Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 14/07/2022, 15:55 PM

Tìm hiểu về các tôn tượng tại chùa Bửu Hưng

Hầu hết các tượng Phật ở chùa Bửu Hưng có màu sắc nhẹ nhàng, không lòe loẹt, y phục không hoa văn tiểu tiết rườm rà; những tượng Phật này toát lên được sự trang nghiêm và đã tạo nên không gian trầm ấm cho một ngôi cổ tự.

Đôi nét về chùa Bửu Hưng và vị trí địa lý

Chùa Bửu Hưng tên chữ Hán là Bửu Hưng tự (寶興寺) hay còn gọi là Bửu Hưng Cổ tự (寶興古寺), và vì nằm gần rạch Cả Cát[1] nên các đạo hữu và những người dân quanh vùng thường gọi là chùa Cả Cát. Di tích Lịch sử - Văn hóa này vào thời Phong kiến thuộc thôn Hòa Long, huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh. Trước năm 1975, chùa thuộc xã Hòa Long, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc. Sau 30-4-1975, chùa thuộc xã Hòa Thắng, huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp. Từ tháng 8 năm 1989 đến nay chùa Bửu Hưng tọa lạc tại ấp Hòa Ninh, xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp[2].

Chùa có tổng diện tích khoảng 13.760m2[3], trong đó diện tích tiền đường và chánh điện là 314m2, diện tích tiền sảnh và nhà tổ là 288m2, diện tích nhà giảng là 198m2, phần còn lại là nhà trù, ni xá, sân kiểng, ao nước, vườn cây ăn trái và các công trình phụ.

Chánh điện chùa Bửu Hưng

Chánh điện chùa Bửu Hưng

Tượng thờ ở chùa Bửu Hưng

Trong chùa Bửu Hưng có tất cả 58 tượng thờ, trong đó có 26 tượng bằng gỗ, một tượng bằng đồng, 20 tượng bằng xi-măng và 10 tượng được tạo từ nguyên liệu gốm. Các tượng bằng gỗ đều có niên đại ở thế kỷ XIX và XX. Ngoài tượng Phật A Di Đà được vua Minh Mạng gửi vào cúng dường, chùa Bửu Hưng còn có các tượng khác được tạc bằng gỗ như: bộ tượng Hộ Pháp khuyến thiện - trừng ác, Địa Tạng thượng kỳ thú, Tiêu Diện Đại sĩ, Giám Trai sứ giả, Già Lam, Quan Công, Ngọc Hoàng đại đế, Nam Tào - Bắc Đẩu, và bộ Thập điện Diêm vương… Các tượng này đều có giá trị cao về niên đại cũng như nghệ thuật điêu khắc.

1- Các tượng thờ có niên đại ở chùa Bửu Hưng

Tượng Phật A Di Đà:được thờ ở vị trí chủ vị thuộc gian trung tâm của chánh điện, có niên đại vào năm Minh Mạng thứ hai (tức năm 1821). Vua Minh Mạng sau khi lên ngôi đã cho tạc tượng Phật A Di Đà gửi vào cúng dường để bày tỏ lòng biết ơn Hòa thượng chùa Bửu Hưng khi xưa đã che chở cho tiên đế (Nguyễn Ánh - vua Gia Long) trong cuộc lánh nạn Tây Sơn. Trụ trì lúc bấy giờ là Hòa thượng Tiên Thiện Từ Lâm. Tượng được tạc bằng gỗ mít, cao 2,3m tính cả đài sen, được sơn son thếp vàng, tuy nhiên trải qua thời gian dài nên tượng đã phai màu. Dưới đài sen có bệ đỡ tượng Phật được làm bằng gỗ sơn màu đen, chạm khắc hoa văn, các hoa văn được thếp vàng, có chiều cao 0,43m, xung quanh được chạm khắc diềm trang trí và hoa văn, bốn chân bệ được chạm khắc mẫu hoa sen trang trí.

Tượng Phật A Di Đà được tạc trong tư thế ngồi kiết già thiền định trên tòa sen tại chùa Bửu Hưng.

Tượng Phật A Di Đà được tạc trong tư thế ngồi kiết già thiền định trên tòa sen tại chùa Bửu Hưng.

Tượng Phật A Di Đà được tạc trong tư thế ngồi kiết-già thiền định trên tòa sen - còn gọi là tư thế Vajrasana (Bảo tòa kim cang), hai bàn tay kiết ấn đặt trên hai đùi, hai đầu ngón tay cái chạm nhau, mắt nhắm thiền, tai dài, áo phủ hai vai, trên ngực khắc nổi chữ vạn (卍 - svastika) to, màu đỏ. Khác với những pho tượng Phật trong nền văn hóa tạc tượng của Chăm Pa hay Óc Eo, tượng Phật chùa Bửu Hưng mang đậm phong thái của người Việt. Những đường nét nghệ thuật chạm trổ theo kiểu nhát đục đã khắc họa nên hảo tướng của một vị Phật. Tượng được tạc với nụ cười an nhiên, tư thế ngồi tự tại tạo nên sự thân thiện, gần gũi; đồng thời qua đó thể hiện niềm mong ước một cuộc sống an vui, lạc quan tự tại của những người con Việt ở đầu thế kỷ XIX.

Như được biết, đây là một trong hai bức tượng được triều đình Huế gửi vào Nam cúng dường. Tượng thứ nhất được cúng cho chùa Khải Tường ở Gia Định và tượng thứ hai được cúng cho chùa Bửu Hưng. Khi so sánh hai pho tượng với nhau, người viết nhận thấy kích thước, chiều cao, tư thế ngồi và phong cách tượng có rất nhiều nét tương đồng. Vì vậy ta có thể nói rằng tượng Phật ở chùa Bửu Hưng và tượng Phật ở chùa Khải Tường (hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh) có cùng một xuất xứ và niên đại. Tính đến nay tượng Phật A Di Đà ở chùa Bửu Hưng đã được 199 năm.

Ngoài tượng Phật A Di Đà, chùa Bửu Hưng còn có các tượng được tạc bằng gỗ khác có giá trị nghệ thuật cao, như:

Tượng Hộ Pháp khuyến thiện - trừng ác:là hai pho tượng được đặt đăng đối hai bên bàn Phật A Di Đà[4], tượng Hộ pháp khuyến thiện nằm bên trái và tượng Hộ pháp trừng ác ở bên phải của bàn Phật A Di Đà (hướng từ trong nhìn ra). Hai tượng có chiều cao tương đương nhau, gần 2,1m, được an vị trên bệ thờ có chiều cao là 1,05m, chiều rộng là 0,68m.

Tượng Hộ pháp khuyến thiện được tạc với gương mặt hiền từ, đầu đội mũ kim khôi, mình mặc áo giáp trụ, có hổ phù trấn ở đai lưng, râu dài đến bụng, mắt nhìn thẳng, tay phải cầm kiếm, mũi kiếm chống lên sừng con rồng dưới chân, tay trái cầm ngọc (nhưng viên ngọc này theo thời gian có lẽ đã bị rớt mất), hai chân mang giày mũi hài, đứng trên phù điêu chạm rồng ẩn trong mây. Tượng có phong thái phương phi, mạnh mẽ của một bậc hộ pháp. Thanh kiếm trong tay là một biểu tượng về trí tuệ trong Phật giáo. Trí tuệ sắc bén ấy sẵn sàng chặt đứt mọi vọng tưởng của thế gian. Ngọc sáng trên tay là để chiếu soi đưa người đi vào nẻo sáng.

Tượng Hộ pháp trừng ác, được chạm với gương mặt dữ tợn, mắt trợn ngược, râu quai nón hùng hổ, đầu đội mũ kim khôi, tướng mạo phương phi, oai nghi bệ vệ, mình mặc áo giáp trụ, tay phải cầm búa, tay trái thủ thế võ, chân mang giày mũi hài, đứng trên mình rồng. Tượng thể hiện phong thái mạnh mẽ, với ý nghĩa sẵn sàng diệt trừ cái ác, răn đe những người có tâm hạnh xấu ác, giúp họ nhìn lại và tu sửa chính mình.

Tượng Thích Ca đản sinh: được thờ ở bàn Cửu long phún thủy đặt ở tiền đường, mặt thờ xoay vào trong đối diện với bàn Phật A Di Đà. Toàn bộ bàn thờ được chạm bằng gỗ. Bên trên tượng đản sinh là các khung gỗ tách rời được gắn mộng vào nhau, hoa văn trang trí rất đẹp. Khung chủ phía trước tạc hình chín con rồng với chín tư thế khác nhau lấy hình đầu rồng trên đỉnh khung làm chuẩn, chín rồng này cùng phun nước chầu về Đức Phật. Ở trung tâm bàn thờ tôn trí tượng Đức Phật được tạc trong hình hài của một đứa trẻ, với mình trần quấn một chiếc khăn như chiếc váy có nút thắt trước bụng, hai chân đứng trên tòa sen, một tay chỉ trời một tay chỉ đất biểu thị cho câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Nghĩa là trên trời, dưới đất duy có Ta là bậc tôn quý. “Ngã” ở đây chỉ cho tâm Phật, chỉ có tâm Phật là cao quý, bất sinh bất diệt, là mục đích hướng thiện của muôn loài. Đây là mẫu tượng phổ thông xuất hiện ở các chùa sau thế kỷ XVII, các tượng đương đại về sau này thay phần váy phía dưới thành dải khăn vắt qua vai và cột thắt ở phần hông theo kiểu Phật giáo Nam tông, hoặc có khi tạc đầy đủ xiêm y.

Trên khung cửu long ở các tầng mây có an trí nhiều tượng Phật, Bồ-tát, chư thiên…, nhằm mô tả một thế giới Phật giáo thu nhỏ. Toàn bộ bàn thờ được thể hiện như một bức tranh lịch sử về sự đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa. Từng nét chạm trổ hoa văn được điêu khắc tinh xảo. Bệ thờ được chạm tứ linh (long, lân, quy, phụng) theo chầu. Các tượng đủ hình thể được an trí trên khung cửu long như hàm ý bày tỏ niềm hân hoan của cả ba cõi khi Đức Phật thị hiện nơi chốn Ta-bà: chư thiên trổi nhạc dâng hoa cúng dường, mười phương ba đời chư Phật đồng tán dương khen ngợi và chín rồng phun nước tắm thân Như Lai. Đây là một biểu tượng đẹp, thiêng liêng trong văn hóa Phật giáo, thể hiện sự tôn kính và tán thán công hạnh của Đức Phật.

Tượng Địa Tạng thượng kỳ thú:được thờ ở chái bên trái của chánh điện, đặt ở giữa và chung bàn với tượng Địa Tạng và Quan Âm Bồ-tát. Hai Tượng Quan Âm - Địa Tạng đều được đúc bằng xi-măng, đứng trên tòa sen, sơn son thếp vàng, cao 1,5m. Tượng Địa Tạng thượng kỳ thú có lớp áo phủ bên ngoài đều là màu đen, đây là lớp sơn thí được sơn trước nhiều lần nhằm gắn chặt lớp đất hom và vải vào gỗ trước khi thếp vàng cho tượng[5]. Trước kia tượng cũng được sơn son thếp vàng, song do thời gian khá lâu nên màu sơn bên ngoài đã tróc hết, chỉ còn sót lại một ít bám vào các cạnh khe của tượng và các đường chỉ áo vẫn còn màu nâu đỏ. Tượng được tạc ở thế ngồi tự tại trên mình con đề thính, khuôn mặt đầy đặn, đầu đội mão tỳ lư, tay trái đặt ngang bụng trên tay cầm ngọc như ý, tay phải đưa ngang ngực trong tư thế cầm tích trượng (cây tích trượng nay đã không còn), thân đắp y phục theo Phật giáo Bắc tông. Tượng ngồi trong tư thế an lạc, tự tại. Con đề thính phía dưới làm tòa được tạc trong tư thế nằm phủ phục, đầu ngoảnh vào nhìn ngài Địa Tạng, nét mặt hoan hỷ. Đề thính được xem là một linh vật có thể nghe được hết mọi thứ trong tam giới, giúp Địa Tạng Bồ-tát phân biệt được thật giả đúng sai, ngọc như ý với ánh sáng trong suốt có thể soi sáng nẻo vô minh, cứu độ chúng sinh siêu thoát chốn địa ngục.

Tượng Tiêu Diện Đại sĩ: Trong chùa Bửu Hưng có hai bộ tượng Tiêu Diện Đại sĩ và Hộ Pháp Vi Đà, đặt hai bên của bàn cửu long phún thủy. Hai tượng Hộ Pháp Vi Đà và một tượng Tiêu Diện phía trước được đúc bằng xi-măng, sơn son thếp vàng. Riêng tượng Tiêu Diện ở phía sau bên phải bàn cửu long phún thủy được tạc bằng gỗ, cao 1,15m. Y phục của tượng được sơn màu nâu đen có viền chỉ màu xanh đậm. Trên đầu đội tượng Bồ-tát Quan Âm, tay trái chống hông, tay phải trong tư thế cầm cờ (lá cờ này hiện không còn), mình mặc áo giáp trụ, chân không mang giày. Ngoài việc phụng thờ để lễ bái, bức tượng này thường được thỉnh trần thiết trong những lễ trai đàn chẩn tế tại chùa Bửu Hưng.

Tượng Già Lam - Giám Trai: Đây là những tượng thờ biểu thị cho bậc Hộ pháp ở chốn tòng lâm. Cũng giống tượng Địa Tạng thượng kỳ thú, các tượng này cũng bị phai màu áo, hiển hiện rõ màu sơn then thường dùng trong nghệ thuật tạc tượng, làm cho tượng càng có phong thái trầm tĩnh và cổ xưa.

Ngoài ra, trên chính điện chùa Bửu Hưng còn thờ tượng Phật Thích Ca, tượng Di Lặc, tượng Văn Thù, Phổ Hiền, Chuẩn Đề Bồ-tát… Đây là những tượng có kiểu dáng đương đại nhưng lại gần gũi vì hầu như các chùa theo Phật giáo Bắc tông đều thờ những tượng này. Các tượng đều được đúc bằng xi-măng, sơn son, thếp vàng và mang nhiều ý nghĩa trong việc độ sinh cũng như độ tử của Phật giáo.

2- Các tượng thờ có tín ngưỡng của nền văn hóa dân gian

 Ngoài thờ Phật và Bồ-tát, trên chính điện chùa Bửu Hưng còn có sự dung hòa giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo, đó là việc thờ các tượng như Quan công, Ngọc Hoàng Đại đế, Thập điện Diêm vương…, thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian vào buổi đầu Phật giáo du nhập vào vùng đất mới. Hơn nữa, người dân Nam Bộ thời bấy giờ đời sống của họ gắn bó mật thiết với ruộng đồng, giáo lý nhân quả nghiệp báo của Phật giáo đối với họ còn sâu xa, khó hiểu, nhưng chỉ cần nghe đến tên của các vị này, họ phần nào hiểu được thế nào là việc làm đúng hay sai, là thiện hay ác để từ đó họ sửa đổi bản thân. Sự dung hòa này cũng chính là một hình thức dùng quan điểm nhận thức của họ để giúp đỡ họ thăng tiến trên con đường tâm linh, nhắc nhở họ tránh xa việc ác, biết tu điều thiện. Ở đây xin giới thiệu về các tượng có niên đại lịch sử:

Bộ Thập điện Diêm vương: gồm 10 tượng được chạm với hình thái giống nhau. Bộ tượng này được thờ đăng đối ở chái trái và chái phải của chùa Bửu Hưng. Trên mỗi bàn thờ năm vị Diêm vương mặc áo long cổn có bổ tử trước ngực, ngồi trên ngai, tay ngai được chạm đầu rồng và hai vị phán quan tay cầm cuốn thư đứng hầu hai bên. Các tượng được tạc bằng gỗ, cao khoảng 45cm, trên đầu đội mũ thiên bình (tua ở bốn góc mũ nay không còn) hai tay cầm thẻ bài, chắp nghiêm trang trước ngực, ở dưới có khăn phủ tay, lưng có cân đai và chân mang hia rất đạo mạo. Bộ tượng Thập điện Diêm Vương xuất hiện đầu tiên vào thế kỷ XVIII, ở đây thể hiện sự dung hòa văn hóa của Phật giáo với Đạo giáo và Trung Quốc. Các chùa thờ bộ tượng này nhằm mục đích giáo dục, khuyến tấn cho việc hướng thiện của Phật giáo đối với quần chúng và tín đồ Phật tử.

Bộ tượng Ngọc Hoàng Đại đế và Nam Tào - Bắc Đẩu: Bộ tượng này được thờ phía bên gian phải của chánh điện. Ngọc Hoàng với ý nghĩa là vua trời, người nắm giữ vận mệnh của vạn vật trong vũ trụ. Nam Tào - Bắc Đẩu được xem là hai vị cận thần ở bên cạnh Ngọc Hoàng Đại đế; họ cầm sổ sinh và tử quyết định sự sống chết của thế gian. Bộ tượng này được chạm nhỏ so với các chùa khác, có chiều cao tương đương với bộ Thập điện Diêm vương. Hai vị Nam Tào - Bắc Đẩu không ngồi ghế đai như ý nghĩa của tượng mà lại có hình tướng giống vị phán quan bên bàn Thập điện Diêm Vương. Bộ tượng này được thờ trong chùa với ý nghĩa muốn răn dạy mọi người làm lành, lánh dữ. Làm lành thì sẽ được Nam Tào ghi vào sổ phước và sống lâu, còn làm ác sẽ bị Bắc Đẩu ghi vào sổ tử và sẽ yểu thọ, chết sớm. Đây cũng là một hình thức mượn tín ngưỡng dân gian cho mục đích giáo dục trong Phật giáo.

Lời kết

Có thể thấy ở chùa Bửu Hưng có rất nhiều tôn tượng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau nhưng đều khắc họa được những đường nét hảo tướng của các tượng Phật, Bồ-tát… Đáng chú ý nhất là nghệ thuật tạc tượng gỗ. Những bức tượng không quá cầu kỳ về hoa văn trang trí, được tạo tác bằng thủ công theo phương cách nhát đục và sơn thếp nhưng lại có phong thái điềm nhiên, trầm tĩnh, tự tại với gương mặt thiền và nụ cười an nhiên. Hầu hết các tượng Phật ở chùa Bửu Hưng có màu sắc nhẹ nhàng, không lòe loẹt, y phục không hoa văn tiểu tiết rườm rà; những tượng Phật này toát lên được sự trang nghiêm và đã tạo nên không gian trầm ấm cho một ngôi cổ tự. Tượng thờ ở chùa Bửu Hưng có niên đại sớm nhất là tượng Phật A Di Đà ở thế kỷ XIX, vào thời vua Minh Mạng; các bộ tượng khác dần xuất hiện sau đó, nhất là đầu thế kỷ XX (khoảng những năm 1909 đến 1911), sau khi HT.Như Lý Thiên Trường trùng tu xong chánh điện. Về sau số lượng tượng có tăng thêm, chủ yếu là các tượng được làm từ xi-măng, thạch cao và gốm, có niên đại thế kỷ XX và XXI.

Tượng thờ ở chùa Bửu Hưng có dáng đầy đặn, mặt tròn, tư thế ngồi tự tại đã thể hiện phần nào tâm tư của người dân Việt ở thế kỷ XIX và XX là mong muốn có một cuộc sống an nhàn, thảnh thơi và đầy đủ, đồng thời thể hiện nội tâm của người tạc tượng từ bao thế kỷ trước. Với sự khéo léo từ đôi bàn tay tài hoa của mình, các nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm có giá trị cao về văn hóa và tư tưởng.

Chú thích:

(1) Cả Cát ngày xưa là một cái lung lớn được hình thành tự nhiên, được phát hiện từ thời mới khai hoang, lập ấp vào khoảng cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XVIII. Tương truyền lung này hồi đó chứa rất nhiều cát, người dân quanh vùng thường đến lấy cát để phục vụ cho nhu cầu xây dựng. Ban đầu, lung Cả Cát có chiều rộng khoảng 5m dài 2km. Đến năm 2004, nhà nước cho vét lại lung bằng máy cơ giới tăng chiều rộng lên khoảng 10m nhưng chiều dài của lung bị thu ngắn lại gần một nửa do người dân lấp lung để trồng lúa và hoa màu. Lung này hiện nay không còn nữa do phù sa bồi lấp, vì chùa nằm cạnh lung Cả Cát nên còn có tên là chùa Cả Cát.

(2) Lê Thị Vân Thanh (chủ biên) (2020), Địa danh lịch sử - Văn hóa huyện Lai Vung, Ủy ban Nhân dân huyện Lai Vung ấn hành, Đồng Tháp, tr.186.

(3) Đo đạc bởi đơn vị tư vấn khảo sát: Công ty TNHH Sài Gòn Chaos, TP.Hồ Chí Minh năm 2020.

(4) Ở một số chùa khác, hai pho tượng này thường đặt đăng đối bên cửa vào ở gian tiền đường. Tượng Hộ pháp khuyến thiện được đặt bên phải chùa, tượng Hộ pháp trừng ác ở bên trái chùa (từ ngoài nhìn vào). Đây là lối thờ theo vòng hành hương của Phật tử. Bước vào cửa gặp ngay ngài Hộ pháp trừng ác, với ý răn đe người hành hương buông bỏ tâm niệm ác và các trược niệm trước khi bước vào chốn thiền môn. Và khi ra về họ sẽ gặp Hộ pháp khuyến thiện đưa tiễn với ý sách tấn họ làm lành, gột rửa tham - sân - si, tu hành tích phước. Đây là hình thức ẩn ý “vào ác, ra thiện” để giáo hóa trong Phật giáo.

(5) Trang Thanh Hiền (2019), Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt, NXB.Hà Nội, tr.131- 138.

Tài liệu tham khảo

1- Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) (2008), Nghệ thuật Phật giáo, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

2- Trang Thanh Hiền (2019), Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt, NXB.Hà Nội.

3- Trần Hồng Liên (2019), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ (Văn hóa và Xã hội), NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

4- Mạc Chấn Lương (2009), Tạc tượng và Kiến trúc chùa, NXB.Mỹ Thuật, Hà Nội.

5- Lê Thị Vân Thanh (chủ biên) (2020), Địa danh lịch sử - Văn hóa huyện Lai Vung, Ủy ban Nhân dân huyện Lai Vung ấn hành, Đồng Tháp.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Xem thêm