Thứ bảy, 24/02/2018, 08:19 AM

Thở để sống

Dưỡng khí là cái tối cần thiết cho cơ thể con người, nếu thở ra mà không thở vào coi như mạng sống chấm dứt. Không ăn uống con người có thể sống được vài tuần, nếu thiếu dưỡng khí chỉ trong 5 phút con người sẽ chết ngay. Dưỡng khí rất cần thiết cho nhu cầu cuộc sống con người nhưng chúng ta thường ít lưu ý đến và cũng không biết cách hít thở để có lượng dưỡng khí đầy đủ giúp cơ thể khoẻ khoắn, lành mạnh.

Chính vì thế, trong đạo Phật Nguyên thủy Phật dạy Pháp quán hơi thở là một trong những Pháp đầu tiên để chúng ta tu. Đó là ý thức trở lại sự cần thiết của dưỡng khí đối với sức khỏe trong thân thể con người.

Tập hít thở đúng đắn là hít thở dài và sâu, hít vô thở ra đều bằng mũi. Đây là lý do giải thích nguyên nhân của nhiều thứ bệnh bởi lượng dưỡng khí cần thiết cho não bộ, phổi và các cơ phận khác quá ít. Tình trạng thiếu dưỡng khí lâu ngày khiến cho các cơ phận suy yếu, hoạt động không bình thường và dễ lâm bệnh. Thiếu dưỡng khí là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều tật bệnh, trong đó có bệnh nhức đầu và mệt mỏi.

Bản thân chúng tôi là một bằng chứng thiết thực, khi mới vào thiền viện chúng tôi chỉ chú trọng tu tâm chớ không quan trọng tu thân, do đó bị rất nhiều bệnh. Trong vài năm gần đây tôi mới nhận ra sai lầm đó và áp dụng quán hơi thở trong đi-đứng-nằm-ngồi nên sức khoẻ ngày càng được tốt hơn.

Điều đầu tiên chúng ta cần làm nếu ở nhà lầu là mỗi ngày nên lên xuống cầu thang nhiều lần để máu huyết lưu thông, nhịp tim đập mạnh và nhanh hơn bắt buộc chúng ta hít vào nhiều dưỡng khí và thải ra nhiều khí độc hại.

Mỗi ngày ta nên đi bộ bước nhanh hay lạy Phật, Bồ tát sám hối tối thiểu khoảng 30 phút hoặc hơn nữa càng tốt. Quan trọng hơn hết ta phải tập cách hít-thở bằng mũi chậm, dài và sâu, thực hiện nhẹ nhàng như nước chảy. Hít vô tới đâu ta biết tới đó và thở ra cũng như vậy. Đầu óc hoàn toàn trống rỗng, không toan tính, suy nghĩ gì cả. Càng tập lâu hơi thở càng dài, chúng ta càng hít vào nhiều dưỡng khí cho cơ thể thì càng thải ra nhiều khí độc hại.

Chính nhịp thở chậm, dài và sâu; đầu óc trống rỗng, thanh thản sẽ làm các bộ phận trong cơ thể được mạnh khỏe vì nhận được dưỡng khí bồi bổ dồi dào và thải hết khí độc cặn bã ra ngoài. Để thở như trên chúng ta có thể ngồi trên ghế hay nằm trên giường hoặc bất cứ đâu, miễn là trong tư thế hết sức tự nhiên, thả lỏng toàn thân thoải mái.

Tư thế ngồi thở này là một trong các cách thức nghỉ ngơi và lấy lại sức lực rất công hiệu, có thể áp dụng tại khắp mọi nơi và trong mọi lúc. Chỉ cần vài phút là chúng ta có thể phục hồi sinh lực cho tâm trí và cơ thể. Toàn thân trong tư thế hoàn toàn thư giãn và đầu óc không nghĩ tưởng lăng xăng là hai yếu tố rất quan trọng.
Ảnh minh họa (sưu tầm)
Chỉ cần chúng ta nhiếp tâm vào hơi thở, thở vô biết mình thở vô, thở ra biết mình thở ra. Ta cần chú ý phải thở chậm, dài và sâu trong tư thế hoàn toàn nghỉ ngơi và an ổn, nhẹ nhàng. Khi đã tập quen và thường xuyên hơi thở của ta sẽ dài và sâu, lượng dưỡng khí hít vào sẽ nhiều hơn và lượng khí độc được thải ra cũng nhiều hơn.

Tư thế nằm thở cũng y như vậy, đây là một dạng Thiền định hết sức đơn giản, dễ dàng mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện. Điều quan trọng nhất là lắng tâm vào hơi thở để tạo sự thoải mái cho chính mình, ngay tức thì đầu óc sẽ hoàn toàn thanh thản, nhẹ nhàng.

Phương pháp hành Thiền bằng cách hít thở chậm, dài và sâu này rất hữu hiệu trên toàn tâm trí và cơ thể con người vì cung cấp dồi dào dưỡng khí và đồng thời thải hết thán khí cùng căng thẳng ra ngoài. Nó giúp chúng ta phục hồi sức lực; thân khoẻ, tâm an và định tĩnh, sáng suốt; tái lập thế quân bình cho bộ máy hô hấp, tuần hoàn; trấn an tinh thần, giúp bình tĩnh và không lo lắng, sợ hãi; có thể chữa bệnh tim, nóng nảy, âu lo, huyết áp cao, khó thở, mất ngủ, nhức đầu, khó tiêu, mệt mỏi…

Đặc biệt, nếu chúng ta thực hiện hít thở dài và sâu mỗi ngày đều đặn khoảng 15-60 phút mỗi sáng và mỗi tối thì dần dần thân khỏe, tâm an ổn, nhẹ nhàng.

Hơi thở là nhịp cầu nối kết thân và tâm, là một quá trình sống tự nhiên của cơ thể hoạt động liên tục cho đến khi mạng sống chấm dứt. Dù chúng ta không quan tâm đến hơi thở nhưng hơi thở vẫn luôn hiện hữu. Cuộc sống thế gian với bộn bề công việc làm cho chúng ta ít để ý đến những việc bình thường và gần gũi nhất. Ta chỉ thường nhận biết hơi thở khi nó bị trục trặc, giống như khi chúng ta lên cơn suyễn hoặc lúc bị cơn đau tim đột ngột khiến cho mình khó thở.

Phương pháp quán niệm hơi thở giúp chúng ta dễ dàng nhiếp tâm mà đi vào Thiền định. Cách thức quán niệm hơi thở rất đơn giản, chúng ta không cần cố gắng làm cho hơi thở dài hơn hay điều khiển nó theo một phương thức nào.

Ta chỉ đơn giản là ngồi yên theo dõi hơi thở ra vào một cách bình thường, thở vô ta biết mình thở vô, thở ra ta biết mình thở ra. Quán sát hơi thở không cần trình độ chuyên môn, không cần học thức uyên bác, không cần sự thông minh mà chỉ cần nhận biết hơi thở ra vào của chính mình.

Khi quán sát hơi thở chúng ta thấy thiếu sự hấp dẫn hoặc lôi cuốn như khi nghe nhạc hay xem phim, do vậy ta có thể trở nên chán ngán mà không thích rồi bỏ cuộc nửa chừng. Nhịp điệu của hơi thở bình thường rất đơn giản và không có sức thu hút. Hơi thở rất yên tĩnh, nhẹ nhàng nên ít ai để ý tới.

Với cách quán niệm hơi thở chúng ta không cần phải thích hay không thích, chỉ cần chú tâm để biết rõ từng hơi thở ra vào, khi thở vô biết mình thở vô, khi thở ra biết mình thở ra. Hơi thở nhẹ nhàng sẽ làm tâm ta yên lắng, đưa chúng ta về với sự tĩnh lặng và cảm nhận được niềm vui an ổn, nhẹ nhàng.

Khi mới bắt đầu quán hơi thở tâm thức của ta hay đi lang thang vào nhà người này, người nọ. Một khi chúng ta nhận biết mình đang dính mắc vào buồn thương, giận ghét làm mất tỉnh giác thì ta chỉ cần trở về nhìn lại hơi thở một cách nhẹ nhàng.

Ta phải kiên trì, bền chí, kiên nhẫn và dứt khoát, luôn luôn quyết tâm chỉ biết mỗi hơi thở mà thôi. Mới đầu tâm thức của ta không quen bị kiềm chế nhưng dần hồi nó sẽ quen, chú tâm một chỗ thì việc gì cũng xong. Tâm ta xưa nay quen chạy rong như con trâu hoang hay ăn lúa mạ của người, nay ta chỉ cần xỏ mũi nó dẫn đi, tuy nó nổi giận ghì kéo lại nhưng cuối cùng cũng sẽ ngoan ngoãn theo ta. 

Chúng ta quán sát hơi thở để tâm thức quay trở về với thực tại, cũng giống như người mẹ dạy dỗ con mình. Một đứa trẻ hay chạy nhảy rong chơi nếu người mẹ nổi giận sẽ đánh nó, đứa trẻ sẽ sợ hãi và có thể trở nên lì lợm. Một người mẹ khéo léo sẽ không như vậy mà luôn xem chừng đứa trẻ và để ý đến nó, nếu nó đi lang thang bà sẽ đưa nó trở về bên mình.

Quan sát hơi thở tuy không có gì thú vị nhưng vì chúng ta thiếu kiên nhẫn, muốn làm cái gì cũng được nhanh lẹ nên dễ chán nản. Nhiều người rất sợ khi người khác biết các tật xấu của mình, nhất là những người có quyền chức.

Những ai có thiện chí đóng góp và tu hành sẽ thường thấy lỗi của mình mà tìm cách chuyển hóa, điều phục chúng. Vì sĩ diện nên ta hay ém nhẹm các thói hư tật xấu và hay khoe khoang những cái tốt. Chúng ta cần phải mạnh mẽ trong việc chống lại các thói quen xấu như si mê, tham ái, sân giận và các thứ vọng tưởng khác.

Phương cách tốt nhất giúp ta tỉnh giác khi hành Thiền là ta biết giữ hơi thở trong tâm. Chúng ta có thể kiềm chế không cho nó phát khởi khi ta có đề mục Thiền quán làm chỗ nương trú trong tâm. Chỗ nương trú bên ngoài của tâm là thân, gồm các yếu tố vật chất. Quay về với thực tại chính mình cũng là chỗ nương trú bên trong của tâm, điều này giúp tâm không chạy lang thang theo suy nghĩ này, vọng tưởng nọ.

Chúng ta đừng để tâm chạy theo những mối ưu tư của nó giống như những người bình thường chưa biết quán sát hơi thở là gì. Một khi ta đã có chỗ an trú để giữ con khỉ tâm thức thì nó ngày càng bớt ngang ngạnh và từ từ bớt rong rủi chạy tìm.

Bây giờ ta nói đến phương cách thực hành Thiền quán hơi thở. Các kinh sách dạy rằng, thở vô mình biết thở vô, thở ra mình biết thở ra, thở vô dài và sâu, thở ra dài và nhẹ nhàng. Đó là những bước khởi đầu trong việc thực hành quán hơi thở.

Khi thực tập một thời gian và bắt đầu có sức định tĩnh ta không còn chú tâm đến độ dài-sâu-ngắn của hơi thở nữa mà chuyển sang bước kế tiếp. Chúng ta sẽ tập trung ý thức để nhìn hơi thở ngay nơi lỗ mũi của mình và tiếp tục làm như thế cho đến khi tâm lắng dịu, trong sáng, nhẹ nhàng.

Khi tâm đã yên lắng chúng ta sẽ tập trung vào sự tĩnh lặng của tâm, đơn giản là ta trụ nơi tâm thanh tịnh nhưng quán sát nó với mỗi hơi thở vào ra như các bước sau:

- Tâm: Tập trung ý thức chú tâm vào hơi thở, theo dõi hơi thở vô ra hoặc trụ hơi thở tại mũi hay môi trên. Nếu cảm thấy khó chịu hay căng thẳng quá, chúng ta có thể chuyển sự chú tâm vào vùng dưới rốn nơi huyệt đan điền. Sự chú tâm và theo dõi trong lúc ngồi Thiền phải đầy đủ ba yếu tố ý thức, chú tâm và tỉnh giác.

- Hơi thở: Chúng ta cứ để hơi thở vô ra tự nhiên, không cố làm cho hơi thở dài thêm hay ngắn lại. Thở đều đặn, nhẹ nhàng một cách tự nhiên và chỉ cần theo dõi hơi thở vô ra là đối tượng duy nhất trong suốt thời gian hành Thiền. Thỉnh thoảng, nếu nghĩ đến chuyện khác chúng ta chỉ kiên trì, bền chí quay lại theo dõi hơi thở ra vô mà thôi.

Khi bắt đầu Thiền quán sát hơi thở, việc đầu tiên chúng ta cần nhớ là phải ngồi giữ lưng cho thẳng và giữ mình trong tỉnh giác, thở vô ta biết mình đang thở vô, thở ra ta biết mình đang thở ra. Hãy giữ hơi thở êm ái, nhẹ nhàng; đừng gồng tay chân hay bất cứ cơ khớp nào; giữ thân ở tư thế phù hợp với hơi thở.

Chúng ta chỉ làm một việc duy nhất là chỉ đơn thuần theo dõi và nhận biết hơi thở rõ ràng, thở vô mình biết mình đang thở vô, thở ra mình biết mình đang thở ra. Hơi thở dài hay ngắn là tùy theo khả năng của mỗi người.

Chúng ta phải biết rõ sự vận hành của từng hơi thở một cách cụ thể để giữ tâm tỉnh giác, không suy nghĩ lung tung bởi các tạp niệm buồn thương, giận ghét và cuối cùng đạt đến sự định đĩnh. Khi tâm trở nên yên tịnh, trong sáng và hơi thở trở nên nhẹ nhàng ta sẽ cảm giác toàn thân được tịnh lạc.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm