Tìm hiểu quan điểm tu tập của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần
Thiền phái Trúc Lâm hình thành từ sự hợp nhất ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường do vua Trần Nhân Tông chủ trương sáng lập.
Từ đó, thiền phái Trúc Lâm trở thành một dòng thiền riêng biệt của nước ta, hướng dẫn người dân Đại Việt sống theo nếp sống thiền, lấy đạo đức giữ giới làm căn bản tu tập. Cũng chính dòng thiền này đã phát huy sức mạnh toàn dân đoàn kết chiến thắng quân xâm lược Mông – Nguyên. Sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm đáp ứng nhu cầu lịch sử của dân tộc, xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập, tự chủ không chỉ được xác định về cương thổ biên giới về địa lý mà còn tự chủ trên mọi phương diện lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo.
Sơ lược sự truyền thừa thiền Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Hoa đến Việt Nam
Tại Ấn Độ phương pháp tu thiền xuất phát từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được truyền qua 28 đời Tổ sư (theo truyền thống Thiền tông), vị đầu tiên lĩnh hội yếu chỉ từ Đức Phật là ngài Đại-Ca-diếp và vị tổ cuối cùng là Bồ-đề-đạt-ma. Khi Đạo Phật được truyền sang các nước lân cận có sự thay đổi để phù hợp với văn hóa phong tục của từng quốc gia. Vì vậy, thiền Ấn Độ theo đó phát triển, khi Tổ Bồ-đề Đạt-ma đem thiền sang Trung Hoa, Ngài không dựa vào văn tự kinh sách mà vượt ra ngoài ngôn ngữ bằng phương pháp “dĩ tâm truyền tâm” [1] (tức là thầy ấn chứng truyền trực tiếp cho trò) nhưng cốt lõi vẫn là nhận lại bản tâm, làm chủ được chính mình như Đức Phật đã chứng ngộ. Tại Trung Hoa, Bồ-đề-đạt-ma trở thành Sơ tổ của Thiền tông và truyền thừa đến ngài Huệ Năng là tổ thứ sáu.
Đến khi Thiền tông từ Trung Hoa truyền sang Việt Nam lại là một sự thay đổi không ngừng, bằng tài đức và trí tuệ, vua Trần Nhân Tông đã hợp nhất ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành một dòng thiền riêng biệt của nước ta mang tên thiền phái Trúc Lâm.
Quá trình hình thành Thiền phái Trúc Lâm
Trước khi thiền phái Trúc Lâm ra đời, tại Việt Nam đã có các thiền sư từ Ấn Độ, Trung Hoa… truyền thiền vào. Nổi bậc nhất là ba thiền phái chính. Phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi do ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi là người Ấn Độ sang Trung Hoa đắc pháp nơi Tam Tổ Tăng Xán. Sau đó, Ngài sang chùa Pháp Vân ở Việt Nam truyền dạy thiền học. Đây là hệ phái thiền tông đầu tiên truyền sang Việt Nam. Phái thứ hai do thiền sư Vô Ngôn Thông truyền vào. Ngài là người Trung Hoa truyền thiền sang Việt Nam ở chùa Kiến Sơ. Hệ thứ ba là phái Thảo Đường, do thiền sư Thảo Đường dạy thiền, ngài là người Trung Hoa, thuộc hệ thống truyền thừa của thiền sư Tuyết Đậu – Minh Giác, tông Vân Môn [2].
Đến thời vua Trần Nhân Tông, ba thiền phái này vẫn còn truyền bá ở nước ta. Vì phương tiện của các tông phái còn chịu ảnh hưởng những tông phái Trung Hoa, nên chưa phát triển sâu rộng trong nhân gian. Do đó, sau khi vua Trần Nhân Tông tu hành ngộ đạo, từ chỗ giác ngộ và kinh nghiệm trong công phu tu hành, Ngài nhận thấy cần thống nhất các phái Thiền trên thành một Thiền phái thích hợp để mọi người ứng dụng tu. Vì vậy, vua Trần Nhân Tông đã dung hợp ba dòng thiền thành thiền phái Trúc Lâm riêng biệt của Việt Nam.
Có thể nói, thiền phái Trúc Lâm ra đời dựa trên hai tiền đề xã hội và tôn giáo được hình thành trong quá trình vận động lịch sử nước nhà. Nhà Trần trong buổi đầu thành lập công việc cấp bách thiết thực nhất đặt ra cho các lãnh đạo tối cao là xây dựng một ý thức hệ độc lập thống nhất hoàn toàn khác với phương Bắc. Nhà Trần dựa vào thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu nhưng cần phải thay đổi nội dung của các thiền phái cho phù hợp với thời đại, nhất là trong bối cảnh xã hội Đại Việt bấy giờ. Do đó, một thiền phái mới có tư tưởng độc lập, thể hiện đúng tinh thần bản sắc dân tộc hướng đến các mục tiêu như: “1. Tự mình phân biệt các Thiền tông ở Trung Quốc biểu hiện tính độc lập. 2. Thay đổi các nội dung tiêu cực. 3. Vượt lên trên các tông phái. 4. Tự khoác cho mình chiếc áo mới về tôn giáo” [3].
Với sự hợp nhất ba dòng thiền thành một thiền phái mang đậm màu sắc đặc trưng của người Việt, Điều Ngự Trần Nhân Tông được tôn làm Sơ Tổ của thiền phái Trúc Lâm. Tiếp theo là ngài Pháp Loa được truyền y bát kế thừa làm Nhị Tổ, kế đến là ngài Huyền Quang làm Tổ vị thứ ba.
Quan điểm tu tập của thiền phái Trúc Lâm đời Trần
Thiền phái Trúc Lâm là một thiền phái tiến bộ có nhiều nét đặc trưng riêng với nhiều pháp môn tu tập dựa theo từng căn cơ và sự tiếp thu của mỗi người để đưa hành giả trở về với bản tâm thanh tịnh. Cho nên, thiền phái đưa ra nhiều phương pháp tu tập như: hành thiền, niệm Phật, sám hối, trì giới nhằm giúp hành giả dễ thực hành, tùy theo khả năng của mình mà lựa chọn pháp môn phù hợp, cốt yếu trở về bản tâm, nhận lại chính mình.
Pháp môn niệm Phật
Thiền phái chủ trương niệm Phật với mục đích loại bỏ niệm xấu thay vào đó niệm tốt. Niệm Phật ngõ hầu dập tắt ba nghiệp thân, khẩu, ý. Tất cả vọng tưởng đều phát khởi từ tâm, tâm khởi điều thiện tức là ý nghĩ thiện, tâm khởi đều ác tức là ý nghĩ ác. Quan điểm này được vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều nhất quán. Trong bài Niệm Phật luận Trần Thái Tông viết: “Ư niệm Phật thì chánh thân đoan tọa, bất hành tà hạnh, thị tức chân nghiệp giả. Ý tồn tinh tiến, bất khởi tà niệm, thị tức ý nghiệp dã.” (Trong lúc niệm Phật thân thẳng ngồi ngay, không làm việc tà, như vậy là tắt được nghiệp thân. Miệng tụng lời chân chính, không nói điều xằng bậy, thế là tắt được nghiệp miệng . Ý chăm chú ở sự tinh tiến, không nảy sinh ý nghĩ tà, thế là tắt được nghiệp ý) [4]. Niệm Phật là phương pháp tu tập giúp hành giả loại bỏ tạp khí để nội tâm trở nên tịch tịnh. Phương pháp này bất kỳ ai cũng thực hành được, mục đích niệm Phật để trở về với bản tâm thanh tịnh.
Trì giới
Vấn đề giữ giới được vua Trần Thái Tông nói: “Chư Phật trong ba đời sở dĩ thành đạo cũng không ngoài giới” [5], thờ Phật làm thầy trước hết phải tuân theo giới luật. Do đó, cho thấy sự giữ giới rất cần thiết cho người học Phật. Trần Thái Tông còn dạy: “Kẻ chuyên tâm trộm cướp là kẻ tiểu nhân dối trá” [6]. Theo ngài, dù người tu tại gia hay xuất gia đều phải giữ giới, người người tốt thì xã hội tốt, đất nước được hòa bình và ngược lại. Điều này cho thấy, người tu dưới thời Phật giáo nhà Trần luôn gắn liền với sinh mạng quốc gia thông qua việc giữ gìn giới luật.
Còn ngài Pháp Loa viết trong bài Thượng thừa Tam học khuyến chúng phổ thuyết đề cập đến vấn đề kiến tánh và việc giữ gìn tịnh giới khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Ngài nói rõ, tâm an định, thức không có sự phân biệt đối đãi với sáu trần và bừng sáng trí tuệ: “Vân hà tịnh giới? Ấy là trong khoảng mười hai thời khắc của một ngày, bên ngoài tắt lặng mọi nhân duyên, bên trong tâm không xao động. Tâm không xao động thì cảnh dù hiện đến cũng như không” [7]. Như vậy, trong quá trình tu tập khi chưa chứng ngộ hành giả cần phải trì giới thanh tịnh, đến khi chứng ngộ mới trở về với bản tính chân thật xưa nay bất sinh bất diệt.
Phương thức lục thời sám hối
Đây là một trong những phương thức hành trì được diễn dịch theo phong cách thiền. Vua Trần Thái Tông viết trong Bình đẳng sám văn tự: “Lễ pháp thân vô tướng chi thể. Đáo giá lý nhập, tự tha thụ dụng giao tham; hướng ná biên cầu, diện mục man han tự hiện.” (Lạy là lạy cái thể vô tướng của pháp thân. Lạy được như thế thì cái thể tự thụ dụng giao tham, đến bờ bên kia thì mặt mũi xưa nay tự nhiên hiển lộ.) [8].
Vì vậy, lễ lạy bái sám theo Lục thời sám hối khoa nghi có giá trị tu tập, đưa con người trở về bản tâm thanh tịnh mà thiền tông chủ trương. Sám hối để tẩy rửa các cấu bẩn trong tâm, diệt các ác nghiệp tích lũy nhiều đời. Bái sám cũng là hình thức tu tập có từ lâu trong các ngôi chùa Việt. Điều đáng nói, vua Trần Thái Tông vận dụng phương thức tu tập này vào đời sống thiền định. Ngài biên soạn ra Lục thời sám hối khoa nghi nhằm ứng dụng pháp môn này theo chủ trương của thiền phái. Chữ “Sám” được phiên âm từ tiếng Phạn “Ksama”, theo nghĩa đen là chịu đựng, nghĩa là muốn yêu cầu người mình xúc phạm đến, chịu đựng những lỗi lầm do mình gây ra và xin tha thứ. Còn chữ “Hối” tức là bản thân nhận thức sai lầm, tự kiên quyết thay đổi hành vi để chúng không tái diễn nữa [9]. Sám hối như thế là một hành động tự giác, trong thiền gọi là tự phản tỉnh. Từ đó người học thiền an trú sâu vào định mà chứng ngộ chân lý [10]. Như vậy, sám hối chính là công phu trực tiếp, thiết thực và hữu hiệu, nó có tác động hướng tâm hành giả thành tựu “tri kiến đoạn trừ, phòng hộ đoạn trừ, thụ dụng đoạn trừ, tu tập đoạn trừ” [11].
Thật vậy, khoa nghi sám hối là phương pháp hữu hiệu nhất, mọi người đều có thể thực hành sám hối để tẩy rửa sáu căn hàng ngày (nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn), từ ô nhiễm trở nên thanh tịnh, thuần khiết. Đây là phương pháp tu tập đơn giản dễ thực hành, mọi người đều tu tập được.
Nghi thức sám hối được vua Trần Thái Tông biên soạn có trình tự chặt chẽ, súc tích, ngắn gọn, có 11 bước cho buổi lễ đầu: 1. Đọc kệ cảnh sách khuyên răn mọi người; 2. Lễ đọc văn dâng hương; 3. Đọc kệ dâng hương; 4. Đọc kệ dâng hoa; 5. Đọc lời tâu bạch; 6. Đọc văn sám hối tội căn do mắt; 7. Dốc lòng khuyến thỉnh; 8. Dốc lòng tùy hỷ; 9. Dốc lòng hồi hướng; 10. Dốc lòng phát nguyện; 11. Đọc kệ vô thường buổi sáng. Đến thời lễ sám hối buổi trưa, lễ sám nữa đêm, khuya cũng được thực hiện những bước tương tự, chỉ trừ hai bước đầu.
Nghi thức sám hối này có công dụng tác động chuyển đổi tâm lý, từ rong ruổi theo sáu trần, đi đến sự tỉnh thức và cuối cùng là loại trừ các phiền não. Lễ sám ở đây còn mang ý nghĩa thật sự là lễ lạy bái sám cái thân mình, tức là ông Phật ở cõi lòng “Phật thân tức ngã thân”, “Phật thân tức ngã thị” (Niệm Phật luận) [12], nghĩa là lễ chân lý cuộc đời theo như Lục thời sám hối khoa nghi trình bày.
Phương thức hành thiền
Chủ trương của thiền phái Trúc Lâm là sống ở đời tùy duyên mà vui với đạo, thực chất là một cuộc sống thiền. Thiền giả có thể dùng phương thức hành thiền khác nhau, nhưng mục đích vẫn là giác ngộ chân lý. Tùy theo căn cơ, trình độ hiểu biết của mỗi người mà phương thức hành thiền khác nhau, nhưng chân lý chỉ là một. Vì vậy, mỗi tác phẩm trước tác của các vị trong thiền phái đều bàn đến những khía cạnh khác nhau về thiền. Đặc biệt đề cập đến phương thức hành thiền từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, hợp với từng căn cơ đối tượng tham thiền học đạo. Điều quan trọng của việc ngồi thiền là chánh niệm tỉnh giác, mục đích cuối cùng của hành giả đi đến kiến tánh thành Phật. Để cho việc hành thiền có hiệu quả, bước đầu tiên chúng ta cần thực hiện là phải điều chỉnh tâm thoát khỏi sự vọng tưởng rối loạn của tâm thức. Từ đó tâm thức lắng đọng, đi vào chánh định nhằm tẩy rửa những hạt giống ô nhiễm, thu góp toàn bộ năng lực để bước sâu vào đường thiền định mà thiền phái chủ trương.
Căn cứ vào các văn bản Giới định tuệ luận, Thụ giới luận, Tọa thiền luận, Tuệ giáo giám luận đủ chứng minh con đường thiền định của vua Trần Thái Tông là hành trì “Giới – Định – Tuệ”. Quán triệt tinh thần này, vua nói rõ: “Phù, học đạo chi nhân, duy cầu kiến tính. Tuy thụ kỳ nhất thiết tịnh giới nhi vô tọa thiền tắc định lực bất sinh. Định lực bất sinh tắc vọng niệm bất diệt, nhi dục kiến tính giả, bất diệt nan hồ.” (Người học đạo chỉ cốt thấy được bản tính. Tuy chịu tất cả mọi tịnh giới mà không ngồi thiền thì định lực không sinh thì ý nghĩ sai lầm không diệt được, thế mà muốn thấy bản tính chẳng cũng khó sao!) [13].
Mục tiêu của thiền định là trở về với thực tại, thấy rõ bản tính của mình. Đây là phương thức hành trì mà vua Trần Thái Tông đã đề xuất trong Phổ thuyết Bồ đề tâm văn “Nhược năng phản chiếu hồi quang, giai đắc kiến tính thành Phật.” (Nếu hay phản chiếu hồi quang, ai ai cũng được rõ tính thành Phật.) [14].
Qua những phương thức tu tập của thiền phái Trúc Lâm đã khẳng định vị thế, sự lột xác khác biệt với những dòng thiền từ Trung Hoa sang Việt Nam. Một dòng thiền được thành lập từ một vị vua người Việt tu hành đắc đạo. Tuy thiền phái Trúc Lâm mang những nét đặc trưng riêng nhưng cốt lõi vẫn lấy phương thức tu thiền của Đức Phật Thích Ca là chính. Vì mục đích hướng đến của thiền phái là đưa hành giả trở về với tâm chân thật nhận ra chính mình, làm chủ được tâm thức. Con đường đạt đến chỗ vắng lặng tịch diệt ấy phải tu kết hợp “Giới – Định – Tuệ”.
Thiền phái Trúc Lâm ra đời là sự kết hợp độc đáo của các vị vua đời Trần mà đỉnh cao là Phật hoàng Trần Nhân Tông, đã đúc kết thành một thiền phái mang một sắc thái mới, phù hợp với con người xã hội Đại Việt thời bấy giờ. Tuy nhiên, thiền phài Trúc Lâm vẫn thừa kế tôn chỉ của Đạt Ma Tổ Sư “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” [15] theo cách thức truyền thừa của Tổ sư Thiền mà phát triển thêm trở thành một thiền phái phóng khoáng vượt ra ngoại sự suy diễn, lý luận, với mục đích đi tìm lại con người thực của chính mình. Đó chính là tự tính, là thể kim cương bất hoại.
Tóm lại, quan điểm tu tập của thiền phái Trúc Lâm rất đặc biệt vừa mang nội dung tu tập phong phú vừa kết hợp độc đáo sự tu tập mọi lúc mọi nơi. Dù người tại gia hay xuất gia, người già hay trẻ đều tu học được, cốt yếu tẩy trừ tội lỗi, dừng ba nghiệp ác (thân, khẩu, ý), gội rửa tâm từ ô nhiễm trở về thanh tịnh. Vì vậy, Phật giáo thời Trần không chỉ là phật giáo định hướng cho con người tu tập mà nó còn mang yếu tố thế sự, đồng hành cùng công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước.
Điều đó cho thấy các vị vua Trần đã ứng dụng Phật giáo một cách tích cực vào đời sống người dân Đại Việt cho phù hợp với xã hội đương thời. Vua Trần Thái Tông đã kết hợp việc tu học Lục thời sám hối cùng việc giữ giới góp phần ổn định chính trị cho nước nhà, đó là trách nhiệm của mỗi hành giả theo thiền phái. Còn vua Trần Nhân Tông đề ra chủ thuyết Cư trần lạc đạo với tinh thần tùy duyên mà tu tập trong mọi hoàn cảnh đã tác động đến tâm thức con người có cơ hội đánh thức Phật tại tâm, quay về chính mình “phản quang tự kỷ”. Cũng giống như yếu chỉ của Tổ Đạt-ma đã truyền dạy: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.
Chú thích:
* SC. Thích Nữ Phước Nghĩa, Ni sinh Thạc sĩ khóa 1, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
[1] Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến (hiệu đính, 2010), Các tông phái đạo Phật, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.104.
[2] Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú thích, 2014), Thiền uyển tập anh, Nxb. Hồng Đức.
[3] Nhiều tác giả (1981), Tìm hiểu xã hội việt Nam thời Lý – Trần, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.649-650
[4] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Quyển thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.84 – 85.
[5] Thích Thanh Kiểm (dịch, 2003), Khóa hư lục, Nxb. Tôn giáo, tr.49.
[6] Thích Thanh Kiểm (dịch, 2003), Khóa hư lục, Nxb. Tôn giáo, tr.39
[7] Thích Phước Sơn (dịch và chú thích, 1995), Tam tổ thực lục, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.67.
[8] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Quyển thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.91-92.
[9] Lê Mạnh Thát (2002), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb. TP HCM, tr.686.
[10] Thích Minh Châu (dịch, 1986), Kinh Trung Bộ, tập 1, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, tr.36 – 47.
[11] Thích Minh Châu (dịch, 1986), Kinh Trung Bộ, tập 1, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, tr.21.
[12] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, tr.137.
[13] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Quyển thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.87 – 88.
[14] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Quyển thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.62 – 65.
[15] Đại Sư Tông Bổn (dịch và chú giải) – Nguyễn Minh Tiến (Hiệu đính Hán văn) – Nguyễn Minh Hiến (2011), Quy Nguyên Trực Chỉ, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr.1041.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Sư Tông Bổn (dịch và chú giải) – Nguyễn Minh Tiến (Hiệu đính Hán văn) – Nguyễn Minh Hiến (2011), Quy Nguyên Trực Chỉ, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
2. Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến (hiệu đính, 2010), Các tông phái đạo Phật, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
3. Thích Minh Châu (dịch, 1986), Kinh Trung Bộ, tập 1, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam.
4. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức.
5. Lê Mạnh Thát (2002), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb. TP HCM.
6. Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú thích, 2014), Thiền uyển tập anh, Nxb. Hồng Đức.
7. Nhiều tác giả (1981), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
8. Thích Thanh Kiểm (dịch, 2003), Khóa hư lục, Nxb. Tôn giáo.
9. Thích Phước Sơn (dịch và chú thích, 1995), Tam tổ thực lục, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
10. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Quyển thượng, Nxb. KHXH, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm