Tu hành đúng như pháp là tối thượng cúng dường
Trong công việc, đa số người thường mắc bệnh bắt chước, thấy người khác làm thì làm theo, mà không hiểu được ý nghĩa của việc mình làm, nên ít đạt kết quả tốt.
Thí dụ đơn giản như ta bắt chước lấy một khúc gỗ để làm một cái máy giống như máy truyền hình, nghĩ rằng sẽ xem được hình ảnh. Hình thức bên ngoài của cái máy giống nhau, nhưng dĩ nhiên tivi giả và thật, bên trong phải khác nhau và công dụng cũng khác xa.
Trên bước đường tu, cũng vậy, hình thức tu sĩ thì giống nhau, nhưng phần tâm linh tức đạo đức, tri thức, hay quả vị tu chứng của mỗi người hoàn toàn khác. Vì vậy, dẫn đến kết quả của pháp sự mà mỗi người thực hiện, tất nhiên cũng khác. Chính vì nguyên nhân chủ yếu là pháp hành đúng hay sai mới quyết định thành quả tốt hay xấu. Trên nền tảng ấy, Đức Phật đặt ra vấn đề tu hành đúng như pháp cho hàng đệ tử muốn nối tiếp đạo hạnh của Ngài.
Trong mùa Vu lan, chúng tôi nhắc nhở Tăng Ni Phật tử tinh thần đúng như pháp tu hành để quý vị ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của điều này, ngõ hầu ứng dụng trong việc cứu độ vong linh của người thân một cách tốt đẹp, lợi ích thực sự. Đức Phật dạy trong kinh Vu lan bồn rằng muốn cứu được thân bằng quyến thuộc đã quá vãng, chúng ta chọn ngày Tự tứ vì ngày ấy chư Tăng hoàn toàn trong sạch, thánh thiện, sau khi đã trải qua ba tháng tiến tu, kiểm điểm và loại bỏ được những sai lầm, tâm hồn hoàn toàn trong sáng, mới tác động được cho thần thức người chết chuyển hướng tốt đẹp.
Như vậy, theo Phật dạy không phải chỉ có hình thức cúng bái, nhưng phần chính yếu là nhờ thần lực của chư Tăng, tức khả năng siêu nhiên, mới có thể cứu độ siêu sanh những tâm hồn đau khổ.
Thật vậy, để làm công việc cảm hóa người chết, Đức Phật bảo chúng ta chọn người tu hành đã được bốn tòa đạo quả, tức từ Sơ quả Tu-đà-hoàn cho đến quả vị A-la-hán, đã chứng được bốn pháp là niềm tin, ý chí, nhẫn lực và trí tuệ. Những vị đã đắc pháp, đắc quả như vậy, họ dùng sở đắc ấy để cứu độ vong linh mới có kết quả.
Người chứng pháp Noãn có niềm tin trong sáng và vững chắc ở Đức Phật. Mặc dù chưa đắc đạo, nhưng niềm tin Phật mãnh liệt của họ cũng tạo thành lực tác động khiến cho người khác tin theo, hướng tâm về hình ảnh đạo đức, thánh thiện.
Thực tế, chúng ta thấy những bậc chân tu tụng kinh, lạy Phật, cầu nguyện bằng lòng chân thành, thì tâm trong sáng ấy làm cho chúng ta cũng xúc cảm theo. Từ sinh hoạt hiện thực này, chúng ta suy ra, biết được ảnh hưởng của đức tin bất hoại của vị chân tu sẽ truyền thông đến người chết ở thế giới vô hình và giải được vướng mắc của nghiệp thức cho vong hồn. Còn những người mà bản thân họ còn không tin Phật và kinh điển hay lời Phật dạy không dính líu gì đến cuộc sống của họ, thiết nghĩ dù họ có tụng bao nhiêu bộ kinh cũng chẳng thể chuyển hóa được tâm thức của oan hồn.
Hoặc người tu đắc được pháp Hỷ lạc ở mức độ cao, tạo được nguồn vui kỳ diệu trong nội giới thì người hữu duyên được dịp tiếp xúc cũng vui theo và đối với vong linh tiếp nhận được tâm hỷ lạc của họ truyền đến, chắc chắn sẽ xa rời được nỗi niềm uẩn khúc khổ đau.
Hoặc người đạt được nhẫn lực cao, không có bất cứ việc nào, người nào chi phối họ được. Tâm chí họ hướng thượng, có được tri thức và đạo đức vượt trội hơn mọi người, ở địa vị cao tột, tức đắc pháp Thế đệ nhất. Những bậc tu hành như vậy mới có khả năng chẳng những cảm hóa được người chết mà cả người sống cũng phải kính trọng họ.
Hoặc người trụ trong thiền định, bằng định tâm và huệ nhãn quan sát mới thấy được oan hồn uổng tử đang hiện hữu nơi đâu và có khả năng tháo gỡ mắt xích khổ đau vô cùng cho các oan hồn.
Hoặc hàng Bồ-tát đắc đạo, hiện thân lại nhân gian cứu đời. Chúng ta thỉnh cầu họ cứu độ ông bà tổ tiên mình. Tâm thành của ta mong được họ cứu giúp ứng với hạnh nguyện cứu khổ chúng sanh của Bồ-tát, nên các ngài hoan hỷ chú nguyện và vong linh nương nhờ đức độ ấy được siêu sanh. Qua kinh Vu lan bồn, chúng ta thấy rõ Đức Phật đưa ra những mẫu người tu hành từ Sơ quả cho đến hàng A-la-hán, Bích chi Phật, Bồ-tát đang trụ định hay kinh hành, sống trong pháp Phật hoặc đang giáo hóa chúng sanh. Và chỉ có hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát là bậc mô phạm, giới đức trang nghiêm thanh tịnh, trí tuệ siêu tuyệt, mới có khả năng cầu nguyện cứu độ vong linh và thay Phật cứu khổ ban vui cho người hiện hữu trên cuộc đời, là phước điền cho người cung kính cúng dường, gieo trồng phước báo.
Thật vậy, xưa kia, Đức Phật là bậc Toàn giác, Toàn trí cùng với hàng Thánh chúng hợp lực cầu nguyện, quán thấy bà Thanh Đề bị đọa vào loài ngạ quỷ và các ngài dùng thần lực chuyển hóa nghiệp thức của bà thác sanh về cõi Thiên cung.
Ngày nay, nếu chúng ta chưa được đạo quả nào, chưa thấy được lý duyên sanh, chưa biết vong hồn ở cảnh giới nào và sẽ thác sanh về đâu, tất nhiên không thể nào cứu thoát họ được.
Ý thức trình độ tu chứng và khả năng còn quá hạn hẹp của chúng ta, thiết nghĩ hàng Tăng sĩ cần nỗ lực hơn nữa trong việc thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, siêng tu Tam vô lậu học để đạt được những quả vị như Đức Phật đã quy định như trên, mới xứng đáng thọ lãnh sự cúng dường của hàng cư sĩ tại gia và có thể nhận lãnh trách nhiệm cứu độ vong linh mà họ tin cậy ủy thác cho chúng ta.
Ngoài ra, việc cúng dường của hàng cư sĩ còn đòi hỏi phải hợp thời thanh tịnh mới đạt được kết quả tốt. Cúng dường hợp thời thanh tịnh nghĩa là trước nhất, chư Tăng thọ lãnh cúng dường phải thanh tịnh, phải thuộc vào hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát đắc pháp, đắc quả như kinh đã nêu trên. Kế đến, người cúng dường phải sanh tâm kính trọng thực sự, tin tưởng hoàn toàn ở chư Tăng, không sanh tâm ý gì khác. Người thọ lãnh phước đức rộng lớn, xứng đáng nhận sự cung kính cúng dường và người cúng dường cũng rất hoan hỷ được cúng. Sau cùng là tài vật đem cúng được tạo ra một cách hợp pháp, không phải là của phi nghĩa. Có đầy đủ ba yếu tố này mới thành tựu pháp cúng dường. Tóm lại, muốn thực hiện pháp Vu lan đúng nghĩa Phật dạy, thay Phật cứu độ chúng sanh, hàng Tăng Ni cần đúng như pháp tu hành để đạt đến những đạo quả của Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, mới xứng đáng làm phước điền cho chúng sanh nương nhờ, làm cho Phật pháp cửu trụ ở Ta-bà. Thành tựu được như vậy, chúng ta đền trả được bốn ơn, cứu khổ được ba đường ác, là người khách quý mà chúng sanh hằng kính ngưỡng, mong chờ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đem tâm đời mà làm việc đạo
Phật giáo thường thức 20:32 27/01/2025Người đem tâm Đời (danh, lợi, sân, si v.v...) mà làm việc Đạo (làm các Phật sự) thì việc Đạo biến thành việc Đời.
Phật giáo là gì?
Phật giáo thường thức 15:16 27/01/2025Phật giáo dịch từ chữ Buddhasāsana: nghĩa là: lời giáo huấn của Ðức Phật, bằng ngôn ngữ Pāḷi, có ba loại:
Thân tâm thường an lạc
Phật giáo thường thức 13:30 27/01/2025Đề tài nói chuyện hôm nay là "Thân tâm thường an lạc". Như đã giới thiệu ở phần dẫn nhập, đây là câu chúc thiện lành, chúng ta thường nghe các Phật tử chúc lẫn nhau khi Xuân về Tết đến.
Ân đức giáo hóa vô thượng chúng sanh của Đức Thế Tôn
Phật giáo thường thức 09:00 27/01/2025Hỏi: Ân đức giáo hóa vô thượng chúng sanh của Đức Thế Tôn được biết đến ra sao?
Xem thêm