Đạo Phật giúp tôi vượt lên sự khắc nghiệt của số phận
Nếu ai hỏi tôi đạo Phật trong tôi là gì? Với tôi đạo Phật là một phần máu thịt thân thuộc, là ánh sáng soi đường trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai.
Ngày bé, mẹ sinh tôi thiếu tháng, ốm quặt quẹo suốt. Bà vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa phán chắc nịch, gửi nó lên chùa là đỡ ốm liền. Tôi được gửi lên chùa lúc 3 tuổi. May mắn thay, từ độ được gửi vào chùa là tôi khỏe mạnh, ít ốm hẳn, bà vừa xoa đầu vừa kể lại cho tôi.
Cứ đầu tháng hay ngày rằm, bà dậy từ sớm, sắp lễ lên chùa. Bà hay dẫn theo tôi. Trong khi bà cùng các cụ làm công quả thì tụi nhóc chúng tôi lại rủ nhau nô đùa sau chùa. Ngôi chùa trong làng không chỉ nuôi dưỡng tín ngưỡng mà còn ấp ôm cả tuổi thơ chúng tôi.
Từ cái ngày còn thơ dại ấy, tiếng “chùa” hay “Phật” đã nhẹ nhàng đi vào trong tôi thân thuộc như mùi trầu ngai ngái hay nụ cười móm mém của bà.
Năm tôi 15 tuổi, bà tôi mắc ung thư phổi. Bà ra đi trong một ngày hè oi ả. Trước lúc nhắm mắt bà dặn đi dặn lại phải gửi bà lên chùa để trả nợ Phật đã cưu mang thằng cháu của bà. Bà mất hóa mình vào nơi cửa Phật, mang theo nỗi canh cánh với con với cháu. Đức Phật mở lòng đón cả nỗi trăn trở của bà và niềm thương nhớ của tôi. Ngôi chùa giống như sợi dây kết nối, vào chùa như sà vào lòng bà. Trong hương trầm nghi nút tôi như nghe phảng phất mùi trầu, mùi vôi, như thấy cả bóng hình hiền từ ấy.
Một tháng sau khi bà mất, mắt tôi bỗng có dấu hiệu lạ. Mọi thứ trước mắt bị che phủ bởi những chấm đen li ti. Bố mẹ vội vàng đưa tôi lên Bệnh viện Mắt Trung ương thăm khám. Bác sĩ kết luận, tôi mắc bong võng mạc, cần mổ gấp. Sau 3 lần phẫu thuật, cả tháng trời nằm viện, tôi trở về nhà với đôi mắt hoàn toàn mất đi ánh sáng. Nỗi đau mất bà chưa nguôi ngoai thì căn bệnh bong võng mạc quái ác lại cướp đi thị lực của tôi, với một cậu thiếu niên 15 tuổi đó là một cú sốc quá lớn.
Mọi sinh hoạt trước đây dễ dàng bỗng trở nên thật khó khăn từ việc đi lại, ăn uống đến các công việc khác. Không ít lần tôi va đập hay làm rơi vỡ đồ chỉ vì không nhìn được, những lúc đó, tôi thấy mình thật thất bại. Nhưng đó còn chưa phải điều ám ảnh nhất, tôi không thể đi học. Hàng ngày tôi chỉ biết tựa đầu vào cánh cửa sổ, nghe tiếng bọn trẻ gọi nhau í ới đến trường, có những đứa trong đó đã từng là bạn cùng lớp của tôi. Vậy mà, bây giờ, tất cả đều vui niềm vui lớp mới, còn tôi chỉ ngồi đây trong căn phòng này.
Không thể đến trường, tôi chỉ biết giam mình trong bốn bức tường. Tự dằn vặt mình bằng những suy nghĩ tiêu cực: Mình là gánh nặng của gia đình, còn tương lai nào cho một đứa mù lòa như mình... Ngày lại ngày trôi đi trong căn phòng kín, tôi nhớ bà. Có những lúc tôi chỉ mong muốn bà mang tôi theo để chấm dứt chuỗi dài đau khổ.
Tất cả thay đổi vào một ngày cuối tháng 5 năm 2016, khi Phật tử pháp danh Diệu hạnh cùng Hội Tùy tâm khu phố Đa Hội (Bắc Ninh) tổ chức chương trình trao quà cho người mù trên địa bàn thành phố. Trong buổi trao quà, bà Diệu Hạnh đã có buổi giao giảng về Phật pháp. Bà nói về luật nhân quả, về sự an yên trong tâm, cách để vượt qua nghịch cảnh. Tôi nghe như uống từng lời, có gì đó như thức tỉnh và tôi đã nhìn thấy ánh sáng thêm một lần nữa – ánh sáng của Đức Phật. Cầm món quà là chiếc radio có audio kinh Phật, tôi bắt đầu nghe và bắt đầu đối diện với chính bản thân mình. Tôi không thể mãi sống thừa. Phật dạy sống lạc quan, phải vượt qua mọi nghịch cảnh. Chính ngài đã từng phải đứng trước bao thử thách và ngài đã chọn cách vượt qua. Tôi ngẫm về quá khứ, tôi nghĩ về hiện tại và cả tương lai. Một tia sáng soi thấu, hình như tôi thấy bà đang móm mén cười, tôi sẽ thay đổi.
Tôi bắt đầu tham gia Hội Người mù thành phố Từ Sơn – nơi quy tụ những người khiếm thị trên địa bàn thành phố. Tôi học chữ nổi, học máy tính và nghề tẩm quất ở Hội. Năm 2019, tôi là một trong những sinh viên được tuyển thẳng vào chuyên ngành Quan hệ Công chúng, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Có một người bạn nói với tôi, cứ phải bật kinh Phật nó mới ngủ được. Còn tôi, tôi luôn dành một phần thiêng liêng trong trái tim dành cho Đức Phật. Mỗi ngày tôi tự soi mình để sống lạc quan, sống tích cực và biết yêu thương nhiều hơn.
Kết thư, chỉ muốn chắp tay cầu chúc cho quý Tăng Ni, Phật tử nhìn thấy được ánh sáng của Đức Phật, tìm được Phật trong chính tâm mình.
Kính thư!
*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Nguyễn Đức Nghị; địa chỉ: P. Phù Chẩn – TP. Từ Sơn – T. Bắc Ninh.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Xem thêm