Tôn quý Ma-đăng-già chuyển hoá và Giác ngộ
Cách đây hơn 2.500 năm về trước, có một người con gái xinh đẹp, nhờ vào mối nhân duyên với ngài A-nan, nàng vô tình là nguyên nhân tạo nên bộ kinh chú để đời cho bất kỳ vị đệ tử Phật nào. Người ta gọi nàng là Ma-đăng-già nữ.
Đêm khuya thanh vắng tiếng chuông ngân
Nhẹ gót chân ai dưới bậc thềm
Lăng nghiêm kinh chú mong tỉnh thức
Xa nẻo mê lầm, nhớ cố nhân!
Cứ mỗi lần khi chuông chùa điểm nhẹ, ba giờ rưỡi sáng, như thường lệ, Tăng chúng trong chùa lại lên chánh điện công phu. Lời kinh chú Lăng nghiêm như xóa tan màn đêm u ám, đưa ta về với thực tại và lý tưởng cao đẹp của người xuất gia. Cách đây hơn 2.500 năm về trước, có một người con gái xinh đẹp, nhờ vào mối nhân duyên với ngài A-nan, nàng vô tình là nguyên nhân tạo nên bộ kinh chú để đời cho bất kỳ vị đệ tử Phật này. Người ta gọi nàng là Ma-đăng-già nữ.
Nhà thơ Xuân Diệu có nói rằng:
Người ta khổ vì thương không phải cách
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.
(Dại khờ)
Thật vậy, khi con người ta có một đối tượng để yêu thương, những gì xung quanh họ bỗng hóa vô hình, và khi cảm xúc yêu thương lên đến đỉnh điểm mà không được đáp trả, thì bản thân không còn làm chủ được nữa. Mọi nhận thức hay phản ứng đều mất kiểm soát. Thật đúng với hoàn cảnh của nàng Ma-đăng-già lúc đó. Nàng đã bất chấp mọi hệ lụy để quyết lòng lấy cho được Đức A-nan làm chồng, mà không từ mọi thủ đoạn, kể cả việc dùng thần chú mê hoặc lòng người.
Thế nhưng, người đời nay chỉ biết trách nàng và tôn ngài A-nan như một bậc Thánh, đối trước một người con gái đẹp lại chẳng mảy may động lòng. Nhưng mấy ai hiểu được, tất cả mọi chuyện trên đời đều có nguyên nhân của nó. Nếu cảm xúc chỉ nhất thời nông nổi trong hiện kiếp này thì liệu nàng có sâu sắc với ngài A-nan đến vậy? Và ngài A-Nan thực sự có rung động không hay chỉ dửng dưng vô cảm?
Tình cảm của nàng không có lỗi, lỗi ở đây là nàng mến chẳng nhằm người. Người nàng trót yêu thương lại là một Tỳ-kheo xuất gia đầu Phật, là người đi theo con đường giải thoát, không thể đáp trả tình cảm của nàng như bao người đàn ông thế tục. Ánh mắt quyến luyến và sự quan tâm của nàng, chắc hẳn ngài A-nan không quá vô tâm đến nỗi không nhận ra được. Nhưng nếu A-nan biết mà lại không mảy may xúc cảm và nàng Ma-đăng-già bớt một chút yêu thương, thì chắc có lẽ chúng ta đã không có kinh Lăng nghiêm như bây giờ.
Thật ra, câu chuyện của ngài A-nan còn là câu chuyện chung của hầu hết chúng ta. Là đệ tử Phật, mỗi chúng ta đang đi trên con đường lý tưởng với vô vàn thử thách, chông gai xoay quanh ba yếu tố danh, lợi, tình. Thế nhưng cái ải lớn nhất mà ai cũng khó lòng vượt qua đó chính là tình cảm.
Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào?
(Xuân Diệu - Bài thơ tuổi nhỏ)
Tuy đã yêu cuồng nhiệt như thế, nhưng kỳ tích đã đến với nàng khi được Đức Phật cảm hóa. Nàng đã nhìn ra hành vi của mình sẽ đem đến sự vướng bận cho ngài A-nan và đau khổ cho chính mình. Lời giáo huấn của Đức Thế Tôn như hồi chuông thức tỉnh, khiến nàng chuyển hóa từ tình yêu ích kỷ trong phút chốc hóa thành tình yêu lớn. Nàng đã giác ngộ và trở thành một trong những người bạn đồng hành với người nàng yêu, cùng nhau bước tiếp trên con đường lý tưởng mà ngài A-nan đã chọn. Một điều vô cùng đặc biệt là nàng lại chứng quả A-la-hán trước ngài A-nan, trở thành tấm gương cho Đức Phật răn đệ tử mình.
Thế mà ngày nay, khi chúng ta thấy có một người nữ phát sinh tình cảm với một người xuất gia thì lập tức buông lời: “Đúng là Ma-đăng-già phá hoại Phật pháp”. Oan cho nàng biết bao, muốn làm được như nàng, chiến thắng được ái dục của bản thân để trở thành một Thánh nữ, thử hỏi mấy ai làm được.
Lời phát nguyện của ngài A-nan lại hùng hồn khi ngài quay về thực tại. Ngài càng ca ngợi kinh chú Lăng nghiêm lại càng cho chúng ta cảm nhận thêm vẻ đẹp của nàng Ma-đăng-già chỉ trong một sát-na mà liền thấy tánh. Nàng đã làm được thứ mà người khác khó làm, buông được thứ mà người khác khó buông, lại còn là tác nhân chính góp phần cho kinh chú Lăng nghiêm ra đời. Thật công đức của nàng với người đời sau không thể nói hết được. Hãy tự hỏi lòng mình, mỗi chúng ta có phải cũng đã từng mang tâm trạng giống như nàng.
Người ta khổ vì cố chen ngõ chật
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.
(Dại khờ)
Điều này làm ta liên tưởng đến nhân vật Đường Tăng trong tác phẩm Tây du ký rất nổi tiếng của Ngô Thừa Ân. Khi ánh mắt đa tình từ nữ vương ở nước Nữ Nhi quốc vô tình chạm vào trái tim ngài, Đường Tăng đã thật sự bối rối và chỉ còn cách hẹn lại kiếp lai sinh với vị nữ vương xinh đẹp. Chỉ một chút nữa thôi, nếu như yêu nữ Đàn Tỳ Bà không xuất hiện và dùng pháp lực của mình cuốn Đường Tăng đi, chắc có lẽ mọi chuyện sẽ thuận theo luật tự nhiên của bản năng tạo hóa.
Giây phút tiễn đưa người trong mộng tiếp tục trên đường lý tưởng của mình, Đường Tăng đã không dưới ba lần ngoái đầu nhìn lại hình dáng người thương. Sự giải thích theo lối biểu tượng nhưng lại mang đầy ý nghĩa thực tế đã cho chúng ta thấy được tình cảm là thứ thật dễ để bắt đầu nhưng kết thúc lại quá khó khăn. Có phải chúng ta đã từng ngần ngừ không bước nổi vì rào cản của ái tình. Vì trên thế gian vô vàn người nhưng lại có một con người khiến chúng ta phân vân sẽ bước tiếp hay dừng lại trên con đường giác ngộ này. Đó cũng là thời khắc quan trọng để biết được đạo hạnh chúng ta có đủ dày để chiến thắng cảm xúc của chính mình hay không.
Thời hiện đại với đầy dẫy cám dỗ, công nghệ tiên tiến kéo thế giới gần lại với nhau hơn. Chiếc điện thoại thông minh ngày nay nối liền mọi khoảng cách. Những tin nhắn và những cuộc gọi với vô vàn lý do để có thể nối gần nhịp đập giữa hai trái tim. Khi thói quen cảm xúc đã ngự trị, thì mọi lý trí liệu có còn chỗ để phân định đúng sai. Chúng ta không thể cầu mong có một sự cứu nguy kịp thời như ngài A-nan, cũng không thể hy vọng được một yêu quái nào đó bắt đi nơi khác để tránh né cảm xúc nhất thời bùng vỡ.
Chúng ta cũng khó lòng tìm kiếm một người chỉ nghe vài lời giáo huấn đã trở thành một bậc Thánh nữ A-la-hán, không còn vướng bận buộc ràng. Chắc chắn rằng khi xảy ra chuyện như vậy, những “A-nan ngày nay” không thể đổ hết trách nhiệm cho một phía còn bản thân thì hoàn toàn vô tội. Cho nên, Ma-đăng-già đã tạo nên một câu chuyện đẹp, một kết thúc có hậu khi nàng buông bỏ mọi cảm xúc, để lại tiếng thơm cho muôn đời, thì đúng hay không khi ta gọi Ma-đăng-già là người chuyên lôi kéo hàng đệ tử Phật? Thật oan uổng cho nàng biết bao...
Yêu một người không phải sớm tối cận kề bên nhau, không phải trói buộc người kia theo ý của mình, cũng không phải là sự đòi hỏi mọi đáp ứng thỏa mãn cảm xúc của bản thân. Vì nếu một con người luôn theo sự sắp xếp của người khác thì sẽ không còn là chính mình. Người kia hoặc sẽ đáp trả tình cảm này vì ta mà từ bỏ tất cả, thì chính bản thân người đó sống cũng đã không còn ý nghĩa nữa. Vậy liệu ta có thật sự hạnh phúc khi người ta yêu đang đau khổ vì dở dang một ước mơ, một hoài bão, một lý tưởng mà vẫn gắng gượng để ở lại bên ta.
Tình cảm rồi cũng theo quy luật vô thường tự nhiên mà thay đổi theo từng cung bậc cảm xúc: rung cảm, tò mò, tìm hiểu, chinh phục đạt được, biết rõ và bình thường hoặc tệ hơn là chán ghét. Hạnh phúc là chấp nhận thực tại và buông xuống duyên khó buông. Càng chấp giữ những điều không thể lại càng khiến bản thân rơi vào sự đau khổ không lối thoát.
Nàng Ma-đăng-già nhận ra giá trị của yêu thương chính là thấu hiểu đối phương, và càng thấu hiểu hơn con đường giác ngộ thanh cao ấy. Bỏ đi cố chấp để cùng sánh bước trên con đường tấn tu đạo nghiệp, sự từ bỏ của nàng đã viết lên một cuộc tình đẹp mà thoát tục, lưu lại đến ngày nay.
Ma-đăng-già thân mến! Xin gửi đến nàng lời biết ơn sâu sắc, nàng chính là tấm gương của một con người dũng cảm, là biểu tượng của tình yêu cuồng nhiệt và cũng là biểu tượng của sự buông bỏ và hiến tặng. Tình yêu cuồng nhiệt ấy của nàng vô tình trở thành nguyên nhân chính để lại cho hàng đệ tử Phật một Pháp bảo giá trị.
Sự buông bỏ của nàng là minh chứng cho sự chiến thắng vẻ vang giữa thiên thần và ác quỷ ẩn tàng trong cảm xúc của một con người có trái tim, có hơi ấm, có thất tình lục dục, để cho hàng hậu học lại một lần nữa tin vào pháp Phật nhiệm mầu có công năng chuyển hóa mọi lầm mê, giữa con người của lý tưởng và con người trần tục từ phàm thành Thánh. Để cho chúng ta, những người Thích tử luôn tự nhắc nhở bản thân rằng:
Đường này đến thế gian
Đường kia đến Niết-bàn
Tỳ-kheo đệ tử Phật
Phải ý thức rõ ràng.
(Kinh Pháp cú, kệ 75)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Nguyện ước của mẹ
Góc nhìn Phật tử 17:59 31/10/2024Mẹ tôi lúc sinh tiền thường tỏ bày với con cháu 3 nguyện ước: 1. Trước khi chết, mẹ không bị bệnh hoạn phải làm khổ con cháu. 2. Ngày giỗ của mẹ, con cháu có mặt đông đủ. 3. Khi mẹ chết thì đem chôn chứ không hỏa táng.
Vì sao Phật và Bồ tát không còn giới nam hoặc giới nữ?
Góc nhìn Phật tử 10:35 31/10/2024“Bồ Tát không phải nam, cũng không phải nữ, Ngài ứng hiện vô số hoá thân để cứu độ chúng sinh tuỳ theo nỗi lời cầu nguyện” – Kinh Phổ Môn; cũng vậy, theo Tỳ kheo Thích Pháp Hoà: “Phật là bản tính giác ngộ chứ không phải tướng nam".
Truyện ngắn: “Vòng đời của chiếc lá”
Góc nhìn Phật tử 06:35 31/10/2024Mùa xuân, những chồi non hồng hào lại nhú lên thật tươi mát và đẹp đẽ. Hạ cánh trên một cành đầy nụ biếc, tôi bỗng nghe thật dịu dàng tiếng cây mẹ thô ráp, đen đúa, xù xì đang thầm trò chuyện với những chồi lá non tơ xinh xắn.
Xem thêm