Khổ đế là sự thật rõ ràng, là chân lý chắc chắn cho thấy tất cả nỗi khổ đau của mọi chúng sinh trên trần thế này đều phải gánh chịu, như sinh sống là có khổ, đau ốm là khổ, già nua là khổ, chết là khổ…
Những nỗi khổ ấy tràn ngập trên thế gian, trong cuộc sống của con người, của chúng sinh, làm cho chúng sinh chìm ngập trong nỗi khổ mênh mông của biển cả. Vì vậy, đức Phật thường ví cuộc đời là một biển khổ mênh mông.
Tập đế là chân lý chỉ rõ nguyên nhân, nguồn gốc của thực trạng đau khổ ở trần gian. Tập có nghĩa là nhóm lại, gộp lại. Vì vậy, Tập đế còn có nghĩa là tập hợp những lý do vì đâu có những nỗi khổ ấy.
Con người và chúng sinh nói chung thấy khổ, biết khổ trong cuộc đời của mình nhưng thực ra không biết được nguyên nhân sâu xa gây ra nỗi khổ của mình. Đức Phật đã chỉ rõ do vô mình che lấp nên người đời không nhận ra thực tướng của vạn vật mà cứ tham đắm chạy theo cái hư ảo nên tạo ra nghiệp. Đó là nguyên nhân của đau khổ.
Diệt đế là chân lý thực sự nói về cảnh giới tốt đẹp mà chúng sinh đạt được khi đã diệt trừ những nỗi khổ cùng những nguyên nhân gây ra đau khổ và được giải thoát.
Đó là sự chấm dứt khổ đau. Diệt tức là tịch diệt, nghĩa là không còn khổ lụy sinh tử luân hồi nữa. Khi đó liền chứng đắc được cảnh giới Niết Bàn (Hữu dư Niết Bàn). Khi xả bỏ huyễn thân, thân tứ đại không còn khi đó gọi là Vô dư Niết Bàn. Diệt đế hay còn được gọi là Niết Bàn.
Đạo đế là con đường, là phương pháp hữu hiệu để diệt trừ đau khổ. Đó là chân lý chỉ rõ con đường quyết định đi đến cảnh giới Niết Bàn. Nói một cách giản dị, đó là phương pháp tu hành để diệt khổ và được an vui.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Tứ Diệu Đế là nền tảng cốt lõi của giáo lý nhà Phật và do đó rất quan trọng. Thật ra nếu các bạn không có sự hiểu biết về Tứ Diệu Đế cũng như chưa tự mình thể nghiệm chân lý của lời dạy này thì các bạn sẽ không thể thực hành Phật Pháp…”
Trong xã hội hiện nay, hầu như ai cũng nhận biết được sự khổ nhưng lại không biết vì sao nó lại sinh ra. Bất cứ khi nào gặp chuyện gì khó khăn chúng ta chỉ biết ngửa mặt lên trời than trách: “Trời ơi, sao đời con khổ thế này?” chứ không bao giờ đi tìm nguyên nhân gây ra sự phiền não ấy.
May thay Đức Phật bằng trí tuệ siêu việt đã giúp ta thoát ra được sự vô minh ấy. Cuộc đời của Ngài ngay từ những năm tháng thơ ấu đã dạy cho chúng ta nhiều bài học quý giá.
“Một hôm, nhân ngày lễ Hạ điền, Thái tử theo vua cha ra đồng xem dân chúng cày cấy. Cảnh xuân, mới nhìn qua thật là đẹp mắt, nào là hoa lá tốt tươi, muôn chim đua hót, nào bầu trời quang đãng , gió xuân phơi phới. Cảnh tượng có vẻ thái lạc, an lạc lắm. Nhưng tâm hồn Thái tử không phải là một tâm hồn hời hợt, xét đoán một cách nông nổi.
Trái lại, Ngài nhìn sâu vào trong cảnh vật và đau đớn nhận thấy rằng cõi đời không đẹp đẽ, an vui như khi mới nhìn qua. Ngài thấy người nông phu và trâu bò làm việc một cách cực nhọc dưới ánh nắng thiêu đốt, để đổi lấy bát cơm, nắm cỏ. Chim chóc tranh nhau ăn tươi, nuốt sống côn trùng đang giãy giụa trên những luống đất mới cày.
Cũng trong lúc ấy, trong bụi rậm người thợ săn đang nhắm bắn những con chim kia, và trong khu rừng gần đấy, bọn hổ đang rình bắt người thợ săn. Thật là một cảnh tượng tương tàn tương sát, không phút giây nào ngừng! Chỉ vì miếng ăn để sống mà người và vật dùng đủ mọi phương kế để giết hại lẫn nhau không biết gớm. Ngài nhận thức rõ ràng sự sinh sống là khổ và sinh lòng thương xót. Ngài ngồi dưới tán cây, chiêm nghiệm về lẽ sống ở đời với trạng thái suy tư và dần đi vào thiền quán.
Một hôm khác, Ngài xin phép Vua cha đi dạo ngoài bốn cửa thành để được tiếp xúc với thần dân. Ra đến cửa Đông, Ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt mờ, tai điếc, lưng còng, nương gậy lần từng bước ngập ngừng như sắp ngã. Đến cửa Nam, Thái tử thấy một người đau nằm trên cỏ, đang khóc than rên siết, đau đớn vô cùng. Đến cửa Tây, Ngài trông thấy một cái thây chết nằm giữa đường, ruồi lằng bu bám và sình lên trông rất ghê tởm.
Ba cảnh khổ, già, đau, chết cộng thêm vào cái ấn tượng tương tàn trong cuộc sống mà Thái tử đã nhận thấy khi đi xem lễ cày ruộng làm cho Ngài đau buồn, thương xót chúng sinh vô cùng.
Một hôm khác nữa, Ngài ra cửa Bắc, gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tĩnh thản nhiên như người vô sự đi ngang qua đường. Thái tử thấy trong lòng nảy sinh một cảm mến đối với vị tu sĩ. Ngài vội vã đến chào mừng và hỏi về ích lợi của sự tu hành. Vị Sa môn đáp rằng: “Tôi tu hành là quyết bỏ dứt mọi sự ràng buộc của cõi đời, về cầu cho mình khỏi khổ và thành chính giác để phổ độ chúng sinh đều được giải thoát như mình”.
Lời giải đáp trúng với hoài bão mà Thái tử đang ấp ủ bấy lâu nên Ngài khôn xiết vui mừng. Ngài liền trở về cung xin Vua cha cho mình xuất gia. Vua Tịnh Phạn không nhận lời. Thái tử yêu cầu Vua cha bốn điều nếu vua giải quyết được thì Ngài hoãn việc đi tu, để trở lại chăm dân, trị nước. Bốn điều này là:
Làm sao cho con trẻ mãi không già
Làm sao cho con mạnh mãi không đau
Làm sao cho con sống hoài không chết
Làm sao cho mọi người hết khổ
Bốn điều này làm cho Vua cha bối rối, không giải quyết được điều nào cả”.
Và từ đây Thái tử quyết định giã từ ngai vàng để xuất gia, đi tìm cách thoát khỏi sự khổ.
Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mải theo đuổi những thứ sai lầm. Chúng ta vẫn luôn khao khát có nhiều tiền bạc, địa vị, danh vọng và tình ái… Coi chúng là những thứ cuộc đời cần có và theo đuổi. Nhưng nào có ai biết chính những thứ chúng ta coi là lý tưởng sống lại khiến chúng ta chìm đắm trong sự khổ đau.
Khi có đủ những thứ mong muốn, chúng ta sẽ sinh lòng tham, khao khát nó có nhiều thêm nữa. Chúng ta thường không bao giờ hài lòng với những gì đang có. Như một vị tu sĩ đã dạy: “Tấm bằng trên đời lớn nhất là bằng lòng. Bằng tiến sĩ, thạc sĩ và nhiều loại bằng nữa đều không thể sánh với loại bằng này”. Lòng tham của con người đúng là không đáy, chẳng có thứ gì có thể làm hài lòng chúng ta được.
Rồi từ lòng tham chúng ta sinh ra sự sân hận khi những thứ vật chất ấy bị lấy mất, tiếc nuối và sầu khổ. Mọi thứ cảm xúc tiêu cực cứ bủa vây chúng ta không dứt. Kiếp này nối tiếp kiếp khác không làm sao thoát ra khỏi cái vòng tròn của chữ khổ.
Nhìn thấu nỗi đau khổ của chúng sinh nên đức Phật đã trở thành một tấm gương để ta rọi vào đó nhìn thấu được cội nguồn của sự khổ đau. Có quán chiếu được nguyên nhân của sự đau khổ, ấy là chạy theo những thứ hư ảo thì chúng ta mới diệt trừ tận gốc được những thứ phiền não, khổ đau đang chứa ở trong tâm trí.
Tấm lòng của đức Phật thật không có từ ngữ nào có thể diễn tả được. Nếu Ngài cứ sống một cuộc đời bình yên và hạnh phúc riêng bên gia đình trong cung điện nguy nga thì chúng sinh sẽ mãi chìm trong vòng sinh tử luân hồi. Nhờ trí tuệ siêu việt, một tấm lòng yêu thương vô hạn cùng với một lý tưởng cao cả Ngài đã mang lại ánh sáng ấm áp và rực rỡ đến những không gian và vùng trời còn mù tối.
Diệu Âm Minh Tâm
-
Tham khảo bài viết: http://phatgiao.org.vn/tu-lieu/201401/Luoc-su-duc-Phat-Thich-Ca-Mau-Ni-Tu-Giang-sinh-den-thanh-ao-13179/