Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 07/04/2021, 14:16 PM

Tích lũy phước báu để chuyển hóa vận mệnh

“Mỗi người có một phước báu riêng, nhiều ít khác nhau. Phước báu ấy như thế nào, chúng ta sẽ được thọ hưởng đúng như thế... Mỗi người chúng ta phải tự tích lũy phước báu cho chính mình.” - Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

Đó là những lời dạy quý báu của Đại đức Thích Trúc Thái Minh trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Tuổi trẻ Ba Vàng lần thứ 23 vào ngày 3/11/2019 (nhằm ngày 7/10/Kỷ Hợi).

Trong Pháp thoại: “Phước Đức Không Ai Cho!”, Đại đức đã kể cho các bạn nghe câu chuyện về bà Mạt Lợi - hoàng hậu của đất nước Kosala và là vợ của vua Ba Tư Nặc. Qua lời giảng của Đại đức, các bạn hiểu được lý do khiến hoàng hậu Mạt Lợi trước kia chỉ là con gái của một nô tỳ, có thân phận thấp kém lại trở thành hoàng hậu của một quốc gia hùng mạnh, có cuộc sống quyền quý. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện vô cùng ý nghĩa của hoàng hậu Mạt Lợi.

Phương pháp loại bỏ tham dục trong cuộc sống và tu hành

Phước báu của Hoàng hậu Mạt Lợi

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời Đức Phật tại thế, đất nước Kosala là một trong những vương quốc rất hùng mạnh và là láng giềng của đất nước Ca Tỳ La Vệ thuộc dòng họ Thích Ca. Vua Ba Tư Nặc muốn cưới công chúa của dòng họ Thích Ca, nhưng dòng họ Thích Ca không muốn gả công chúa vì tính cách rất thô bạo của ông. Họ bèn nghĩ ra cách thay thế công chúa bằng con gái của một nô tỳ trong cung có tên là Mạt Lợi - người sau này trở thành chính cung hoàng hậu của nước Kosala. Mạt Lợi tuy là con gái của nô tỳ, nhưng lại có phúc báu rất đặc biệt. Cô không những xinh đẹp mà còn là người vô cùng hiền thiện. Hàng ngày cô đều phát tâm sớt bát cúng dường chư Tăng. Một lần Đức Phật về thăm kinh thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài đi khất thực thì gặp Mạt Lợi, khi ấy là một cô bé 12 - 13 tuổi. Cô bé với tâm vô cùng trong sáng hiền thiện đã dâng một vòng hoa rất đẹp và sớt bát cúng dường Đức Phật. Khi ấy, Đức Phật nói rằng, cô bé này lớn lên sẽ làm hoàng hậu. Quả đúng như vậy, một thời gian sau, Mạt Lợi trở thành hoàng hậu của đất nước Kosala.

Một lần, vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu Mạt Lợi đàm đạo cùng nhau. Vua Ba Tư Nặc thì cho rằng vận số tốt đẹp của hoàng hậu là do nhà vua ban cho. Tuy nhiên, hoàng hậu lại cho rằng, vận số của bà là do phước báu mà chính mình đã tích lũy, tạo ra. Hoàng hậu là một Phật tử rất thuần thành, thường học giáo lý và rất am hiểu về Phật Pháp, lại từng được Đức Phật chỉ dạy nên bà rất bản lĩnh bày tỏ quan điểm, phản bác lại ý kiến của nhà vua. Đức vua rất giận, vua tìm cách khiến bà phải công nhận tất cả những gì bà có được là do vua ban cho. Một hôm, nhà vua tặng bà một chiếc nhẫn kim cương, rồi lại sai người hầu nhân lúc bà ngủ say thì ném chiếc nhẫn xuống sông. Vua nói với hoàng hậu: “Đấy nàng xem, nếu đây là phước báu của nàng, thế thì hiện tại chẳng phải nàng đang không có đó sao?” Mấy ngày sau, bà tổ chức tiệc đãi khách nên sai người hầu ra chợ mua cá lớn về làm thức ăn. Không thể ngờ, chiếc nhẫn kim cương lại nằm trong bụng của con cá, người hầu liền dâng lên hoàng hậu. Khi ấy, Vua Ba Tư Nặc vô cùng kinh ngạc và đã phải tin rằng, những gì hoàng hậu có được không phải do mình ban cho, mà là nhờ vào phước báu của hoàng hậu đã giúp bà được hưởng nó.

Hiếu dưỡng cha mẹ tâm thành, phước báu vô lượng vinh danh với đời

Bài học qua câu chuyện của Hoàng hậu Mạt Lợi

Chiếc nhẫn trở về với hoàng hậu là câu chuyện rất hy hữu. Bởi chiếc nhẫn là một trong những vật dụng hoàng hậu được hưởng nên những nhân duyên rất đặc biệt liên tiếp xảy ra khiến chiếc nhẫn quay về. Qua lời giảng của Đại đức, các bạn trẻ đã hiểu được rằng, phước báu của mỗi người là khác nhau, không ai lấy được phước báu của mình và mình sẽ được hưởng đúng phần phước đó. Đại đức chỉ dạy: “Phước báu phải do chính mình làm, không ai cho phước mình được. Đức Phật là bậc Toàn trí Toàn giác, thần thông và phước đức bậc nhất trên thế gian. Hơn nữa, Ngài còn nói rằng Ngài không thể ban phước hay giáng họa cho ai. Phước đức phải tự mình tạo ra. Mình tạo ra, mình được hưởng chính phước đó, không ai ăn cắp được phước báu của ai. Chúng ta thực chất đang sống trong chính phước báu của mình. Cũng không ai xin được phước báu; mình phải tự tu dưỡng, rèn luyện thì mới có phước báu cho mình. Và phước báu ấy sẽ là cái luôn đi theo mình, là cái mình để dành được, không ai ăn trộm, ăn cắp được. Các con có phước báu như thế nào, các con sẽ được thọ hưởng đúng phước báu của mình như vậy”. Thật vậy, Đức Phật là bậc từ bi bậc nhất, phước báu bậc nhất mà còn không ban phước hay giáng họa cho bất kỳ chúng sinh nào thì cũng không thể có ông Thần, ông Trời nào ban phước, giáng họa được. Như vậy, mỗi người Phật tử cần tự nỗ lực tích lũy phước báu để chuyển hóa được vận mệnh của chính mình.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phương pháp tích lũy phước báu 

Đại đức chỉ dạy: “Mỗi người chúng ta phải tự tích lũy phước báu cho chính mình. Tích lũy phước báu bằng cách gì? Bằng cách làm các việc thiện. Muốn làm được các việc thiện thì tâm mình phải gieo trồng các hạt giống thiện lành. Các con phải chăm gieo vào trong mảnh vườn tâm mình nhiều hạt giống thiện lành, nhiều hạt giống phước đức; chính những nguồn tâm ấy mới khiến các con làm các việc thiện, việc phước được. Mấu chốt là chúng ta phải tin chắc ở trên đời này, mọi cái chúng ta được thọ hưởng chính là từ phước quả của mình chứ không có gì khác. Chúng ta muốn thay đổi số phận của mình thì chính chúng ta phải tích lũy phước báu cho mình”. Cũng như hoàng hậu Mạt Lợi, vận số tốt đẹp bà được hưởng là do phước báu hoàng hậu đã tích lũy từ tiền kiếp cũng như trong kiếp hiện tại. Tuy ở giai cấp hạ tiện nhưng vẫn một lòng cung kính Phật, Pháp, Tăng - Tam Bảo. Ngay từ khi còn nhỏ đã hết lòng thành kính sớt bát cúng dường lên Phật và Tăng đoàn với tất cả tâm trong sáng, tịnh tín. Cho nên phước báu của hoàng hậu rất lớn, có thể thay đổi thân phận từ hạ tiện lên giai cấp quyền quý.

Đại đức cũng chỉ dạy đại chúng cần gieo trồng những hạt giống phước đức bằng cách chăm làm phước, bố thí cho những người nghèo khổ, thương yêu họ một cách chân thành, giúp đỡ họ một cách chân thật, không giúp đỡ với tâm mong cầu, vụ lợi. Không chỉ vậy, một người biết hy sinh vì mọi người, biết sống vì cộng đồng cũng sẽ tích lũy được cho mình những phước báu rất thiện lành. Đặc biệt, mỗi người cũng nên biết gieo trồng những hạt giống tươi tốt trong ruộng phước điền Tam Bảo, cúng dường ở nơi có chư Tăng tu tập thanh tịnh thì phước báu cũng được tích lũy rất nhiều.

Cúng dường nào có công đức lớn nhất?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dân gian có câu:

“Dù cho của để bằng non

Không bằng để phúc cháu con được nhờ”.

Dù nghèo khổ nhưng biết tích lũy phước báu chân thật thì một ngày nào đó, phước báu đầy đủ nhân duyên sẽ chuyển hóa được số mệnh. Tuy nhiên, dù có của cải bằng núi nhưng không biết làm phước thì một ngày nào đó cũng hết. Như vậy, mỗi người cần để lại phúc cho mình và con cháu bằng cách chính mình thường làm việc thiện và dạy con cháu biết làm phước, biết giúp đỡ người khác, biết bố thí cúng dường. Đại đức đã chỉ dạy: “Khi đã có phúc báu thì làm việc gì cũng dễ. Nhưng nếu chúng ta làm những điều xấu, mất đạo đức như bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu,... thì phước báu sẽ mất đi”.

Qua câu chuyện của hoàng hậu Mạt Lợi, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã giúp cho các bạn trẻ hiểu được rằng phước báu phải tự mình tích lũy, không xin được của ai cũng không thể bị ai lấy mất. Đại đức cũng hướng dẫn cho các bạn khóa sinh trong Câu lạc bộ Tuổi trẻ Ba Vàng cách tích lũy phước báu cho bản thân để chuyển hóa cuộc đời theo hướng tốt đẹp. Chính vì vậy, mong đại chúng chuyển đổi tâm mình, biết làm các việc thiện lành, biết giúp đỡ mọi người, biết làm phúc, cúng dường Tam Bảo để phước báu của chính mình ngày càng tăng trưởng.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”

Kiến thức 16:50 21/11/2024

Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?

Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?

Kiến thức 16:10 21/11/2024

Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?

Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu

Kiến thức 13:12 21/11/2024

Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.

Nhớ ơn Thầy Tổ

Kiến thức 08:35 21/11/2024

Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...

Xem thêm