Đạo Phật đã cứu vớt cuộc đời tôi – cuộc đời của bà mẹ hai lần mất con
Những ngày tháng tưởng chừng khốn khổ nhất của cuộc đời mình, tôi được ánh sáng nơi Đức Thế Tôn soi rạng. Người chiếu ánh hào quang, chữa lành từng vết thương, từng nỗi đau trong tâm hồn tôi.
Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ tụng kinh, niệm Phật ở tuổi 28. Và cũng chưa bao giờ nghĩ rằng đó là việc mà tôi phát nguyện sẽ làm mỗi ngày, sẽ gắn liền với cuộc đời tôi như việc phải ăn cơm hay uống nước. Cho đến khi, cuộc đời gieo xuống những điều bất như ý thật lớn, để tôi nhận ra mình phải sống một cuộc đời khác.
Ngày nhỏ, khi mới chỉ vài ba tuổi, tôi đã có duyên với Phật pháp. Nhà tôi đi bộ ra chùa chỉ mất chừng vài phút. Chiều nào, bà nội cũng dắt tôi đi nghe kinh và làm công quả trong chùa. Có hôm, tôi nghe kinh và đọc theo rồi ngủ luôn bên cạnh bà nội. Cứ thế, tôi lớn dần trong tiếng chuông chùa mỗi chiều và những lời răn dạy của Đức Phật.
Nhưng khi lớn hơn, bố mẹ đưa tôi lên thành phố học tập và sinh sống. Vì bận mải mưu sinh nuôi lớn bốn đứa con nên bố mẹ cũng chẳng còn sức lực để nghĩ tới việc phải đi chùa, niệm Phật hay nuôi dưỡng tâm hồn. Nhà tôi ngày ấy, chỉ cần bữa nào không thiếu ăn, trời lạnh có cái mặc và chúng tôi được đi học đã là may mắn lắm rồi.
Cũng vì thế, từ một đứa được thấm trong kinh kệ từ bé mà tôi dần xa rời Phật pháp. Thay vì những chiều được cùng bà nội đi chùa, thì tôi cùng em gái thường đi vào các con rẫy để nhặt những mảnh đạn vỡ còn sót lại trong chiến tranh, nhặt những chiếc đinh sắt gỉ hay những chai nhựa để bán, phụ bố mẹ đóng tiền học phí.
Có lẽ rằng, Phật thương tôi. Người thấy tôi đã đi quá xa, đã quên mất đường về Chánh đạo nên Người giúp tôi tỉnh ngộ qua các bài học đủ đau thương.
Tôi lấy chồng năm 27 tuổi. Sau đó vài tháng, tôi hay tin mình có em bé. Nhưng niềm hạnh phúc làm mẹ chưa được bao lâu, thì lúc em bé 11 tuần tuổi, trái tim non nớt của con đã ngừng đập. Tôi như điên, như dại, mất đi hoàn toàn ánh sáng và phương hướng cuộc đời mình. Tôi chìm đắm trong đau khổ cả tháng trời rồi mới dần nguôi ngoai.
Sau đó, tôi lao đầu vào làm việc để dần quên đi. Nhưng tất cả chỉ là sự đánh lừa bản thân. Những lúc một mình, tôi vẫn nhớ bé con của mình da diết, vẫn thường sờ vào bụng trong sự hụt hẫng. Trong sự vô minh của mình, tôi không biết rằng, càng như thế thì con tôi càng khó siêu thoát được.
Có phải vì vậy mà hơn nửa năm sau, con lại về với tôi một lần nữa. Nhưng cũng như lần trước, con chỉ mượn tôi một đoạn bụng rồi lại đi. Lần này, em bé ở lại với tôi đến tháng thứ 6 thì đòi ra. Tôi nhớ, con có đôi lông mày thật đẹp, dù mới 6 tháng nhưng đôi lông mày đen và dài, miệng con nhỏ xíu xinh xinh.
Lần này, tôi suy sụp thực sự. Cái cảm giác mỗi ngày bầu ngực căng tức chảy tràn sữa, nhưng con thì không còn để bú. Cái cảm giác mà cũng phải chịu qua đau đớn thấu tâm gan để sinh đẻ nhưng chẳng một lần được ôm lấy con mỗi ngày đều khiến tôi héo mòn. Tôi nằm trên giường gần hai tháng. Chỉ ăn uống như một cái máy, ai nói gì cũng chẳng quan tâm.
Nhưng trong một buổi sáng, khi nhìn thấy hình ảnh mẹ đã già, phải khom lưng bưng một chậu nước thật to từ tầng trệt lên lầu trên để tôi tắm. Tôi nhận ra, tôi mất con nhưng tôi còn mẹ. Tôi cũng là con của mẹ mà. Nhìn thấy tôi như vậy, chắc chắn mẹ rất đau lòng. Tôi chỉ thấy nỗi đau của riêng mình mà không thấy nỗi đau của người thân. Tôi cho rằng nỗi đau của mình là nhất, chẳng còn gì có thể khiến tôi hạnh phúc trở lại. Sự vô minh đó tới giờ vẫn khiến tôi mỗi lần nghĩ lại vẫn còn ân hận.
Tôi quyết định phải cứu vớt lấy cuộc đời mình. Tôi tự hỏi, tôi sống không hại ai bao giờ, đôi khi vẫn giúp những người khốn khổ hơn mình, mà theo cách nhìn của người đời thì có lẽ tôi là một người tốt. Vậy tại sao, tới hai lần liên tiếp tôi gặp phải chuyện giống nhau như vậy? Tôi phải làm gì để thoát ra tình cảnh này đây?
Trong một sát na, hình ảnh Đức Phật hiện lên trong đầu tôi. Ngay lập tức, tôi ngồi dậy, tìm hiểu lý do vì sao nhân duyên giữa tôi và hai em bé ngắn ngủi như vậy theo nguyên lý nhà Phật. Càng đọc, tôi càng say mê. Càng đọc, tôi càng biết ơn mẹ tôi vì trong lúc tôi còn mải mê chìm đắm trong đau khổ, mẹ đã nhờ Sư cô đặt tên và pháp danh cho hai con rồi thờ cúng thật cẩn thận.
Tôi hiểu ra mọi việc trên đời xảy ra đều do nhân quả. Cũng như việc, hai con đến trần thế tuy ngắn ngủi nhưng cũng có sứ mệnh riêng của mình. Và có lẽ, sứ mệnh cao cả của hai con là gửi tới người làm mẹ là tôi bài học quý giá về việc vượt qua nghịch cảnh và học cách sống yêu thương. Khi hiểu ra, mọi thứ đều vô thường, tôi học cách chấp nhận hiện tại rằng tôi đang đau khổ và tôi phát nguyện sẽ vượt qua đau khổ này, sống một cuộc đời đáng sống. Để ít nhất con được mau chóng về bên Phật và quay trở lại độ chúng sanh.
Tôi ghi nhớ lời Đức Phật dạy rằng: Vạn pháp duy tâm tạo. Nguồn gốc của Phật pháp là tâm. Và khi tâm đủ vững chãi, tôi biết mình mới có thể đứng vững trong cuộc đời này. Để vun trồng cho vườn tâm của mình đủ cứng cáp, mỗi sáng tôi dậy từ 4 rưỡi. Trước khi bước xuống khỏi giường, mỉm cười thật tươi và tự nhủ thật may vì mình vẫn còn sống. Sau đó, tôi rửa mặt tỉnh táo và ngồi thiền sáng, đọc các bản kinh sám hối và đọc thêm những câu Kinh Từ Ái rồi mới sửa soạn ăn sáng, đi làm. Tôi thương làm sau những câu thơ trong Kinh Từ Ái:
Hằng mong người an tịnh
Trí tuệ càng hiển minh
Nguyện thái bình an lạc
Đến tất cả sinh linh
Chúng sanh dù yếu mạnh
Nhỏ lớn hoặc trung bình
Thấp cao không đồng đẳng
Hết thảy chúng hữu tình
Lòng từ không phân biệt.
Gần xa không kể xiết
Nguyện tất cả chúng sanh
Tròn đầy muôn hạnh phúc,…
Trước khi đi ngủ, tôi rủ rê chồng mình cùng niệm 108 lần hồng danh Đức Phật A Di Đà, sám hối tội lỗi và hồi hướng cho hai con, hồi hướng cho tất cả quyến thuộc và chúng sanh. Cứ có thời gian rảnh, tôi đăng ký tham dự các buổi pháp giảng của các thầy. Dù bận cỡ nào, tôi vẫn cố gắng sắp xếp hoàn thành những việc này trong một ngày. Và cuộc đời tôi từ đó mỗi ngày đều sáng hơn một chút, tâm tôi bình an. Nhờ ơn Phật, tôi thấy hai em bé đang vẫn luôn hiện hữu trong chính mình.
Và đủ duyên biết bao, khi đúng vào ngày đầu năm 2023, tôi cùng với cô bạn thân đã tổ chức hoàn mãn một chuyến đi thiện nguyện bao gồm 26 thành viên. Chúng tôi trao quà cho bà con vùng cao kết hợp thiền hoa đăng tối và thiền trà sáng tại Tu viện Liễu Quán, Đăk Nông để gieo duyên Phật pháp tới những bạn tình nguyện viên lần đầu đi chùa.
Dù có nhiều người nói với tôi rằng, đọc kinh niệm Phật là chuyện của người già, khuyên tôi đừng mê tín. Nhưng chỉ có tôi mới hiểu bản thân mình đã trải qua điều gì. Chỉ có tôi mới biết nhờ Phật pháp mà con đường tôi đi mới được sáng tỏ nhường nào.
Tôi nguyện đời này và muôn đời sau, được Phật chở che và tiếp dẫn!
*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Trần Thị Hiền; địa chỉ: 150/12/8 Nguyễn Duy Cung, phường 12, Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Xem thêm