Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 20/04/2015, 14:48 PM

Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng về Bồ tát Đại thừa

Nhân khóa tu thiền đầu năm tại chùa Từ Tân (số 90/153, đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình), sáng ngày 12/04/2015, Thượng tọa Thích Chân Quang đã bắt đầu loạt bài giảng mới về Bồ tát Đại thừa, nhằm đưa những người hữu duyên bước vào một chân trời mới.

 
Được biết, hơn 10 năm qua, cũng tại Giảng đường chùa Từ Tân, Thượng tọa đã giảng bộ Kinh Pháp Cú để các phật tử nắm được những Giáo lý căn bản Nguyên thủy, cũng như hành trạng cuộc đời của đức Phật và các vị Thánh Tăng. Đồng thời Thượng tọa đang cố gắng tổng hợp lại, khai thác thêm để hoàn thành kịch bản của bộ truyện tranh song ngữ Việt - Anh về cuộc đời đức Phật – ĐỈNH NÚI TUYẾT, với bút vẽ sắc nét của họa sĩ Hữu Tâm và Nhà xuất bản Tôn giáo chịu trách nhiệm xuất bản. Đến nay đã in được tập thứ 19. Theo Thượng tọa, công trình này phải tới 30 năm nữa mới xong. Việc làm này không chỉ giúp các phật tử tiếp cận kinh Phật một cách đơn giản, dễ hiểu mà còn lưu trữ lại giáo lý Phật giáo cho mai sau.

 
 
"Đỉnh Núi Tuyết" là bộ truyện dài tập (100 tập) sẽ tái hiện vừa chân thực, vừa thần kỳ, đầy cuốn hút về cuộc đời đức Phật. Tuy nhiên, "Đỉnh Núi Tuyết" không chỉ dừng lại ở cuộc đời đức Phật mà còn giúp cho chúng ta hiểu thêm nhiều cuộc đời của các nhân vật lịch sử khác xoay quanh nhân vật trung tâm là đức Phật. 

Có theo dõi từng tập truyện, chúng ta càng tăng thêm cảm xúc tôn kính đối với đức Phật đến tột cùng và sẽ hiểu tường tận hơn về những giáo lý của Ngài, cũng như hiểu rõ về mỗi cuộc đời, sự tu chứng của các vị Thánh Tăng trong thời đức Phật rất thú vị. Trong đó rất nhiều điều khiến cho chúng ta phải suy ngẫm, bàn bạc, liên hệ thực tế, rút bài học cho bản thân, thầm ước mơ, v.v...

 
 
 
Từ đó chúng ta sẽ xác định lại một hướng đi vững vàng, chân chính cho cuộc đời mình. Cho nên, chúng ta hãy đọc hết và giới thiệu với bạn bè, người thân, thậm chí với cả người ngoài đạo Phật, hay người có cảm tình với đạo Phật để cùng nhau đọc, hầu phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình mà đức Phật đã truyền trao đến với mọi người.

Quả thật, "Đỉnh Núi Tuyết" sẽ là nơi hạnh ngộ của những tâm hồn biết yêu cái đẹp, biết yêu đạo lý và có lý tưởng hướng về con đường giác ngộ giải thoát.

Như vậy, với 10 năm giảng giải bộ Kinh Pháp Cú, xem như Thượng tọa đã dẫn dắt mọi người tạm bước qua giáo lý Phật giáo Nguyên thủy. Bây giờ, Thượng tọa tiếp tục giới thiệu với các phật tử một lĩnh vực mới về hệ thống tư tưởng Phật giáo Đại thừa, mà đặc biệt là về tính chất, hành trạng của các vị Bồ tát.  

Hệ thống Phật giáo Đại thừa kỳ vĩ mênh mông, vượt ngoài sự tưởng tượng hình dung của con người, của thời đại ngày xưa và của cả thời đại ngày hôm nay. Cho nên, Thượng tọa nhắc nhở mọi người phải chuẩn bị tâm thế để đi vào một thế giới mới, cảnh giới mới rất lạ lùng. Nếu đi qua loạt bài về Bồ tát Đại thừa mà lòng chúng ta vẫn tin sâu - hiểu kỹ - vững lòng thì đạo tâm của mình sẽ đạt được bước tiến rất xa. Đó là vì những điều trong kinh Đại thừa mở tâm hồn con người ta đến vô tận. 
 
Chúng ta hay nghe trong kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang hoặc kinh Hoa Nghiêm, mỗi khi nói đến chư Phật, chúng sanh, quốc độ, chư thính chúng…nhiều vô lượng, Đức Phật thường đem số cát sông Hằng để ví dụ. Chẳng hạn, Phật nói: Số cát có trong sông Hằng đó, rồi số sông Hằng bằng với số cát đó, và tất cả số cát của bao nhiêu sông Hằng đó, nếu nói phải đếm cho ra thì mình không thể đếm nổi. Vậy trí tuệ của người ta đến cỡ nào mà có thể nêu ra được con số như thế. 

Ngày xưa trong kinh điển Đại thừa nói đến con số đó rất bình thường thì ta phải hiểu nó được nêu ra bởi những bậc tu chứng, tâm cực kỳ thanh tịnh thì họ mới hình dung ra được con số như vậy. Nên khi ta bước vào thế giới đại thừa, bước vào thế giới mà không còn chỗ để cho đầu óc ta tư duy suy nghĩ được nữa, mà ai cứ cố gắng tư duy suy nghĩ thì người đó loạn tâm liền. 

Trong phạm vi bài Pháp thoại lần này, Thượng tọa đi vào phân tích vì đâu ta có tư tưởng Đại thừa? Kinh điển Đại thừa có phải do Phật thuyết hay không? Tại sao một thời gian dài hệ phái Nam tông và Bắc tông chưa có cái nhìn hợp nhất, dù đều cùng tôn thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni? Nhân đây, Thượng tọa nêu lên một sự thành công lớn của GHPGVN là bắt đầu năm 1981 đã có sự hòa hợp chung đồng hội tụ giữa các tông phái Phật giáo Việt Nam. Điều tốt đẹp này hiện nay trên thế giới chưa có, chỉ GHPGVN mới có mà thôi. Do đó, chúng ta cần bảo vệ mối quan hệ tốt đẹp này trước những âm mưu chia rẽ của các thế lực xấu, xuyên tạc. 

Theo quan điểm của Thượng tọa, tất cả những ai có lương tâm trên thế giới này đều muốn sống với nhau trong yêu thương, trong hòa bình nhân ái, dù là khác quốc gia, khác chủng tộc, khác tín ngưỡng. Vậy chúng ta - những người cùng thờ chung một Giáo chủ - Đức Phật Thích Ca cao siêu vĩ đại thì không thể kì thị với nhau. Nếu có điều gì đó mà ta chưa đồng ý, chưa thông cảm, chưa hiểu được nhau hãy để đó, chúng ta cứ sống với nhau bằng điều giống nhau trước đã. Cái giống nhau đó là: Chúng ta cùng thờ Phật, cùng tin Nhân quả - Nghiệp báo - Luân hồi; cùng tin vào Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, cùng hướng về mục tiêu vô ngã.  

Đành rằng sự xuất hiện của mỗi tông phái có lý do của nó cũng như có sự khác biệt chứ không phải là không, nhưng thôi cứ để đó, hiện tại hãy yêu thương nhau cái đã. Đó là mệnh lệnh của thời đại, của lương tri và của dân tộc ta. Nếu điều này được giữ gìn; được thực thi nơi đất nước Việt Nam một cách tốt đẹp thì chúng ta nên đóng góp ý kiến này cho Phật giáo của cả thế giới.

Chúng ta có thể nói với thế giới rằng: Trong Phật giáo chúng tôi có những sự khác biệt nhưng chúng tôi vẫn có thể sống hòa hợp yêu thương nhau được, và chúng tôi kêu gọi thế giới dù hãy còn sự khác biệt về chủng tộc, về ranh giới quốc gia, về ngôn ngữ, tín ngưỡng, v.v… nhưng hãy sống hòa hợp yêu thương nhau. 

Nói về thuộc tính của con người, Thượng tọa nhấn mạnh: Sự khác nhau giữa loài người thông minh và con vật là ở chỗ trong con người luôn có sự thúc đẩy phải phát triển, phải tiến bộ từ những gì họ đã được thừa kế. Nghĩa là khi người nào có được sự thừa kế và nghĩ đến sự phát triển tiến bộ thì người đó là một động vật thông minh nhất của hành tinh đó, chứ không có loài nào thông minh hơn loài người, vì nếu vượt khỏi loài người thì bắt đầu không còn là chúng sinh nữa mà bước vào Thánh rồi, cho nên không còn thế giới của vật chất này nữa. Còn nếu nói đây là chúng sinh thì con người vẫn là loài thông minh nhất, bởi vì trong con người luôn có sự thúc đẩy tiềm tàng là phải phát triển, phải tiến bộ từ những gì đã có sẵn, đó là thuộc tính.

Đồng thời, con vật không có tính nhàm chán, nhưng con người có tính nhàm chán. Tính nhàm chán đã thúc đẩy sự tiến bộ văn minh của nhân loại và cũng làm cho vô số gia đình tan vỡ. Và nhàm chán còn là nguyên nhân làm cho bao nhiêu con người đã không cùng nhau đi đến vô biên được. Cho nên, Thượng tọa nhắc nhở: Chúng ta đang đi con đường của chân lý, con đường của đạo pháp đẹp quá thì đừng bao giờ bỏ nhau đi mãi. 

Theo đó, Thượng tọa cho rằng: Nếu không cần dạy thì cái điều sai, điều ác cứ tồn tại hết thế kỷ này tới thế kỷ kia. Còn điều chính đáng mà được dạy thì rất là vất vả mới gieo được vào lòng người, mà nếu lúc nào sự dạy và học đó bị gián đoạn, bị phá vỡ thì điều tốt đẹp đó mất liền.

Cũng vậy, chánh pháp của Phật coi vậy khó học lắm. Chỉ Luật Nhân Quả không thôi cũng không phải dễ hiểu, dễ học. Nhiều người ỷ mình giàu sang hay ỷ mình thông minh giỏi giang nên không cần tin nhân quả. Còn nói tới vô ngã thì đừng trông có người hiểu. Do đó, người nào đến với Phật pháp, khi nghe giáo lý vô ngã mà xúc động, yêu thích thì người này đã có căn cơ làm Thánh rồi. Còn lại, đa số chúng sinh luôn nắm giữ bản ngã, tôn trọng cái ta, yêu thương cái ta của mình. Nhân đây, Thượng tọa cũng phân tích nguyên nhân chánh pháp của Phật sẽ có lúc phải tàn hoại là do đâu và tại sao những tà kiến ngoại đạo luôn muốn kích động những dục, ái, ích kỷ, tham sân thù hận đối với nhân loại này. Đây cũng là điều mà đức Phật lo lắng cho thời kỳ mạt pháp khi Ngài nhập Niết bàn, mặc dù đức Phật đặt nền tảng giáo lý mà Ngài tin rằng nó sẽ bền vững lâu dài. 

Nói về căn nguyên của Đại thừa Phật giáo, trong đó Thượng tọa nhận xét: Có một tâm lý cố hữu muôn đời của con người là người sau kế thừa, phát triển nhiều hơn người trước và luôn luôn tìm cách để giỏi hơn người trước. Bắt đầu ta rơi vào bệnh cố hữu của con người, lúc nào cũng muốn mình giỏi hơn người trước. Cái quan điểm lúc nào cũng muốn mình giỏi hơn người trước là tốt hay xấu? Thứ nhất là tốt bởi vì làm cho loài người tiến bộ. Tuy nhiên, chúng ta phải mang ơn đời trước vì người trước đã lập cái nền để cho ta đạp vô đó mà bước lên. Cho nên nói là ta hơn nhưng sự thật ta đã dựa vào sản phẩm của người đi trước. Nếu ta nói khía cạnh tốt là như vậy, nhưng với đức Phật thì không phải vậy. 

Sự xuất hiện cũng như tính chất của đức Phật là TUYỆT ĐỐI, HOÀN HẢO, không ai hơn dù trước đó và sau đó, chỉ bằng Ngài thôi, vì đó cũng là một đức Phật. Khi ta nói rằng: Ta có thể hơn Phật – đó là một tà kiến, và tà kiến này phá tan hết mọi công đức của ta và ta có thể bị điên loạn bởi ý nghĩ này. Còn người nào tự cho mình kém cỏi, cứ nuôi dưỡng lòng tôn kính Phật mãi mãi thì lúc nào đó sẽ chứng quả Thánh.

Tiếp theo, nhận xét về khuynh hướng phát triển kinh Đại thừa của các tông phải, Thượng tọa cho rằng: Khuynh hướng phát triển kế thừa là khuynh hướng của loài người thông minh, nên con người bắt đầu phát triển đạo Phật thành luận bản, bên Nam tông là Abhidhamma, bên Bắc tông là bắt đầu xuất hiện Kinh Đại Thừa. 

Cái hay, cái thành công của Bắc tông là càng phát triển thì càng ca ngợi giá trị của Phật là bậc nhất. Thật vậy! Trong tất cả Kinh Đại Thừa, hình ảnh của Phật luôn luôn siêu việt, vĩ đại, hoàn hảo. Có ý kiến cho rằng Abhidhamma hơn Nikaya. Chúng ta nên nhớ: Ta được quyền kế thừa, phát triển nhưng đừng nghĩ mình giỏi hơn người xưa. Cũng giống như các nhà khoa học, mặc dù họ tạo ra được những sản phẩm mới, họ có những phát minh mới, phát kiến mới, nhưng họ vẫn nói rằng cái thông minh của những nhà bác học như Einstein, Newton, v.v… vẫn là vượt bậc, đều là những vì sao sáng nhất trên bầu trời khoa học của nhân loại. Và đó là công bằng, đó là chân lý.

Cho nên, Kinh Đại Thừa được một điều rất độc đáo, tuy là kinh mới, ý tưởng mới, hoản cảnh mới, khung cảnh mới, khái niệm mới, nhưng trong tất cả những cái mới đó, hình ảnh đức Phật luôn luôn là tuyệt đối cao siêu, không gì qua được. Đây là điều làm cho ta xúc động tột độ đối với những Kinh điển Đại thừa, và ta cũng biết ơn đối với những vị Tổ đã tạo ra kinh Đại Thừa như thế. 

Lại nữa, Thượng tọa còn giải nghi cho mọi người, vì có người sẽ thắc mắc, đặt vấn đề: Tại sao đức Phật không triển khai nền tảng giáo lý Đại thừa cho đời sau trước mà chỉ nói kinh điển Nikaya nguyên thủy? hay Niết bàn là thế nào? Hạnh Bồ tát là gì?  

Bằng rất nhiều ví dụ, câu chuyện trong cả kinh Phật và cuộc sống đời thường, Thượng tọa đã chỉ ra những giáo lý, đặc điểm cơ bản, quan trọng của Kinh Đại Thừa. Đây là bài Pháp khó, dù Người đã cố gắng giải thích, ví dụ, diễn giải bằng nhiều cách, nhưng không phải chỉ một ngày mọi người có thể hiểu và vận dụng hết được, vì kinh Phật quá mênh mông, kỳ vĩ, vô tận. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần có niềm tin tuyệt đối vào Phật pháp, tu tập tinh tấn, đúng đắn thì Phật sẽ gia hộ cho mình sớm tiếp cận được với những giáo lý cao siêu hơn, có công năng mở tâm hồn mọi người đến vô biên, và có lúc nào đó quả vị Thánh sẽ hiển bày ra. 

Trong bài Pháp thoại triển khai giáo lý Đại thừa đầu tiên này, nếu nghe thật kỹ, chúng ta có thể học hỏi thêm nhiều điều mới lạ. Đây là cánh cửa mở ra tâm hồn tri thức của con người. Đồng thời chúng ta sẽ có được nguồn cảm hứng đối với hình tượng, hạnh nguyện của các vị Bồ tát. 

Tóm lại, giáo lý của Phật thích hợp với mọi thời đại, không bao giờ cũ hay lạc hậu. Vì vậy, tiếp cận, tìm hiểu thôi không đủ, chúng ta còn phải có trách nhiệm áp dụng tu tập thực hành, phát triển kinh Phật cho các thế hệ sau. Đây chính là cách tốt nhất để chúng ta gìn giữ, xây dựng con người tương lai đẹp từ trong tâm hồn và hướng mọi người ai rồi cũng phải tu tập tinh tấn để được giác ngộ giải thoát chứ không thể trôi lăn mãi trong luân hồi sinh tử được.

Tuệ Đăng

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm