoát chính mình và thực hiện hạnh nguyện.

Đức Phật giác ngộ chân lý Dukkha ngay cuộc đời này, Ngài dạy chân lý này cũng cho con người ngay chính cuộc đời này, vì thế Dukkha hoàn toàn không có gì khó hiểu.

Bạn hãy thử nhắm mắt lại, để tâm trí thư giản, tỉnh lặng, hồi tưởng lại một lần bất như ý nào đó trong đời mình, ghi nhận khách quan, không phán xét, bạn sẽ thấy Dukkha là có thật. Có người bất như ý vì mình bị sinh ra; có người bất như ý về già, bệnh và chết; có người bất như ý về sầu bi ưu não; có người bất như ý về sự biến đổi bất trị của tâm ý và xác thân (năm uẩn)...

Dukkha hay “Khổ Đế” Đức Phật dạy là một sự thật của con người và thế giới. Sự thật là sự thật, không phải ai đó nghĩ nó không thật là nó không thật. Một người muốn hết bệnh cần phải thấy biết đúng mình có bệnh. Một người muốn hết khổ đau trước hết cần thấy biết đúng mình có khổ đau.

Trong thế giới này, "Khổ” thường biểu hiện dưới ba hình thức:

- Khổ thông thường (còn gọi là Khổ Khổ - Dukkha Dukkha): Những thứ đau khổ trong cuộc đời mà con người kinh nghiệm như già, bệnh, chết, không vừa lòng, hận thù, yêu mà không được gần, ghét mà luôn gặp mặt, mơ ước không thành ...

- Hoại khổ (Viparinama Dukkha - Bản chất vô thường): Một cảm giác vui sướng, một hoàn cảnh hạnh phúc, một tài sản tích luỹ, sức khoẻ, tuổi thanh xuân hay một danh tiếng trong đời không bao giờ trường cữu, khi biến đổi, nó phát sinh bất hạnh, gây ra khổ đau.

- Hành khổ (Samkhara Dukkha): Khổ khổ và Hoại khổ là hai hình thức khổ con người biết đến nhiều hơn, vì nó là kinh nghiệm thường ngày trong kiếp sống con người. Hành là các hiện tượng kết hợp lại (formation). Cái gì có kết hợp lại, cái đó có tan rã - chư hành vô thường (4). Xác thân và tâm thức con người là một tập hợp của năm nhóm yếu tố: Sắc (thân vật lý), Thọ (cảm giác), Tưởng (tri giác), Hành (động lực tâm ý) và Thức (nhận thức). Những gì được gọi là tôi thực ra chỉ là một tập hợp của năm nhóm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức mà thành. Trong bản chất của những gì được gọi là tôi luôn luôn biến đổi và tan rã, và điều chứa sẳn hạt giống khổ đau.

Nhiều người không dám nhìn nhận Dukkha biểu hiện dưới các hình thức của nó, nhưng dù người ta có dám hay không, Dukkha vẫn là Dukkha, vẫn cứ biểu hiện.

Phật dạy người nào thấy Dukkha cũng thấy rõ luôn nguyên nhân của Dukkha, sự diệt tận Dukkha và con đường đưa đến sự diệt tận Dukkha (5). Bởi vậy, người Phật tử chân chính không bao giờ có thái độ buồn đau ảm đạm hay sợ hãi lo lắng gì khi thấy rõ Dukkha, trái lại, rất hạnh phúc. Hạnh phúc đó biểu lộ rạng ngời qua thân xác và tâm hồn người Phật tử chân chính, làm cho vua xứ Kosala một lần nhìn thấy phải cảm phục thưa với Phật: Khác với nhiều đồ đệ các hệ thống tôn giáo khác, thường trong hóc hác, thô kệch, xanh xao, tiều tuỵ, ít ưa nhìn, những đệ tử Phật luôn luôn vui vẻ, thanh thoát, hồn nhiên, sung sướng, vui đời sống tâm linh, không lo âu, bình an thư thái, những Thượng toạ này chắc chắn đã nhận chân toàn bộ lời dạy của Đức Thế Tôn (6).

Đọc Trưởng lão Tăng kệ (Theragatha) và Trưởng lão Ni kệ (Therigatha) càng thấy rõ hơn niềm hoan hỷ vô biên của các Phật tử chứng ngộ Dukkha:

Am thất ta khéo lợp,

An lạc ngăn chặn gió,

Thần mưa, hãy mưa đi,

Mưa như ý ngưa muốn!

Tâm ta khéo định tĩnh,

Giải thoát, sống tinh cần,

Thần mưa, hãy mưa đi!

Thần mưa, hãy mưa đi! (7)

Ta đã chế ngự được,

Thân miệng và tâm tư,

Ta chinh phục khát ái,

Cho đến tận gốc rễ,

Ta sống được mát lạnh,

Trong tịch tịnh an lành (8).

Thấy Dukkha cũng như thấy được cửa ngõ đi vào chân hạnh phúc. Người thấy Dukkha như người trong đêm tối có được ngọn đèn. Vấn đề còn lại là sử dụng ngọn đèn đó để đi đến điểm muốn đến nhanh hay chậm mà thôi.

2. Chân lý thứ hai: Samudaya - Nguyên nhân phát sinh khổ đau (Khổ Tập)

Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật dạy về chân lý thứ hai như sau:

“Này các Tỳ kheo, đây là Thánh đế về nguồn gốc của Khổ (Samudaya): Đó chính là khát ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu lạc thú chổ này chổ kia - Dục ái (Kamatanha), Hữu ái (Bhavatanha), Phi hữu ái (Vibhavatanha)”.

Chính sự khát ái (thèm muốn u mê) xuất hiện dưới nhiều hình thức làm phát sinh đa dạng khổ đau. Nhưng khát ái không phải là nguyên nhân đầu tiên mà chỉ hiện hữu tuỳ thuộc vào “Thọ”, “Thọ” lại tuỳ thuộc vào “Xúc”... trong vòng Duyên Khởi (9).

Khát ái không phải là nguyên nhân đầu tiên và duy nhất làm phát sinh khổ, mà là nguyên nhân trực tiếp và rõ nhất. Khát ái có nguồn gốc sâu xa từ ý niệm sai lầm về Tôi và cái Của Tôi do Vô Minh mà ra.

Khát ái không chỉ là những ham muốn bị trói buộc vào các khoái lạc giác quan, tài sản, quyền lực mà còn bị trói buộc vào tư tưởng, lý tưởng, quan điểm, lý thuyết, khái niệm, niềm tin...

Tất cả tranh chấp trên đời từ gia đình cho đến thế giới, đều có gốc trễ trực tiếp từ khát ái. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, tôn giáo, xã hội đều do lòng tham mà ra. Thế giới bị tham ái chi phối nên luôn thấy: thiếu thốn, khát khao và nô lệ dục vọng.

Những khổ đau của cá nhân và thế giới sinh ra từ những dục vọng, số đông ai cũng thấy. Nhưng Phật dạy thêm “ khát ái đưa đến tái sinh” thật không dễ cho số đông hiểu ra.

Tại sao khát ái đưa đến tái sinh? Ta quay về lại một chút tri kiến về Nghiệp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ trong đêm thành tựu Tam Minh: với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, vượt tri kiến phàm tục, ta thấy các chúng sanh hữu tình sanh tử như thế nào. Ta thấy rõ cao sang hay hạ liệt, thông minh hay ngu đần, mỗi người đều được tái sinh cõi lành hay cõi dữ tuỳ theo hạnh nghiệp của mình. Và ta biết rõ những kẻ nào tạo ác nghiệp về thân khảu ý, sau khi thân hoại mạng chung sẽ tái sanh vào cảnh khổ, chúng sẽ đoạ vào đoạ xứ, địa ngục. Xong những kẻ nào tạo thiện nghiệp về thân khẩu ý sẽ được tái sanh cõi lành, sẽ lên thiên giới.

Trong tri kiến chứng ngộ này của Đức Phật, ta thấy Nghiệp là động lực đưa đến tái sinh. Nhưng nghiệp là gì? Tại sao có nghiệp? Nghiệp là sức mạnh tổng hợp từ hành động cố ý. Hành động cố ý (thân, khẩu, ý) phát sinh từ ý muốn (hành uẩn) do tham ái thúc đẩy. Như thế tham ái thúc đẩy một chúng sanh tạo nghiệp và nghiệp quả của nó dẫn chúng sanh luân hồi tái sinh.

Ở đây có một vấn đề cần phân biệt rõ là “Nghiệp” không đồng nghĩa với “linh hồn”. Linh hồn theo quan niệm thông thường là trường cữu bất biến. Một thân xác A sau khi chết, linh hồn A sẽ đi đến thân xác B, mà vẫn giữ nguyên linh hồn A. Nghiệp không như thế, nghiệp có thiện và không thiện, luôn luôn biến chuyển từng giây phút, do tham ái thúc đẩy. Một thân xác sau khi tan rã, sức mạnh tổng hợp của một hành động cố ý trong đời (Nghiệp), đặc biệt sức mạnh của hành động cố ý gần nhất, đưa đến tái sanh chỗ này hay chỗ kia. Nhưng nghiệp không cố định, nghiệp có thể tái tạo. Con người có thể tự chuyển nghiệp và giải thoát khỏi nghiệp. Một người khi nhỏ có tên A, lớn lên rồi già cũng có tên A. Nhưng A khi nhỏ và A đã già về mặt bản chất đã không đồng nhất. Nghiệp cũng vậy, sau khi tái sanh, sức mạnh thiện và ác của nghiệp vẫn chi phối đời sống mới, nhưng ý chí của đời sống mới cũng tạo nên nghiệp mới. Nghiệp mới và cũ theo nguyên tắc lượng và chất, sẽ hình thành một tổng hợp sức mạnh mới, tiếp tục đưa đến tái sanh.

Một lưu ý quan trọng, nghiệp có là do tham ái có. Một bậc A La Hán không còn sai lầm về tự ngã, không còn tham ái, giải thoát mọi phiền não, dù có hành động Thân, Khẩu, Ý cũng không dồn chứa nghiệp nữa.

3. Chân lý thứ ba: Nidroda - Sự chấm dứt khổ đau (Diệt Đế)

Khi mới tiếp xúc chân lý thứ nhất người ta thường cho rằng Phật dạy chỉ toàn khổ đau. Nhưng khi tiếp xúc chân lý thứ hai người ta phát hiện ra rằng nói về khổ đau là nói về hiện thực mà con người đang đối diện, để tìm ra nguyên nhân của nó như thấy triệu chứng của bệnh và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tiếp xúc với chân lý thứ ba, người ta vô cùng ngạc nhiên và vui mừng khổ đau có thể hoàn toàn chấm dứt, và không ai khác hơn chính người có khổ đau tự chấm dứt khổ đau mà không cần đến một thần linh hay một quyền năng tối cao nào.

Chân lý cao quý thứ ba, trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật dạy như sau:

Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ Diệt (Nidroda): Chính là sự đoạn trừ, diệt tận hoàn toàn khát ái, quăng bỏ nó, chấm dứt nó, xả ly nó, không chấp thủ nó.

Chấm dứt khổ đau còn gọi là Niết Bàn, hoặc ái diệt. Niết Bàn được hiểu là một trạng thái tâm thức khi không còn tham sân si, mà không phải là một cõi giới (nơi chốn) nào đó. Đức Phật và chư Thánh đệ tử đều dùng những từ ngữ phủ định để nói về Niết Bàn.

Niết-bàn không phải là một đối tượng có thể miêu tả hay nhận thức bằng lý trí mà chỉ có thể chứng nhập. Lý trí có thể lãnh ngộ đầy đủ lời dạy của Phật, nhưng Niết Bàn (mục tiêu cứu cánh) vượt ra ngoài phạm vi lý trí.

Trong tiếng Phạn Niết Bàn là Nirvana hay Nibbana. “Ni” là hình thức phủ định, “Vana” là ái dục. Nirvana có nghĩa là sự dứt bỏ, tách rời khỏi ái dục, không còn thèm khát nhục dục. Một ngày nào đó người ta còn bị ái dục chi phối, còn bị các trói buộc luyến ái giam hãm, ngày ấy người ta chưa thể biết được chân chính Niết Bàn, mà chỉ dừng lại ở chổ tạo nghiệp thiện hay bất thiện, từ đó theo nghiệp, thừa tự nghiệp mà thôi.

Có nhiều người vì không thể quan niệm được Niết Bàn bằng lý trí, người ta bổng hoài nghi về Niết-bàn, và cho rằng Niết-bàn chỉ là hư vô.

Thế giới có vô vàng vấn đề không thể miêu tả và nhận thức bằng lý trí. Nếu vì không thể miêu tả và nhận thức bằng lý trí mà người ta cho rằng Niết Bàn là hư vô thì cũng vô lý như người mù phủ định không có ánh sáng hay bạn cá phủ định với bạn rùa không có sự tồn tại của thế giới không có nước (thế giới trên cạn).

Chư Phật, các bậc thánh A-la-hán, đã đoạn tận ái, các Ngài như thật chứng ngộ Niết Bàn, nhưng các vị vẫn không thể dùng ngôn ngữ thế gian để mô tả nó, bởi đơn giản thế gian không có ngôn ngữ để mô tả Niết Bàn. Ngay cả Đức Phật, Ngài cũng chỉ dùng ngôn ngữ phủ định:

“Này các Tỳ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các Tỳ kheo, nếu không có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu,bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các tỳ kheo, do có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có sự trình bày xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi” (10).

Con người giữa đời này, hầu như ai cũng luôn khao khát hạnh phúc, chấm dứt khổ đau. Và thật diễm phúc, Đức Phật xuất hiện giữa thế gian, tự mình chấm dứt khổ đau và hướng dẫn cho mọi người con đường chấm dứt khổ đau, mà không phải van xin ai cả.

Chân lý cao quý thứ ba Nidroda, sự chấm dứt khổ đau (Diệt đế), như bình minh lên xoá tan u ám trong đêm còn sót lại của hoài nghi, sợ hãi, vô vọng của loài người, trao lại cho con người tự quyết chính cuộc đời anh ta.

4. Chân lý thứ tư: Nidroda Magga - Con đường chấm dứt khổ đau (Đạo đế)

Khổ đau là có thật; nguyên nhân đưa đến khổ đau là có thật; sự chấm dứt khổ đau là có thật. Nhưng làm thế nào để cắt đứt nguyên nhân dẫn đến khổ đau và hoàn toàn chấm dứt khổ đau? Chân lý cao quý thứ tư (Nidroda Magga – Đạo đế) chính là bản đồ lộ trình cho người muốn chấm dứt khổ đau. Đức Phật, trong Kinh Chuyển Pháp Luân, dạy chân lý này như sau:

“Này các Tỳ-kheo, đây là con đường đưa đến diệt khổ: Đó là Thánh Đạo tám ngành: Chánh kiến (Samma-ditthi), Chánh tư duy (Samma-sankappa), Chánh ngữ (Samma-vacca), Chánh nghiệp (Samma-kammanta), Chánh mạng (Samma-ajiva), Chánh tinh tấn (Samma-vayama), Chánh niệm (Samma-sati), Chánh định (Samma-sammadi)”.

Chân lý này còn gọi là Bát Chánh Đạo, bởi vì nó có tám phần Chánh Đạo:

1. Chánh kiến: thấy đúng sự thật thế giới - sự thật vô thường, vô ngã, bất như ý của các pháp. Nhận thức như thật các dục vui ít khổ nhiều, sự nguy hiểm bên trong càng nhiều hơn. Nhờ thấy đúng như thế, tinh tấn tác ý như thế, tâm tham được điều phục, được đoạn trừ, chánh niệm tỉnh giác trên thân, thọ, tâm và pháp dễ dàng.

2. Chánh tư duy: Tư duy đúng với sự thật mà chánh kiến đã thấy rõ. Từ đó, bất thiện chưa sanh không sanh khởi, bất thiện đã sanh được đoạn trừ; thiện chưa sanh được sanh khởi, thiện đã sanh được tăng trưởng.

3. Chánh ngữ: Luôn luôn hộ trì lời nói theo tâm từ và tuệ giác. Không nói lời độc ác, không nói sai sự thật, không vì tài, sắc và danh vọng mà sảo ngôn, ngụy thuyết làm hại mình, hại người và hại cả hai.

4. Chánh nghiệp: Luôn luôn phòng hộ Thân-khẩu-ý bằng chánh niệm tỉnh giác. Nghiệp bất thiện tinh tấn buông xuống; nghiệp thiện tinh tấn dưỡng nuôi.

5. Chánh mạng: Nuôi thân mạng bằng thực phẩm và nghề nghiệp chân chính, không sống bằng thực phẩm và nghề nghiệp hại mình hại người và hại cả hai.

6. Chánh tinh tấn: Nỗ lực không ngừng nghỉ ngày và đêm cho việc đoạn trừ ác pháp, tăng trưởng thiện pháp.

7. Chánh niệm: Luôn luôn tỉnh giác bất luận ngày và đêm bốn niệm xứ: Thân, Thọ, Tâm và Pháp. Nơi thân có đau biết đau; nơi tâm có khổ biết khổ. Đi biết đi; đứng biết đứng. Mọi cử động của thân biết rõ không lờ mờ; mỗi niệm khởi của tâm được liểu tri tường tận. Bất thiện pháp sanh khởi biết sanh khởi để đoạn trừ; thiện pháp sanh khởi biết thiện pháp sanh khởi để nuôi dưỡng.

8. Chánh định: Tâm luôn an tĩnh, thanh thản, bất động trước ác pháp nhờ tinh tấn chánh niệm tỉnh giác; nhờ phòng hộ ác pháp, tăng trưởng thiện pháp theo chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp; nhờ thấy rõ Bốn Thánh Đế và như lý tác ý theo chánh kiến và chánh tư duy.

Một người thấy được “Khổ”, bất toạn nguyện; thấy được “Khổ Tập”, nguyên nhân của “Khổ”, người đó hướng đến sự chấm dứt “Khổ”, tư duy cũng đi vào quỹ đạo của sự chấm dứt “Khổ” (Chánh kiến, Chánh tư duy), từ đó hành động cụ thể được biểu lộ: Chánh ngữ (nói năng không làm hại người, không hại mình và không hại cả hai), Chánh nghiệp (hành động của thân và tâm luôn hướng thiện, không làm hại người, không hại mình và không hại cả hai), Chánh mạng (nuôi sống thân mạng chân chính không tổn hại người, không tổn hại mình và không tổn hại cả hai).

Khi thấy kết quả an vui từ Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, người ta càng tinh tấn trên Thánh Đạo (Chánh tinh tấn). Tinh tấn ngày đêm thực hành Chánh ngữ, Chánh nghiêp, Chánh mạng cũng chính là tinh tấn ly dục và ly các ác pháp, làm tâm dễ dàng an trú trên thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng của tâm ý (tứ niệm xứ) là đi vào Chánh niệm. Nhờ Chánh niệm, tâm an tịnh và thuần khiết. Khi chánh niệm sung mãn, mọi thứ trên thân và trong tâm vẫn diễn ra, nhưng không còn tạo nên phiền não nữa, tâm bấy giờ bất động trước ác pháp và các cảm thọ (Chánh định), cánh cửa chấm dứt khổ đau hé mở từ đây.

-----------------------------

(1) Đai Kinh Saccaka, Trung Bộ Kinh, HT. Minh Châu dịch

(2) Kinh Chuyển Pháp Luân

(3) Dhammacak-kappavattana Sutta

(4) 諸行無常

(5) 'He who sees Dukkha sees also the arising of Dukkha, sees also the cessation of Dukkha, and sees also the path leading to the cessation of Dukkha.' (What The Buddha Taught, Rahula)

(6) The king of Kosala once told the Buddha that unlike many a disciple of other religious systems who looked haggard, coarse, pale, emaciated and unprepossessing, his disciples were 'joyful and elated (hattha-pahattha), jubilant and exultant (udaggudagga), enjoying the spiritual life (abhiratarūpa), with faculties pleased (pinitindriya), free from anxiety (appossukka) serene (pannaloma), peaceful (paradavutta) and living with a gazelle's mind (migabhūtena cetasā), i.e., light-hearted.' The king added that he believed that this healthy disposition was due to the fact that 'these venerable ones had certainly realized the great and full significance of the Blessed One's teaching.' (What The Buddha Taught, Rahula)

(7) Subhuti, Trưởng lão Tăng kệ, HT. Minh Châu dịch

(8) Uttara, Trưởng lão Ni kệ, HT. Minh Châu dịch

(9)"Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có thọ sinh; do thọ, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi, Duyên sinh." (Tương Ưng Bộ Kinh II, HT. Minh Châu dịch).

(10) Kinh Phật Tự Thuyết (Udana), HT. Minh Châu dịch

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tìm hiểu về bốn chân lý cao quý: Tại sao khát ái đưa đến tái sinh?

Nghiên cứu 13:39 16/12/2024

Đêm giác ngộ năm 528 TCN, Đức Phật đã hướng tâm đến lậu tận trí, thấy biết như thật: Đây là Khổ; đây là Khổ Tập; đây là Khổ Diệt; đây là Con Đường Đưa Đến Khổ Diệt.

Thí thực cô hồn - nét đẹp văn hoá từ chốn Thiền môn đến đời sống người dân Huế

Nghiên cứu 10:08 16/12/2024

Thí thực cô hồn - Trong chốn thiền môn, vào mỗi buổi chiều đều có nghi thức gọi là công phu chiều hay gọi thông thường là nghi cúng cháo. Nghi thức gồm có các bài kinh cầu siêu, sám hối và đặc biệt là nghi thức mông sơn thí thực. Trước đó khi thực hành nghi thức thì luôn luôn có một tô cháo lỏng hay gọi là cháo thánh, để cúng cho các quan cô hồn vào mỗi buổi chiều.

Nhân quả vết thương không thể lành

Nghiên cứu 10:37 14/12/2024

Thời nhà Thanh có một người tên Chu Thanh, từ nhỏ đã kế thừa nghề y của cha, nhưng y thuật lại chỉ thuộc dạng lang băm...

Thiền năng lượng rung động cộng hưởng: Khai mở tiềm năng giác quan thứ sáu

Nghiên cứu 19:56 11/12/2024

Câu chuyện của Khắc Hưng, người đã vượt qua chứng tự kỷ nặng và đạt được nhiều thành tựu phi thường nhờ kiên trì tu luyện Thiền năng lượng rung động cộng hưởng, là thực chứng cho sức mạnh của phương pháp này.

Xem thêm