Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 19/06/2021, 13:18 PM

Tinh thần nhập thế của Sư trưởng Như Thanh (I)

Sư trưởng Như Thanh thế danh là Nguyễn Thị Thao (1911 – 1999), sinh ra và lớn lên tại Gia Định, Hạt giống Bồ đề trong Sư trưởng đã âm thầm phát triển ngay từ nhỏ. Đến năm 22 tuổi, Sư trưởng xin xuất gia đầu Phật với Tổ Pháp Ấn (Chùa Phước Tường, Quận 9, Tp.HCM), pháp danh là Hồng Ẩn.

Trong bối cảnh Phật giáo không còn chỗ đứng trong xã hội sau những năm dài suy đồi hủ bại, Phật giáo cần phải chấn hưng, đổi mới để bắt nhịp với sự vận động, đổi thay với thời thế. Với ba phương châm lớn “giáo chế, giáo lý và giáo sản”, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với các đồng chí của mình như Hòa thượng Từ Phong, Hòa thượng Thiện Chiếu,… đã đẩy mạnh phong trào chấn hưng và đạt được những thành tựu nhất định, tạo tiền đề cho các phong trào chấn hưng Phật giáo trong cả nước và tinh thần dấn thân vì đạo về sau. Trong đó, phải kể đến sự góp sức không nhỏ của lực lượng chư Ni cả nước lúc bấy giờ. Và một trong những vị tiền bối Ni hoạt động mạnh mẽ nhất lịch sử Ni giới Việt Nam nói chung và Ni giới miền Nam nói riêng, chính là Sư trưởng Như Thanh, về sau được tôn vinh là ‘ngôi sao bắc đẩu’ trong hàng Ni giới Việt Nam.

Một cuộc đời vì đạo, vì tương lai cho hàng hậu hậu Ni lưu, vì những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống, Sư trưởng đã mang từng con chữ đến với dân nghèo; mang từng bữa ăn, liều thuốc đến với những người khó khăn, đói kém; dựng xây những mái nhà, tạo công ăn việc làm, dạy nghề… để dựng xây một đời sống vui tươi hơn với những éo le, bi thương trong cuộc sống. Sư trưởng chính là một tấm gương sáng rực rỡ cho đạo, cho đời để học theo và ngưỡng mộ.

Là hàng hậu bối, lại là con cháu Ni lưu, việc nghiên cứu và học tập theo những lời dạy của Sư trưởng, kế thừa và phát huy những tâm huyết mà Sư trưởng đã dày công tạo dựng là một vinh dự và nhiệm vụ tối cần thiết. Chúng ta hãy kính cẩn nghiêng mình cùng nhìn lại thật kỹ hành trạng của Sư trưởng, để tự thấy hổ thẹn cho chính bản thân ta trong hiện tại, từ đó cố gắng nỗ lực để không phụ lòng Sư trưởng đã cống hiến cả cuộc đời cho Đạo pháp.

Sư trưởng Như Thanh thế danh là Nguyễn Thị Thao (1911 – 1999), sinh ra và lớn lên tại Gia Định (nay là Tp.Thủ Đức).

Sư trưởng Như Thanh thế danh là Nguyễn Thị Thao (1911 – 1999), sinh ra và lớn lên tại Gia Định (nay là Tp.Thủ Đức).

Tinh thần nhập thế trong đạo Phật

Trong cuộc đời đức Phật, không một phút giây nào Ngài không “nhập thế”. Kể từ khi thành đạo dưới cây bồ đề năm 30 tuổi (theo Phật giáo Nam truyền là 35 tuổi), hóa độ năm anh em Kiều Trần Như lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, đến năm 80 tuổi tại Kushinagar trong khu rừng giữa hai cây Sa la, Ngài sắp nhập Niết bàn, vẫn hóa độ người đệ tử cuối cùng là Tu Bạt Đà La. Suốt 49 năm hoằng hóa (theo Phật giáo Nam truyền là 45 năm), hơn 300 hội thuyết pháp với hơn 3.000 bài kinh đã để lại, đi khắp các nước trong lưu vực sông Hằng để giáo hóa không ngừng nghỉ. Thời gian trong một ngày, đức Phật dành hết cho sự giáo hóa: Buổi sáng, Ngài khất thực gieo duyên, tạo phước cho chúng sinh; buổi trưa, Ngài thọ trai và chỉ giáo pháp cho Tăng chúng; buổi chiều, Ngài dành thời gian nói pháp cho phật tử; buổi khuya, Ngài dành cho sự thưa thỉnh từ chư Tăng; giữa đêm, Ngài nói pháp cho chư Thiên và chỉ dành vỏn vẹn một canh giờ cho việc nghỉ ngơi: “Canh cuối cùng trong đêm, từ hai giờ khuya đến sáu giờ sáng, được chia làm bốn phần. Trong phần đầu tiên, từ hai đến ba giờ, đức Phật đi kinh hành. Từ ba đến bốn giờ, Ngài nằm định thần, nghiêng về phía tay mặt. Từ bốn đến năm giờ, Ngài nhập Đại Bi Định (Mahā Karunā Samapatti), rải tâm từ khắp nơi và làm êm dịu tâm trí tất cả chúng sinh. Sau đó, Ngài quan sát thế gian bằng Phật nhãn, xem coi có thể tế độ ai.”[1] Qua đó, cho chúng ta thấy cuộc đời Ngài là một minh chứng cho một ‘Phật giáo nhập thế’ sinh động nhất.

Khi bắt đầu hình thành Tăng đoàn, đức Phật đã xác quyết chủ trương nhập thế bằng chính tuyên bố: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Chớ có đi hai người một chỗ.”[2] Từ đường hướng hành đạo như thế, trong cuộc đời thuyết pháp của Ngài, ngoài những bài pháp giúp các vị Tỳ kheo chứng thánh quả giải thoát, còn lại là những giáo pháp về đạo đức xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục… với những bài pháp cơ bản như kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt[3], kinh Ưu Bà Tắc[4].

Đặc biệt, tư tưởng đó về sau được chuyển hóa thành lý tưởng Bồ tát. Kết quả việc tu tập giải thoát chính là cái nhân đem lại lợi ích cho nhiều người, không luận là ai, tông phái nào, như Thiền tông Lục tổ Huệ Năng nói:

“Phật pháp tại thế gian

Bất ly thế gian giác

Ly thế mích Bồ đề

Kháp như cầu thố giác.”[5]

Còn ở Việt Nam, tinh thần đó được thể hiện qua “Nhậm vận tùy duyên của Thiền sư Vạn Hạnh, tinh thần ‘Hòa quang đồng trần’ của Tuệ Trung, tinh thần ‘Cư trần lạc đạo’ của Trần Nhân Tông trong thời đại Lý – Trần, tinh thần ‘Thiệt tế đại đạo’ của Thiền sư Liễu Quán thời Nguyễn, tinh thần ‘Cởi áo cà sa mặc chiến bào’ ở thời Pháp thuộc và gần đây nhất là tinh thần ‘Đạo Phật đi vào cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.”[6]

Qua đây, chúng ta có thể khẳng định “Phật giáo nhập thế” chẳng những xuất phát từ thời Phật mà chính Đức Phật là người đầu tiên thực hiện điều này. Điều đó được hiểu chính là sự dấn thân phụng sự, mang chân lý đạo đức vào cuộc đời, bằng mọi phương tiện nào đó xóa đi nỗi khổ niềm đau cho kiếp nhân sinh. Thiền sư Nhất Hạnh đã khái quát “Những nguyên lý của đạo Phật vào cuộc sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để cải biến cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ.”[7].

Ni Trưởng Như Thanh - Ngôi sao sáng trên bầu trời Ni giới Việt Nam

Sư trưởng đã cống hiến những tâm huyết bằng tất cả tâm từ bi, khiêm cung dành cho Đạo pháp và Dân tộc.

Sư trưởng đã cống hiến những tâm huyết bằng tất cả tâm từ bi, khiêm cung dành cho Đạo pháp và Dân tộc.

Cuộc đời và đạo nghiệp Sư trưởng Như Thanh

Sư trưởng Như Thanh thế danh là Nguyễn Thị Thao (1911 – 1999), sinh ra và lớn lên tại Gia Định (nay là Tp.Thủ Đức). Thân phụ là Tri huyện Nguyễn Minh Giác, nhà Nho – Y nổi tiếng đương thời, cũng là nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm. Thân mẫu là Đỗ Thị Gần, một hiền nội mẫu mực đảm đang, một người thâm tín Phật pháp… Thiếu thời, Sư trưởng học vỡ lòng bằng chữ Hán, sau học văn hóa theo chương trình Pháp. Tuy nhiên, do không ưa chuộng Tây học, nên Sư trưởng trở về gia đình, học Hán văn và giáo lý đạo Phật do thân phụ truyền dạy[8].

Hạt giống Bồ đề trong Sư trưởng đã âm thầm phát triển ngay từ nhỏ. Đến năm 22 tuổi, Sư trưởng xin xuất gia đầu Phật với Tổ Pháp Ấn (Chùa Phước Tường, Quận 9, Tp.HCM), pháp danh là Hồng Ẩn, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ. Với sự mong muốn thông hiểu giáo nghĩa uyên thâm của Đại thừa, Sư trưởng đã quyết tâm đi tham cầu học đạo với các bậc danh Tăng, danh Ni trên cả ba miền đất nước. Năm 23 tuổi (1933), Sư trưởng tham gia lớp học gia giáo tại Chùa Viên Giác (Bến Tre), Chùa Thiên Bửu (Bình Dương). Sau đó, Sư trưởng quyết tâm ra Huế tham vấn Phật pháp với Hòa thượng Mật Hiển qua các bộ kinh: Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Bát Nhã,… Tiếp đó, Sư trưởng vân du ra Bắc, học luật với Chư tôn đức tại chùa Trấn Quốc, chùa Bằng Sở. Năm 1941, trên đường về Nam, Sư trưởng đến chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định) cầu học với Quốc sư Phước Huệ qua bộ kinh Lăng Già Tâm Ấn[9].

Khi trở về Nam, Sư trưởng mở lớp luật dạy cho chư Ni tại Chùa Hội Sơn (1942), được mời làm Thiền chủ và giảng dạy giáo lý cho chư Ni tại Trường hạ Chùa Kim Sơn (Q.Phú Nhuận, Tp.HCM). Năm 1944, Sư trưởng được thỉnh làm Giới sư và đăng đàn thuyết pháp ở Đại giới đàn Ni tại Chùa Bình Quang (Phan Thiết). Tại Chùa Hội Sơn, Sư trưởng đã khai Trường hạ và dạy bộ Luật Tứ phần Tỳ kheo ni lược ký cho các giới tử. Khi bước vào con đường hoằng pháp, Sư trưởng đã khẳng định rằng: “Dù đời hay đạo, công việc giáo dục vẫn là sự nghiệp căn bản và thiết yếu trong vấn đề đào tạo con người, là nền mống vững chắc xây dựng xã hội, Đạo pháp tốt đẹp mai sau”[10]. Sư trưởng đã bắt tay vào công cuộc giáo dục bằng cách vận động Chư tôn đức Ni thuộc Ni bộ Bắc tông cùng nhau thành lập các cơ sở Phật học như: Phật học Ni viện Huê Lâm, Dược Sư, Từ Nghiêm, Diệu Quang, Diệu Đức, và các Ni viện như Hoa Quang, Từ Thuyền, Ưu Đàm, nhằm đào tạo Ni sinh qua các lớp Sơ đẳng, Trung đẳng chuyên về nội điển lẫn ngoại điển và Cao đẳng chuyên khoa[11].

Ngoài ra, Sư trưởng đã trước tác soạn thuật, dịch phẩm, thi phẩm để lại cho hàng hậu thế: “Sư trưởng đã trước tác và soạn thuật 13 tác phẩm, 06 dịch phẩm, 06 thi phẩm và chủ biên 02 tạp chí: Nhân Cách và Hoa Đàm”[12]. Bên cạnh đó, Người đã tu sửa và thành lập các tự viện cho Ni chúng tu học, tạo điều kiện và mở các cơ sở tự túc cho Ni chúng. Không chỉ lo lắng cho Ni chúng tu học, Sư trưởng còn tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội giúp cho trẻ em và người nghèo như: mở trường văn hóa, phòng thuốc, mở các lớp huấn nghệ…

Trải qua 60 năm, Sư trưởng đã tận tụy vì Đạo pháp và dân tộc. Cho đến cuối đời, Sư trưởng vẫn còn bao tâm nguyện chưa hoàn tất, nhưng Sư trưởng đã an ủi hàng đệ tử rằng: “Các con yên tâm. Thầy sẽ trở lại để tiếp tục chí nguyện. Thầy sẽ hoằng dương Thiền tông, sẽ dựng lập đạo tràng, Thiền viện cho Tăng Ni, tạo lập Cư Sĩ Lâm cho cư sĩ phật tử, mở mang Chính pháp tối thượng”[13].

Qua cuộc đời và sự nghiệp của Sư trưởng Như Thanh, chúng ta thấy được rằng Sư trưởng đã cống hiến những tâm huyết bằng tất cả tâm từ bi, khiêm cung dành cho Đạo pháp và Dân tộc. Dù đến cuối đời, khi quảy dép về Tây, Sư trưởng vẫn canh cánh trong lòng khi tâm nguyện chưa viên mãn. Là hàng đệ tử, chúng ta hãy noi gương tiếp nối và kế thừa, phát huy những di sản của Sư trưởng để lại hằng mong báo đền thâm ân, không chỉ vậy chúng ta phải tận tâm tận lực đưa Ni giới phát triển càng mạnh hơn để chứng tỏ được những đóng góp của Ni giới cho Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo thế giới nói chung.

Chú thích:

[1] https://phatgiao.org.vn/mot-ngay-cua-duc-phat-d40214.html. Truy cập ngày 23/3/2021.

[2] Thích Minh Châu dịch (1991), Tương Ưng I, Thiên Có Kệ, Chương IV. Tương Ưng Ác Ma, Phẩm Thứ Nhất, VNCPHVN, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 235.

[3] HT. Thích Minh Châu, (2016), Trường Bộ II, Kinh Giáo thọ Ca-thi-la-việt, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

[4] Tuệ Sĩ dịch (2013), Trung A Hàm III, Ưu-bà-tắc kinh, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.

[5] Thích Thiện Hoa dịch (1993), Kinh Pháp Bảo Đàn, Kệ Vô Tướng, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.

[6] NCS.TS. Phạm Hoài Phong (2020), “Phật giáo nhập thế ở Nam Bộ Việt Nam giá trị và thách thức” trong Phật giáo vùng Nam Bộ trong thế kỷ XX, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 195.

[7] Thích Nhất Hạnh (1964), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, tr. 4.

[8] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và đạo nghiệp, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 9.

[9] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sđd, tr. 9 – 10.

[10] Tài liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm.

[11] Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và đạo nghiệp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 170.

[12] NS.TS. Thích Nữ Như Nguyệt (2019), “Sư trưởng Như Thanh ảnh hưởng đến chư Ni thế hệ hậu học”, in trong Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa – phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 249.

[13] https://giacngo.vn/ty-kheo-ni-nhu-thanh-ngoi-sao-bac-dau-cua-ni-gioi-viet-nam-post7133.html. Truy cập ngày 25/3/2021.

(Còn tiếp)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển

Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024

Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.

Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y

Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024

Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.

Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”

Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024

Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.

Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết

Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024

Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.

Xem thêm