Tìm lại mình trong hương hoa mai
Hoa mai từ xưa tới nay luôn được cho là loài hoa quý và được nhắc rất nhiều trong nhà thiền. Dù trải qua thời tiết giá lạnh của mùa đông, nhưng hoa mai vẫn kiên cường chống chọi với băng giá, để trổ hoa và tỏa hương cho đời mỗi dịp xuân về.
Tóm tắt
Hoa mai từ xưa tới nay luôn được cho là loài hoa quý và được nhắc rất nhiều trong nhà thiền. Dù trải qua thời tiết giá lạnh của mùa đông, nhưng hoa mai vẫn kiên cường chống chọi với băng giá, để trổ hoa và tỏa hương cho đời mỗi dịp xuân về. Hoa mai là hiện thân cho sự cao thượng và lòng vị tha, nhưng do vô minh, chúng sinh đang dần rời xa và đánh mất nó. Để rồi một ngày nào đó, khi có duyên gặp lại, họ mới nhận ra trong loài hoa này có chứa đựng biết bao điều kỳ diệu. Phải trải qua thời gian khá dài và rất vất vả, con người mới có thể tìm thấy được cái giá trị của hoa mai. Trong suốt hai năm qua, con người phải đối mặt với đại dịch COVID-19, nhưng do vô minh, có lẽ một bộ phận con người đã không nhận diện được bản chất thật của nó, nên họ đã tự đánh mất đi sự bình yên của cuộc sống. Dẫu biết sự bình yên của thế gian cũng chỉ là vô thường, giả tạm, nhưng con người cũng cần phải có trách nhiệm với hậu thế. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nếu con người biết nỗ lực tinh tấn, dũng cảm đối mặt và vượt qua thì dù có trải qua bao nhiêu sóng gió của cuộc đời cũng có ngày đạt được kết quả tốt đẹp. Những nỗ lực đó đã và đang thắp lên niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
1. Dẫn nhập
Nói đến Đạo Phật, không thể không nhắc đến hai nguyên tắc khế lý và khế cơ. Tùy vào mỗi quốc độ, mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân đều có cách tiếp cận phù hợp. Văn học Phật giáo nói chung và thơ thiền nói riêng (trong đó bao gồm kệ thiền, theo cách phân loại của tác phẩm Thơ văn Lý-Trần) là phương tiện giúp Phật giáo tiếp cận đến đông đảo quần chúng nhân dân, là phương tiện mà qua đó những người theo Đạo Phật là những hành giả và những người Phật tử, họ được thể hiện trải nghiệm tâm linh hoặc là gửi gắm những cảm nhận của mình về đời và đạo, điều này được thể hiện rất rõ trong tuyển tập Thơ văn Lý-Trần. Mùa xuân với hình ảnh hoa mai, đây là hình ảnh xuất hiện rất nhiều trong thơ thiền Việt Nam. Một trong những bài thơ thiền tiêu biểu cho hình ảnh này là bài kệ dạy chúng của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096):
“Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười
Việc đời qua trước mắt
Già đến trên đầu rồi!”
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mai.
(Lê Mạnh Thát dịch [1])
Bên Trung Hoa vào đời Đường, cũng có một vị Thiền sư dùng hình ảnh hoa mai trong một bài kệ thiền để dạy chúng như thế. Đó là bài kệ của Thiền sư Hoàng Bá (?-850):
“Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường,
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường,
Chẳng phải một phen sương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.”
(Thiền sư Thích Thanh Từ dịch [2])
Bài viết này mượn bài kệ thiền trên để phân tích và làm toát lên hành trình tâm linh của Thiền sư Hoàng Bá. Qua đó, mượn câu chuyện của người xưa để bàn luận về hoàn cảnh khốn khó mà con người đã và đang trải qua suốt hai năm qua vì đại dịch.
2. Ý nghĩa hương hoa mai
2.1. Hương hoa mai trong nhà thiền
Chúng sinh từ vô thỉ đã có sẵn Phật tính, như vua Trần Nhân Tông đã nói: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm.” [3]. Nhưng vì vô minh mà chúng sinh mãi trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ví chúng sinh như “chàng cùng tử lang thang, không nhận ra cha mình là một người giàu có” [4]. Cho nên, trong bài Bốn núi, vua Trần Thái Tông, một ông vua ngộ lý thiền, đã viết hai câu kệ để chỉ ra chỗ mê lầm của chúng sinh rất xác đáng:
“Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.”
(Thiền sư Thích Thanh Từ dịch [5])
Vì vậy, Thiền sư Hoàng Bá mới nói:
“Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường,
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường.”
Những lời dạy của Ngài cho chúng ta liên tưởng đến Mười bức tranh chăn trâu của thiền tông [6]. Từ khi chú mục đồng đi tìm trâu (bức tranh thứ nhất) cho đến khi trâu chỉ mới thuần thục để cưỡi về nhà (bức tranh thứ sáu), chú đã phải rất vất vả trong việc chăn trâu. Đối với chúng sinh cũng thế, nếu ai hữu duyên gặp được Phật pháp tu tập để quay về với tự tính của mình thì cũng phải trải qua một hành trình khó khăn, gian khổ. Cuộc đời tu học của Thiền sư Hoàng Bá là như thế. Theo Cảnh Đức truyền đăng lục, trước khi gặp được Tổ Bách Trượng Hoài Hải ấn chứng, Ngài đã phải hành cước tham học; vì vậy, Ngài mới quở Tăng chúng tu học với Ngài rằng: “Nếu hành cước mà dễ dàng như các vị tưởng tượng, thì làm sao mà có được sự tình như lão Tăng ta ngày nay” [7].
Hình ảnh hoa mai trong câu cuối của bài kệ, “Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”, chính là chân tâm của chúng sinh. Để nở vào đúng dịp xuân về, để cho nhân thế có thể ngửi được mùi hương, hoa mai đã phải trải qua biết bao sương gió và có khi là cả một mùa đông giá rét. Cũng như thế, chúng sinh muốn quay trở về với chân tâm và sống được với nó thì cũng phải hạ thủ công phu, “ban ngày tham cứu (công án), ban đêm tham cứu, đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm, tiêu tiểu đều chuyên tâm trí ý…” [7, tr.646]. Nói chung, chỉ vì vô minh mà chúng sinh đã tự xa rời tự tính, mãi luẩn quẩn trong vòng sinh tử luân hồi mà không có điểm dừng. Để rồi khi có cơ hội tiếp cận với Phật pháp tu hành, thì hành trình để quay về với tự tính, tìm lại bản thể cũng phải trải qua nhiều gian nan và thử thách. Dù thế, nếu hành giả nỗ lực tinh tấn, thì một ngày nào đó chắc chắn cũng sẽ chạm tới được mùi hương của hoa mai.
2.2. Hương hoa mai của đời sống thế gian
Nhìn lại chặng đường gian nan, vượt khó của nhân loại trong đại dịch COVID-19 hơn hai năm qua và nhìn từ hình ảnh hoa mai trong nhà thiền nêu trên, đã đến lúc con người cần phải xem xét lại chính mình. Khi đại dịch xảy ra, các nhà khoa học đã khám phá ra mối liên hệ giữa nhiều virus gây bệnh và sự phá hủy môi trường của con người. Theo báo cáo từ Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc, có khoảng 60% những chứng bệnh truyền nhiễm và 75% những chứng bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ở con người, bao gồm cả COVID-19, là từ động vật [8]. Như giải thích thêm cho nhận định trên, một nhóm những nhà khoa học thuộc Liên minh Châu Âu đã phát hiện ra rằng nguyên nhân của đại dịch là do việc phá hủy môi trường, mua bán động vật sống, chăn nuôi gia súc với quy mô lớn làm tăng nguy cơ lan truyền các tác nhân gây bệnh [9]. Có cùng quan điểm, một nhóm chuyên gia đến từ một số trường đại học của Ý đã kết luận trong một nghiên cứu rằng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đại dịch COVID-19 là có quan hệ với nhau [10]. Dù rằng có nhiều lý giải về nguồn gốc dịch bệnh, song dưới góc nhìn của Đạo Phật, dịch bệnh có phần bắt nguồn từ chính những hành vi của con người khi khai thác đến mức tàn phá thiên nhiên và không biết tri túc.
Trong cơn đại dịch trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam cũng không tránh khỏi những thiệt hại, đau thương và mất mát. Tuy nhiên, trong bối cảnh cảnh khó khăn như vậy, dù đâu đó vẫn tồn tại một bộ phận nhỏ trục lợi trên nỗi đau của đồng loại về vật chất [11] [12], thì vẫn còn đó tình yêu thương và sự sẻ chia chiếm phần lớn và đang tiếp tục được lan tỏa trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc. Điều này đã và đang thắp lên một niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Hoa mai trong cảm thức của người xưa
Thời điểm đại dịch bùng phát ở đỉnh cao tại những tỉnh thành phía Nam, những nơi là trung tâm kinh tế. Hàng nghìn người do phải ly hương mưu sinh ở những nơi này, lại phải vất vả quay trở về quê tránh dịch. Trên đường trở về nhà, có lẽ họ cũng ấm lòng bởi sự quan tâm và chia sẻ từ những chiến sĩ tình nguyện trực tại các chốt kiểm dịch cho đến sự trợ giúp của người dân ở các địa phương nơi họ đã đi qua [13] [14]. Tại những nơi là tâm điểm dịch, bao nhiêu con người đã vất vả hy sinh thầm lặng lo cho từng bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân và cho cả người dân chịu ảnh hưởng từ đại dịch [15]. Có biết bao sáng kiến đã góp phần mang lại giá trị sống đẹp cho cuộc đời này, từ siêu thị không đồng cho đến cây ATM gạo [16] [17]. Trên tất cả, trong cơn hoạn nạn của đồng loại, đã có biết bao nhiêu tấm gương đã hy sinh sự sống của mình để dành lại sự sống cho người khác [18] [19]. Những hành động là những tấm gương sáng cho chúng ta soi lại và từ đó chúng ta biết phải làm gì để hương hoa mai ngày càng đến gần với cuộc sống nhân loại hơn. Chắc chắn luật nhân quả của nhà Phật là điều căn bản để giúp chúng ta tự nhìn nhận và điều chỉnh lại ứng xử của chính bản thân mình.
Đạo Phật đã du nhập vào nước ta từ rất sớm và thuyết nhân quả đã ảnh hưởng rất sâu đậm đến cuộc sống người dân Việt [20]. Điều này đã được ông cha ta đúc kết thành kinh nghiệm sống rất quý báu qua rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, chẳng hạn như: “Ao sâu tốt cá, độc dạ khốn thân” hay “Gieo gió, gặt bão”. Trong xã hội ngày nay, con người đôi khi mãi chạy theo tham sân si mà quên mất hậu quả đến từ thân khẩu ý của mình. Vì vậy, đại dịch COVID-19 không chỉ biết đến như là một tác nhân gây ra cho nhân loại nhiều thiệt hại về tinh thần, vật chất và cả tính mạng, mà cần phải được nhận diện như là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những con người đang sống trong sự vô minh.
3. Tạm kết
Hình ảnh hoa mai trong nhà thiền là tượng trưng cho chân tâm của chúng sinh. Người ngửi được mùi hương hoa mai là đã tìm về và sống được với chân tâm của mình sau một hành trình vất vả cũng chỉ là do vô minh của chính mình. Chúng ta cũng đã và đang phải hứng chịu sự hoành hành của dịch bệnh cũng bởi do nghiệp của chính chúng ta đã tạo tác. Để được sống trong cuộc sống luôn yên bình và hạnh phúc, con người cần phải chăm sóc và tưới tắm cho tâm của chính mình, luôn xét lại bản thân qua mọi hành vi và ý niệm của mình, từ đó biết cách tự điều chỉnh. Có như thế con người mới có cơ hội chạm tới được tầng cao nhất của hương hoa mai.
Chú thích và Tài liệu tham khảo:
[1] Lê Mạnh Thát. 2006. Nghiên cứu Thiền uyển tập anh. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Phương Đông, tr.232-233.
[2] Thích Thanh Từ. 2007. Uyển đăng lục giảng giải. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp, tr.133.
[3] Thích Thanh Từ. 2015. Tam tổ Trúc Lâm giảng giải. Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.194.
[4] Thích Trí Tịnh (dịch). 2008. Kinh Pháp Hoa. Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.155-163.
[5] Thích Thanh Từ. 2017. Khóa hư lục giảng giải. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Văn hóa-Văn nghệ, tr.81.
[6] Thích Thông Phương. 2018. Mười bức tranh chăn trâu giảng giải. Hà Nội: Nxb. Hồng Đức.
[7] Lý Việt Dũng (dịch). 2013. Cảnh Đức truyền đăng lục, tập 1. Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, tr.643-644.
[8] United Nation. 2020. Human rights, the environment and COVID-19 key messages. Truy cập tại địa chỉ https://www.unep.org/resources/report/human-rights-environment-and-COVID-19-key-messages
[9] Barouki, R. và cộng sự. 2021. “The COVID-19 pandemic and global environmental change: Emerging research needs.” Environment International 146: 1-5.
[10] Marazziti, D. và cộng sự. 2021. “Climate change, environment pollution, COVID-19 pandemic and mental health.” Science of The Total Environment 773(15):1-15.
[11] Hương Thảo và Thu Hiến. 2021. “Ra giá tiêm vắc xin COVID-19.” Tuổi trẻ, ngày 18-8. Truy cập tại địa chỉ https://tuoitre.vn/ra-gia-tiem-vac-xin-COVID-19-20210818083946378
[12] Tường Vân và Bích Hạnh. “Công an TP. Hồ Chí Minh phá đường dây tiêm vaccine ‘dịch vụ’ cho 21 người, thu 60 triệu đồng.” Công an TP. Hồ Chí Minh, ngày 21-8. Truy cập tại địa chỉ https://congan.com.vn/vu-an/catp-bat-doi-tuong-rao-ban-suat-tiem-vaccine-COVID-19-tren-mang_118625.html
[13] Tuấn Minh. 2021. “Hàng ngàn người đi xe máy từ TP. HCM về quê được CSGT Thanh Hóa hỗ trợ dẫn đường.” Người Lao động, ngày 05-10. Truy cập tại địa chỉ https://nld.com.vn/thoi-su/hang-ngan-nguoi-di-xe-may-tu-tp-hcm-ve-que-duoc-csgt-thanh-hoa-ho-tro-dan-duong-20211005123254446.htm
[14] Cao Nguyên. 2021. “Trắng đêm phát nhu yếu phẩm cho hàng ngàn người về quê tránh dịch.” Người Lao động, ngày 02-8. Truy cập tại địa chỉ https://nld.com.vn/thoi-su/trang-dem-phat-nhu-yeu-pham-cho-hang-ngan-nguoi-ve-que-tranh-dich-20210802092510772.htm
[15] Nguyên Vũ. 2021. “Ấm áp bếp ăn Tường Nguyên.” Trang thông tin điện tử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Truy cập tại địa chỉ http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/am-ap-bep-an-tuong-nguyen-38882.html
[16] Phú Lữ và Nam Phạm. 2021. “Lan tỏa ‘ATM gạo’ giúp người dân vượt khó.” Công an Nhân dân Online, ngày 11-6. Truy cập tại địa chỉ https://dangcongsan.vn/xa-hoi/lan-toa-mo-hinh-atm-gao-cho-nguoi-ngheo-553120.html
[17] Nhật Bắc. 2021. “Hà Nội mở siêu thị 0 đồng, sẻ chia khó khăn với người dân.” Báo Điện tử Chính Phủ, ngày 02-8. Truy cập tại địa chỉ http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-dia-phuong/Ha-Noi-mo-sieu-thi-0-dong-se-chia-kho-khan-voi-nguoi-dan/440909.vgp
[18] Danh Trọng. 2021. “Tiếc thương những chiến sĩ công an hy sinh trong ‘cuộc chiến’ chống COVID-19.” Tuổi trẻ Online, ngày 19-8. Truy cập tại địa chỉ https://tuoitre.vn/tiec-thuong-nhung-chien-si-cong-an-hy-sinh-trong-cuoc-chien-chong-COVID-19-2021081913083336.htm
[19] Nguyễn Ly. 2021. “Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19: Sáng mãi những tấm gương quên thân vì cộng đồng.” Cổng thông tin điện tử của Công đoàn Việt Nam. Truy cập tại địa chỉ http://www.congdoan.vn/tin-tuc/thoi-su-487/tuong-niem-dong-bao-tu-vong-va-can-bo-chien-si-hy-sinh-trong-dai-dich-COVID-1919-sang-mai-nhung-tam-guong-quen-than-vi-cong-dong-602619.tld
[20] Nguyễn Lang. 2012. Việt Nam Phật giáo sử luận. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Phương Đông, tr.31.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm