Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Thức tỉnh các giá trị nội tâm để bảo vệ môi trường tự nhiên

Theo quan điểm của Phật giáo, giữa môi trường tự nhiên và các chúng sinh sống trong môi trường tự nhiên có sự tương tác và mối liên hệ chặt chẽ. Một số người bạn của tôi cho rằng bản chất căn bản của con người là bạo lực nhưng tôi đã chia sẻ với họ rằng tôi không đồng ý quan điểm này.

Chúng ta hãy xem xét các loài động vật khác nhau, với các loài ăn thịt như hổ hay sư tử, chúng ta thấy rằng chúng có răng nhọn và móng vuốt sắc. Các loài hiền hòa như hươu hoàn toàn ăn thực vật, chúng hiền hòa hơn, có răng nhỏ hơn và không có móng vuốt. Nếu theo cái nhìn đó, con người chúng ta có bản chất bất bạo lực. Loài người là động vật xã hội, để sinh tồn con người phải tương tác với nhau, với môi trường xã hội, nếu không có môi trường xã hội, thì con người không thể sinh tồn được. Đây là quy luật tự nhiên.

Bởi vì tôi tin tưởng sâu sắc rằng loài người về bản chất là thiện lương, cho nên con người chúng ta cần thiết phải duy trì mối quan hệ hòa bình, thiện lương không chỉ giữa con người với con người mà còn cần phải mở rộng thái độ này tới môi trường tự nhiên. Nói theo ngôn ngữ đạo đức, thì chúng ta cần phải biết quan tâm, chia sẻ tới toàn bộ môi trường tự nhiên bên ngoài nữa.
 
Con người cần quan tâm tới môi trường tự nhiên

Một vấn đề nữa, không chỉ là vấn đề đạo đức mà liên quan mật thiết tới sự sinh tồn của chính mỗi người và loài người. Môi trường tự nhiên rất quan trọng không chỉ đối với thế hệ hiện thời mà cả với thế hệ tương lai. Nếu chúng ta khai thác, lạm dụng môi trường một cách cực đoan, thậm chí có người được hưởng lợi từ việc khai thác tự nhiên, họ được tiền và nhiều lợi ích khác ngay lúc này, nhưng về lâu dài, họ vẫn phải chịu khổ đau và các thế hệ tương lai chắc chắn cũng phải chịu khổ đau.

Khi môi trường thay đổi, các điều kiện khí hậu cũng sẽ thay đổi. Khi chúng thay đổi một cách mạnh mẽ thì nền kinh tế và rất nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ thay đổi theo. Thậm chí sức khỏe thể chất của mỗi người cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự sống còn của trái đất đang bị đe dọa bởi chính các hoạt động của con người, những hoạt động thiếu sự định hướng của các giá trị tinh thần nội tại. Sự phá hủy tự nhiên và các nguồn lực tự nhiên bắt nguồn từ tham lam và thiếu hiểu biết và sự thiếu tôn trọng các loài đang sinh sống trên trái đất.

Sự thiếu tôn trọng này mở rộng tới cả các thế hệ tương lai, các thế hệ con cháu của chúng ta hiện nay, chúng sẽ phải thừa kế một hành tinh bị hủy hoại nếu như hòa bình và sự phá hủy môi trường tự nhiên tiếp tục diễn ra với tốc độ như hiện nay. Bởi vậy đây không chỉ là vấn đề đạo đức mà là vấn đề liên quan tới sự sinh tồn của loài người của chúng ta.

Bởi vậy để thành công trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng trước hết là phải có sự cân bằng nội tâm nơi mỗi con người. Sự lạm dụng tự nhiên, dẫn tới những tổn hại vô cùng to lớn cho cộng đồng nhân loại, bắt nguồn từ lòng tham và sự thiếu hiểu biết của con người về tầm quan trọng và giá trị của môi trường. Tôi cho rằng rất cần thiết phải giúp mọi người thấu hiểu điều này. Chúng ta cần giáo dục mọi người rằng môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của tất cả cộng đồng con người. 

Tôi luôn nói về tầm quan trọng của tâm từ bi. Như tôi từng chia sẻ trước đó, thậm chí từ quan điểm ích kỷ cá nhân của mỗi người, thì chính họ vẫn cần sự nâng đỡ từ những người xung quanh. Bởi vậy, nếu mỗi người biết quan tâm, chia sẻ tới lợi ích của người khác, giúp mọi người thoát khỏi khổ đau thì chắc chắn họ cũng được hưởng lợi từ những việc làm đó. Còn nếu chỉ biết khư khư lo nghĩ cho riêng bản thân và quên lãng lợi ích của mọi người, thì cuối cùng họ cũng sẽ thất bại. Đó là quy luật tự nhiên.

Điều này hoàn toàn đơn giản: Nếu một người không biết mỉm cười với mọi người xung quanh, lúc nào cũng nhăn nhó hay lên mặt với mọi người thì chắc chắn mọi người xung quanh cũng sẽ phản ứng tương tự với anh ta. Nếu một người biết đối xử với người khác một cách chân thành, cởi mở, họ chắc chắn cũng sẽ nhận được sự nồng ấm tương tự.

Tất cả mọi người đều muốn có bạn bè, bằng hữu, chả ai muốn có kẻ thù cả. Cách thức chân chính để có tình bằng hữu là một trái tim nồng ấm, chứ không đơn giản chỉ dựa vào tiền và quyền lực. Những người bạn dựa vào tiền và quyền lực hoàn toàn khác, họ không phải là những người bạn theo đúng nghĩa. Những người bạn theo đúng nghĩa là những người bạn dựa trên sự nồng ấm của trái tim.

Tôi luôn luôn chia sẻ với mọi người rằng, những người đến với mình chỉ vì tiền bạc và quyền không phải thực sự là bạn của quý vị, mà chỉ là những người bạn của tiền bạc và quyền lực, bởi khi tiền bạc và quyền lực không còn nữa, những người đó cũng sẽ sẵn sàng rời bỏ quý vị. Họ không đáng tin cậy. 

Người bạn chân chính là người luôn đứng cạnh, biết sẻ chia dù cho quý vị có đang thành công hay gặp hoàn cảnh bất như ý. Cách thức để kết bạn không phải bằng việc sân hận, cũng không phải dựa trên học vấn cao thấp, thông minh hay không mà dựa trên sự chân thành và nồng ấm của con tim.

Hãy suy tư một cách sâu sắc hơn, nếu quý vị vẫn còn những mảy tư tưởng ích kỷ cho bản thân thì hãy ích kỷ một cách thông minh, xin hãy đừng ích kỷ một cách hẹp hòi. Mấu chốt chính là ý thức về trách nhiệm phổ quát; đó là nguồn năng lực thực sự, nguồn cội hạnh phúc thực sự.

Nếu như thế hệ của chúng ta lạm dụng, khai thác mọi thứ sẵn có trong tự nhiên, từ cây cỏ, nguồn nước và cả các nguồn khai khoáng mà chẳng biết quan tâm tới các thế hệ tiếp theo, thì đó chắc chắn là những lầm sai của chúng ta, có phải vậy không? Nhưng nếu chúng ta có một ý thức trách nhiệm phổ quát, coi đó là động cơ trong mọi việc làm thì mối quan hệ của chúng ta với hàng xóm láng giềng, với cộng đồng trong nước và quốc tế, với môi trường tự nhiên chắc chắn sẽ được cải thiện.

Ngày nay ý thức trách nhiệm phổ quát cũng đặc biệt quan trọng đối với các nhà quản lý, lãnh đạo một cộng đồng, một quốc gia. Có thể cảm thông và tha thứ cho sự khai thác tài nguyên một cách quá mức trong quá khứ xa xưa bởi do những thiếu hiểu biết. Nhiều quan điểm trong quá khứ cho trái đất là nguồn năng lượng vô tận.

Nhiều người cũng cho rằng môi trường tự nhiên có thể khai thác vô tận và không chăm lo bảo vệ và chăm sóc nó.Tuy nhiên ngày nay khi mà chúng ta có nhiều phương tiện thông tin hơn, các nhà lãnh đạo rất cần thiết phải xem xét, tư duy lại những thứ mà họ đã được thừa kế, những nguồn tài nguyên phải có trách nhiệm bảo vệ, và sẽ truyền trao lại cho các thế hệ tương lai. Tư duy chỉ biết lợi ích cho bản thân, cho nhóm quyền lực của mình, cho cộng đồng của riêng mình đã hoàn toàn lỗi thời.

Một nhà lãnh đạo thời hiện đại là nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn rộng lớn, biết thức tỉnh các giá trị nội tâm của chính mình, có trách nhiệm với các quyết sách được đưa ra, biết tôn trọng, quan tâm tới lợi ích chung của cộng đồng mình, của những cộng đồng rộng lớn hơn trong mỗi khu vực và trên khắp toàn cầu.

Mấu chốt là biết nuôi dưỡng các giá trị nội tâm

Vậy thì thức là gì, tâm là gì? Làm thế nào để có một tâm thức an bình. Tại thế giới phương Tây, trong khoảng 1 tới 2 thế kỷ vừa qua có bước tiến vượt bậc trong khoa học và công nghệ, nhưng phạm vi chủ yếu chỉ hướng tới đối tượng vật chất bên ngoài. Ngày nay các nhà vật lý học, thần kinh học cho rằng khi mỗi người nhận thức một phân tử một cách chi tiết, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức chủ quan của người nhận thức.

Vậy thì người nhận thức là ai? Câu trả lời rất đơn giản là, một con người cụ thể, một nhà khoa học đang nhận thức đối tượng. Bằng cách nào một nhà khoa học có thể nhận thức được sự vật? Theo các nhà khoa học phương Tây là thông qua bộ não. Tất nhiên quý vị có thể gọi nó là tâm, bộ não hay thức, có một mối quan hệ giữa bộ não và tâm, cũng như tinh thần với vật chật. Tôi cảm thấy rằng cần có thêm những cuộc đối thoại giữa triết học phương Đông và khoa học phương Tây trên nền tảng của mối quan hệ này.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì ngày nay con người chúng ta quan tâm rất nhiều tới thế giới bên ngoài nhưng lại lãng quên thế giới nội tâm. Chúng ta có những bước tiến mạnh mẽ trong khoa học và thế giới vật chất để giúp sinh tồn và để tăng lợi ích, sự sang giàu nói chung nhưng cùng với đó chúng ta cũng phải cần tới sự an bình nội tâm.

Mặc dù vậy chẳng có bác sĩ nào có thể kê đơn cho quý vị một phương thuốc hữu hiệu mang lại sự bình an nội tâm cả, và chẳng có siêu thị nào bán sự bình an nội tâm cho quý vị cả. Nếu quý vị mang hàng triệu USD đi tới siêu thị, quý vị có thể mua sắm mọi thứ nhưng nếu quý vị hỏi mua sự an lạc nội tâm thì mọi người sẽ cười nhạo quý vị.

Và nếu quý vị hỏi một bác sĩ kê đơn giúp loại thuốc mang lại sự an lạc nội tâm thực sự, không phải loại thuốc an thần thông thường, thì người bác sĩ không thể giúp quý vị được. 

Thậm chí máy tính, internet ngày nay cũng không thể mang lại cho quý vị sự an lạc nội tâm. Sự an lạc phải tới từ trong tâm. Tất cả mọi người đều mong cầu hạnh phúc và niềm vui, nhưng nếu chúng ta so sánh những thú vui giác quan bên ngoài và nỗi khổ đau về mặt thể xác với niềm an lạc nội tâm và nỗi đau về mặt tinh thần, chúng ta thấy rằng tâm thức có một năng lực rộng lớn vô cùng, siêu việt và bền vững hơn rất nhiều.

Bởi vậy trong xã hội ngày nay các phương pháp nuôi dưỡng các giá trị nội tâm rất cần thiết được giới thiệu cho con người ở mọi tầng lớp, địa vị xã hội và muốn vậy trước hết chúng ta phải học hỏi để thấu hiểu dòng tâm. Khi ta bàn về sự bảo vệ môi trường tự nhiên, có rất nhiều lĩnh vực liên quan, tuy nhiên điểm mấu chốt để giải quyết là phải biết nuôi dưỡng các giá trị nội tâm như ý thức trách nhiệm phổ quát, tình thương yêu, lòng bi mẫn và sự tỉnh thức.

Đức Đạt Lai Lạt Ma
La Sơn - Phúc Cường dịch  (nguồn: http://upliftconnect.com/ecology-and-the-human-heart/)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Cảm ơn những tháng ngày dưới mái chùa

Phật pháp và cuộc sống 16:25 24/11/2024

Trong cuộc đời mỗi người, có những nơi không chỉ là chốn dừng chân, mà còn là ngôi nhà nuôi dưỡng tâm hồn, gieo trồng hạt giống an lạc. Với tôi, mái chùa là nơi như thế.

Tiền Giang: Chùa Đồng Linh tổ chức khám bệnh, tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn

Phật pháp và cuộc sống 15:30 24/11/2024

Sáng ngày 23/11/2024 (23/10 năm Giáp Thìn) chùa Đồng Linh (xã An Thạnh Thủy) kết hợp công ty cổ phần dược phẩm Phúc Thiện (TP.Hồ Chí Minh) và trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo, Hội chữ Thập đỏ huyện tổ chức khám bệnh, phát thuốc và quà cho cho người cao tuổi, bà con nghèo, các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Trong cuộc sống, không có gì là mãi mãi

Phật pháp và cuộc sống 08:40 24/11/2024

Cuộc sống giống như nhịp điệu của cơn mưa. Khi những giọt nước rơi từ trên trời, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy ướt át, lạnh lẽo và trầm lắng.

Hạnh phúc nơi tự thân

Phật pháp và cuộc sống 08:20 24/11/2024

Đức Phật là bậc tỉnh thức, đã phá trừ tất cả mọi tham đắm, mọi sự ràng buộc ở thế gian để tìm ra được chân như. Người đã đốt lên ngọn đèn trí tuệ, giúp người mê trở về nẻo chánh, và dẫn dắt nhân sanh vượt qua được đau khổ của trần gian, đi đến cuối đoạn đường huy hoàng thanh thoát.

Xem thêm