Trong em, trong anh
Sài Gòn, những ngày gió bấc thổi về hiu hắt! Tùng mến! Tuần trước, lúc thư em gửi đến cũng là lúc anh vừa đặt chân xuống Bắc Kinh, chị trọ phòng đối diện gọi cho anh hay và giữ giúp.
Quyển Đường xưa mấy trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà anh gửi, em đọc đến đâu rồi? Hôm nay, trời Sài Gòn lạnh se sắt, cái nắng gay gắt quyện với cái lạnh se sắt áp vào da thịt con người dễ làm người ta động lòng với những điều dễ chịu. Cái lạnh hay ho len lỏi giữa cái xô bồ, chật chội và đọng chặt trong màng nhĩ con người.
Hà Nội dạo này chắc rét và hanh lắm? Trong cái rét cắt da của những ngày này năm trước, khi rảo bước trên con phố cổ dài và hẹp, em đã hỏi anh rất nhiều về “lòng sùng tín của anh”, theo cách nói của em. Anh nhớ chỉ trả lời đơn giản là cái anh có không gọi là “sùng tín” mà là “thâm tín” – thâm nhập để tin tưởng. Nghe ra thì hệt như đang nói xuôi cho qua chuyện. Thực, anh chỉ sợ nói không khéo lại làm rời rạc một tâm hồn đang lộn xộn.
Trong thư này, anh muốn kể em nghe một việc, ngắn thôi: Hôm ấy, cách đây không lâu, là một ngày nực nội đúng chất Sài Gòn, người ta im lặng, nhìn thẳng, lướt qua nhau, đôi lúc dùng tiếng còi vang lên bất chợt để thay tiếng nói. Hôm ấy một người bạn chung lớp đèo anh đến trường trên con đường vốn dài nay lại dài hơn vì kẹt kín những người. Hắn vốn là kẻ dường như vô thần, hắn sùng tín cái tôi vốn có của bản thân hơn là nghe ai đó bên ngoài nói gì. Nhưng lúc đi ngang ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám, ngay nơi đặt tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức, hắn lại cúi đầu rất sâu. Cái tắc nghẽn của Sài Gòn hệt như một cái cổ họng đang cứng lại vì đàm và sưng tấy, ai lại muốn nói gì lúc khó chịu đó chứ, nhưng giữa cái nóng bức, ồn ã ấy, anh lại thấy dễ chịu vì cái cúi đầu.
Bạn anh không khéo chạy xe, hắn rất dở việc qua đường. Lưỡng lự giữa loạt xe tranh nhau từng cm đường, bỗng có một chú chạy xe “ôm” công nghệ, dáng điệu rất khắc khổ phanh nhẹ thắng xe và vẫy tay ngỏ ý bảo xe anh qua. Anh hướng về chú, cúi đầu và mỉm cười, bạn chở anh vụt qua và ngoáy đầy nhìn lại, hắn cũng bất chợt mỉm cười. “Ông cúi đầu trước Bồ-tát vị pháp thiêu thân, tui cúi đầu trước Bồ-tát vì mình mà chịu cái nắng như thiêu, như đốt.” Anh vội giải thích.
Em biết không? Không phải tự nhiên mà hắn cho ra cái cúi đầu đó đâu và anh cũng thế! Từ rất nhỏ, anh đã biết những cái một đứa trẻ nhỏ vùng quê miền Tây nào cũng phải biết và đặc biệt là những điều do bà, do mẹ dạy. “Gặp người lớn con phải cúi đầu chào” là điều dường như được nhắc lại rất nhiều. Cái “lớn” ấy, anh hiểu theo kiểu rất riêng của anh, em cũng hiểu như vậy chứ? Chắc em cũng hiểu rất nhiều nên em chẳng hề thắc mắc khi một Phật tử rất ngoan đạo – theo cách nhận xét của em, lại cúi đầu trước Thập giá khi em dẫn anh tham quan các nhà thờ trong xóm đạo quê em.
Tùng! Anh đã kể em nghe câu chuyện về việc đức Dalai Lama trả lời một học giả nghiên cứu Thần học câu hỏi về Tôn giáo tốt nhất. Em chớ cười khi anh không trả lời được câu chuyện xảy ra ở đâu, thời gian nào, học giả tên gì,… Ôi, trí nhớ anh có hạn và những thông tin đó dường như hợp với tên chỉ quan tâm nội dung chính như anh. Nhưng em có đồng ý với câu trả lời của đức Dalai Lama không? Hẳn là rất tâm đắc, thay vì ngài nói là Phật giáo hay một tôn giáo nào đó có liên quan trực tiếp đến Phật giáo, nhỉ? Ngài không cố ý phô diễn trí tuệ và tài biện luận (dù trong vô tình nó đã thể hiện được một phần trí tuệ của ngài) nhưng đoan chắc cùng em, ngài đã nói bằng cả kinh nghiệm tu tập.
Thực sự, “đến để mà thấy” là một tiêu chuẩn rất quan trọng trong bất kì trường hợp nào khi mình muốn tìm tòi gì đó. Em nhớ bản kinh Kamala anh từng giới thiệu chứ? Anh thích đức Phật tỏa ánh sáng như kinh nói nhưng anh có thể tự mở đèn, anh thích kiểu đức Phật ngồi trên tòa sen bay khắp thế gian, nhưng anh cũng có con Honda cùn để bon bon khắp Sài Gòn, anh ngưỡng mộ cái tha tâm thông như chư Thánh tăng nhưng anh có thể ngồi xuống và lắng nghe trong im lặng để cảm nhận thật sâu sự khốn đốn của ai đó. Thế, anh thích gì từ đức Phật? Anh thích cái cách nhìn, cách hiểu “rất người nhưng không mắc vào những cái gá danh là con người” của đức Phật! Em thấy không? Thế gian này đẹp biết bao, là Địa đàng của em, là Tịnh độ của anh với ánh nhìn nhân bản nhưng chớ thêm thắt gì vào bản chất vốn không có tính lưỡng đoan của nó, chớ khen và đừng ghét.
Anh thương Sư phụ anh lắm, và anh cũng mến cha Tổng Sài Gòn nữa. Sư phụ, mà anh hay gọi thân thương là thầy, có cái dáng đi đẹp biết bao! Anh có thể ngồi ngắm dáng thầy đi cả ngày, và tức nhiên, tất cả dáng vẻ bình thường khác của thầy đều có thể rung động tâm hồn anh hơn bất kì chương trình giải trí nào trên truyền hình dù chúng nó phải quay đi quay lại rất nhiều. Anh cũng hay lắng im như một thiền sinh nghe hô chuông để nghe giọng cha Tổng chúc lành cuối mỗi thánh lễ “Chúa ở cùng anh, chị, em!” để đáp lời “Và ở cùng cha…”. Chúa là “người lớn” của cha, Phật là “người lớn” của thầy, và thầy và cha là “người lớn” của anh và em, nên là các vị là “người cực lớn” của mình, em nhỉ?
Anh chưa thấy Phật bằng xương bằng thịt, phóng hào quang suốt trần ai, phô tướng lưỡi rộng dài và dùng giọng phạm âm lảnh lót nói chân lí gì bao giờ. Nhưng anh vẫn tin đấy, vì anh thấy thầy bước đi, thầy nhìn anh và cười, thầy gọi tên anh và dạy việc rồi pha trò vài câu, kèm theo những điều mà có khắc vào xương anh chắc anh cũng thấy chưa vừa vặn. Anh tin thầy, thầy tin tổ và tổ tin Phật, một dòng chảy rất dài có tính lịch sử và giá trị thực của nó. Và chắc cả đời này anh cũng không cần Phật phô bày thần thông hiện ra trước mặt anh đâu vì cái anh cần từ ngài, anh đã có: chân lí. Vì “thâm chí chư Phật” nên “giai sung mãn”. Em đã thấy Chúa bao giờ chưa, em có tin ngài không?
Em biết không, anh tin Phật, vì anh tin tính Phật trong anh và anh cũng tin Chúa, vì anh thấy có Chúa trong em. Anh đặt mình trong bàn tay các ngài vì anh thấy bàn tay các ngài trong từng bước đi, tiếng nói của anh. Giữa cái cái ngút ngàn, vô tận của vụ trũ, anh và em chỉ như một dấu chấm giữa một thiên tiểu thuyết vĩ đại của Lev Tolstoy, nhưng ý nghĩa cuộc sống lại sinh ra từ cách lựa chọn vị trí đặt mình.
Dân Sài Gòn chịu lạnh khá dở, có chút hanh hao đã thấy nôn nao vì Tết, nhiều con người, nhiều lối sinh hoạt nhưng sống chung theo một lề lối, tạo nên một không khí rất riêng. Hôm nào có thời gian, vào đây anh chở em dạo một vòng, đến để mà thấy.
Thư này mến gửi đến em, kèm theo thư quyển sách thứ hai: Nghĩ về trái tim của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Em đọc và cho anh xin tí cảm nhận nhé. Chúc em luôn khỏe, bình an và vui vẻ với mỗi điều em gặp.
Mến,
Anh Duy!
(Thanh Duy)
*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Nguyễn Thanh Duy; Địa chỉ: 12c/4, đường Cây Keo, quận Tân Phú, Hồ Chí Minh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.
Xem thêm