Thứ bảy, 20/08/2022, 08:44 AM

Thông điệp từ Bồ tát Quán Thế Âm

Mấy ngàn năm nay, kể từ khi thế giới này biết đến sự hiện hữu của Bồ tát Quán Thế Âm, không biết có được bao nhiêu người đủ phước duyên thấy được chân thân - báo thân của Ngài, hoặc ít ra là thấy được Ngài với hình ảnh giống như chúng ta đang thờ phụng.

 Người ta thường trông đợi sự linh thiêng, mầu nhiệm nơi Bồ tát Quán Thế Âm. Do tâm tham chấp, vọng tưởng tìm cầu và không hiểu thấu lý duyên sinh, không tạo những nhân duyên lành tương ưng cho nên chúng ta không thể tiếp xúc với Bồ tát. Do tâm si mê luôn hướng đến những điều huyễn hoặc, cho nên cũng không nhận được thông điệp từ Bồ tát Quán Thế Âm.

Nếu cứ nghĩ Bồ tát sẽ hiện hóa phép lạ, rưới nước cam lộ dập tắt hỏa hoạn, ngăn chặn lũ lụt, chấm dứt chiến tranh, khiến nhân tâm thay đổi, thế giới hòa bình an lạc, thì chúng ta không bao giờ “biết” được Bồ tát, vì những điều đó chỉ có trong tâm tưởng chúng ta thôi chứ không có thật.

Mấy ngàn năm nay, kể từ khi thế giới này biết đến sự hiện hữu của Bồ tát Quán Thế Âm, không biết có được bao nhiêu người đủ phước duyên thấy được chân thân - báo thân của Ngài, hoặc ít ra là thấy được Ngài với hình ảnh giống như chúng ta đang thờ phụng. Người ta cũng có niềm tin rằng, có thể trong dịp nào đó đã gặp một người nào đó là ứng hóa thân của Ngài. Nhưng chung quy thì phải là người có phước đức, có nhân duyên với Bồ tát thì mới gặp được. Phải là bậc tu hành thượng căn thượng trí mới có thể thấy được pháp thân của Ngài. Còn người căn trí bậc trung, nhờ phước duyên và tâm hạnh tương ưng với hạnh nguyện của Bồ tát mà gặp được ứng hóa thân của Ngài. Ngoài ra không thể gặp được chỉ dựa vào niềm tin, bằng chứng là có rất nhiều người cầu khẩn, cúng bái Bồ tát mà không nhận được sự gia hộ của Ngài, bởi vì họ không có căn lành, không có phước duyên, không có tâm hạnh tương ưng với tâm hạnh của Bồ tát.

Tuy nhiên thông điệp của Bồ tát Quán Thế Âm thì khác. Với lòng từ bi vô lượng, Bồ tát gởi thông điệp của Ngài đến với tất cả mọi người. Bức thông điệp của Bồ tát không đặc biệt gởi riêng ai. Không gởi riêng cho những ai tin Ngài, thờ cúng lễ bái Ngài, mà Bồ tát gởi chung cho tất cả mọi người, những ai có nhân duyên gặp được hình tượng của Ngài, gặp được kinh sách viết về Ngài hoặc nghe người khác tán thán Ngài, bất luận người đó tin hay không tin về sự hiện hữu của Bồ tát.

Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trang nghiêm trong khuôn viên chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn

Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trang nghiêm trong khuôn viên chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn

Bức thông điệp đó là gì? Hình tượng của Bồ tát, những bản kinh miêu tả về thân tướng và hành trạng, hạnh nguyện của Ngài chính là bức thông điệp về lòng từ bi, vô ngã, vị tha, hạnh bố thí, tinh tấn, nhẫn nhục v.v…

Hình tượng phổ biến mà thế gian tôn thờ là hình tượng Ngài đứng hoặc ngồi trên tòa sen, tay phải cầm cành dương liễu (dương chi) và tay trái cầm tịnh bình (bình sạch, tinh khiết đựng nước cam lộ - một loại nước thơm mát, ngon ngọt). Hình tượng này được phác họa theo các kinh văn nói về Ngài.

Qua hình tượng Bồ tát, chúng ta nhận được bức thông điệp về lòng từ bi hỷ xả, vô ngã, vị tha, về hạnh bố thí, tinh tấn, nhẫn nhục. Ở đâu có từ bi, có nhẫn nhục tức ở đó có Bồ tát Quán Thế Âm. Ở đâu có tinh thần vô ngã, vị tha, xả thân quên mình để phụng sự, cống hiến (tinh tấn bố thí) vì an lạc hạnh phúc cho nhân loại, chúng sinh thì nơi đó có Bồ tát Quán Thế Âm. Khi tâm vô ngã thì không có tai ương hoạn họa nào gây cho con người khổ đau được dù đó là bệnh tật, nạn nước lửa hay chiến tranh. Còn ở đâu có hận thù, có tham lam, sân hận và si mê, có kiêu mạn, tật đố thì ở đó có chiến tranh, tai ương hoạn họa, phiền não nơi tâm con người chính là đầu mối dẫn đến nhận thức và hành vi gây đau khổ cho mình và người khác. Chiến tranh, môi trường sống bị hủy hoại do con người phá rừng, thải khí độc, nước độc, tất cả những hiểm họa đó đều phát sinh từ tâm tham lam, sân hận và si mê.

Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm mang thân tướng người nữ được tôn thờ phổ biến đã nói lên điều gì? Đặc điểm tính cách của người đàn ông là ham quyền lực, danh vọng trong khi người phụ nữ - người mẹ hiền - có đức tính nhẫn nhục, hy sinh, tận tụy, giàu tình thương. Mà tình thương, sự bao dung độ lượng chính là một phần biểu hiện của tâm từ bi hỷ xả (Tứ vô lượng tâm); cần mẫn, tận tụy chính là đức tinh tấn; tính chịu đựng, kiên nhẫn chính là hạnh nhẫn nhục; tinh thần hy sinh quên mình, sống vì người khác chính là tinh thần vô ngã, vị tha, chính là bố thí ba-la-mật.

Cành dương liễu tượng trưng cho hạnh nhẫn nhục; nước cam lồ tịnh thủy tượng trưng cho lòng từ bi. Hạnh nhẫn nhục và lòng từ bi luôn đi đôi. Có nhẫn nhục là có từ bi, có từ bi thì có nhẫn nhục. Cành dương liễu không gãy trước gió mưa giông bão là nhờ yếu tố mềm dịu, cũng như tính nhu hòa, chịu đựng của hạnh nhẫn nhục: nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh, nhẫn nhục trước mọi đối tượng, không có thái độ tâm lý bất mãn, đối kháng do sân hận, si mê. Chính vì thế mà tâm an ổn, mát mẻ, dễ chịu như nước cam lồ tịnh thủy. “Lồ” hay “lộ” là giọt sương trong mát, “cam” là ngon ngọt. Cam lồ hay cam lộ là loại nước mát ngon ngọt. Khi tâm sinh khởi phiền não sân nhuế, phẫn hận thì con người có cảm giác như bị lửa thiêu đốt và bất an, khổ não rất khó chịu. Nhưng nhờ tâm từ bi mà sân hận trong tâm không còn, cũng như lửa bị nước cam lồ tịnh thủy dập tắt.

Vì từ bi nên nhẫn nhục. Nhờ nhẫn nhục mà nuôi dưỡng được tâm từ bi. Từ bi và nhẫn nhục có sự liên hệ mật thiết với nhau, đây là đức tính của các bậc Thánh hiền, các vị Bồ tát. Cho nên khi chiêm ngưỡng hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm, chúng ta đọc được bức thông điệp Bồ tát gởi cho chúng ta, chúng ta phải học hạnh từ bi và nhẫn nhục của Ngài. Từ bi và nhẫn nhục đối với mọi người, trong mọi hoàn cảnh.

Hình ảnh Bồ tát đứng hoặc ngồi trên tòa sen là một hình ảnh đẹp, đó là một thông điệp khác Bồ tát gởi đến chúng ta. Hoa sen thanh khiết, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, tượng trưng cho tâm vô nhiễm. Hoa sen cũng tượng trưng cho người quân tử, bậc đại nhân, có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều người, đến cộng đồng xã hội, cũng như hoa sen có khả năng khiến cho vùng nước nơi nó mọc lên trở nên trong sạch, cây sen thanh lọc làm cho vùng nước đó không còn vẩn đục, ô nhiễm nữa.

Bồ tát là bậc Thánh giải thoát, là bậc vô nhiễm. Giải thoát là không còn bị ràng buộc bởi phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử, đã tự tại thong dong, đến đi vô ngại. Vô nhiễm là không còn dính mắc, không còn nhiễm ô ngũ dục, lục trần. Bồ tát là bậc Thánh thanh tịnh, vì thế muốn diện kiến Bồ tát, muốn tiếp xúc với Bồ tát, tâm chúng sinh phải thanh tịnh, phải tương ưng với tâm hạnh của Ngài.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya

Nhân vật Phật giáo 09:00 11/10/2024

Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Tôn giả Ananda và 8 đặc ân khi làm thị giả của đức Phật

Nhân vật Phật giáo 07:35 31/05/2024

Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Bắt đầu từ thời gian ấy, Đại đức Ānanda chính thức là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc, phục vụ Đức Thế Tôn, cho đến lúc Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn.

Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên

Nhân vật Phật giáo 19:20 26/03/2024

Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.

Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam

Nhân vật Phật giáo 09:03 20/03/2024

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Xem thêm