Từ thiện xã hội và triết thuyết 'Từ bi, cứu khổ' của Phật giáo
Đạo Phật luôn đề cao lòng từ bi, nhân ái. Từ khi truyền vào Việt Nam, tinh thần cứu khổ cứu nạn của đức Phật được phát huy rộng rãi ở một quốc gia bị nhiều cuộc chiến tranh tàn phá, thiên tai thường xuyên gây hại.
> Chư Tăng Ni và Phật tử tích cực làm từ thiện đầu năm
Với tư tưởng từ bi, bác ái, vô ngã, vị tha, Phật giáo Ấn Độ đã dễ dàng thâm nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Phật giáo Ấn Độ được tiếp biến vào văn hóa Việt Nam từ hai con đường Nam Á một cách khá trực tiếp và Đông Bắc Á thông qua các thiền phái Trung Hoa. Các giáo lý Phật giáo ấy cùng với nhân cách các nhà sư đã tạo nên sự gần gũi giữa Phật giáo và người dân. Bằng thuyết nhân quả luân hồi, ở hiền gặp lành, Phật giáo khuyến thiện, trừ ác, hiếu với cha mẹ, tôn kính người trên, không tham lam, mong quốc thái, dân an, hòa bình, hạnh phúc.
Phật giáo đã góp phần nâng cao đời sống đạo đức xã hội. Nhân dân ta đã tiếp biến Phật giáo như một yếu tố tâm lý làm cân bằng cuộc sống vốn khốn khó của mình. Phật giáo đã củng cố và phát triển các giá trị đạo đức trong nền văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Từ khi Thiền tông ra đời ở Trung Quốc và bắt đầu có ảnh hưởng sâu rộng ra các vùng lân bang, ở Việt Nam các Phật phái đã hình thành và phát triển như Tỳ ni đa lưu chi, Vô Ngôn Thông, Thiền Thảo Đường và sau này là phái Trúc Lâm tuy thuộc thiền Nam tông nhưng vẫn có dấu ấn Phật giáo Trung Quốc.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, thường xuyên bị thiên tai tàn phá, chiến tranh liên miên. Do vậy, đời sống người dân vô cùng khổ cực vì phải thường xuyên gồng mình chống chọi với sự tàn phá của thiên tai, sự xâm lược của nhiều thế lực ngoại bang. Khi vào Việt Nam, tinh thần vì chúng sinh của Phật giáo nhanh chóng hòa quyện cùng những triết lý sống của dân tộc Việt: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”,… Hay thậm chí là: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”.
Đạo Phật luôn đề cao lòng từ bi, nhân ái. Từ khi truyền vào Việt Nam, tinh thần cứu khổ cứu nạn của đức Phật được phát huy rộng rãi ở một quốc gia bị nhiều cuộc chiến tranh tàn phá, thiên tai thường xuyên gây hại. Đây là nguyên nhân quan trọng giúp cho Phật giáo gắn bó keo sơn và đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam qua những dặm dài lịch sử. Ngày nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đã đạt được một số thành tựu bước đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, ngày càng có nhiều vấn đề xã hội bức xúc nổi lên như tình trạng di cư ồ ạt vào các đô thị lớn, môi trường bị tàn phá, nghèo đói và thất nghiệp ở nông thôn, bệnh dịch cũ và mới diễn biến phức tạp, tệ nạn xã hội gia tăng mạnh, học sinh bỏ học, phân cực giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội cũng đang trên đà tăng tốc…
Các vấn đề xã hội này đang trở thành thách thức cho nước ta hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Phật giáo phải làm gì trước tình hình đó để giúp đỡ và làm chỗ dựa cho những cảnh đời khốn khó, bị tổn thương? Nếu thực hiện tốt, Phật giáo sẽ góp phần hỗ trợ cùng Nhà nước và các tổ chức xã hội khác thực hiện tốt an sinh và đảm bảo công bằng xã hội. Thiết nghĩ, đây còn là cơ duyên quan trọng để Phật giáo Việt Nam gắn kết hơn nữa với sự phát triển của dân tộc trước mắt và tương lai.
Nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới dành nửa tài sản để làm từ thiện
Cùng với Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo đã Việt hóa góp phần to lớn hình thành những giá trị đạo đức cho nhân cách văn hóa dân tộc giàu lòng nhân ái, yêu thương con người, sống có tình nghĩa thủy chung, giản dị và tiết kiệm. Lòng nhân ái là một giá trị đạo đức trong văn hóa tinh thần truyền thống Việt Nam. Nhân ái nghĩa là yêu thương con người. Lòng nhân ái được hình thành và phát triển trong văn hóa Việt Nam chính từ cuộc sống vất vả lam lũ hàng ngày. Nhân dân cảm thấy thương mình và thương những người cùng cảnh ngộ với mình. Trong lúc khó khăn, hoạn nạn ấy, chính tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau đã giúp họ vượt qua hoàn cảnh thực tại. Vì vậy, lòng yêu thương con người “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” từ lâu đã trở thành nếp nghĩ, cách ứng xử, triết lý sống của con người Việt Nam. Người Việt thường “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “xả thân thành nhân”, yêu nước trước rồi đến yêu nhà sau, thương người trước, thương mình sau.
Trong lối sống, người Việt khoan dung cho mọi “kẻ chạy lại” và coi trọng gìn giữ sự hòa hiếu. Nhân cách văn hóa Việt Nam yêu cái đúng, ghét cái sai, quý trọng cái tốt, căm ghét cái vô đạo đức và đặc biệt người Việt có cảm xúc về cái đẹp vô cùng sâu sắc. Các đức tính này đều được cổ vũ từ các giáo lý từ bi, bác ái, vị tha của đạo Phật. Chính vì vậy mà có nhận định: Trong giai đoạn Phật giáo là hệ tư tưởng thống trị, nó đã góp phần đưa lại cho giai cấp cầm quyền một đường lối trị quốc có nhiều điểm tiến bộ. Đó là thái độ khoan dung, độ lượng, chia sẻ và cảm thông chung, có thái độ sống hướng đến tha nhân, vì tha nhân. Bởi thế, từ trước đến nay, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nhập thế hành đạo, thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ những mảnh đời trong xã hội không may gặp khốn khó và bất hạnh.
10 khoản quyên góp từ thiện lớn nhất năm 2019
Các tư tưởng giác ngộ và giác tha khuyên mỗi người ăn hiền ở lành, cố gắng liên tục và thường xuyên hãy tự nhận thức và nhận ra cho được bản tính chân thực và siêu nghiệm của bản thân. Trong triết lý Phật giáo, tri thức tìm về bản thân là tri thức tối cao của một nhân cách văn hóa để trước hết là giác ngộ. Hãy nhận thức cho được quy luật của trời đất, sống tiết dục để vượt qua bến mê cập bờ giác ngộ. Phật giáo đã khám phá ra quy luật Sinh, lão, bệnh, tử của cuộc đời. Vì vô minh nên cứ chấp trước về cái ngã. Thuyết Niết bàn của Phật giáo hướng mọi nhân cách văn hóa giải thoát khỏi vô minh, ngã chấp, duyên nghiệp. Do tu luyện tinh thần và đạo đức mà con người trở nên có phẩm giá được xã hội yêu thương, kính trọng.
Trong giáo lý của đức Phật, Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ) là con đường dẫn đến sự giác ngộ, mà điều đầu tiên phải thực hiện được là thực hành bố thí. Ngoài ra, giáo lý Phật giáo cũng quan niệm con người cần có lòng từ, bi, hỉ, xả (Tứ vô lượng tâm), đây là nhân tố chủ yếu giúp phát triển tâm từ bi, hạnh cứu khổ, đưa đến việc định hướng cho mọi hoạt động của Phật giáo cho con người và vì con người. Trong kinh Dược sư, khi ngài A Nan hỏi bằng cách nào để thoát khỏi những tai nạn, đức Phật trả lời: “Nếu có chúng hữu tình nào ăn ở bất hiếu, ngũ nghịch, hủy nhục ngôi Tam Bảo, phá hoại phép vua tôi, hủy phạm điều cấm giới thì vua Diêm Ma pháp vương tùy tội nặng nhẹ mà hành phạt. Vì thế ta khuyên chúng hữu tình nên thắp đèn làm phan, phóng sanh, tu phước khiến khỏi được các tai ách, khỏi gặp những tai nạn”.
Như vậy, trong quan niệm của Phật giáo, những việc làm như phóng sanh, tu phước, làm việc thiện chính là con đường để giúp con người có được một cuộc sống bình an, thoát khỏi tai họa. Ngoài ra, các kinh Khuyến phát Bồ đề Tâm văn, Diệu pháp Liên Hoa kinh,… đều nhắc đến tinh thần vô ngã, vị tha, tức khuyên con người sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết thể hiện lòng nhân ái của mình đến với người khác.
Trong kinh Diệu pháp Liên Hoa, - một bộ kinh quan trọng của Phật giáo – có đoạn: “Dẫu cho tạo tội hơn núi cả/chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng”, đã đề cập đến công đức của người phát tâm từ bi giúp chúng sinh: “Nếu Thiện nam tử! Thiện nữ nhơn thành tựu bốn pháp, thời sau khi Như Lai diệt độ sẽ đặng kinh Pháp Hoa này: Một là được các đức Phật hộ niệm, hai là trồng các cội công đức, ba là trong chánh định, bốn là phát lòng cứu tất cả chúng sanh”. Như vậy, theo kinh này, khi con người hành thiện, làm công đức sẽ có được kinh Pháp Hoa để hướng dẫn tu tập và giải thoát. Tư tưởng hành thiện vì chúng sinh được lặp lại khi một học giả Trung Quốc hỏi vị thiền sư về cốt tủy của đạo Phật là gì và đã được nhà sư ấy trả lời như sau: “Làm điều thiện/không làm điều ác/thanh lọc tâm ý/đó là lời Phật dạy”.
Dành cả thanh xuân để làm từ thiện
Hoạt động từ thiện xã hội không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của tín đồ Phật giáo mà còn là một biểu hiện quan trọng chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Ở góc nhìn Tôn giáo học, chức năng hỗ trợ xã hội được hiểu: “Dù ít hay nhiều, con người thường phải đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, thất bại, thiên tai, bệnh tật,… cái chết của những những người thân thuộc, yêu quí và cái chết của chính bản thân mình. Trong những lúc như thế, cuộc sống con người rất dễ bị tổn thương và trở nên vô nghĩa, niềm tin tôn giáo giúp cho con người khó bị rơi vào tuyệt vọng hơn.
Một số tôn giáo còn cung cấp cho con người những biện pháp cầu nguyện, cúng bái thần linh với niềm tin rằng những việc làm như vậy sẽ giúp cải thiện được tình hình”. Ở đây, chức năng này của tôn giáo không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ con người bằng các liệu pháp tinh thần như cúng bái, cầu nguyện, tin tưởng,… mà còn biểu hiện thông qua những hành động mang tính thực tiễn, nổi bật là sự hỗ trợ vật chất của các tôn giáo trong hoạt động hành đạo. Không chỉ có Phật giáo, các tôn giáo lớn trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng cũng thể hiện rõ nét điều này.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm