Thượng tọa Thích Minh Hiền: Căn nguyên và sự ngộ nhận mang tên 'Độ ta không độ nàng'
Bằng những so sánh gần gũi, đời thường, Thượng tọa Thích Minh Hiền đã giảng cho chúng tôi hiểu rõ căn nguyên của trào lưu "Độ ta không độ nàng" đang khiến cộng đồng xôn xao.
Trào lưu có tên "Độ ta không độ nàng" đã trở thành chủ đề trong cuộc phỏng vấn giữa phóng viên với Thượng tọa Thích Minh Hiền - Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội).
Vấn đề xuyên suốt trong những lời giảng của Thượng tọa là một "căn bệnh" của thời đại, dẫn đến sự ngộ nhận mang tên "độ ta không độ nàng" mà cộng đồng quan tâm những ngày qua. Đó là bệnh nhờ cậy - con người đang chỉ thích dựa dẫm vào tha lực của người khác.
Phật độ với tất cả chúng sinh, không từ một ai
Phóng viên: Thưa Thượng tọa, từ cổ chí kim đã từng có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của người đời đề cập đến hoặc lấy đề tài Phật giáo ra để phản ánh. Kết quả là người đời có thể hiểu đúng, hiểu sai hay hiểu chưa cặn kẽ về Phật pháp qua những tác phẩm trên. Là Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa nghĩ sao?
- Thượng tọa Thích Minh Hiền: Văn dĩ tải đạo cô ạ! Do đó, mọi tác phẩm nghệ thuật dù là phục vụ thị hiếu cho giai tầng nào đi nữa thì cũng đều hàm ẩn một triết lý nhân sinh, một ý niệm nào đó của đời sống. Người ta có thể nói đúng, có thể nói sai, có thể nói chưa đến được chân lý. Song đó đều là những điều mà người ta đang tri kiến được.
Trên thực tế thì Phật giáo là một trong những tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới. Nên người ta lấy chuyện nhà Phật làm đề tài sáng tác rất nhiều. Trên thế giới có nhiều lắm.
Gần gũi với chúng ta nhất có thể là bộ Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Tác phẩm này, gọi là thể loại tiểu thuyết thần tiên ma quái cũng đúng, mà gọi là văn học phản ánh tư tưởng Phật giáo cũng không sai. Quan trọng là chúng ta nhìn ở điểm nhìn nào thôi.
Tại Việt Nam, với điểm nhìn của mình, tên Tây Du Ký được dịch giả giữ nguyên phiên âm để đảm bảo tinh thần của tác phẩm gốc. Còn bản dịch ra tiếng Anh của Arthur Waley có tiêu đề là Monkey (con khỉ). Vậy là điểm nhìn khác nhau, cho ra cách hiểu khác nhau hoàn toàn đúng không nào! Và chúng ta thì không nên phán xét đúng sai ở đây.
Một tác phẩm khác mà thầy muốn nhắc đến là tiểu thuyết Thoát Vòng Tục Lụy của Hòa thượng Thích Tinh Vân, được Việt dịch bởi Hòa thượng Thích Quảng Độ, xuất bản tại Sài Gòn năm 1962.
Lấy hình hài là một tiểu thuyết mang âm hưởng của thể loại tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình xưa, hòa thượng Tinh Vân đã kể lại chặng đường tu hành của Ngọc Lâm quốc sư, từ lúc còn vướng bụi hồng trần đến khi thoát khỏi vòng tục lụy.
Với cách kể chuyện súc tích, ngôn ngữ dễ hiểu mà vẫn truyền tải được ý niệm Phật giáo, cuốn sách thực chất là tài liệu hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về duyên nghiệp nơi cửa Phật. Vậy những người yêu văn hóa đọc, lại có tâm hướng Phật rất nên tìm đọc và hưởng thụ cái hay, cái đẹp của những tác phẩm như thế.
Thế còn những tác phẩm đương đại trong những năm gần đây của người đương thời nói về Phật giáo hay mượn đề tài Phật giáo thì thầy không được đọc hay tìm hiểu nhiều. Cho nên cũng không biết rõ ngôn ngữ nghệ thuật bây giờ ra sao.
Chúng ta phải chấp nhận rằng có một khoảng cách nhất định giữa các thế hệ. Chắc chắn ngôn ngữ của thời đại @, ngôn ngữ của thời đại 4.0 sẽ phải có 1 sự cách xa với thế hệ của thầy. Do đó, thầy không lạm bàn. Các bạn trẻ có quyền được nói lên tiếng nói của họ.
Thầy cho rằng đó cũng chỉ là cách nhìn cuộc đời của họ mà thôi. Họ nghĩ thế nào thì họ bạch ra thế ấy qua tác phẩm của mình. Còn hiểu như thế nào, chấp nhận hay không, và chấp nhận ở mức nào đều là do công chúng. Người trẻ có thể thấy lạ thấy hay. Đó là cách nhìn của người trẻ, những người mới vào đời, vẫn đang phải học tập rất nhiều để trưởng thành.
Rồi, qua trải nghiệm, người trẻ sẽ còn thay đổi nhiều cách nhìn, cách hiểu về mọi thứ, kể cả Phật giáo. Biết đâu vài năm tới, cũng nghệ sĩ đó nếu có viết 1 tác phẩm gì đó liên quan đến nhà Phật, tư tưởng lại hoàn toàn khác với hôm nay?
Còn Phật tử thì thầy thiển nghĩ không nên bận tâm đến những sản phẩm ấy. Chúng ta có 1 thứ đặc quyền đối với văn hóa đó là tự mình lựa chọn và tự mình quyết định có thụ hưởng sản phẩm ấy hay không.
Với chư tăng, thầy giữ một nguyên tắc là không được phép tìm kiếm hay thụ hưởng nó. Người xuất gia đi tu có phép tắc của người đi tu. Vô tình hay cố ý thụ những sản phẩm vốn chỉ mặc định cho ngoài xã hội là trái quy tắc.
Còn bàn đến chuyện đúng sai, cũng giống các cao tăng khác đã từng lên tiếng, thầy cho rằng tác giả và người biểu diễn tác phẩm đó chưa hiểu thấu đáo tinh thần của nhà Phật.
Phóng viên: Vậy cần hiểu chữ "Độ" như thế nào theo chính pháp đạo Phật, thưa Thượng tọa?
- Thượng tọa Thích Minh Hiền: "Độ", vốn nghĩa chữ Hán là đưa qua. Ví dụ: tôi đưa anh qua sông, thì gọi là "độ". Ví dụ như Quan âm cứu độ, quan âm độ hải... Nghĩa phái sinh của "Độ" còn là cứu. Trong Phật giáo có từ "độ tận" thì trong đạo Thiên Chúa có từ "cứu rỗi". Nếu nói rằng: thầy độ cho con để vào Thiên Trù nghĩa là thầy đưa đò cho con vào chùa Thiên Trù đó!
Trong Phật giáo, chữ "độ tận", "cứu độ" khác với "hộ trì" là bảo vệ. Khi nói "Phật độ" chúng ta có thể hiểu là Phật, với sự giác ngộ của mình, sẽ đưa con người qua sông mê mà đến được với bến giác. Và Phật thì độ với tất cả chúng sinh, không từ một ai, không phân biệt sang hèn phú quý...
Tha lực bị lạm dụng trong đời sống dân sinh
- Phóng viên: Vậy nghĩa là khi người ta nói "độ cho người này mà không độ người kia" là một sự nhầm lẫn, hiểu sai về đạo Phật. Như vậy có đáng trách không, thưa Thượng tọa?
- Thượng tọa Thích Minh Hiền: Đó thực ra là sự tỵ hiềm, khi người ta không hiểu biết. Người đời có thể nói như vậy, vì họ chưa hiểu biết hết mà. Chúng ta cũng không cần trách cứ vì người ta chưa giác ngộ, chưa hiểu về chữ "Độ" mà vẫn cứ hát.
Trong Phật giáo, có 2 khái niệm: tha lực và tự lực. Tha lực là nhờ vào người khác. Khi chúng ta cứ mong ai đó hay Thần, Phật độ mình nghĩa là mình đang mong chờ tha lực từ người khác.
Thật ra tha lực cũng có vai trò nhất định của nó trong chuỗi đời sống gửi của con người ở thế gian. Nếu chúng ta biết tự lực giác ngộ để tận hưởng hết những giai đoạn hợp lý của tha lực thì sẽ rất tốt.
Ví dụ: lúc nhỏ con cái nhờ sự chăm sóc của bố mẹ mà lớn khôn. Tha lực từ bố mẹ lúc này rất quan trọng cho trẻ nhỏ. Nhưng đến 18 - 20 tuổi rồi mà vẫn chỉ nhờ cha mẹ nữa thì đúng là dựa dẫm rồi còn gì!
Có điều này đáng suy nghĩ, là thầy đang nhìn thấy tha lực dường như đã trở thành một đặc tính của chúng sinh ngày nay. Con người ngày nay rất hay nhờ cậy vào người khác. Cái gì cũng nhờ, thậm chí cả hành lễ cũng nhờ. Một bà hàng xóm rất hoan hỷ sang nhà bên cạnh và nói: "Bà ơi, mai đi chùa thì lễ giúp tôi với".
Thậm chí, ngay cả trong nhiều các văn bản cũng đang rơi vào cảnh huống tha lực này, khi rất hay có câu: "nhờ sự chỉ đạo...". Cái gì cũng "nhờ"!
Có thể thấy tha lực đang quá bị lạm dụng trong cuộc sống dân sinh. Chỉ có mỗi tiêu tiền hình như là người đời chưa nhờ ai tiêu hộ.
Rồi khi mọi người đến cửa Phật lại hay mang theo tư duy đó. Người ta có thể đến chùa để tìm về một nơi yên tĩnh, hướng đến tự giác ngộ cho lòng thanh thản; mà người ta cũng có thể đến chùa với rất nhiều sự cầu mong Phật độ.
Thậm chí, chúng sinh bây giờ phải dùng 3 loại thầy mới có thể chữa được 3 loại bệnh của thời đại: Tây Y, Đông y và Tâm y. Thầy thấy có rất nhiều cuộc trò chuyện thường ngày của bệnh nhân như sau:
- Bác đã chữa đông y chưa?
- Chữa rồi nhưng chưa thấy thuyên giảm, để cho nhanh tôi lại phải chuyển sang tây y.
- Thế bác đã vào chùa làm lễ đảo bệnh chưa?
- Rồi!
Đó, bệnh của chúng sinh là không tự tin vào mình mà rước vào lòng sự bất an, bệnh lo sợ. Trong khi đó, Đức Phật luôn luôn khuyến khích chúng sinh hãy tự thắp đuốc lên mà đi.
Diệu pháp của Đức Thế Tôn là giáo pháp mà mọi người có thể đến mà tự thấy. Cho nên trong khóa tụng hàng ngày, chư tăng đều răn mình luôn "tự quy y Phật" hay "tự quy ư Phật" (tự quy đối với Phật), tức là phát huy nội lực của chính mình để tự giác ngộ.
Vậy, để tha lực có ý nghĩa, thì tha lực phải sinh ra được tự lực trong mỗi một con người. Để từ nhờ cậy, con người sẽ tự cất bước đi trên chính đôi chân của mình.
Nói như Không Lộ thiền sư: Hữu thời trực ngạn cô phong đỉnh, trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Có khi tự lực xung thiên chí. Và ở đây, vai trò của Phật giáo, đóng góp của Phật giáo vào cuộc sống chính là giáo hóa chúng sinh để chúng sinh từ chỗ chưa hiểu mà đến hiểu, từ hiểu đến biết tin tưởng vào năng lực của chính mình, có niềm tin vào cuộc sống, và phát huy sức mạnh của mỗi con người, phát huy những năng lực mà mình đang có trong cuộc sống.
Đó chính là ý nghĩa sâu xa của chữ "Độ" trong Phật giáo.
Ngay bây giờ và ở đây!
- Phóng viên: Từ việc giải nghĩa chữ Độ trong Phật giáo, thầy có lời khuyên gì cho mọi người trong đời sống hiện đại đầy áp lực, vội vã hôm nay?
- Thượng tọa Thích Minh Hiền: Có một bài tụng của nhà Phật là Hiện pháp lạc trú, Kinh Di Đà gọi là "cực lạc hiện tiền". Phật đã dạy chúng sinh rằng: hãy luôn biết ngay ở đây và bây giờ. Phật đã dạy như thế đấy!
Thế nhưng chúng sinh lại đang rơi vào một thực tế là không dám tự đi trên chính đôi chân của chính mình mà luôn mang một tư tưởng tha lực, nhờ cậy. Lúc nào cũng nhờ, khiến con người bị quen mất rồi.
Cho nên bây giờ, muốn có được tự lực, giáo dục cần hướng đến việc hãy để người ta tự đi trên đôi chân trần, đôi chân không của mình, cảm nhận và tự quyết định cuộc sống hôm nay của chính mình. Và chúng ta sẽ thấy được sự an lạc ngay trong sát nat thực tại. Đó là thứ giá trị nhất của cuộc sống, của ngày hôm nay.
Dù ta là ai, hay ta làm gì thì cái sát na đó, các giây phút đó mà chúng ta có thể làm được những việc giá trị cho chính mình và cho tha nhân thì nó phải nằm ở ngay bây giờ và ở đây.
Như cuộc trò chuyện này của thầy với thí chủ, nếu có thể tỏ được điều gì trong sở kiến của nhà chùa giúp cô được việc, nhà chùa cũng lấy làm an lạc. Ngay bây giờ có phải tự lực mà cô đã đến và tự lực đã thấy như vậy không nào?
- Phóng viên: Thưa Thượng tọa, khởi từ ban đầu chỉ là một thắc mắc nhỏ, có phần hơi hài hước về chuyện "Độ ta không độ nàng" mà quả thực tôi đã được Thượng tọa độ về với những vùng hiểu biết rộng lớn mà bản thân không thể ngờ được. Và tôi tin rằng những ai chưa thực tự tin vào bản thân mình, vẫn con mang căn bệnh của thời đại là nhờ vả, là tha lực thì sẽ rất hàm ơn Thượng tọa với bài giảng hôm nay. Một lần nữa xin được cảm ơn Thượng tọa rất nhiều!
Theo Tri Thức Trẻ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"
Phỏng vấn 11:25 17/12/2024Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp
Phỏng vấn 09:37 12/12/2024Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.
Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”
Phỏng vấn 11:39 11/12/2024Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…
Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây
Phỏng vấn 15:56 07/12/2024Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.
Xem thêm