Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Thống kê tăng, ni, phật tử ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn

Đã 7 năm kể từ khi cuộc Tổng điều tra dân số và Nhà công bố Việt Nam có 6.802.318 người theo đạo Phật, con số này đã và đang gây ra nhiều ý kiến tranh luận, phản ánh các con số chưa chính xác.


Trải qua 35 năm thành lập và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa từng công bố một số liệu chính thức nào về số lượng tín đồ. Sự thiếu vắng số liệu thống kê cập nhật về tình hình tín đồ tôn giáo đang là một thách thức đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như ngay trong cơ cấu tổ chức của Giáo hội.

Qua đó, có thể thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa đặt trọng tâm với công tác thống kê số lượng tín đồ của mình. Tuy nhiên, bất cứ tổ chức tôn giáo nào muốn duy trì hoạt động và truyền bá đạo pháp thì đều cần phải làm tốt công tác quản lý hành chính, trong đó có công tác quản lý tín đồ.

Thực trạng số lượng tăng, ni, phật tử

Nhu cầu thống kê tín đồ là cần thiết, vì tất cả tôn giáo được công nhận hoạt động ở Việt Nam đều phải đăng ký tổ chức, trụ sở Giáo hội, tôn chỉ, mục đích, số lượng tín đồ…. Dù muốn hay không, các tôn giáo đều phải có quản lý hành chính, với Phật giáo đang được áp dụng cho tăng ni. Hầu hết tăng ni đều phải đăng ký và cư trú tại các cơ sở Phật giáo được chính thức công nhận (trừ một số rất ít ở am thất, nhà cư sĩ).

Để thống kê số lượng tín đồ chính xác, đối với tăng, ni thì đã rõ, vì danh sách nằm trong danh bộ tăng, ni của từng địa phương, nhưng còn cư sĩ, phật tử thì sao?

Cần xác định đâu là phật tử, và đâu là người có tín ngưỡng Phật giáo. Nếu dựa vào tiêu chí của thống kê là phải có pháp danh thì mới được gọi là "tín đồ" đạo Phật, do đó phật tử cần phải quy y Tam bảo để trở thành một người phật tử thực thụ, tuy nhiên có người không nhất thiết phải có tham dự lễ quy y Tam bảo, Phật tử cũng không nhất thiết phải có pháp danh họ cũng vẫn là Phật tử. Vì vậy, vấn đề thống kê số lượng Phật tử luôn thiếu chính xác.

Đức Phật dạy trong kinh Trung Bộ rằng: “Ai nguyện nương tựa Phật Pháp Tăng, người ấy là người phật tử”.

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chương X, Điều 60: “Tín đồ cư sĩ phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những người tin tưởng Phật pháp, thực hành theo giáo lý đức Phật và tùy khả năng, tự nguyện thọ trì giới luật Phật chế” Bởi vậy, Phật tử bao gồm nhiều thành phần: Một là, những phật tử thuần thành thường xuyên đi chùa có quy y Tam bảo, có pháp danh, có tham dự sinh hoạt phật sự, có tu có học giáo lý. Dĩ nhiên dạng này có thể có danh sách lưu trữ tại các chùa.

Hai là, phật tử chưa quy y Tam bảo, chưa có pháp danh nhưng vẫn thực hiện các phật sự của một người Phật tử như khi tham dự những ngày lễ lớn, các hoạt động từ thiện xã hội do Giáo hội tổ chức…

Ba là, phật tử là người có thiện cảm và thực hành giáo lý của Phật nhưng không có mối quan hệ sinh hoạt với chùa chiền. Thành phần này hoàn toàn không có tên tuổi gì hết ở trong danh bạ của chùa.

Ngoài ra, còn có thành phần sống và sinh hoạt trên nền tảng truyền thống văn hóa dân tộc thờ cúng ông bà tổ tiên, trong đó văn hóa Phật giáo là chủ đạo nên đời sống của họ rất thân thiện và gần gũi với chùa chiền như là một người phật tử, nhất là vùng nông thôn.

Ví như vừa qua, sự kiện tượng Phật ngọc hòa bình thế giới được tôn trí tại nhiều nơi, thu hút hàng nghìn tín đồ nhân dân chiêm bái, nhưng chưa hẳn ai trong số những người đi chiêm bái đã là phật tử. Bởi như đã phân tích ở trên, phật tử đâu nhất thiết phải quy y, đâu nhất thiết phải tham gia đạo tràng ở chùa nào đó…

Thống kê tín đồ phật tử - đâu là số liệu tin cậy

Năm 2009, Tổng điều tra dân số và nhà công bố Việt Nam có 6.802.318 người theo đạo Phật. Cũng một cơ quan quản lý tôn giáo của Nhà nước, trên website chính thức của Ban Tôn giáo Chính phủ (btgcp.gov.vn), con số thống kê số lượng tín đồ Phật giáo không như vậy.

Trong bài “Đôi nét về đạo Phật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam” tác giả Trần Thị Minh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo thì cho rằng tính đến tháng 6-2010, ngoài các con số rất cụ thể: Phật giáo có 14.775 cơ sở thờ tự, 44.498 tăng ni (trong đó Bắc tông có 32.165 vị, Nam tông có 9.379 vị, Khất sĩ có 2.954 vị), còn số lượng tín đồ thì được ước tính “trên 10.000.000 tín đồ được phân bố trên phạm vi toàn quốc”. Tác giả Trần Thị Minh Nga, trong bài “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”, đã xác định “tính đến tháng 6-2011, GHPGVN có 46.459 tăng ni, 14.778 cơ sở thờ tự, khoảng 10.000.000 tín đồ đã quy y (chưa kể đến hàng chục triệu người có tình cảm, tín ngưỡng Phật giáo).”; ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo trong bài viết “Vì sao Phật giáo “đứng vững” trong tâm linh của đông đảo người dân”, khi đề cập đến số lượng tín đồ của 12 tôn giáo ở Việt Nam cũng dùng con số ước định trên 22 triệu, trong đó Phật giáo “có trên 10 triệu tín đồ, hơn 45 nghìn chức sắc và gần 17 nghìn cơ sở thờ tự…”, v.v...

Như vậy, chỉ với hai con số thống kê của hai cơ quan quản lý nhà nước khác nhau đã cho thấy sự không thống nhất và ít nhiều có thể sẽ gây nhiễu cho quản lý nhà nước về tôn giáo.

Vấn đề nữa đặt ra, đó là các vị tăng, ni, cư sĩ, phật tử họ có hộ khẩu ở tỉnh A, nhưng hành đạo và sinh hoạt thường xuyên ở tỉnh B, hai tỉnh cách xa hàng trăm km, nên khi cuộc Tổng điều tra dân số diễn ra, họ vẫn kê khai ở tỉnh B, nhưng vô tình vẫn có dữ liệu ở tỉnh A. Mà con số này cũng không phải nhỏ, dẫn tới số liệu thống kê cũng không chính xác.

Kế đến là các báo cáo ở các khóa tu, các khóa quy y với các con số không thực, chưa chính xác. Bởi, chúng ta có thể hiểu sự gia tăng số lượng tại các khóa tu bao gồm những phật tử đã quy y từ lâu, ở những địa phương và những ngôi chùa khác nhau tìm đến tham dự tu tập tại một địa điểm uy tín, đó chính là sự dịch chuyển tín đồ, chứ chưa hẳn là tăng số người quy y trên thực tế.

Một vấn đề nữa, đó là khâu quản lý tài liệu, sổ sách tại các tự viện rất yếu kém. Một phần do các sư trụ trì không có sổ sách theo dõi, một phần do các Ban Trị sự (Ban Đại diện) Phật giáo chưa thực sự quan tâm đến điều này. Bởi không thể cung cấp danh sách ước định một chùa khoảng bao nhiêu phật tử để khai cho có lệ, mà phải quản lý lý lịch (họ và tên, năm sinh, giới tính, nơi thường trú, thậm chí thiết kế mã số quản lý...). Có như vậy mới tránh được tình trạng công bố tùy tiện số lượng tín đồ ảo, chẳng dựa trên bất cứ một điều tra, thống kê khoa học nào.

Một số kiến nghị về công tác thống kê số lượng tăng, ni, phật tử

Công tác điều tra dân số: Phải có danh mục thống kê đặc biệt là Phật giáo. Động viên chức sắc tín đồ tăng, ni, phật tử kê khai trung thực, đảm bảo quyền lợi, sự trung thực trong công tác thống kê.

Ngành công an: Khi cán bộ hộ khẩu, hộ tịch, cán bộ làm chứng minh nhân dân nên hướng dẫn tăng, ni, phật tử để họ ghi đúng tín ngưỡng tôn giáo của mình đang theo.

Trong thực tế, một số tu sĩ Phật giáo khi làm chứng minh hay hộ khẩu lại được ghi ở mục tôn giáo là “không”. Có lẽ chính vì vậy, mà con số tín đồ Phật giáo ở Việt Nam quá ít trong khi thực tế thì tín đồ phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam lại là một con số khác.

Do đó không nên áp đặt máy móc, mà nên hướng dẫn cụ thể để công tác thống kê số lượng tăng, ni, phật tử được chính xác.

Đối với Giáo hội: Nên có phần mềm quản lý số lượng tăng, ni, cư sĩ, phật tử, trước hết là theo đơn vị Ban Trị sự các tỉnh, thành…Từ đó chỉ đạo các cơ sở thờ tự (chùa, am, thất, niệm Phật đường, đạo tràng…) có thống kê, có dữ liệu về tăng, ni và tín đồ một cách chính xác, rõ ràng.

Phải thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở tự viện kê khai đầy đủ số lượng tín đồ của cơ sở mình, luôn cập nhật tình hình số lượng tín đồ nơi mình quản lý, trụ trì.

Đối với công tác truyền thông: Cần truyền thông cho các tín đồ phật tử hiểu đúng ý nghĩa của một tín đồ Phật giáo, niềm tự hào, thể hiện chính kiến trong việc xây dựng Giáo hội, góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước có sự thống kê chính xác, rõ ràng.

Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo: Cần có quy định hướng dẫn việc kê khai tôn giáo rõ ràng, tôn trọng quyền tự do tôn giáo để mọi người bày tỏ chính kiến trong các bản kê khai như: lý lịch, hộ khẩu…hoặc các bảng kê khai khác có yêu cầu về thông tin tôn giáo.

Ngoài ra, đối với Phật giáo có những đặc thù riêng khác với các tôn giáo khác về khái niệm tín đồ. Tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân có tự nhận mình là một tín đồ Phật giáo hay không.

Phân biệt người có niềm tin tôn giáo, tín đồ phật tử và người có niềm tin, niềm kính ngưỡng Phật giáo, nên có một sự thống kê xác quyết số liệu chính xác về số lượng tín đồ phật tử; Nếu như thiếu một định nghĩa về phật tử một cách rõ ràng thì có thể định lượng bằng các tiêu chí cụ thể do Giáo hội ban hành.

Hòa thượng Tiến sĩ Thích Gia Quang Phó Chủ tịch HĐTS - GHPGVN; Phó Trưởng ban Tăng sự T.Ư

Tham khảo nguồn:
https://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=512&idmid=5&ItemID=10798
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/162/0/944/Doi_net_ve_dao_Phat_va_Giao_hoi_Phat_giao_Viet_Nam
https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=134402
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2416/Phat_giao_Viet_Nam_luon_dong_hanh_cung_dan_toc

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nhất tâm niệm Phật

Phật pháp và cuộc sống 10:07 21/11/2024

Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.

Nhớ về một người Thầy

Phật pháp và cuộc sống 09:12 21/11/2024

Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.

Những người Thầy khả kính

Phật pháp và cuộc sống 21:55 20/11/2024

Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.

'Ru những muộn phiền' để lòng bình yên đi qua giông bão

Phật pháp và cuộc sống 19:22 20/11/2024

Tập thơ 'Ru những muộn phiền' là sáng tác đầu tay của Cao Thanh Hương sau gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Ở tác phẩm này, cô thể hiện những cảm xúc của người đã trải qua một vài biến cố. Có buồn, có đau nhưng không trốn tránh...

Xem thêm