Tiền thân Địa Tạng Vương Bồ Tát và đại nguyện cứu độ hết thảy chúng sinh
Đọc Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện thấy được rằng, Đức Phật nói về bốn tiền thân, với bốn đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Địa Tạng Vương Bồ Tát là ai?
Địa Tạng Vương Bồ Tát là một trong sáu vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Năm vị còn lại là Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát.
Địa Tạng Vương Bồ Tát là một vị Bồ Tát đại từ đại bi thệ nguyện độ thế rất rộng lớn. Ngài là giáo chủ của cõi U Minh. Địa là đất. Tạng là trùm chứa. Bồ Tát có lập đại nguyện tế độ tất cả chúng sinh cũng như đất là nơi nương tựa cho muôn sự muôn vật nên gọi là Địa. Cũng có người lý giải nghĩa của chữ “Địa” nương theo Kinh Địa Tạng có viết: “U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát”. Vì cách sử dụng từ ngữ trong kinh điển hết sức sát nghĩa và rõ ràng nên “Bổn” là Bổn tâm, “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng.
Tượng Bồ tát Địa Tạng và những điều Phật tử nên biết
4 câu chuyện tiền thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát
Tiền thân của Đức Địa Tạng Bồ Tát trong vô số kiếp quá khứ tùy theo nhân duyên và thời đại khác nhau mà phát những lời đại nguyện cứu độ khắp tất cả chúng sinh trong vô lượng kiếp sinh tử luân hồi.
Câu chuyện số 1: Trưởng giả tử (con của vị trưởng giả)
Trong thời Đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, tiền thân của Ngài Địa Tạng Bồ Tát là con của một vị trưởng giả. Vì thấy Đức Phật tướng mạo tốt đẹp nghìn phước trang nghiêm nên trưởng giả tử mới bạch hỏi Ngài tu hạnh nguyện gì mà được tốt đẹp như thế?
Khi ấy, Đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai bảo trưởng giả tử rằng: “Muốn chứng được thân tướng tốt đẹp này, cần phải trải qua trong một thời gian lâu xa độ thoát tất cả chúng sanh bị khốn khổ”. Trưởng giả tử nghe xong liền phát nguyện rằng: “Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng đó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật Đạo”. Chính vì lời thệ nguyện rộng lớn đó mà đến nay, trải qua trăm nghìn muôn ức vô số kiếp Ngài vẫn còn làm một vị Bồ Tát.
Câu chuyện số 2: Ông vua của một nước
Trong vô lượng kiếp quá khứ trở về trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Khi chưa xuất gia, Ngài làm vua nước nhỏ và kết bạn với ông vua nước lân cận. Ngài cùng với vua nước lân cận thực hành mười hạnh lành làm lợi ích cho nhân dân.Nhân dân trong nước lân cận ấy phần nhiều tạo những việc ác nên hai vua cùng nhau bàn tính những phương cách để dắt dìu dân chúng.
Một ông phát nguyện: “Tôi nguyện sớm thành Phật sẽ độ dân chúng ấy làm cho đều được giải thoát không còn thừa”. Một ông còn lại phát nguyện: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Đề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật”. Ông vua phát nguyện sớm thành Phật rồi độ chúng sinh chính là Đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Còn ông vua phát nguyện độ hết chúng sinh rồi mới thành Phật chính là Ngài Địa Tạng Bồ Tát.
Câu chuyện số 3: Con gái dòng Bà La Môn
Đức Bồ Tát Địa Tạng trong vô số kiếp lâu xa về trước là con gái dòng Bà La Môn, phước đức sâu dày, thường có chư Thiên theo hộ vệ. Mẹ của cô là người mê tín tà đạo, khinh khi ngôi Tam Bảo, dù Thánh nữ đã nhiều lời khuyên nhủ nhưng bà mẹ chưa tin hẳn nên khi chết bị đọa địa ngục Vô Gián. Vì tin nhân quả, biết mẹ sẽ phải sinh vào đường ác nên cô đã bán nhà, đất, sắm hương hoa, đồ lễ, phát tâm cúng dường tại các ngôi chùa thờ Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.
Trong một lần chiêm bái hình tượng của Ngài, cô liền sinh lòng kính ngưỡng, thầm nghĩ nếu Đức Phật còn trụ ở đời thì sẽ biết rõ mẹ cô tái sinh vào nơi nào. Bỗng nhiên trên không trung có tiếng vọng rằng: Ta là Đức Phật Quá Khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, thấy cô thương mẹ trội hơn thường tình nên ta đến chỉ bảo cách thức để cô biết nơi mẹ thác sinh. Vâng lời Đức Phật, sau khi cúng dường, cô trở về và đối trước tượng Phật, ngồi ngay thẳng quán tưởng danh hiệu Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.
Trải suốt một ngày một đêm, cô thấy mình đang đến một bờ biển, ở đó những trai cùng gái đang chìm nổi trong biển sôi sùng sục bị thú dữ giành nhau ăn thịt. Lúc ấy, Quỷ Vô Độc đến và cho cô biết đây là địa ngục, những người đọa vào đây là do khi sống không gieo nhân lành, tạo bao ác nghiệp, khi chết chết đi, trong vòng 49 ngày không có người làm phúc hồi hướng cho nên cứ theo nghiệp mà chịu khổ.
Khi Thánh nữ hỏi Quỷ Vương về nơi thác sinh của mẹ thì được hay nhờ cô hiếu thuận làm phúc cho nên mẹ đầy đủ phúc duyên thoát địa ngục, được sinh về cõi Trời. Cũng nhờ công đức ấy mà trong ngày đó những tội nhân nơi địa ngục cũng tái sinh về cõi lành. Bấy giờ, Thánh nữ chiêm bao chợt tỉnh, thấu rõ mọi việc, cô liền đối trước tháp tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát nguyện rộng lớn rằng: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát”.
Câu chuyện số 4: Quang Mục cứu mẹ
Lại vô lượng vô số kiếp về trước, Đức Địa Tạng Bồ Tát từng là người con gái tên Quang Mục. Vì muốn cứu mẹ đã khuất nên cô làm việc phước thiện, cúng dường vị La Hán để hồi hướng phúc báu cho mẹ, bởi khi xưa còn sống, mẹ cô ưa giết hại và ăn thịt các loài cá trạnh. Cảm thương trước tâm hiếu hạnh của Quang Mục, vị La Hán cho biết mẹ cô bị đọa địa ngục và khuyên cô đem lòng chí thành niệm Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, vẽ đắp hình tượng Phật thì kẻ còn người mất đều được phước lợi. Cô vâng lời dạy, liền xuất tiền của, tạo tôn tượng Đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai rồi thành kính thờ cúng, đảnh lễ.
Lòng thành kính của cô cảm ứng tới Đức Liên Hoa Mục Như Lai, một đêm nàng chiêm bao thấy Đức Phật phóng ánh sáng và bảo rằng: Chẳng bao lâu mẹ của ngươi sẽ thác sinh vào trong nhà của ngươi, khi biết đói lạnh thì liền biết nói. Sau đó, đứa tớ gái (người hầu) trong nhà cô sinh bé trai, chưa đầy ba ngày đã biết nói, đứa trẻ buồn khóc và nói với Quang Mục rằng: Ta là mẹ của ngươi, nhờ phước ngươi tạo nên nay được sinh làm kẻ hạ tiện nhưng đến năm 13 tuổi sẽ bị đọa địa ngục.
Vì không muốn mẹ và chúng sinh phải chịu khổ trong luân hồi sinh tử, Quang Mục đối trước tượng Đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai và phát lời nguyện Bồ đề rộng lớn:
“Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ… Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác”.
Nhờ công đức phát nguyện rộng lớn đó, mẹ cô khi bỏ báo thân tái sinh làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi. Sau đó vãng sinh về cõi nước Vô Ưu sống lâu không thể tính kể. Và cuối cùng sẽ thành Phật, độ nhiều hạng người, Trời nhiều như số cát sông Hằng.
Những đại nguyện lớn của Địa Tạng Vương Bồ Tát là gì?
Từ bốn câu chuyện kể về tiền thân và những lời thệ nguyện của Ngài Địa Tạng Bồ Tát, chúng ta thấy rằng Ngài là biểu tượng của lòng bi mẫn. Ngài thương chúng sinh khổ trong ba đường ác, nguyện vào đó để đồng hành và cứu khổ chúng sinh, Ngài nguyện rằng trong tất cả các thế giới, nếu không còn chúng sinh trong các địa ngục và đều thành Phật thì Ngài mới thành Phật.
Xem chi tiết tại link này.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Diệt trừ phiền giận
Kiến thức 22:19 23/11/2024Đức Phật dạy, với tất cả các hạng người ở đời, nếu tiếp cận với thái độ tích cực, chúng ta đều có thể trải tâm từ đến tất cả, dù người ấy còn nhiều vụng về, chưa dễ thương về hành động, lời nói hay tâm ý, ta vẫn có thể thương được.
Tam học giới định tuệ là cốt lõi của Phật giáo
Kiến thức 19:00 23/11/2024Tam học, còn được gọi là Tam vô lậu học ý muốn nói ba môn học này rất cao thượng hoàn mỹ, trọn vẹn, không có khiếm khuyết, không có sơ hở giúp hành giả thành tựu các thánh quả giác ngộ không còn rơi rớt trong ba đường ác, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ vô cùng.
Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp
Kiến thức 09:36 23/11/2024Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Xem thêm