Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Tiền công đức 'không bắt buộc phải nộp vào tài khoản tại Ngân hàng hoặc Kho bạc'

Tiền công đức tại các chùa là tài sản của Giáo hội do Sư (Thầy) trụ trì được Giáo hội bổ nhiệm, chịu trách nhiêm trước Giáo hội việc vận động, quyên góp và toàn quyền quản lý sử dụng, không bắt buộc phải nộp vào tài khoản tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Bài viết của Th.S Nguyễn Dũng, chuyên viên cao cấp, Uỷ viên Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh Gia Lai, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến tham gia Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Theo đại diện Bộ Tài chính, Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Sau khi nghiên cứu Dự thảo và liên hệ, đối chiếu với Luật Tin ngưỡng, Tôn giáo; Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, xin có một số ý kiên tham gia, đề xuất như sau :

Về qui định thu từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào Ngân hàng hoặc Kho bạc

Về việc quyên góp, tiếp nhận các khoản công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội, Điều 2 Dự thảo Thông tư quy định: Việc công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mang tính tự nguyện, không được ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp; không tiếp nhận tiền công đức, tài trợ kèm theo các điều kiện làm sai lệch bản chất, nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội, làm sai lệch kiến trúc di tích;

Tiền công đức không thuộc sở hữu cá nhân và không phản ánh vào ngân sách nhà nước, mà được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích sử dụng; việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội phải có sổ sách thu chi nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng mục đích.

Dự thảo Thông tư cũng quy định cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích tiếp nhận công đức, tài trợ phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích và hoạt động lễ hội, về vấn đề quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích, Điều 5 Dự thảo Thông tư quy định: Tùy theo lượng tiền tiếp nhận, định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần thực hiện kiểm kê, khi số tiền tiếp nhận được từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào tài khoản tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước;

Đối với việc công đức, tài trợ bằng tiền mặt, người làm công đức, tài trợ sẽ bỏ vào hòm công đức, đưa cho bộ phận tiếp nhận tại di tích; đối với công đức, tài trợ bằng giấy tờ có giá trị, người làm công đức, tài trợ chuyển cho cơ sở quản lý di tích…; hòm công đức phải được niêm phong và sử dụng tối thiểu hai loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và Trưởng ban quản lý di tích quản lý độc lập…

Về  các nội dung  này, đã có những quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo điều chỉnh.

Tại Điều 56, 60 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật. Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.

Điều 60 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định Nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo gồm:

  1. Xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

  2. Quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

  3. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

  4. Phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

  5. Nghiên cứu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

  6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo qui định trên thì Nhà nước, chính quyền các cấp chỉ nên quản lý về mặt nhà nước đối với các hoạt động của di tích (đền, chùa…) sao cho đúng với Hiến chương của Giáo hội và quy định của pháp luật hiện hành. Việc Nhà nước,  chính quyền qui định quá cụ thể các thủ tục  quản lý tiền công đức của di tích là không phù hợp, cứng nhắc sẽ phát sinh nhiều bất cập, chưa hợp lòng dân, can thiệp quá sâu vào quyền quản lý của tôn giáo và sự thành tâm, tự nguyện của người dân đối với tâm linh, tôn giáo

Nghiên cứu xem xét về thẩm quyền ban hành Thông tư của Bộ Tài chính

Theo Luật Ngân sách năm 2015 được Quốc Hội khóa 13 thông qua và Nghị định 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính quy định: ngân sách nhà nước bao gồm các khoản thu từ thuế, phí và lệ phí do tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật. Với các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính không có nội dung qui định Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tiền công đức do cá nhân tự nguyện đóng góp, ủng hộ, do đó cần nghiên cứu xem xét về thẩm quyền ban hành Thông tư có nội dung này.

Các chùa là cơ sở Phật giáo được Nhà nước xếp hạng di tích thì các hoạt động Phật sự tại các chùa đó vẫn diễn ra bình thường (Theo Luật tín ngưỡng tôn giáo). Việc xếp hạng di tích không có nghĩa là quốc hữu hóa di tích, tài sản là giáo sản  không thuộc sở hữu nhà nước, do đó không thể quản lý như ngân sách nhà nước hoặc như quỹ tài chính nhà nước ngoài Ngân sách được.

Bản chất của tiền công đức là sự thành tâm của người Phật tử, thể hiện sự tôn trọng tôn giáo mà mình tin tưởng, tự nguyện đóng góp, không có sự ép buộc. .

Tại  Điều 56 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016  cũng quy định “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ sự đóng góp của các thành viên, tổ chức, tài trợ, cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác. theo quy định của pháp luật ”.

Như vậy, tiền công đức tại các chùa là tài sản của Giáo hội do Sư (Thầy) trụ trì được Giáo hội bổ nhiệm, chịu trách nhiêm trước Giáo hội việc vận động, quyên góp và toàn quyền quản lý sử dụng tài sản công đức tại các chùa không trái với các qui định của Giáo hội và pháp luật hiện hành, do đó không bắt buộc phải nộp vào tài khoản tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Bài liên quan
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Nghĩ về hạnh nguyện ngài Địa Tạng

Phật pháp và cuộc sống 13:39 19/04/2024

Mỗi khi chắp tay kính lễ chư Phật và Bồ-tát, trong tôi lại sừng sững dáng Tăng của ngài U minh Giáo chủ Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi Bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ-tát.

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Phật pháp và cuộc sống 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

Nhờ Bồ tát Quan Thế Âm gia hộ, bé gái bị dị tật bẩm sinh được lành bệnh

Phật pháp và cuộc sống 12:55 18/04/2024

Tôi lập gia đình năm 25 tuổi. Cuối năm, tôi sinh được một bé gái. Năm năm sau, vợ chồng tôi quyết định sinh đứa thứ hai. Chồng tôi rất thích đứa con thứ hai này là con trai, nhưng rủi thay lần mang thai này tôi lại sinh ba bé gái.

Chúng sanh và lục thông

Phật pháp và cuộc sống 12:20 18/04/2024

Lục thông là sáu thần thông ưu việt hơn những năng lực bình thường của đa số chúng sanh nhân giới. Sáu thần thông bao gồm: 

Xem thêm