Tu hành cũng như làm ruộng
Nói đến cày ruộng, ta nhớ đến Kinh Samyutta tức là Tương Ưng Bộ, chương 1, kinh thứ 172. Kinh tương đương trong Hán tạng là Kinh Tạp A Hàm.
Kinh thứ 98 Tương Ưng Bộ ghi lại rằng: Một hôm Bụt đi khất thực với các thầy ở miền quê nước Kosala (Câu Tát La, tức là nước của Vua Ba Tư Nặc, nơi có vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc ở thủ đô Xá Vệ).
Hôm đó là ngày đầu mùa Xuân, các nhà nông đưa trâu ra cày ruộng. Có một vị Bà la môn tên Bhàradvāja (Ba La Đậu Bà Giá), là một chủ điền rất lớn. Ông đem theo tới 500 lưỡi cày, 500 con trâu và rất nhiều lực điền để cày ruộng. Đến giờ nghỉ trưa, họ mang cơm ra ăn. Giáo đoàn của Bụt đi ngang qua và các thầy dừng lại để khất thực. Ông Bà la môn đứng đậy chỉ trích: “Chúng tôi làm ruộng, chúng tôi có đất, có hạt giống, có cày, có bò, chúng tôi cày ruộng, bừa ruộng, gieo hạt giống, cấy mạ, vun bón rồi chúng tôi mới ăn. Các ông không có đất, không có cày, các ông không tưới, không làm gì hết mà các ông cũng đòi ăn là nghĩa làm sao? Bụt mỉm cười nói: “Thưa ông, có chứ, chúng tôi có đất, có hạt giống, chúng tôi có cày bừa, có trâu bò, chúng tôi có gieo hạt, chăm sóc và chúng tôi ăn”. Ông Bà la môn nói: “Thầy nói vậy làm sao tôi tin được. Đất của Thầy đâu, hạt giống của Thầy đâu, bò của Thầy đâu, cày của Thầy đâu mà Thầy dám nói rằng Thầy là người cày ruộng?” Bụt liền đọc một bài kệ như sau:
Đức tin là hạt giống
Công phu mưa phải thời
Chánh niệm là lưỡi cày
Tinh tấn là sức kéo
Cán cày là trí tuệ
Dây cột là ý căn
Rễ ách nạn nhổ lên
Quả Niết Bàn thu hoạch.
Như vậy có nghĩa tâm ta là đất ruộng, và những hạt giống mà ta gieo trên đó là hạt giống của đức tin, đức tin nơi Pháp môn của Bụt, nơi Giáo Pháp và nơi Tăng đoàn. Hạt giống đó cùng với đất tâm là vốn liếng của người làm ruộng tâm.
Kinh này cho ta thấy rằng tu hành cũng giống như làm ruộng. Khi tu tập, ta biết tâm mình là ruộng đất, chánh pháp là những hạt giống tốt và chánh niệm là lưỡi cày để phá đất. Chúng ta phải vun bón, phải chăm sóc thì mới có sự thu hoạch tình thương tức là có lòng từ bi. Có trí tuệ, có tình thương thì có vững chải và thảnh thơi, hai đặc tính của Niết Bàn. Vì vậy mà Bụt nói “Quả Niết Bàn thu hoạch”.
Theo truyền thống đạo Bụt Đại thừa, ta thường gọi tâm là đất. Tâm của chúng ta có nhiều tác dụng, nhưng thường thường chúng ta chỉ nói tới hai tác dụng chính của tâm. Tác dụng thứ nhất gọi là Tàng và tác dụng thứ hai gọi là Ý. Tâm có thể được tượng trưng bằng một vòng tròn với một dây cung chia vòng đó làm hai phần. Phần dưới tượng trưng cho tàng thức, phần trên tượng trưng cho ý thức.
Tàng ở đây là đất và đồng thời là những hạt giống. Những hạt giống dưới (tàng) có thể mọc lên thành hoa trái ở phía trên (ý). Nếu người làm ruộng phải làm việc với đất thì người tu phải làm việc với tàng thức. Nếu chỉ làm việc với ý thức thôi thì ta sẽ không thành công, vì ý thức chỉ là người làm ruộng còn tàng thức mới chính là đất. Tất cả những hạt giống đều nằm trong tàng thức và chính tàng thức mới cống hiến được những hoa trái của sự hiểu biết, của sự thương yêu, và của sự giác ngộ. Cho nên nếu ta không tu tập thì đất tâm sẽ đưa lên những quả khổ đau, giận hờn, vô minh, và kỳ thị. Vì vậy ý niệm đất rất là quan trọng vì đất luôn luôn cất giữ những hạt giống. Có đất là có hạt giống.
Nếu đã tụng Kinh Địa Tạng, chắc quí vị còn nhớ một câu trong bài tựa: “Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng”. Địa có nghĩa là vững chải, là sâu dày, và chứa đựng được rất nhiều; kiên là chắc chắn; hậu là dầy, là có chiều sâu, là chắc chắn. Tính chất thứ ba của đất là quảng hàng tàng. Quảng là rộng rãi, tàng là chứa đựng, quảng hàm tàng là có khả năng bao gồm và chứa đựng rất rộng rãi. Vì vậy chữ tàng thức rất có ý nghĩa: tàng thức là một cái thức chứa đủ tất cả các hạt giống, nó có tính cách vững chải và sâu dày. Hạt giống ở tàng thức có đủ loại: hạt giống xấu, hạt giống tốt, hạt giống của ma và hạt giống của Bụt. Hạt giống của khổ đau có mặt mà hạt giống của hạnh phúc cũng có mặt. Vì vậy tàng thức có khi được gọi là nhất thiết chủng thức, tức là cái tâm thức có đầy đủ tất cả các loại hạt giống.
Trong văn học Phật giáo, tâm có khi được ví với đất... Cái ý niệm đất là tâm là một ý niệm vô cùng tuyệt diệu, vì vậy cho nên ta có chữ tâm địa. Trong đất tâm, ta có đủ mọi hạt giống: hạt giống của gai góc, của tham giận, của si mê, của kiêu căng, của ganh tị... Nhưng trong tâm ta cũng có các hạt giống của hạnh phúc, của giác ngộ, của giải thoát, của sự tha thứ, của sự thương yêu...Tu học có nghĩa là phân biệt cho được những hạt giống đó để chuyển hóa những hạt giống xấu và tưới tẩm những hạt giống tốt.
Trích Hạnh phúc mộng và thực - Thiền sư Thích Nhất Hạnh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Thực hành thiền Phật giáo
Kiến thức 11:40 04/11/2024Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Ý nghĩa của việc tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật
Kiến thức 08:54 04/11/2024Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử của Ngài truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xem thêm