Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 06/03/2023, 08:56 AM

Thư gửi cho mình năm mươi năm sau

Chào ông! Bây giờ đã là năm 2073 nhỉ. Khi ông đọc được những dòng này, thì lá thư đã nằm yên nửa thế kỷ rồi. Thoắt cái bóng câu qua cửa sổ, thời gian đi nhanh quá.

Vậy là ông đã tám mươi tuổi, vào cái độ tuổi xưa nay hiếm, cũng được coi là trường thọ rồi. Mà hẳn là ông có chút nhớ nhớ quên quên, nhưng xin ông chớ quên rằng, lá thư này được viết bởi chính bàn tay của ông thời còn trẻ - tức là tôi. Tôi là ông mà ông cũng là tôi, hai chúng ta là một, nhưng chắc chắn suy nghĩ của tôi - chàng trai 30 tuổi và ông già 80 tuổi hẳn sẽ khác nhau. Nên tôi viết lá thư này để lưu lại.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Ông ạ. Ông còn nhớ mình được sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo Phật không? Ấy là ngôi nhà rường gỗ hương hỏa, trên vách có treo tấm giấy viết tay Mười điều tâm niệm. Điều đầu tiên: "Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh tật, vì không bệnh tật thì tham dục dễ sanh". Ông bây giờ chắc là không còn dẻo dai khỏe mạnh như hồi trẻ, thậm chí lắm thứ bệnh trong người. Có khi đêm nằm chẳng chợp mắt được, ngày nhai cơm không ngon. Đấy là chuyện bình thường thôi, ông đừng buồn ông nhé. Cuộc đời là vô thường, có sinh tất có lão. Chân lý ấy không phải đâu xa mà hiển nhiên như chúng ta được học trong những cuốn sách Phật pháp.

Ngay từ hồi còn là oanh vũ, những hôm đi lễ chùa và được các anh chị huynh trưởng dạy bảo. Rồi chính ông bà, cha mẹ cũng dạy mình thêm những điều trong tài liệu tu học. Thực hành năm giới cấm, biết yêu thương mọi loài vật, không nói dối, không lấy cắp những thứ của người khác... Chính sự giáo dục buổi đầu của gia đình và Gia đình Phật tử mà khi lớn dần lên, mình luôn có được bình an. 

Biết bao kỹ năng sống cũng được rèn luyện dần trong ngôi nhà Gia đình Phật tử, bao lời ca tiếng hát, các trò chơi tập thể giúp mình hoạt bát hơn, biết sống cộng đồng hơn. Nhớ mái chùa làng mộc mạc dung dị, tiếng chuông mỗi sớm mai ngân vang khắp làng quê cũng chính là chuông báo thức mình dậy học bài. May mắn thay mình được sinh ra trong quê nhà như thế, bình yên an lành, làm cho tâm hồn trẻ thơ đầu đời trong trẻo thánh thiện.

Khi lớn lên rời làng đi học đại học, rồi đi du học những ba năm ở Liên Xô không về. Ông còn nhớ chứ? Chuyến đi xa đất nước đầu tiên ấy vào đúng rằm tháng bảy, mình bị mắc kẹt ở sân bay quốc tế Domodedovo do giấy tờ visa trục trặc. Mười hai tiếng đồng hồ ở sân bay không được làm thủ tục để bay chuyến tiếp theo. Đi tiếp không được, về nước không xong, tiến thoái lưỡng nan. Chợt mình trấn an bản thân rằng mọi sự vô thường, tâm có tĩnh thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Mình xếp bằng ngồi giữa sân bay niệm danh hiệu Phật Bổn sư và ngài Quán Thế Âm. Ngay lúc đó hình ảnh mái chùa quê hiện lên, che chở bình an. Mình quán tưởng rằng trái đất là mái nhà chung, ở đâu cũng có thể cho ta nương náu, trú xứ. Một lát sau thật nhiệm mầu, Đại sứ quán đã đến sân bay bảo lãnh cho mình được lên máy bay đi tiếp tới ngôi trường mình học.

Ba năm xa quê là những tháng ngày vắng bóng ngôi chùa. Khắp xứ lạ không có một ngôi chùa, không nghe được tiếng chuông triêu mộ. Nhưng, chính ngôi chùa của ký ức, của tâm tưởng quê nhà đã theo mình đi xa ngàn vạn dặm. 

Khi đi làm, mình không ham địa vị, không tranh giành điều gì. Chỉ lo làm tốt việc chuyên môn và làm hết khả năng, biết nhường nhịn lợi ích cho đồng nghiệp. Miếng bánh bẻ đôi, chén trà san nửa. Bài học về "lục hòa" từ thời oanh vũ vẫn còn nguyên giá trị. Tới lúc này mới thấy những giáo lý đạo Phật đem ứng dụng ở đâu cũng thật đúng, thật hay. Phật giáo đâu phải xa xôi gì, đạo Bụt chính là thực hành và ứng dụng. 

Ông còn đọc thư đó chứ? Hay là mỏi mắt rồi? Nếu mệt thì hãy uống một cốc nước lọc và nghe tôi nói tiếp chuyện hiện tại của năm mươi năm trước.

Tức là vào lúc này, thời điểm tôi viết lá thư này cho ông, là tôi đang ba mươi tuổi, tam thập nhi lập. Cuộc sống rất bộn bề, mọi thứ phải toan liệu, nào công việc nào bạc tiền, nào mưu sinh nào con cái. Mỗi sáng thức dậy, mỗi khi đến công sở, đều là đứng trước những lựa chọn. Có khi chỉ cần lách bên này một tí là sự việc sẽ khác, có khi nhắm mắt làm liều, làm bậy một chút là có thêm lợi lộc. Cám dỗ nhiều lắm ông ơi, với tuổi trẻ như bây giờ đầy rẫy những cạm bẫy danh lợi, bổng lộc. Nhưng hẳn ông vẫn nhớ, là mình luôn lấy Bi Trí Dũng làm kim chỉ nam để hành động. Có được tình thương, có sự sáng suốt, có được kiên cường thì nhìn việc gì cũng chỉ nghĩ đến điều trong sáng mà thôi. Và ở tuổi ba mươi mình đã có những giấc ngủ ngon, không phải ăn năn sám hối. Chính điều đó làm cho mình thấy yêu đời hơn, yêu người hơn. 

Vì công việc, vì chuyện này chuyện nọ nên mình không còn đến chùa thường xuyên như hồi còn oanh vũ nữa. Nhưng mình chưa lúc nào chối bỏ màu áo trong tim, mình luôn là phật tử dù có khi mặc áo vest đi hội họp, đi giao thương, giao tiếp. Để giữ được điều đó, thật không phải dễ trong thời buổi cơm áo gạo tiền, ngoài kia mọi thứ quay cuồng náo nhiệt. 

Ông ạ. Kể từ thời điểm tôi viết lá thư này cho đến khi ông đọc nó, là tròn năm chục năm. Trong nửa thế kỷ vừa qua tôi không biết mình sống thế nào, có ngon lành không nhỉ? À, mà cần gì, ông cứ nhìn ông lúc này thì biết thôi. Vì nhân quả đâu phải qua đời này kiếp nọ, nhân duyên tái sinh chính trong ở kiếp này mà thôi.

Ông còn nhớ ông nội mình chứ, lúc ở tuổi ngoài bát tuần ông nội vừa tai biến, vừa mắc bệnh ung thư, nhưng lúc nào ông cũng niệm Phật và sống an nhiên. Hằng ngày ông nội mình chống gậy, đi từng bước lên chùa vừa để thể dục, vừa để lắng nghe tiếng chuông lời kinh. Thế mà qua sáu năm rồi, cái khối u tuyến nước bọt bên mang tai nhỏ dần, thành một khối cứng không gây đau nhức phiền toái nữa, thật kỳ diệu.

Ông già tám mươi tuổi ơi, ông hãy quán xét lại xem lúc này ông có ổn không. Nếu ổn, thì chắc duyên lành mấy chục năm qua ông vẫn tích lũy. Nói ông đừng cười, cũng đừng lo lắng, vì tôi thấy nhiều người khi gần đất xa trời là sợ lắm, sợ chết ấy. Ông có thế không? Tôi mong là ông vẫn tự tại, điềm nhiên.

Hãy nhớ về bà nội mình, ngoài tám mươi bà mới mất. Đêm trước khi mất, bà nội nói mai bà chết và dặn con cháu hãy niệm Phật để bà đi thanh thản. Cả nhà không ai tin. Sáng hôm sau bà nội vẫn còn ăn, còn trò chuyện, rồi bà tháo chiếc nhẫn đeo ở ngón tay ra đưa cho ông. Xong thì bà nhắm mắt tịch tĩnh, thật nhẹ nhàng. 

Nếu ông có lo lắng về sức khỏe hiện tại, có sợ sệt "chuyến đi cuối cùng" - chuyến đi vào vô định, thì ông hãy nhớ đến hai chữ vô thường. Sự đời có hợp tất có tan, có sanh ắt có tử. Ông hãy bình tâm và tiếp tục nắm giữ hơi thở trong chánh niệm. Đừng bao giờ quên trong tim mình có Đức Phật, dù ánh trăng sáng sớm mai sẽ khuất, nhưng hãy nương theo ngón tay chỉ của Ngài, ông sẽ bình an như một hôm rằm.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Hoàng Công Danh; địa chỉ: Thôn Võ Phúc An, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”

Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024

Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.

Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành

Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024

Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.

Xem thêm