Thứ tư, 13/09/2023, 08:20 AM

‘Tu tại gia’ rõ ràng qua mắt GS Lê Thái Ất

Miền Nam trước đây, vào thập niên 1960, quý bạn nào ở lớp Đệ Nhị (Lớp 11 bây giờ) chắc chẳn phải học cuốn Công dân Giáo dục của Lê Thái Ất. Dĩ nhiên không phải học chơi (nhiệm ý) mà còn phải đi thi nữa. Rớt môn Công dân Giáo dục, thì lơ mơ bạn có thể rớt Tú Tài I như không.

Tiểu sử vắn tắt cho biết sau đó GS. Lê Thái Ất giảng dạy tại Đại học Vạn Hạnh và Học viện Quốc gia Hành chánh với môn Sọan Thảo Công Văn. Ít ai biết GS. Lê Thái Ất là một nhà học Phật uyên thâm, một vị cư sĩ lấy “nhà làm Chùa” cần mẫn tiến tu, lấy Niệm Phât Thập Yếu làm bản mệnh, phát huy hết tinh hoa của Phật học, làm tròn bổn phận của người chồng, người cha, tâm linh hướng thượng, mà vẫn chu tòan trách nhiệm của một công dân trong tinh thần “Cư trần lạc đạo” của Tuệ Trung Thượng Sĩ và Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Đầu năm nay 2010, Cát Tiên  (www.cattien.us) cho xuất bản cuốn Tu Tại Gia của ông. Sách được ra mắt vào lúc 2 giờ chiều ngày 17-4-2010 tại trụ sở Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ 1612 N. Spurgeon St. Santa Ana, CA 92701 ĐT: (714) 878-3739.

Mới thọat nhìn hoặc nghe nói về tựa đề chúng ta tưởng đó là một cuốn booklet (sách bỏ túi) mong mỏng, phát không ở các chùa, dạy Tam Quy, Ngũ Giới, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật…cho hàng Phật tử sơ cơ. Thế nhưng không phải vậy. Sách dày 527 trang, khổ 17cm x 24.5 cm, bìa láng, in trên mấy mỏng tiêu chuẩn in sách của Hoa Kỳ, dày cộm như một cuốn tự điển Webster.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đây là một cuốn sách tổng hợp hầu hết giáo lý của Đức Phật, giải thích tường tận, vừa trích dẫn lời của Chư Tổ để mọi người, mọi giới có thể thực hành tiến tu. Sách luận giải theo sự chứng ngộ của bản thân chứ không phải chỉ là chuyện “biên sọan” của một nhà nghiên cứu. Chỉ nội chuyện lễ Phật không thôi, tác giả diễn giải như sau “Thiếu động tác tâm linh, không thể gọi người đang hành lễ là đang lễ Phật được. Đó chỉ là hành động cơ bắp của người đang lễ cái tượng gỗ, tượng đất có tạc nặn lên hình Phật, lễ tờ giấy có in vẽ hình Phật. Trong khúc gỗ, khối đất hay tờ giấy làm gì có Phật, đó chỉ là biểu tượng pháp thân vô tướng của Phật, tương trưng cho đức tính của Phật mà người hành lễ đang nhiếp tâm cung kính niệm tưởng” (tr. 14). Đây chính là tinh thần “lễ kính chư Phật” của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát trong Pháp Hội Hoa Nghiêm.

Dưới đây tôi xin liệt kê phần Mục Lục để quy bạn thấy nội dung phong phú của sách Tu Tại Gia: Sách gồm 56 Chương: 1) Tu Phật 2) Thờ Phật 3) Học Phật 4) Năm Điều Khác Thường Ở Đức Phật 5) Phật Độ 6) Ma Sự 7) Sám Hối 8) Tự Tứ 9) Cư Sĩ Phật Giáo 10) Tam Quy Ngũ Giới 11) Thiền Định 12) Nam Mô A Di Đà Phật 13) Niệm Phật Thập Yếu. 14) Tam Pháp Ấn 15) Quán Một Chữ 16) Hoa Với Ông Già Quét Rác. 17) Từ Lời Kinh Đến Ý Kinh 18) Ly Tướng 19) Vô Tự Chân Kinh 20) Chân Ngã và Vọng Ngã 21) Vô Ngã 22) Tịnh Tâm 23) Niềm Tin 24) Đi Hành Hương 25) Tu Là Chuyển Nghiệp 26) Thệ Nguyện và Nhân Quả 27) Quả Báo 28) Người Tu Thành Phật 29) Tiến Tu Làm Người 30) Cuộc Sống Tâm Linh và Sinh Họat Tôn Giáo 31) Cúng Dường Tam Bảo 32) Hộ Niệm 33) Hộ Niệm 34) Nhất Tâm Niệm Phật 35) Quay Lại Cái Đầu 36) Làm Việc Thiện Có Đúng Có Sai 37) Thập Bát Giới 38) Chính Trị Trong Đạo Phật 39) Thời Gian Tu Tập Hành Trì 40) Chúng Ngộ 41) Tây Phương Cực Lạc và Đông Phương Diệu Hỉ 42) Thập Như Thị 43) Pháp Thân 44) Quán Niệm Như Lai 45) Quán Thân Bất Tịnh 46) Dĩ Hòa Vi Quý 47) Tùy Duyên 48) Trung Đạo 49) Cây Hồng Rụng Lá 50) Đạo Vợ Chồng 51) Đạo Làm Người 52) Ngẫm Xem Chính Mình 53) Bảy Hạng Vợ 54) Phương Đông 55) Giải Thóat và Phần Tổng Kết: Rủ Nhau Cùng Tu.

Tôi chỉ có thể điểm qua một vài mục trong cuốn sách:

a) Năm điều khác thường ở Đức Phật: Không ít người hiểu lầm Đức Phật là một Ông Thần (God) với quyền năng ban phúc giáng họa, có thể tạo ra con người thánh thiện nhất, nhưng cùng lúc lại tạo ra những con người hung ác, ghê tởm, có thể biến cát thành cơm, có thể gây ra động đất, cuồng phong, sóng thần, tạo ra chiến tranh, dịch họa chết cả triệu người...để trần thế sợ hãi mà lập đền đài thờ phượng, kính ngưỡng, van vái. Đức Phật là một con người bằng xương bằng thịt, cũng chịu sự chi phối của luật Sinh, Già, Bịnh, Chết. Tuy nhiên Đức Phật lại là con người khác thường. Theo tác giả, năm điều khác thường ở Đức Phât gồm có: 1) Có hành động khác thường: Dám bỏ tất cả.

2) Có nhãn quan khác thường: Không tin ở Thượng Đế mà chỉ tin ở Con Người.

3) Có tình thương khác thường: Thương khắp cả muôn loài.

4) Có nhận thức khác thường: Thấy cái Ta không thực.

5) Có sự sáng suốt khác thường: Vượt không gian và thời gian.(tr. 45). Những cái “khác thường” này ngay bậc đại trí thức không thể có, bậc vương giả không thể có, thậm chí tất cả các nhà đạo đức cũng không thể có…mà chỉ có được ở nơi “Bậc Đại Giác” tức Các Đức Phật mà thôi.

b) Ma sự: Ma ở đây không phải là Con Ma sống vất vưởng ở nghĩa trang hay trong các căn nhà cổ hoặc lâu đài hoang phế. Và chắc chắn cũng không phải các hành động của Ma Giáo trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung,  mà “trong Phật học từ ngữ Ma chỉ kẻ nào, điều nào, pháp nào có tác động làm náo lọan tâm thần, ngăn trở pháp lành, cướp của cái nền công đức và phá mạng vận nền trí tuệ.” (tr. 58) Do đó danh từ Bố Ma dùng để chỉ bậc tu hành đã đọan trừ phiền não, ẩn dụ Ma Chướng cũng phải sợ mà lánh xa. Đó là các bậc A La Hán. Vậy thì quý ông bà nào không hiểu Đạo Phật xin chớ có suy diễn bậy bạ để nói rằng Đạo Phật sao bàn chuyện Ma nhiều quá. Ngày nay do xã hội phát triển quá nhanh, xì ke ma túy, cờ bạc, rượu chè, nhậu nhẹt say sưa là Ma Chướng làm khổ con người đã đành mà… ngay chính Internet cũng trở thành “Ma Chướng” làm náo lọan tâm trí con người. Một ngày không biết bao thứ rác rưởi tràn ngập vào nhà rồi chui vào đầu, khiến “tẩu hỏa nhập ma”  rồi phát cuồng, viết bậy, chửi bậy. Thậm chí bóng đá, football cũng đang trở thành “Ma Chướng” khi người ta tán gia bại sản chỉ vì cá độ, thậm chí thanh niên gây bạo lọan, đập phá khi đội bóng của quốc gia mình thua v.v…

c) Tam Pháp Ấn: Đây là sinh mạng, là cốt tủy, là kính chiếu yêu để “để chứng nhận đích thực là chánh pháp. Đạo Phật có Tam Pháp Ấn: Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn. Giáo lý nào không mang ba dấu chứng đó thì không phải là chánh pháp của Đạo Phật, không đúng với ý Phật truyền dạy đạo giải thóat cứu độ chúng sinh.” (tr.155). Nhận biết về Tam Pháp Ấn rất quan trọng cho hàng Phật tử vì ngày nay ma mặc áo Phật nổi lên khắp nơi. Hạng ma này miệng nói Phật nhưng hành tà đạo. Họ kiến trúc Tự Ngã, tô bồi cho Cái Tôi, phá giới hoặc không giữ giới, tham lam tiền bạc của cải, sống buông thả nhưng lại nói là phá chấp, không câu nệ v..v..

d) Hoa với ông già quét rác: Đây là một bài thơ Thiền 5 chữ, gồm bảy đọan của tác giả đối thọai với hoa nhưng thực chất là “tự thức, tự giác trong khi nội quán” (tr.168) trong đó có những đọan như sau:

Đang nở hoa là hoa

Lúc tàn hoa là rác

Khi cánh rơi lác đác

Theo gió bay gần xa

* * *

Hoa đẹp? Tại người khen

Hoa tàn? Tại người tiếc

Tự Hoa, Hoa không biết

Kiêu hãnh lẫn ưu phiền

Ý thơ giống như một bài kệ tụng.

e) Hành hương: Tác giả ca ngợi sự hành hương của người Phật tử, chẳng hạn như chảy Chùa Hương (Nam Thiên Đệ Nhất Động). Tuy nhiên theo tác giả “ Kẻ hành hương hư giả chỉ đi du ngọan cảnh chùa, nhìn thấy tượng Phật ở phương vị khách du lịch, đến thăm chùa, viếng Phật như đến thăm viện bảo tàng, viện khảo cổ, đến thăm phòng triển lãm tài liệu, di tích văn hóa tôn giáo …” mà tâm tình hành hương phải là “ như người con từ xa trở về nhà ở của cha mình để thăm đấng phụ thân.” (tr. 232). Hành hương với Tâm Ý thành kính như thế này thì chỉ cần một chuyến không thôi cũng bằng tu cả đời.

f) Chính trị trong Đạo Phật: Người Phật tử tại gia có thể là Vua, tổng thống, thủ tướng, đại biểu quốc hội, binh sĩ, nhân viên cảnh sát, giám thị trại cải huấn, có thể là thương buôn, thể tháo gia, văn nghệ sĩ, giáo sư đại học, lãnh tụ một đảng phái…Dĩ nhiên họ cần phải sống và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ Quốc. Họ có thể phải tham gia chính trị để đưa ra những chính sách tốt đẹp cho đất nước. Theo tác giả và cũng là luận điểm của Trung Dung, Khổng Tử thì “Chánh trị là xếp đặt việc điều hành trong nước hay tại một địa phương cho cuộc sống của người dân hợp với lẽ phải, có an ninh trật tự và đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân.” (tr.345) Vậy thì người Phật tử phải quan niệm “làm chính trị” như thế nào? Theo tác giả thì “cứu cánh của Phật giáo là cứu khổ độ sanh, chính trị chỉ là phương tiện phục vụ tất cả mọi người. Đây chính là Chánh Nghiệp (trong Bát Chánh Đạo), đó cũng là đề tài Vương Đạo Trong Đạo Phật.” (tr.346) Tác giả cũng hài ra 10 Phương Châm Phật Dạy Trong Việc Trị Quốc An Dân gọi là Mahàsammato.

g) Tây Phương Cực Lạc và Đông Phương Diệu Hỉ: Tây Phương Cực Lạc là thế giới của Phật A Di Đà là Cõi Tịnh Độ không còn ô uế, phiền não, không còn phải kham nhẫn chịu đựng như cõi Ta Bà. Cõi Đông Phương Diệu Hỉ là cõi Vô Động, diễn ý không còn vọng động của Phật A Súc. Chúng sinh cõi Ta Bà (cõi thế này) nên phát nguyện sanh về hai cõi trên khi mệnh chung. (tr. 377)

h) Đạo vợ chồng: Đây là một chủ đề hết sức quan trọng. Ngày nay, do chủ nghĩa cá nhân phóng túng bành trướng, do cơ khí, kỹ nghệ điện tử phát triển quá mức, cái gì cũng “ tòan cầu hóa” cho nên những gương xấu, do phim ảnh, truyền hình, báo chí, Internet, điện thọai viễn liên đã truyền đi rất nhanh. Nền tảng cổ truyền của tiểu gia đình bao gồm vợ chồng và con cái đang có nguy cơ đổ vỡ trầm trọng. Gia đình không còn là sự kết hợp giữa Nam và Nữ với thiên chức xây dựng một tế bào quan trọng của xã hội, sinh con đẻ cái để duy trì sự tồn tại của con người và tiếp nối nhu cầu thăng hoa rồi tiến tới hòan thiện. Hôn nhân ngày hôm nay còn là sự kết hợp giữa người cùng phái. Và ngay cả đối với một cặp nam-nữ nó cũng đã trở thành một phương tiện để thỏa mãn dục tính, chán rồi lại bỏ chứ không còn keo sơn gắn bó, thắm đượm tình nghĩa, chia ngọt xẻ bùi, sướng khổ có nhau cùng dìu nhau đi hết đọan đường đời, cho đến  răng long đầu bạc. Vậy thì chúng ta phải làm sao đây? Là một người học luật tác giả đã tổng hợp quan niệm chính yếu của hôn nhân như sau “Hôn nhân là một Khế Ước, hôn nhân là một Định Chế Xã Hội và hôn nhân là một lẽ đương nhiên của Đạo Lý. “(tr. 471 & 472). Cùng lúc, là người học Phật, tác giả đã trích dẫn lời Phật dạy để nói về đạo vợ chồng, nghĩa phu thê như sau “ Chồng đối với vợ có bổn phận: Tôn trọng, yêu thương và trung thành, giao cho vợ và giúp vợ mọi cách để làm tròn chức năng tề gia như cung ứng đầy đủ phương tiện và quyền hạn tương xứng với chức năng đảm nhiệm, thỉnh thoảng nên tặng quà hay nữ trang. Còn vợ đối với chồng có bổn phận: Tận tụy lo tề gia, yêu thương và trung thành, can đảm và khéo léo trong cách cư xử giao dịch với họ hàng bên chồng, bạn bè chồng, bảo vệ tài sản của gia đình.” ( tr. 472) Vậy thì rõ ràng Đức Phật là một lương y tùy bệnh cho thuốc. Đối với hàng Phật tử tại gia - tức Ưu Bà Di và Ưu Bà Tắc, Đức Phật dạy về các bổn phận để vợ chồng sống hòa thuận, tốt đẹp và vun bồi cho cuộc sống và tương lai. Còn đối với các bậc Thượng Sĩ muốn theo Thánh Đạo, Phật mới khuyên từ bỏ Ái-Dục để đạt cảnh giới siêu thóat. Vì Đạo Phật bị Thực Dân, Đế Quốc xuyên tạc, bóp méo trong nhiều thế kỷ cho nên không ít người hiểu lầm Đạo Phật chủ trương tiêu diệt cuộc sống và hủy bỏ nền tảng gia đình.

i) Ngẫm xem chính mình: Đây là dòng sinh mệnh của Đạo Phật. Đạo Phật không hướng ngọai mà hướng nội. Đạo Phật không nhìn lên Trời mà nhìn vào Tâm mình. Đạo Phật không cầu xin Thần Linh (God) ban bố cho sự sáng suốt, sự thanh tịnh và giải thóat. Là Phật tử mà cứ lăng xăng tìm kiếm ở bên ngòai là đang tu một đạo khác chứ không phải tu Phật. Tinh hoa của Đạo Phật là ở chỗ đó. Sự độc đáo của Phật Giáo là ở chỗ đó. Nếu cứ lăng xăng dựa vào Thần Linh thì lỡ thần linh buồn, ta cũng phải buồn theo sao? Nếu Thần Linh phẫn nộ, ta cũng phải phẫn nộ à? Giả sử Thần Linh đi ngủ thì chúng ta phải làm sao đây? Cái Chân Tâm có sẵn ở trong người, chẳng phải tìm đâu xa. Điều này chư Tổ đã nói qua rất nhiều thuật ngữ như: Trực Chỉ Nhân Tâm, Phản Quang Hồi Chiếu, Thiền Quán...Chính vì quán triệt điều này cho nên tác giả viết “ Ở cương vị người con Phật tu tại gia, chúng ta tự chọn cho mình một phương thức thực hành bài học Ngẫm Xem Chính Mình: Mỗi ngày hãy tự xét cả Ba Nghiệp (Thân-Khâu-Ý) mình, làm những gì, nói những gì và nghĩ những gì, nhằm làm điều lành, tránh điều dữ.” (tr. 503) Để nói rõ thêm đọan này chúng ta có thể đọc bài kệ tụng của Hương Hải Thiền Sư đời Vua Lê Dụ Tông:

(**)                            

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan

Thẩm sát tư duy tử tế khan

Mạc giáo mộng trung tầm tri thức

Tương lai diện thượng đổ sư nhan

Dịch nghĩa:

Mỗi ngày đều xem xét lại chính mình

Suy nghĩ cho thật kỹ

Đừng tìm tri thức (đạo) trong mơ mộng

Sẽ thấy một ngày nào đó ông thầy hiện ngay trên đầu mình.

Lời kết: Dĩ nhiên tôi không thể giới thiệu hết từng chi tiết, từng cái hay, cái đẹp của cuốn sách dày 527 trang mà chỉ có thể nói rằng đây là một cuốn sách biên sọan bởi một nhà trí thức kiên trì tu hành tại gia,  nay đã ở lứa tuổi ngòai 80, không ngòai mục đích để “báo đáp hồng ân Chư Phật”. Nó là cuốn cẩm nang mà hàng Phật tử tại gia cần có, cần đọc và khi từ giã Cõi Ta Bà này có thể để lại cho con cháu tiếp tục lưu giữ và tiến tu. Nếu “Bố thí pháp là cúng dường chư Phật” thì với cuốn sách này, GS Lê Thái Ất đã góp phần không nhỏ vào việc hoằng dương Chánh Pháp và giúp chúng ta một lần nữa củng cố niềm tin nơi Chư Phật, Chư Tổ và hiểu một cách rõ ràng, minh bạch Đạo Phật như thế nào. Rất nhiều người, nhiều tổ chức đã nói xấu và bóp méo Đạo Phật cho nên chúng ta một lần nữa cần mượn lời của Hương Hải Thiền sư nói rằng “Chúng sinh mê mờ Đạo Phật chứ Đạo Phật không bao giờ mê mờ chúng sinh.” Trên cương vị khiêm tốn của hàng cư sĩ, vẫn phải gắn chặt với cuộc đời, chúng ta cố gắng phấn đấu để trở thành một người chồng, người vợ tốt, một đứa con hiếu thảo, một người bạn tốt, một láng giềng tốt, một lãnh đạo nhân đức, một chính trị gia lương hảo, một nhà báo ngay thẳng, một thương gia làm ăn buôn bán thật thà, một công dân gương mẫu, một bậc thày tận tụy, một học sinh ngoan ngõan. Để rồi khi đã thành công với đời thì giúp người nghèo khó và bớt chút của cải cúng dường chư Tăng/Ni, hộ pháp…thì đất nước này, thế giới này tốt lành và an vui biết là bao nhiêu. Lời giáo hóa của Đức Phật, của chư vị Bồ Tát cho hàng Đại Sĩ thì bao la nhưng dành cho hàng cư sĩ tu tại gia chỉ có vậy. 

Chú thích:

(*) GS. Lê Thái Ất từ trần năm 2013 hưởng thọ 86 tuổi.

(**) Vua Lê Dụ Tông là vị vua thuấn nhuần Đạo Phật, ngài thường xuyên vấn hỏi đạo nơi Hương Hải Thiền  Sư. Hài cốt của Vua vừa mới được di chuyển từ Viện Bảo Tàng Hà Nội về an táng tại Thanh Hóa, quê cha đất tổ của dòng họ Lê vào ngày 25-1-2010.

Thiện Quả Đào Văn Bình

(California ngày 08-4-2010)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cuốn sách sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc

Sách Phật giáo 17:16 18/12/2024

Cuốn sách “Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, đã khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, đồng thời khẳng định những giá trị của Phật giáo.

Tu không phải để thành tiên, thành Phật

Sách Phật giáo 09:31 12/12/2024

Sách “Con đường chuyển hóa” tập trung vào cách để mọi người tu tâm và tu trí - hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật.

Thiền như một Phật tử

Sách Phật giáo 10:07 11/12/2024

Vì sao những doanh nhân, người nổi tiếng gần đây lựa chọn thiền? Họ không nhất thiết là tín đồ Phật giáo, thiền vẫn tuôn chảy vào cuộc sống, giúp họ quét sạch tâm trí và cân bằng cảm xúc.

Thượng toạ Thích Đức Thiện đồng chủ biên sách về Phật giáo

Sách Phật giáo 09:31 08/12/2024

Sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay" do Thượng toạ Thích Đức Thiện và thạc sĩ Nguyễn Thái Bình đồng chủ biên, góp phần đánh giá những đóng góp của Phật giáo với sự phát triển dân tộc từ thời nhà Lý.

Xem thêm